Phân biệt tội tổ chức đánh bạc với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 47 - 49)

Trên thực tế, các vi phạm hành chính và tội phạm cờ bạc là hiện tượng diễn ra phổ biến, có sức thu hút không nhỏ đối với nhiều bộ phận dân cư. Lợi dụng sự ham mê này, đã diễn ra thực trạng một số đối tượng lợi dụng cờ bạc, sử dụng các mánh khóe, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của các đối tượng tham gia. Các đối tượng tham gia có thể bị xử lý hành chính hoặc hình sự về hành vi đánh bạc, riêng đối với hành vi của đối tượng dùng thủ đoạn gian dối tùy trường hợp cụ thể có thể cấu thành tội tổ chức đánh bạc hoặc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các hành vi này xét về hình thức dường như thỏa mãn các dấu hiệu pháp lý tội tổ chức đánh bạc, nhưng chỉ khi xem xét kĩ về hành vi gian dối chúng ta mới có thể xác định được tội danh mà người phạm tội sẽ bị xét xử.

Khoảng 14h ngày 03.03.2006, một tổ công tác Đội Cảnh sát hình sự công an quận BĐ bất ngờ kiểm tra nhà của Nguyễn Văn T bắt quả tang 18 con bạc đang sát phạt nhau bằng hình thức xóc đĩa, thu trên chiếu bạc 17,510,000đ và nhiều tài sản, tư trang khác. Khi kiểm tra phòng bên cạnh chiếu bạc, các chiến sĩ công an phát hiện T đang sử dụng dụng cụ điện tử được gắn sẵn trong dụng cụ đánh bạc trong sới bạc. Các chiến sĩ công an thu giữ 02 màn hình, 02 ổ rung và 03 bàn phím báo rung cùng nhiều thiết bị điện tử khác phục vụ cho việc điều chỉnh kết quả đánh bạc.

Cùng xem xét về hành vi của Nguyễn Văn T, có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, T phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do tên này đã có hành vi dùng thủ đoạn gian dối, khiến các đối tượng tham gia tưởng giả thành thật, từ đó chiếm đoạt tài sản của các đối tượng này. Quan điểm thứ hai xếp hành vi của T vào tội tổ chức đánh bạc do T đã có các hành vi sắp xếp địa điểm, cung cấp các phương tiện, công cụ cho các đối tượng khác đánh bạc. Cũng theo quan điểm này, T không thể phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ hành vi

lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản hợp pháp của cá nhân, người tham gia đánh bạc đã có hành vi vi phạm pháp luật, do đó tài sản họ đưa vào không thể được coi là tài sản hợp pháp, cùng với đó chuyện gian dối trong cờ bạc là đương nhiên.

Để làm rõ được T đã phạm tội gì trong trường hợp trên, ta cần đi vào tìm hiểu những điểm khác biệt giữa hai loại tội phạm cụ thể này.

Về khách thể, tội tổ chức đánh bạc xâm phạm tới trật tự xã hội (tác động thông qua việc làm biến đổi xử sự bình thường của con người), tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản xâm phạm tới quyền sở hữu tài sản (tác động thông qua việc làm thay đổi tình trạng bình thường của tài sản: chiếm đoạt tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân).

Về mặt khách quan, tội tổ chức đánh bạc thể hiện ở hành vi chủ mưu (sắp đặt địa điểm, cung cấp công cụ đánh bạc,…), rủ rê, lôi kéo, kích động các đối tượng khác tham gia đánh bạc. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thể hiện ở hành vi dùng thủ đoạn gian dối làm cho người có tài sản tưởng giả thành thật nên tự nguyện giao tài sản cho người có hành vi gian dối. Nói cách khác, hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm hai hành vi: hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản. Hành vi gian dối là điều kiện, tiền đề để thực hiện hành vi chiếm đoạt, và ngược lại chiếm đoạt là kết quả của hành vi gian dối.

Trong trường hợp trên, T đã có hành vi gian dối, thể hiện qua việc sắp đặt trước các dụng cụ điện tử để điều chỉnh kết quả đánh bạc. Hành vi này của T nhằm tới việc chiếm đoạt tài sản của các đối tượng tham gia đánh bạc. Việc tổ chức đánh bạc ở đây là được xem là thủ đoạn để thực hiện mục đích chiếm đoạt tài sản của T.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn áp dụng một số qui định của Bộ luật hình sự của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đánh bạc được hiểu là nhiều người tham gia thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật, không qui định “có hành vi gian dối”. Cần phải hiểu đánh bạc là quá trình những người tham gia chơi bạc với nhau trên cơ sở sòng phẳng, sát phạt lẫn nhau để giành phần thắng. Hành vi gian dối có thể có ở đây, nhưng hành vi, thủ đoạn gian dối này phải phát sinh trong trong quá trình chơi

chứ không phải có sự chuẩn bị, sắp xếp từ trước. Ở đây, T đã có sự chuẩn bị sắp xếp chu đáo từ trước bằng cách bố trí các thiết bị điện tử, là các công cụ để T thực hiện hành vi gian dối, từ đó thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của các con bạc. Hành vi này của T thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu về hành vi khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Xem xét tới dấu hiệu khách thể, đương nhiên pháp luật không bảo vệ các hành vi pháp luật. Tuy vậy, nếu tài sản các đối tượng tham gia chơi đưa vào đánh bạc có nguồn gốc hợp pháp thuộc về họ, thì khi xem xét về hành vi gian dối của T, chúng ta cần nhìn nhận rằng, ở đây, T đã có ý thức chính hướng tới “cuốn hút” các tài sản đang tồn tại ở dạng sở hữu hợp pháp của các đối tượng vào chiếu bạc để chiếm đoạt, mà không đặt cao mục đích hưởng lợi qua việc tổ chức cho các đối tượng này chơi bạc. Như vậy hành vi của T xét đến cùng chính là hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản hợp pháp của cá nhân. Còn đối với các con bạc, việc tham gia đánh bạc là hoàn toàn dựa trên ý chí tự nguyện, do đó đối với các đối tượng này, họ là người có lỗi khi chuyển các tài sản từ dạng hợp pháp, được pháp luật bảo vệ sang dạng tài sản phục vụ cho hành vi vi phạm và không được pháp luật bảo vệ. Vì lý do này mà quyền sở hữu đối với các tài sản đó sẽ không được phục hồi.

Từ các phân tích trên chúng ta kết luận được T đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà không phải tội tội tổ chức đánh bạc.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 47 - 49)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w