Phân biệt tội tổ chức đánh bạc với tội gá bạc

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 44 - 47)

Trong hiện trạng các tội về cờ bạc nước ta, tội gá bạc tuy thấp hơn hai tội danh còn lại về mức độ phổ biến, nhưng xét về lượng, số các án gá bạc xét xử trên thực tế là không hề nhỏ. Mặt khác, các đối tượng khi tổ chức đánh bạc thường kèm theo hành vi thu tiền hồ của các con bạc, đây cũng chính là một lợi ích vật chất mà hầu hết các đối tượng tổ chức đều hướng vào và đặt ra khi quyết định thực hiện hành vi phạm tội. Chúng ta cũng có thể thấy nhà làm luật đã đặt hai tội trong cùng một Điều luật, với các khung hình phạt cho từng điều khoản giống nhau, thể hiện tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội tương đồng của

hai hành vi, nên việc phân biệt chúng là cần thiết, có ý nghĩa thiết thực cả về lý luận và thực tiễn.

Hai tội phạm này tuy cùng thuộc nhóm các tội cờ bạc, được qui định trong cùng một Điều luật nhưng xét về các dấu hiệu pháp lí trong cấu thành tội phạm chúng có một số điểm khác nhau cơ bản.

Xét trong mặt khách quan, hành vi tổ chức là hành vi chủ mưu, rủ rê, lôi kéo, kích động người khác tham gia đánh bạc, hành vi gá bạc là hành vi người phạm tội sử dụng (cho thuê hoặc cho mượn) địa điểm thuộc quyền quản lý của mình làm nơi đánh bạc nhằm thu lời. Trên thực tế rất dễ có sự nhầm lẫn do hành vi tổ chức thường bao gồm cả hành vi bố trí địa điểm, giống với hành vi gá bạc. Tuy vậy, hành vi bố trí địa điểm chỉ là một trong nhiều hành vi khác của người phạm tội tổ chức như cung cấp các công cụ đánh bạc, tụ tập các đối tượng, trong khi hành vi gá bạc chỉ chủ yếu bao gồm hành vi sử dụng địa điểm để vụ đánh bạc diễn ra. Hành vi tổ chức thể hiện tính chủ động của chủ thể cao hơn hẳn so với hành vi chỉ cho sử dụng địa điểm đánh bạc để thu lời.

Xét trong mặt chủ quan, ta có thể phân biệt được hai tội phạm này qua dấu hiệu động cơ phạm tội. Người phạm tội gá bạc luôn gắn việc cho người đánh bạc sử dụng địa điểm của mình với mong muốn thu lời. Trong thực tế, việc thu lời thường được người gá bạc thể hiện qua hành vi thu tiền hồ, tiền phế của các con bạc đến chơi, hoặc trong một số trường hợp cũng có thể thông qua các “dịch vụ đi kèm” như cho trông giữ phương tiện, bán đồ ăn uống, cho vay lãi, thậm chí là bán dâm để các đối tượng “giải đen”,… Đối với loại tội phạm này dấu hiệu động cơ vụ lợi là bắt buộc, những trường hợp có hành vi cho người khác sử dụng địa điểm để đánh bạc mà không nhằm thu lời (nể nang, quen biết mà cho đánh nhờ) thì không bị xử lý theo tội danh gá bạc. Còn đối với tội tổ chức đánh bạc, động cơ vụ lợi không phải dấu hiệu bắt buộc khi định tội.

Trên thực tế, các đối tượng khi tổ chức đánh bạc cũng đều nhằm tới mục đích thu được các lợi ích vật chất, chưa hề xảy ra trường hợp nào mà đối tượng thực hiện hành vi này chỉ nhằm để thõa mãn cảm giác được là người tổ chức, hay là tội phạm và qua mặt được công an. Tuy vậy, động cơ này lại không mang

ý nghĩa quyêt định đến tính chất nguy hiểm của hành vi, trong khi động cơ vụ lợi đã làm thay đổi đáng kể tính nguy hại cho xã hội của hành vi cho sử dụng địa điểm đánh bạc theo chiều hướng làm tăng lên tính chất này. Do vậy mà chỉ có thể xếp một hành vi vào tội danh gá bạc khi thỏa mãn dấu hiệu động cơ vụ lợi.

Khoảng 13h30 ngày 30.05.2005, công an phường Trương Định bắt quả tang tại cửa hàng sửa chữa xe máy của Đoàn Minh T tại 176 Trương Định, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội một số đối tượng đang chơi sóc đĩa. Theo lời khai của T: vào cuối tháng 5.2005, Tú đã 3 lần để các đối tượng đánh bạc không quen biết vào cửa hàng xe máy của Tú để chơi xóc đĩa. Dụng cụ đánh bạc T dùng để cung cấp gồm có bát đĩa, bài vị. T không thu tiền hồ, tiền phế, ai đánh bạc thắng thì cho T tiền. Đến lần thứ 4 ngày 30.05.2005 khi Tú để các đối tượng vào đánh bạc thì bị công an bắt giữ, riêng lần này T chưa nhận tiền thắng bạc của ai. Bản án hình sự sơ thẩm số 72/2006/HSST ngày 27.02.2006 của Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng tuyên Đoàn Minh T phạm tội “Tổ chức đánh bạc”.

Có quan điểm cho rằng Tòa án quận Hai Bà Trưng tuyên án như vậy là không đúng tội danh, hành vi của T phải được xét xử về tội gá bạc, do ở đây T chỉ có hành vi cho sử dụng địa điểm để các đối tượng khác đánh bạc mà không thực hiện có hành vi tổ chức các cuộc đánh bạc đó.

Trong vụ án này, hành vi sử dụng địa điểm do mình quản lý là cửa hàng xe máy cho để các đối tượng khác đánh bạc của T đã rõ ràng, giống với hành vi khách quan được mô tả trong cấu thành tội gá bạc, T thực hiện nó với động cơ vụ lợi (do có được các lợi ích vật chất từ người thắng bạc mà cho sử dụng cửa hàng, hoàn toàn không phải do nể nang vì các đối tượng này T hoàn toàn không quen biết). Tuy vậy, Tòa án quận Hai Bà Trưng tuyên án như vậy là hoàn toàn đúng người đúng tội, bởi lý do:

Trong vụ án này, ngoài hành vi cho sử dụng địa điểm, T còn thực hiện hành vi cung cấp các công cụ phục vụ cho việc đánh bạc (các bát đĩa, bài vị). Như vậy, có thể thấy ở đây, hành vi cho sử dụng địa điểm chỉ là một bộ phận nằm trong các hành vi khác tổ chức cuộc đánh bạc của T. Hành vi này không đứng riêng rẽ, độc lập mà cùng với hành vi cung cấp công cụ đánh bạc để tạo

thành hành vi tổ chức đánh bạc. Do vậy, nếu chỉ xét độc lập hành vi cho sử dụng địa điểm sẽ không đánh giá được đúng tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mà cần coi chúng là một trong các hoạt động cấu thành nên hành vi tổ chức đánh bạc.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 44 - 47)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w