Chủ thể của tội tổ chức đánh bạc

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 32 - 38)

Tội phạm theo Điều 8 Bộ luật hình sự Việt Nam là hành vi nguy hiểm cho xã hội và hành vi này phải do con người cụ thể thực hiện, người này có thể được gọi là chủ thể của tội phạm. Không phải mọi con người cụ thể đó đều trở thành chủ thể của tội phạm, điều này chỉ có thể đúng khi họ có đủ điều kiện để có lỗi khi thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội.

Người có đủ điều kiện để có lỗi, để có trở thành chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt được độ tuổi theo luật định.

Năng lực trách nhiệm hình sự là năng lực nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi thực hiện và năng lực điều khiển được hành vi theo đòi hỏi tất yếu của xã hội (khả năng kiềm chế được hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện và khả năng lựa chọn xử sự khác không nguy hiểm cho xã hội).

Theo đó, nguời thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc được xác định là có năng lực trách nhiệm hình sự tại thời điểm thực hiện hành vi nếu ở thời điểm đó họ nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội (tính xâm phạm đến trật tự xã hội) của hành vi mà họ thực hiện, đồng thời, có khả năng điều khiển được hành vi đó theo hướng phù hợp với đòi hỏi của xã hội (không thực hiện hành vi cờ bạc).

Những trường hợp không thỏa mãn các dấu hiệu nêu trên được xác định là người không có năng lực trách nhiệm hình sự. Đây là những trường hợp mà người thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác mà người thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc không nhận thức được ý nghĩa xã hội của hành vi, hoặc tuy họ nhận thức được điều này nhưng không có khả năng điều khiển hành vi của bản thân theo hướng đáp ứng các đòi hỏi của xã hội. Trong các trường hợp này, người có các biểu hiện hình thức của hành vi tô chức đánh bạc không được coi là chủ thể của tội phạm này.

Bên cạnh điều kiện này, chủ thể tội tổ chức đánh bạc còn phải đáp ứng được điều kiện về độ tuổi luật định.

“1.Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội

phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”

Điều 249 qui định hành vi phạm tội tổ chức đánh bạc theo hai khoản. Tại khoản một, hành vi này có thể bị xử phạt với mức cao nhất của khung hình phạt là năm năm tù. Hành vi theo mô tả của khoản này (cấu thành cơ bản) là tội phạm nghiêm trọng, do đó độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 16 tuổi trở lên. Tại khoản hai, mức hình phạt cao nhất có thể áp dụng là muời năm tù, hành vi nguy hiểm cho xã hội thuộc khoản này (cấu thành tăng nặng) là tội phạm rất nghiêm trọng, tuổi chịu trách nhiệm hình sự là từ 14 tuổi trở lên. Như vậy, ở tội tổ chức đánh bạc, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự đã được nhà làm luật qui định khác biệt ở các khung khác nhau, thể hiện tính phân hóa trách nhiệm hình sự cao, là một điểm tiến bộ so với Bộ luật hình sự 1985.

Một yếu tố thuộc về chủ thể cần nhắc tới là dấu hiệu đã bị xử phạt hành chính về các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc hay gá bạc, hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Nó nằm trong hai dấu hiệu mà hành vi tổ chức đánh bạc buộc phải thỏa mãn một trong hai mới có thể được coi là tội phạm. Dấu hiệu quy mô hành vi thuộc về mặt khách quan, đã được trình bày ở trên, đối với dấu hiệu “đã bị xử phạt…” thuộc về yếu tố chủ thể của tội phạm nên được chúng ta xem xét trong phần này.

Hành vi tổ chức đánh bạc được phân biệt là vi phạm hành chính và là tội phạm, xét trong phạm vi chủ thể của tội phạm dựa trên hai căn cứ:

Thứ nhất là căn cứ vài yếu tố đã bị kết án về các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc nhưng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Theo qui định của Bộ luật hình sự, một người đã bị kết án, sau khi đã chấp hành xong bản án hoặc từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, nếu đã qua thời hạn theo qui định mà không phạm tội mới thì được xóa án tích, tức là coi như chưa bị kết án.

Như vậy, một người đã bị kết án nhưng chưa được xóa án tích sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn so với người chưa có tiền án nếu cùng thực hiện một hành vi như nhau. Hành vi tổ chức đánh bạc do người đã bị kết án về một trong các tội cờ bạc có tính nguy hiểm cao hơn hẳn so với cùng hành vi đó nhưng người phạm tội không chưa có tiền án, hoặc có nhưng về các tội ngoài cờ bạc. Do vậy mà khi thỏa mãn dấu hiệu này, hành vi tổ chức đánh bạc được coi là tội phạm với mức xử lý nghiêm khắc hơn.

Hồi 20h ngày 15.4.2005, tổ công tác đội cảnh sát về điều tra trật tự xã hội công an Quận Hoàng Mai, Hà Nội kiểm tra nơi cất giấu chiếc xe máy vi phạm hành chính của Hà Văn D thì phát hiện một số phương tiện liên quan đến việc tổ chức đánh bạc gồm: 01 máy fax, 02 máy soi tiền, 16 tờ giấy ghi các con số. Qua điều tra xác định được: tại địa chỉ tổ 68 phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Nguyễn Thị P (là mẹ vợ Hà Văn D) đã mua máy fax, máy tính, máy soi tiền để phục vụ cho việc tổ chức đánh bạc dưới hình thức lô đề. Bản thân P đã có một tiền án ngày 31.10.2003 Tòa án nhân dân huyện Thanh Trì xử 16 tháng về tù về tội tổ chức đánh bạc nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng (theo bản án số 35/2006/HSST ngày 23.01.2006 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội).

Ngày 31.10.2003 Nguyễn Thị P đã bị tuyên 16 tháng tù, nhưng được hưởng án treo với thời gian thử thách là 24 tháng. Như vậy cho tới ngày 15.04.2005, thời điểm P bị lực lượng công an bắt giữ về hành vi tổ chức đánh bạc mới, P vẫn còn đang trong thời hạn thử thách. Tình tiết thực tế này ứng với dấu hiệu chủ thể đã bị kết án và chưa được xóa án tích. Ở đây, P không những chưa được xóa án tích mà còn chưa chấp hành xong thời hạn thử thách của án treo đã tuyên về cùng tội danh tổ chức đánh bạc. Mặc dù đã bị xét xử về cùng loại tội phạm, vẫn đang trong thời hạn thủ thách, tức là dù đang trong thời gian được giáo dục cải tạo, P tiếp tục phạm lại tội cũ. Tính tái phạm trong hoạt động tổ chức đánh bạc đã làm tăng đáng kể tính nguy hiểm cho hành vi thực hiện sau. Đặc biệt ở đây, khi hành vi trước đó đã được xét xử với tội danh tổ chức đánh bạc, hành vi lặp lại tất thể hiện tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn, tất yếu phải

được xét xử theo cùng tội danh (hành vi mới phải là tội phạm) và với mức hình phạt cao hơn.

Thứ hai là căn cứ vào yếu tố “đã bị xử phạt hành chính” về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Khi hành vi tổ chức đánh bạc thỏa mãn dấu hiệu này, thì mặc dù không đạt đuợc tới một quy mô nhất định hành vi vẫn thể hiện được mức độ nguy hại cao cho xã hội, và do đó được coi là tội phạm, bị xử lý theo pháp luật hình sự mà không được coi là vi phạm hành chính, bị xử lý theo pháp luật hành chính.

Tuy trong Điều luật không qui định cụ thể song chúng ta cần hiểu rằng chỉ được áp dụng yếu tố này khi nó chưa bị xóa bỏ, nghĩa là vẫn còn trong thời hạn đang bị xử phạt hành chính. Theo Điều 10 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính nếu quá một năm, kể từ ngày thi hành xong quyết định xử phạt hoặc từ ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt mà không tái phạm thì được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Cần chú ý ở đây, thời điểm dùng làm mốc tính thời hạn được tính là ngày thi hành xong hoặc là ngày hết hiệu lực thi hành quyết định xử phạt, mà không phải là ngày ra quyết định đó; và chấp hành xong quyết định được hiểu là đã chấp hành xong hình thức xử phạt chính và các hình thức xử phạt bổ sung, các biện pháp khác nếu có.

Khoảng 15 giờ ngày 26.09.2005 tại khu vực bãi đất trống bờ sông Hồng, Công an Quận Hai Bà Trưng đã phát hiện bắt quả tang một đám bạc dưới hình thức sóc đĩa được thua bằng tiền gồm 36 đối tượng, trong đó Nghiêm Đình H là đối tượng đã có hành vi tụ tập, tổ chức đánh bạc. Bản thân H vào ngày 11.04.2005 đã bị Công an phường Cầu Dền xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc.

Ngày 11.04.2005 H đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc. Như vậy, cho tới ngày 26.04.2005 khoảng thời gian là chưa đủ để đối tượng này được coi như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính. Do đó, “biểu hiện mới” này của H mang tính chất tái phạm về nhóm các hành vi cờ bạc. Tuy đã bị răn đe và giáo dục bởi chế tài hành chính mới trong một khoảng thời gian ngắn trước đó, đối

tượng vẫn lặp lại việc thực hiện hành vi cờ bạc, mà cụ thể ở đây là hành vi tổ chức đánh bạc. Hành vi mới này dù trong trường hợp không phản ánh tính tái phạm vẫn thể hiện tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn so hành vi đánh bạc mà H đã thực hiện trước đó. Như vậy, sau khi chấp hành chế tài hành chính cũ H đã không chỉ thực hiện lại mà còn thực hiện hành vi mới có tính nguy hại cao hơn cho xã hội. Tương ứng với việc tính chất và mức độ nguy hiểm được nâng lên do yếu tố tái phạm, chế tài hành chính trước đó cũng thể hiện tính không hiệu quả, mục đích răn đe, giáo dục chủ thể không đạt được, hành vi của H do vậy cần bị xử lý về Hình sự, đối tượng cần được răn đe và giáo dục bởi các chế tài nghiêm khắc hơn là các hình phạt chính và bổ sung.

Khi xem xét yếu tố này trong tương quan ranh giới giữa tội phạm và vi phạm hành chính, một vấn đề được đặt ra, đó là liệu trong mọi trường hợp, khi một người đã bị xử phạt hành chính về hành vi cờ bạc, chưa được xóa bỏ, lại tiếp tục vi phạm thì có đều truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Đối với vấn đề này có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng do Điều luật đã qui định rõ ràng nên mọi trường hợp đều phải truy cứu. Quan điểm thứ hai cho rằng phải xem xét trong từng trường hợp cụ thể, có trường hợp cần truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp khác chỉ nên tiếp tục xử lý hành chính. Theo tác giả Phạm Quang Huy trong luận án tiến sĩ “Ranh giới giữa tội phạm và không phải

là tội phạm trong luật Hình sự Việt Nam”, cần phải xem xét tính chất và mức độ

nguy hiểm của cả vi phạm đã bị xử lý và vi phạm mới, “trong trường hợp cả hai

lần đều có tính chất nhỏ nhặt thì nên tiếp tục xử lý hành chính, coi đó là trường hợp tái phạm hành chính, trong trường hợp cả hai lần vi phạm hoặc vi phạm mới có tính chất và mức độ nguy hiểm đáng kể (trong phạm vi của các vi phạm hành chính) thì cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.” Những phân tích trên theo tôi

là hoàn toàn xác đáng, và quan điểm thứ hai là hợp lý và nên áp dụng theo. (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một vấn đề nữa mà chúng ta cũng cần xem xét tới, trong cụm từ “đã bị xử phạt hành chính về hành vi qui định tại Điều này và Điều 248”, liên từ “và” không phản ánh được chính xác nội dung nhà làm luật muốn phản ánh trong cấu thành tội phạm. Thực chất ở đây, Điều luật muốn thể hiện dấu hiệu chủ thể đã

thực hiện một trong các hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc hay gá bạc, nhưng do sử dụng liên từ “và” nên cụm từ này mang nghĩa là chủ thể phải đã thực hiện đầy đủ cả ba hành vi trên. Cũng do nguyên nhân này mà dù trên thực tiễn xét xử, các Tòa án vẫn áp dụng theo cách hiểu đúng thì xét về bản chất là hợp lý, hợp pháp, phù hợp với ý chí thực của nhà lập pháp, nhưng về hình thức lại là trái với biểu hiện chính thức của luật (về nội dung hành vi có tính nguy hiểm cho xã hội cao, cần xử lý hình sự nhưng về hình thức nó lại không thỏa mãn tính trái pháp luật hình sự). Mâu thuẫn này cần được nhà làm luật giải quyết, bằng cách thay liên từ “và” bằng liên từ “hoặc”, khi đó cách hiểu và áp dụng được thống nhất, ý định của nhà làm luật được thể hiện chính xác.

Từ các nghiên cứu trên, chúng ta cần thiết phải nói đến thực trạng của tội phạm tổ chức đánh bạc ở góc độ chủ thể trong thực tế.

Về giới tính đối tượng tổ chức đánh bạc chủ yếu là nam giới. Tuy nhiên trong những năm gần đây tỷ lệ nữ phạm tội này đang có xu hướng gia tăng. Các đối tượng này thường tổ chức cầm đồ, cho vay nặng lãi, thậm chí cả các “dịch vụ kèm theo” cho các con bạc.

Về độ tuổi, đối tượng tổ chức đánh bạc tập trung ở độ tuổi trưởng thành, song phần lớn là ở độ tuổi thanh niên và trung niên.

Về thành phần, đối tượng phạm tội tổ chức đánh bạc rất phức tạp, từ những đối tượng không nghề nghiệp đến các đối tượng giữ các chức vụ cao trong các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội. Số đối tượng không nghề nghiệp hoặc làm lao động tự do chiếm tỉ lệ cao do những người này không có công ăn việc làm ổn định, không bị ràng buộc về thời gian, muốn đổi đời qua vận đỏ đen. Một số trong đó từng có tiền án, tiền sự về các tội cờ bạc, đây thường là những đối tượng chuyên nghiệp, có nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt để hoạt động và che giấu tội phạm.

Các thống kê thực tiễn này cho thấy, xét về yếu tố chủ thể, ngoài một số vấn đề cần giải quyết ở trên, các qui định của nhà làm luật là phù hợp với yêu cầu của tình hình phòng chống, đấu tranh với loại tội phạm tổ chức đánh bạc trên thực tế.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 32 - 38)