Phân biệt tội tổ chức đánh bạc và đánh bạc

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 42 - 44)

Trước tiên chúng ta cần nhận định rằng, hai tội phạm này trên thực tế là rất phổ biến và thường đi kèm với nhau. Trong một vụ án cụ thể, thường sẽ có một vài đối tượng đóng vai trò khởi xướng, bị xét xử về tội tổ chức đánh bạc, các đối tượng khác tham gia có thể bị xử lý hành chính hoặc xét xử về tội đánh bạc. Điều này xuất phát từ đặc điểm hậu quả của hành vi khách quan trong tội tổ chức đánh bạc chính là hành vi đánh bạc của các chủ thể khác được diễn ra trên thực tế. Để có thể phân biệt được hành vi của một chủ thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm nào trong hai tội này, chúng ta cần thấy được dấu hiệu khác nhau cơ bản trong mặt khách quan của chúng.

Hành vi đánh bạc được hiểu là hành vi của các con bạc giải quyết việc được thua trong các trò chơi bằng những lợi ích vật chất xác định, hành vi tổ chức đánh bạc là hành vi của chủ thể nhằm rủ rê, lôi kéo các chủ thể khác thực hiện hành vi đánh bạc. Như vậy, trong một vụ án tổ chức đánh bạc, hành vi tổ chức đánh bạc xuất hiện trước, hành vi đánh bạc của các đối tượng tham gia mang tính chất là hành vi phái sinh sau đó và có thể chúng là kết quả được hình thành, tạo nên do hành vi tổ chức (trong trường hợp rủ rê, lôi kéo thì hành vi đánh bạc là kết quả trực tiếp của hành vi tổ chức đánh bạc, trong trường hợp chủ

mưu, bố trí, tạo sòng bạc thì hành vi tổ chức đánh bạc chỉ đóng vai trò tạo điều kiện, hoàn cảnh cho hành vi đánh bạc diễn ra).

Một điểm cần đặc biệt chú ý, là không phải mọi hành vi tổ chức đánh bạc của người phạm tội sẽ đều bị xét xử với tội danh tổ chức đánh bạc, mà trong một số trường hợp đó người phạm tội sẽ bị xét xử về tội danh đánh bạc.

Trường hợp thứ nhất là khi người có hành vi tổ chức đánh bạc nhưng không thỏa mãn cả hai dấu hiệu được nói tới trong cấu thành cơ bản (quy mô lớn và đã bị …) nhưng tổng số tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc có giá trị từ một triệu đồng đến dưới mười triệu đồng thì phải chịu trách nhiệm hình sự về đồng phạm tội đánh bạc.

Trường hợp thứ hai là người phạm tội thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc chỉ nhằm cùng tham gia, thỏa mãn “máu cờ bạc” của bản thân, khi đó họ cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự theo tội danh đánh bạc.

Sở dĩ có điều này là do, tổ chức đánh bạc xét về thực chất chính là hành vi đồng phạm (tổ chức, xúi giục, giúp sức) đánh bạc. Nhưng do tính chất nguy hiểm cao của hành vi, nên để thực hiện mục đích phân hóa trách nhiệm hình sự nhà làm luật đã qui định chúng thành một tội danh riêng và đặt trong một Điều luật khác, kế tiếp sau Điều luật về tội danh đánh bạc (trước đó tội danh này và tội danh đánh bạc được qui định chung trong Điều 200 Bộ luật hình sự 1985). Trong hai trường hợp trên, yếu tố quy mô không lớn hoặc mục đích chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu được đánh bạc của cá nhân đã làm giảm đáng kể tính gây nguy hại cho xã hội của hành vi tổ chức đánh bạc. Do đó mà chúng sẽ không còn tương xứng về tính chất nguy hiểm cho xã hội nếu được xếp vào tội danh tổ chức đánh bạc, việc qui định chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về đồng phạm đánh bạc là phù hợp tính chất của hành vi.

Tuy vậy, cũng không thể nhầm lẫn giữa đồng phạm tổ chức đánh bạc có số tiền không lớn với hành vi tổ chức đánh bạc nhưng do qui mô nhỏ (số tiền từ một đến dưới mười triệu đồng) mà được xếp vào đồng phạm đánh bạc.

Ngày 16.12.2005, Tòa án nhân dân quận Ba Đình, Hà Nội xét xử vụ án Nguyễn Thị Th và một số đối tượng tổ chức đánh bạc dưới hình thức lô đề. Theo

điều tra của công an, do không có việc làm, từ đầu tháng 2 năm 2005 Nguyễn Thị Th đứng ra ghi lô đề cho khách chơi tại nhà. Từ tháng 3.2005, Trương Quý C, Trương Mạnh T ghi số lô đề. Th trực tiếp trả tiền cho người ghi thuê từ 10% đến 20% tổng số tiền đề và 0,5% tổng số tiền ghi lô mà khách chơi. Bản án hình sự sơ thẩm số 364/HSST/2005 ngày 16.12.2005 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội căn cứ vào số tiền các bị cáo ghi được trên bảng lô đề xử Nguyễn Thị Th phạm tội tổ chức đánh bạc (số tiền là 18,000,000đ), Trương Quý C (số tiền 1,154,000đ), Trương Mạnh T (số tiền 3,511,000đ) tội đánh bạc (do số tiền trong khoảng từ một triệu đến dưới mười triệu đồng).

Trong vụ án này, hành vi của Th cấu thành tội tổ chức đánh bạc, do số tiền lớn hơn mười triệu đồng, thỏa mãn dấu hiệu về quy mô hành vi khách quan. C và T có hành vi ghi thuê lô đề cho Th để hưởng phần trăm, đây là hành vi đồng phạm giúp sức, nên tội danh của hai bị cáo này phụ thuộc vào tội danh của Th. Do vậy hai bị cáo C và T phải được xử là đồng phạm tổ chức đánh bạc mà không phải với tội danh đánh bạc theo căn cứ vào số tiền như bản án đã tuyên.

Qua minh chứng trên chúng ta đã có thể phân biệt được hai dạng hành vi này. Chỉ hành vi tổ chức đánh bạc mới có thể được xếp vào một trong hai tội danh đánh bạc hoặc tổ chức đánh bạc khi căn cứ vào số tiền, hiện vật dùng để đánh bạc, với hành vi đồng phạm cho hành vi tổ chức trên, dấu hiệu này không được xem xét tới, người phạm tội sẽ bị xét xử đồng phạm với tội danh của người tổ chức.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 42 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(78 trang)
w