Mặt chủ quan tội tổ chức đánh bạc

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 38 - 42)

Theo luật Hình sự Việt Nam, một nguời sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi nguy hiểm cho xã hội do mình thực hiện trong trường hợp họ không có lỗi trong khi thực hiện hành vi đó. Nguyên tắc có lỗi trong pháp lý Hình sự Việt Nam loại bỏ việc “quy tội khách quan”. Theo đó, Tòa án không thể tuyên một người là có tội và buộc người này phải chịu trách nhiệm hình sự chỉ dựa trên cơ sở hành vi khách quan mà không xem xét đến vấn đề lỗi. Thừa nhận, tôn trọng và đảm bảo nguyên tắc này chính là đã thừa nhận, tôn trọng và đảm bảo tự do thực sự cho con người trong xã hội, là cơ sở cho trách nhiệm hình sự thực hiện được cả chức năng giáo dục và trừng trị.

“Người thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội bị coi là có lỗi nếu hành

vi đó là kết quả của sự tự lựa chọn của họ trong khi có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để lựa chọn và thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.”(12)

Trong quan hệ giữa cá nhân với xã hội, xã hội đòi hỏi cá nhân phải tuân theo các qui tắc chung nhằm đảm bảo lợi ích của cộng đồng và của các thành viên khác trong nó. Xét trong hoàn cảnh cụ thể, một người khi muốn thu về các lợi ích vật chất có thể lựa chọn các lao động hợp pháp, kinh doanh các nghành nghề được phép,… khi muốn thỏa mãn nhu cầu tinh thần có thể tham gia các hình thức vui chơi giải trí lành mạnh (thậm chí là các hình thức cá cược được phép tổ chức trong một số lễ hội truyền thống), đây là những xử sự phù hợp với đòi hỏi của xã hội. Trong tội phạm đang xét, chủ thể không lựa chọn những xử sự này mà lựa chọn xử sự thực hiện hành vi tổ chức đánh bạc, phủ định chủ quan đối với những đòi hỏi của xã hội (sự phủ định khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội).

Xét về mặt hình thức, lỗi được hiểu là thái độ tâm lí của con người đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình và đối với hậu quả của hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý.

Trong tội tổ chức đánh bạc, chủ thể luôn có ý thức lựa chọn gây thiệt hại cho xã hội trong khi có đủ điều kiện lựa chọn các xử sự khác phù hợp với đòi

hỏi của xã hội. Người phạm tội luôn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, nhận thức được tính trái pháp luật, xâm phạm tới trật tự xã hội nhưng vẫn tìm cách thực hiện. Mặt khác, hậu quả của hành vi này là vụ đánh bạc được diễn ra trên thực tế, gây hại đến trật tự chung của xã hội. Do đó, việc đã nhận thức được tính nguy hiểm của hành vi mà vẫn quyết định thực hiện cho thấy thái độ mong muốn hậu quả xảy ra trên thực tế của người phạm tội.

Đặt tương ứng phân tích trên trong lý luận về lỗi trong khoa học pháp lý Hình sự Việt Nam, chúng ta có thể khẳng định tội tổ chức đánh bạc luôn được chủ thể thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp ( chủ thể nhận thức rõ hành vi của bản thân là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra).

Bên cạnh dấu hiệu lỗi, mặt chủ quan tội phạm còn bao gồm dấu hiệu động cơ và mục đích phạm tội.

Động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý được gọi là động cơ phạm tội. Trong các vụ án tổ chức đánh bạc, điều thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi thường là các lợi ích vật chất có được thông qua việc tổ chức cho các con bạc sát phạt nhau (trường hợp xuất phát từ nhu cầu thỏa mãn “máu cờ bạc”, tổ chức để bản thân được tham gia không xét xử về tội tổ chức đánh bạc, vấn đề này được nói tới ở chương sau). Động cơ này không có ý nghĩa quyết định đến tính chất nguy hiểm của tội phạm, do đó mà không được qui định là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành loại tội này. Tuy vậy, nó vẫn có thể làm thay đổi mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi và mang ý nghĩa đối với vấn đề quyết định hình phạt.

Mục đích phạm tội là kết quả trong ý thức chủ quan mà chủ thể đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội. Chủ thể trong tội phạm tổ chức đánh bạc khi thực hiện hành vi chủ mưu, rủ rê, lôi kéo hay kích động đều hướng vào kết quả xác lập hành vi đánh bạc của đối tượng được tác động trên thực tế.

Ở đây, cần phân biệt giữa mục đích phạm tội và hậu quả của tội tổ chức đánh bạc. Mục đích của chủ thể khi thực hiện hành vi phạm tội và hậu quả của tội đều là hành vi đánh bạc của những người được chủ thể tác động tới. Tuy vậy,

mục đích được người phạm tội đặt ra trước khi thực hiện hành vi, còn hậu quả chỉ có thể xuất hiện và tồn tại một khi hành vi đã hoặc đang được diễn ra trên thực tế. Mục đích thuộc về mặt chủ quan, tồn tại bên trong ý thức của con người, còn hậu quả thuộc về mặt khách quan, tồn tại bên ngoài và độc lập với ý thức chủ thể tuy rằng nó chính là kết quả của việc hiện thực hóa mục đích phạm tội ra bên ngoài thông qua hành vi tổ chức đánh bạc. Do là ý định đặt ra để nhằm tới trên thực tế nên mục đích trong nhiều trường hợp không hoàn toàn trùng khớp với hậu quả xảy ra trên thực tế (không thực hiện được đầy đủ, sự việc thực tế diễn ra vựơt quá mong muốn ban đầu).

Người phạm tội khi rủ rê, lôi kéo, chủ mưu hay kích động các đối tượng khác luôn luôn nhằm tới mục đích để hành vi đánh bạc được diễn ra trên thực tế. Mục đích này cũng mang tính quyết định đối với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi. Những hành vi rủ rê, lôi kéo, kích động người khác mà không nhằm vào mục đích này thì không thể hiện tính nguy hại cho trật tự xã hội. Vậy ta phải chỉ ra lí do mà nhà làm luật đã không qui định dấu hiệu này trong cấu thành tội phạm của tội. Xem xét kĩ hơn, chúng ta thấy không thể tồn tại trên thực tế một hành vi tổ chức đánh bạc mà người phạm tội lại không hướng tới việc các xác lập hành vi đánh bạc của các đối tượng được tác động. Nếu không có mục đích này, thì hành vi mà chủ thể thực hiện sẽ không còn là hành vi tổ chức đánh bạc. Nói một cách đơn giản hơn, sở dĩ nhà làm luật không qui định mục đích phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành cơ bản tội tổ chức đánh bạc vì nó đã được phản ánh trong dấu hiệu hành vi khách quan của tội và chính là một yếu tố góp phần định hình nên hành vi này.

Chúng ta có thể xem xét một ví dụ để chứng minh cho các phân tích trên: Khoảng 21h30 ngày 25.12.2006, cơ quan cảnh sát điều tra thành phố HN phát hiện bắt quả tang Trần Nam H đang tổ chức đánh bạc dưới hình thức xóc đĩa tại tầng hầm nhà mình. Qua điều tra là rõ cho thấy H đã tổ chức cho các đối tượng đánh bạc từ ngày 17 cho tới ngày 25.12.2006 thì bị phát hiện. H khai ban đầu chỉ có ý định tổ chức cho một số đối tượng trong cùng khu dân cư tham gia, sau đó các có một số đối tượng ở các khu xung quanh đến chơi. Ngay từ ban đầu

H đã bố trí cho cháu mình là Trần Mạnh T làm nhiệm vụ canh gác ngoài cổng, khi có công an sẽ báo động để các đối tượng phi tang vật chứng chối tội.

Ở đây, qua việc Trần Nam H bố trí cho T canh gác đã thể hiện rằng H nhận thức rõ sự nguy hại và tính trái pháp luật của hành vi mà mình thực hiện, nhận thức rõ hậu quả là vụ đánh bạc xảy ra sẽ gây ảnh hưởng tới trật tự trị an, nên đã có ý thức bố trí địa điểm kín đáo, có canh gác nhằm che giấu hành vi và nếu bị phát hiện sẽ tiêu hủy vật chứng để chối tội (H thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp). Động cơ của H khi thực hiện hành vi là thu lợi bất chính từ việc tổ chức đánh bạc, mục đích cụ thể là hướng tới việc tạo lập xử sự đánh bạc của các đối tượng. Ta có thể thấy ở đây, mục đích đặt ra không hoàn toàn trùng khớp với hậu quả xảy ra trên thực tế. Hậu quả các con bạc tham gia nhiều hơn dự kiến đã vượt quá mục đích đặt ra của H khi tổ chức đánh bạc tại nhà.

Như vậy, qua phân tích các dấu hiệu pháp lí tội tổ chức đánh bạc xét trong bốn yếu tố hợp thành của tội phạm, ta thấy được tổ chức đánh bạc là loại tội phạm xâm phạm trực tiếp tới trật tự xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự, đạt độ tuổi luật định (từ 16 tuổi trở lên đối với hành vi được qui định tại khoản một, từ 14 tuổi trở lên đối với hành vi qui định tại khoản hai) thực hiện việc thông qua các hành vi rủ rê, kích động, lôi kéo hay chủ mưu với lỗi cố ý trực tiếp.

CHƯƠNG II

Một phần của tài liệu Trách nhiệm hình sự của người phạm tội tổ chức đánh bạc (Trang 38 - 42)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(77 trang)
w