Đảm bảo quyền nhờ người khác bào chữa

Một phần của tài liệu nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Trang 29 - 30)

Như đã phân tích ở trên, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có thể sử dụng các biện pháp do luật định để tự bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình và pháp luật cũng quy định các cơ chế bảo đảm cho họ thực hiện quyền tự bào chữa. Nhưng trên thực tế do hạn chế về hiểu biết pháp luật hay do bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng: tạm giữ, tạm giam nên người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không thể thực hiện được đầy đủ và có hiệu quả quyền tự bào chữa của mình. Chính vì vậy sự tham gia của người bào chữa trong TTHS là rất cần thiết trong việc thực hiện nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; tạo điều kiện để TTHS đạt được mục đích đặt ra trong đó có mục đích bảo vệ hiệu quả các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Tuy Bộ luật TTHS không nêu khái niệm thế nào là người bào chữa nhưng căn cứ vào quy định tại các Điều 56, 57 và 58 Bộ luật TTHS thì người bào chữa là người được cơ quan THTT cấp giấy chứng nhận bào chữa tham gia vào quá trình TTHS để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, góp phần làm sáng tỏ các tình tiết gỡ tội hay làm giảm nhẹ tội cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo đồng thời giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo những vấn đề pháp lý cần thiết.

Hiện nay do trình độ dân trí và ý thức pháp luật của nhân dân ta còn hạn chế nên khi nói đến người bào chữa người ta chỉ nghĩ đến luật sư còn những người khác không phải luật sư thì không phải là người bào chữa. Tuy nhiên, luật sư là khái niệm nghề nghiệp còn người bào chữa là khái niệm tố tụng. Theo điều 56 Bộ luật TTHS, người bào chữa có thể là luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Luật sư là những người có đủ điều kiện hành nghề theo quy định của luật này, thực hiện dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan tổ chức (sau đây gọi chung là

khách hàng) (Điều 2 Luật Luật sư). Tiêu chuẩn luật sư: là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc, tuân thủ nghiêm Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt, có bằng cử nhân luật, đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm hành nghề thì có thể trở thành luật sư. (Điều 10 Luật Luật sư). Điều kiện hành nghề luật sư: người có đủ tiêu chuẩn quy định tại điều 10 của luật này muốn hành nghề luật sư thì phải có chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư. Khoản 1 Điều 22 của Luật Luật sư quy định luật sư có thể tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là cha mẹ, anh chị em ruột, người giám hộ của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Bào chữa viên nhân dân là người được tổ chức, đoàn thể xã hội cử ra để bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo.

Khi tham gia TTHS, bằng những hiểu biết pháp luật, bằng kỹ năng nghề nghiệp của mình, người bào chữa giúp người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thực hiện tốt hơn quyền bào chữa của họ theo quy định của pháp luật đồng thời giúp cho cơ quan THTT giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, tránh thiên về buộc tội và xem xét một chiều. Khi tham gia TTHS, người bào chữa không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo còn có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế XHCN. Hai nhiệm vụ này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Muốn bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì phải tôn trọng sự thật, tôn trọng pháp luật, ngược lại, muốn góp phần vào việc bảo vệ pháp chế XHCN thì phải làm tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong vụ án trên cơ sở của pháp luật. Khi tham gia tố tụng, người bào chữa luôn phải chú ý cả hai nhiệm vụ trên. Nếu chỉ chú trọng nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì dễ dẫn đến tình trạng nguỵ biện. Ngược lại, nếu chỉ chú ý đến việc bảo vệ pháp luật, pháp chế thì có thể biến mình thành “công tố” buộc tội tại phiên toà. Như vậy, đặc trưng cơ bản trong vai trò của người bào chữa khi tham gia tố tụng bào chữa cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo với việc bảo vệ chân lý và tôn trọng pháp luật, pháp chế.

Một phần của tài liệu nguyên tắc bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo (Trang 29 - 30)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(58 trang)
w