5. Nhân vật nữ pha (đào pha) Súy Vân, Thiệt Thê khát vọng nhân bản về cuộc sống hạnh phúc lứa đô
3.1.2. Đặc sắc trong âm nhạc và múa
Âm nhạc Chèo trong sáng nhẹ nhàng, nghe như "tiếng gió thổi qua rừng trúc"
- nhận xét của một nhạc sĩ nước ngoài. Đặc sắc của âm nhạc phải kể đến tiếng trống
đế. Bắt nguồn từ sinh hoạt của người Việt, tiếng trống đã hiện diện trong đời sống như một lẽ bình thường "sống dầu đèn, chết kèn trống", rồi tiếng của "thuế thúc trống dồn"... đến cả tiếng trống trận ... Tiếng trống thân thiết và không thể thiếu được trong sinh hoạt cộng đồng người Việt cũng giống như tiếng chiêng của đồng bào Tây Nguyên vậy.
Đi vào Chèo, tiếng trống đã giữ một vai trò quan trọng"phi trống bất thành Chèo". Âm thanh của trống đế trong Chèo có âm sắc của da và gỗ nghe vui, cao và gọn tiếng .Các âm thanh của nó đươc các nghệ nhân gọi bằng các từ tương thanh lưu truyền từ bao đời nay:tung, cắc, bục...đã giữ vai trò chủ đạo trong suốt trò diễn. Nó đưa đẩy, dẫn dắt tiết tấu của trò diễn. Nó để xen vào khi rộn rã thúc giục khi nhặt một trầm tư phù trợ cho diễn xuất. Trong lớp thi nhịp giáo đầu tiếng nó vút lên trên các nhạc cụ khác bay bổng bay xa đến các thôn xóm quanh vùng. Tiếng trống đế không chỉ tham gia vào Chèo như một thứ nhạc cụ mà còn có thể tham gia vào vở diễn như một chi tiết diễn độc đáo. Chính vì vậy, năm 1984, trong chuyến lưu diễn của đoàn Sân khấu dân tộc tại Đức, tiếng trống trong trích đoạn Phù Thủy của Nhà hát Chèo Việt Nam đã được các chuyên gia Đức ca ngợi như là một biểu hiện đặc sắc của nghệ thuật Chèo Việt Nam.
Nét độc đáo của âm nhạc Chèo còn phải kể đến tiếng đàn bầu - Một nhạc cụ
độc đáo phản ánh được tâm hồn Việt một cách tinh tế nhất. Phải chăng nó cũng bắt nguồn từ truyền thống của người Việt từ thuở lọt lòng đã "có sẵn trong mình tiếng đàn bầu", cũng giống như người Hungari gắn liền với cây đàn viôlông. Các cụ xưa chẳng thường hay nói: "Đàn bầu ai gẩy thì nghe /Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu".
Sự xuất hiện của tiếng đàn bầu trong dàn nhạc Chèo phải chăng cũng bắt nguồn từ chính cuộc sống, vì thế mà mang đậm bản sắc Việt? Cái hay của tiiéng đàn bầu không phải chỉ ở sự hài hòa âm thanh độc đáo mà còn là ở chỗ vẻ đẹp của âm thanh quyện chặt với chất cảm xúc thiết tha của tiêng đàn. Chỉ cần một chút nhấn, láy, rung rung của cần đàn... cũng đủ để diễn tả thật tinh tế các sắc thái tình cảm của nhân vật.
Có thể nói, âm nhạc Chèo ra đời và hình thành từ những luồng dân ca trong kho tàng âm nhạc dân gian, nhưng đều được "Chèo hóa" thông qua hàng loạt những thủ pháp: biến động về tiết tấu, phá vỡ trạng thái tĩnh để tạo nên những đột biến nhằm nhấn mạnh được vào các trạng thái tình cảm của nhân vật. Nếu như ở nhạc kịch phương Tây (Opera) âm nhạc đi sâu phát triển vào mọi khía cạnh nội tâm của nhân vật, tác giả âm nhạc đã dựa vào kịch bản văn học để sáng tạo nên hình tượng âm nhạc, giá trị văn học của kịch bản đã biến vào giai điệu, vào lời ca của âm nhạc tạo nên một hiệu quả duy nhất để đem lại sự rung động thẩm mỹ đối với khán giả là những dòng thác âm thanh đầy sức hấp dẫn về tâm lý kịch tính thông qua hành động của nhân vật trên sân khấu … thì ở nghệ thuật Chèo (cũng như Tuồng, Cải lương) âm nhạc là một bộ phận quan trọng góp phần tạo nên hình tượng nhân vật dưới dạng một sân khấu tổng hợp.
Vai trò của âm nhạc trong việc góp phần tạo dựng hình tượng nhân vật là vô cùng quan trọng, đúng như nhạc sĩ Đôn Truyền đã nhận xét:
Trong các phương tiện thì âm nhạc được ưu tiên quan tâm hàng đầu vì xét về bản chất, âm nhạc chiếm lĩnh toàn bộ thời lượng sân khấu Chèo. Người diễn viên trong quá trình kể lại chuyện phải sử dụng một dung
lượng lớn về lời nói (đài từ) mà thanh điệu tiếng Việt lại mang nhạc tính cao bởi các cung bậc sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng… đã tạo một môi trường âm nhạc cho nghệ thuật Chèo. Cái hơi Chèo quán xuyến toàn bộ quá trình diễn kể, nó bàng bạc khắp nơi, lúc nổi lên thành những khúc điệu sắc nét, lúc ẩn chìm trong tiếng trống, tiếng mõ, câu vỉa, câu ngâm. Ngay cả khi tưởng như không có tiếng nhạc, nhưng giọng nói theo kiểu Chèo vẫn hàm chứa cái hơi nhạc luôn luôn ẩn tàng, làm chỗ dựa cho diễn viên không bị lạc giọng. Khi vào hát họ bắt ngay được "ton" nhạc của vở mà không cần có dạo, "dắt hơi" [46, tr. 35-36].
PGS.TS Trần Đức Ngôn cũng đã có nhận xét:
Chèo tiếp nhận truyện cổ dân gian, tiếp nhận dân ca rất nhiều, đặc biệt là dân ca, song Chèo không thể lẫn với dân ca về làn điệu. Phong cách nghệ thuật của Chèo được thể hiện một cách tổng hợp, trong đó mỗi yếu tố tham gia đều có giá trị tạo thành phong cách chung [31, tr. 48]
Hát Chèo phong phú vì nó không chỉ khai thác vốn dân ca của một địa phương nhất định. Ngoài dân ca các vùng còn là các làn điệu thuộc các nghi lễ tôn giáo như chầu văn, hát nhà chùa... Tất cả vào Chèo đều phải trải qua một quá trình chuyển hóa mạnh hay nhẹ. Có trường hợp giai điệu giữ nguyên gốc, song tất cả đều phải lọt qua ngưỡng cửa của trống đế, có nghĩa là phải được tiết tấu hóa theo Chèo. Hát Chèo luôn luôn kết hợp hữu cơ với các lối nói như nói sử, nói chênh, nói lệch, kể hạnh... cũng khai thác từ các lời nói trong diễn xướng và nghi lễ tôn giáo. Người ta thường đặt câu hỏi, làm sao hát Chèo với trên một trăm làn điệu và một số lối nói có thể biểu hiện các tâm trạng biến đổi của hàng trăm tính cách nhân vật khác nhau trong hàng trăm trò diễn từ xưa đến nay. Mỗi làn điệu lối nói Chèo là một mô hình. Qua kỹ thuật "bẻ làn nắn điệu" của người nghệ sĩ biểu diễn, mô hình được biến hóa (variation) sinh động để phù hợp với từng trạng thái tình cảm nhất định của nhân vật. Chỉ khi nào hết khả năng ứng biến mới sáng tạo mô hình ca khúc mới. Như vậy là cái hay của Chèo rất đa dạng. Cái hay khác biệt nhau ngay cả trong một làn điệu khi nó biến hóa theo các dạng ứng
dụng. Tuy đa dạng nhưng hát Chèo có chung một vẻ đẹp, một hương vị. GS Trần Bảng kể lại rằng Điền Hán, một nhà hoạt động sân khấu nổi tiếng của Trung Quốc, sau khi xem Chèo lần đầu tiên ở Bắc Kinh (1960) viết trên báo như sau: "Tiếng hát Chèo ngọt ngào như mật".
Các cụ xưa đã nói rất chí tình rằng: tình cảm trong lòng mà dào dạt thì sẽ nảy sinh ra thơ, thơ chưa đủ nói hết thì cần nhạc, âm nhạc cũng chưa đủ nói thì phải dùng điệu bộ. Xuất phát từ tư duy thẩm mỹ của người Việt về sự hài hòa cân đối, trong quá trình hình thành và phát triển của nghệ thuật Chèo, PGS Hà Văn Cầu có đề cập đến vai trò của múa trong Chèo, ông cho rằng múa Chèo là hình thức biểu hiện cái đẹp bề ngoài của nội dung bên trong của nhân vật. PGS đã trích một đoạn trong Hí phường phả lục:
Xem trong muôn loài có trống, có mái, xem trong trời đất có âm có dương… Múa là vẻ trang sức bên ngoài của khí chất bên trong, há chẳng như vậy hay sao (…) Rộng hẹp, cao thấp, tả hữu, trước sau phải cho cân xứng, sao cho như đôi rồng chầu mặt nguyệt, như con long mã phụ đồ… Hai tay với người múa cũng như tinh chầu Bắc đẩu vậy. Tung phải có hứng, đánh phải có đỡ mới giữ được thế cân bằng [11, tr. 69].
Ông còn thẩm định rằng:
Đó là sự thuyết minh về cái đẹp của hình thức múa. Đó là yêu cầu đối xứng và yêu cầu đối trọng trong từng động tác múa thuyết minh theo kiểu thế kỷ XVI. Những yêu cầu đó đã loại trừ bớt những động tác rườm rà bất kỳ của diễn viên. Chúng đã tuyểnl lựa lại cho đời sau những điệu múa cân đối, đẹp mắt [11, tr. 69].
Khác với lối múa ở các nước phương Tây, múa tay thường khép ngón, múa bàn tay, các nhân vật trong Chèo khi múa thường mở tay, guộn ngón, sinh động cả năm ngón tay như những cánh hoa bắt đầu nở hé nhụy. Các nhà chuyên môn gọi là hoa tay. Hoa tay nguyên là động tác cơ bản trong múa dân gian. Lúc này nó chỉ mang tính
chất trang trí. Sáng tạo của nghệ thuật Chèo là đã nâng nó lên chức năng biểu hiện tính cách, biểu hiện tư tưởng tình cảm của nhân vật. Sáng tạo đã đạt thành tựu rực rỡ trong
hình thành nhân vật Súy Vân ở các lớp trò Súy Vân giả dại, nhân vật Thị Màu trong
Thị Màu lên chùa, và nhân vật Đào Huế trong Tuần Ty - Đào Huế.
Bước đi của thư sinh phải ngay ngắn, dịu dàng, khoan thai đĩnh đạc theo kiểu chữ chi, đứng theo kiểu chữ bát; bước đi của nam ngang phải mạnh mẽ, khỏe chắc, ưỡn ngực, ngửa mặt và nghênh ngang; bước đi của nữ chín phải nhẹ nhàng, uyển chuyển, kín đáo theo hình chữ chi nhưng đứng lại theo kiểu chữ nhất, của nữ lệch thì nhanh, rộn ràng, khúc khuỷu, lả lướt….
Còn có loại động tác hàm chứa cả ý nghĩa xã hội, nói lên được phần nào thân phận của nhân vật. Bước đi của hề bao giờ cũng nhấc cao và đi theo hình quả trám có thể múa gậy (hề gậy) múa bằng mồi lửa (hề mồi), Cũng với động tác say: dáng đi lảo
đảo, chuếnh choáng nhưng chỉ với động tác đảo chân khác nhau mà biểu hiện được
nhân vật Mãng Ông là một lão nông dân yêu đời, còn nhân vật Sùng Ông lại là đại diện cho tinh thần bạo ngược của giai cấp phong kiến đang suy đồi. Nhân vật Phú Ông thì lại thấy hình ảnh mạnh mẽ của tầng lớp phú nông đang vươn lên nắm quyền thế. Hoặc bằng vài điệu bộ bất ngờ, phẩy cái quạt từ trên cao rồi gập người xuống theo. Dáng đi khệnh khạng quay ngoắt sang bên phải rồi sang bên trái, đưa thật nhanh chiếc quạt ra đằng sau lưng phe phẩy, miệng cười nhếch mép, khán giả nhận ra ngay đó chính là loại kép ngang như Trần Phương hoặc Sở Khanh.