Thực trạng lợi nhuận của công ty:

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao lợi nhuận tại Công ty cổ phần vận tải ô tô Nam Định (Trang 52 - 56)

- Chi phí hoạt động tài chính

3. Thực trạng lợi nhuận của công ty:

Lợi nhuận của công ty qua các năm đều có sự tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước. Để thấy được điều này, ta đi phân tích tình hình thực hiện doanh thu và chi phí của công ty.

3.1. Tình hình thực hiện doanh thu của công ty:

Lợi nhuận là phần chênh lệch giữa doanh thu và chi phí. Vì thế, nếu tăng được doanh thu sẽ trực tiếp góp phần tăng lợi nhuận. Tổng doanh thu của công ty năm 2000 là 22 tỷ đồng, năm 2001 là 34,3 tỷ đồng – tăng 12,3 tỷ đồng với tỷ lệ tăng 55,91%. Đây là một tỷ lệ tăng rất cao. Sang năm 2002, tổng doanh thu tăng 48,98% so với năm 2001 đạt 51,1 tỷ đồng. Đây là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực của công ty trong tình trạng cạnh tranh quyết liệt của các đơn vị hoạt động cùng lĩnh vực.

Trong tổng doanh thu của công ty, doanh thu thu được từ hoạt động sửa chữa, đóng mới ô tô là cao nhất: năm 2001 doanh thu từ hoạt động này chiếm 61,3% tổng doanh thu đạt 21 tỷ đồng, doanh thu từ kinh doanh vận tải là 35,8% tương đương 12,3 tỷ đồng và doanh thu từ hoạt động kinh doanh dịch vụ bến bãi là 1 tỷ đồng chiếm 2,9% tổng doanh. Sang năm

2002, doanh thu từ hoạt động sửa chữa, đóng mới ô tô chiếm 71,93% tổng doanh thu đạt 36,75 tỷ đồng, doanh thu từ kinh doanh vận tải chiếm 26,2% đạt 13,39 tỷ đồng và doanh thu từ hoạt động kinh doanh bến bãi đạt 960 triệu đồng chiếm 1,87% tổng doanh thu. Như vậy, hoạt động bảo dưỡng, sửa chữa và đóng mới xe ô tô của công ty luôn mang lại doanh thu cao nhất và liên tục tăng cả về tỷ trọng cũng như con số tuyệt đối, góp phần tích cực vào việc tăng lợi nhuận của công ty. Điều này là do trong năm 2002, sản phẩm ô tô do công ty sản xuất trên cơ sở sát xi ô tô của Trung Quốc và Hàn Quốc mang nhãn hiệu NADIBUS có số lượng bán ra lớn, thị trường sản phẩm của công ty đã mở rộng sang các tỉnh miền trung, các tỉnh phía bắc. Đồng thời, sản phẩm ô tô do công ty cung cấp cho thị trường ngày một đa dạng, giá cả rẻ hơn nhiều so với ô tô ngoại nhập. Cũng trong năm 2002, công ty đã lấy được bản quyền sản xuất xe ô tô 29, 30 chỗ ngồi (xe K29, K30) góp phần đa dạng hoá sản phẩm cung cấp cho thi trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Doanh thu của hoạt động này cao một phần còn là do công ty liên tục mở rộng nhà xưởng, mua sắm thêm trang thiết bị mới do vậy số lượng xe vào bảo dưỡng, sửa chữa hàng năm tại công ty rất lớn không chỉ ở địa phương mà có cả các tỉnh khác. Trong thời gian tới, với việc xây dựng trung tâm bảo hành kỹ thuật ô tô Trung Quốc doanh thu từ hoạt động này của công ty chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cao.

Hoạt động kinh doanh dịch vụ vận tải của công ty năm 2002 tuy giảm về tỷ trọng song lại tăng về số tuyệt đối. Trong năm 2002 hoạt động này gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao đồng thời do sự cạnh tranh quyết liệt của vận tải tư nhân và một số đơn vị khác hoạt động cùng lĩnh vực. Tuy nhiên công ty đã có nhiều cố gắng để tăng doanh thu trong lĩnh vực này.

Hoạt động kinh doanh bến bãi của công ty gặp nhiều khó khăn do bến xe Nam Định của công ty quản lý được xây dựng từ trước đã xuống cấp, các bến xe ở các huyện của công ty còn đang trong quá trình xây dựng.

Đồng thời do việc quản lý vận tải ở địa phương còn nhiều bất cập nên việc hành khách, hàng hoá chuyển vào bến ít, việc xe đón, trả khách đúng bến còn chưa được thực hiện nghiêm túc. Do vậy, doanh thu từ hoạt động này năm 2002 đã giảm xuống so với năm 2001 cả về tỷ trọng cũng như con số tuyệt đối.

Hoạt động tài chính của công ty là không có do vậy không có doanh thu từ hoạt động này.

Thu nhập hoạt động bất thường của công ty năm 2002 thấp hơn so với năm 2001. Điều này là do năm 2001 công ty tiến hành thanh lý nhiều tài sản cố định còn năm 2002 hoạt động này đã giảm hẳn.

Các khoản giảm trừ của công ty thay đổi không đáng kể và hầu như không có chỉ tiêu này. Do vậy, có thể nói doanh thu của công ty không bị ảnh hưởng bởi chỉ tiêu này. Điều này là do đặc điểm sản phẩm của công ty: mặt hàng ô tô thì ít khi một khách hàng mua với số lượng lớn nên khoản chiết khấu và giảm giá là không có. Đồng thời do sản phẩm của công ty cung cấp có chất lượng đảm bảo nên chỉ tiêu hàng bán bị trả lại cũng hầu như không có. Tuy nhiên, qua đây cũng thể hiện một điều là chính sách khách hàng chưa thực sự được công ty chú trọng.

Tuy tổng doanh thu cũng như lợi nhuận của công ty đều có tỷ lệ tăng khá cao song tốc độ tăng của giá vốn hàng bán cũng cao và còn cao hơn cả tốc độ tăng của doanh thu. Tốc độ tăng của doanh thu năm 2002 so với 2001 là 48,98% trong khi đó tốc độ tăng của giá vốn hàng bán là 49,61%. Tuy sự chênh lệch này là không lớn song giá vốn hàng bán có liên quan trực tiếp đến tổng doanh thu và do đó liên quan trực tiếp đến lợi nhuận của công ty, do vậy công ty cần chú trọng đến việc giảm giá vốn hàng bán để nâng cao lợi nhuận. Công ty cần tìm nguồn cung cấp đầu vào ổn định và với chi phí thấp để giảm khoản mục giá vốn hàng bán.

Lợi nhuận của công ty năm 2002 tăng cao so với năm 2001 một mặt do tổng doanh thu của công ty tăng mạnh, mặt khác do chi phí của công ty năm 2002 tăng không đáng kể so với năm 2001. Qua bảng báo cáo kết quả kinh doanh của công ty ta thấy:

Khoản mục chi phí bán hàng của công ty năm 2001 là không có và năm 2002 con số này cũng là bằng không. Là một doanh nghiệp vừa bán hàng, vừa cung cấp dịch vụ mà khoản mục chi phí này của công ty không có cho thấy công ty chưa chú trọng đến việc quảng cáo, tiếp thị cho sản phẩm của mình. Mặc dù chi phí càng ít thì lợi nhuận càng cao song bỏ qua khoản mục chi phí này là công ty đã bỏ qua một cơ hội góp phần làm tăng lợi nhuận cho mình.

Chi phí quản lý doanh nghiệp của công ty năm 2001 là 2,2 tỷ đồng, năm 2002 tăng lên thành 2,9 tỷ đồng với tỷ lệ tăng 30,3%. Nếu so với tốc độ tăng của doanh thu thì đây không phải là tốc độ tăng quá lớn và có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, nếu so sánh khoản mục này với chỉ tiêu lợi nhuận hàng năm của công ty thì đây là một tỷ lệ quá cao. Điều này cho thấy việc bố trí quản lý của công ty là chưa thực sự hợp lý. Công ty cần nghiên cứu để kiện toàn bộ máy quản lý của công ty và các đơn vị nhằm tạo ra bộ máy quản lý làm việc có hiệu quả cao hơn nữa theo hướng làm rõ chức năng, trách nhiệm và quyền hạn của từng bộ phận và từng cá nhân trong bộ máy. Khoản mục chi phí này càng giảm bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu vì giảm được một đồng chi phí là tăng được một đồng lợi nhuận. Đây là vấn đề mà công ty phải quan tâm giải quyết trong thời gian tới.

Vì công ty không có hoạt động tài chính nên khoản mục chi phí hoạt động tài chính là không có (và đương nhiên là cũng không có thu nhập từ hoạt động này). Để phân tán rủi ro trong kinh doanh cũng như tận dụng mọi tiềm năng, công ty cần quan tâm đến hoạt động này trong thời gian tới. Đặc biệt, là một công ty cổ phần (cho dù là mới hoạt động theo mô hình này) thì đây là một vấn đề mà công ty phải quan tâm trong thời gian tới.

Đây cũng là tình trạng phổ biến của các doanh nghiệp nhà nước mới tiến hành cổ phần hoá ở nước ta hiện nay: mảng hoạt động tài chính rất ít hoặc không có.

Chi phí hoạt động bất thường của công ty hầu như là không có do hoạt động bất thường chủ yếu là thanh lý tài sản cố định. Và tài sản cố định của công ty chủ yếu là ô tô cũ mà sản phẩm này được các cơ sở sản xuất nhỏ (các cơ sở sản xuất công nông, phương tiện vận tải nhỏ) rất quan tâm do vậy hầu như không phải tốn chi phí cho hoạt động bán các tài sản này.

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao lợi nhuận tại Công ty cổ phần vận tải ô tô Nam Định (Trang 52 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(72 trang)
w