Tăng cường nội dung GDPL trong một số loại hình sinh hoạt văn hóa của người Êđê

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho nhân dân các dân tộc ít người ở tỉnh Đăk Lăk - Thực trạng và giải pháp pptx (Trang 82 - 85)

- Thực trạng về chủ thể:

3.3.3.2. Tăng cường nội dung GDPL trong một số loại hình sinh hoạt văn hóa của người Êđê

của người Êđê

+ Lễ cúng nhà mới của đồng bào Êđê:

Nhà truyền thống của đồng bào Êđê là ngôi nhà sàn dài có hai mái, có hai sân trước và sau, cầu thang lên xuống mang đậm nét mẫu hệ được làm bằng một cây gỗ tròn có hai bầu vú tròn ở đầu cầu thang. Nhà dài Êđê xưa kia có chiều dài trên dưới 100m. Trong trường ca Đam San thường mô tả: "Dài như tiếng chiêng ngân" hoặc "con chim bay mỏi cánh mà vẫn không hết". Nhà dài Ê đê thường làm bằng những nguyên liệu tự nhiên của núi rừng. Khi ngôi nhà vừa làm xong thì người Êđê thường làm lễ cúng nhà mới rồi mới dọn về ở. Trước khi làm lễ người Êđê kiêng đụng chạm đến ngôi nhà nhất là kiêng dùng dao chặt vào cột cái (cột lớn chính trong nhà) kể cả chạm khắc trang trí trong nhà. Lễ cúng nhà mới khá chu đáo và trân trọng. Trước khi cúng một tháng, chủ nhà chuẩn bị rượu cần, heo, gà, chiêng, ché và mời bà con họ hàng trong buôn cùng các buôn xa đến dự, vào ngày lễ thì bà con kéo đến đầy đủ chật cả nhà. Sau khi chủ nhà chuẩn bị xong các lễ vật, thầy cúng tiến hành các lễ nghi.

- Đầu tiên là lễ cúng tổ tiên, ông bà (Ngăyang phar atâo) để mời ông bà, tổ tiên về giữ lễ cúng nhà mới với con cháu. Lễ này được cúng bằng một ché rượu và một con heo nhỏ.

- Tiếp đến là lễ cúng thần nhà (Riêo yang sang) để mời thần nhà về ở nhà mới và phù hộ cho chủ nhà khỏe mạnh, có nhiều heo lúa, bắp, gà, lễ này được cúng bảy ché rượu một con trâu hoặc một con heo lớn.

Sau lễ cúng thần nhà là lễ cúng sức khỏe cho chủ nhà và mọi thành viên trong gia đình (Ngă yang po khoa sang) lễ này được cúng một ché rượu và một con gà. Sau khi thầy cúng khấn các giàng xong, dàn chiêng nổi lên giòn giã, thầy cúng lần lượt đeo chiếc cồng đồng vào cổ tay phải cho chủ nhà (Kliăng Kông) và người thân trong gia đình (Bi pâk Kông) để cầu chúc sức khỏe.

Cuối cùng là lễ uống rượu cần (M năm Kpiê) kết hợp với sinh hoạt văn hóa cộng đồng mừng nhà mới. Trong lễ này mọi người, cùng uống rượu cần, ăn thịt nướng, hát dân ca, thổi kèn, múa mừng cho chủ nhà có ngôi nhà mới và cầu cho chủ nhà có lúa đầy chòi, heo gà đầy sân chật bãi. Cứ thế tiếng cồng chiêng, tiếng kèn, tiếng hát cứ ngân vang mãi, rộn rã khắp buôn làng. Người uống rượu cứ uống, người ăn cứ ăn, người hát cứ hát... tất cả cộng đồng cùng vui vẻ cho đến hết đêm hội.

- Lễ cúng nhà mới của đồng bào Êđê là một phong tục truyền thống tốt đẹp. ở đây mọi người được chiêm ngưỡng một kiến trúc nhà độc đáo và cùng với cộng đồng tham dự nghi lễ truyền thống mang đậm đà bản sắc văn hóa.

Đồng bào dân tộc có rất nhiều lễ hội như lễ ăn cơm mới, lễ uống rượu cần mừng năm mới, lễ cúng bến nước, lễ cúng sức khỏe, lễ trưởng thành v.v... mỗi lễ hội đều có một hình thức biểu hiện độc đáo giàu bản sắc, đầy tính nhân văn. Nó thể hiện cho sức sống, hoài bão, ước mơ cộng đồng trong bước đường vươn tới một tương lai tốt đẹp.

Lễ cúng bến nước: theo phong tục của người Êđê trong mỗi buôn làng đều có chủ đất, chủ bến nước. Buôn làng nào cũng có một bến nước để làm nguồn tưới sinh hoạt cho mọi thành viên trong cộng đồng nên được mọi người có ý thức gìn giữ rất cẩn thận, nếu người nào chặt cây xung quanh bến nước, hay làm đục nguồn nước đều phải xử phạt rất nặng theo luật tục.

Hàng năm vào dịp đầu năm mới là mọi buôn làng tổ chức cúng bến nước. Đầu tiên chủ bến nước sai con cháu đánh cồng chiêng để gọi mọi người trong buôn cùng ra bến nước làm vệ sinh dòng nước như phát quang cây cối xung quanh nguồn nước, sửa lại máng nước, sửa lại đường lên xuống bến nước. Sau khi làm vệ sinh bến nước xong, mọi người về nhà chủ bến nước chuẩn bị rượu, cơm nếp, làm một con heo to, lấy tiết heo pha vào rượu để cúng thần bến nước. Khi mọi lễ vật đã chuẩn bị xong, thầy cúng, chủ bến nước cùng một số tốp thanh niên mang lễ vật, cầm khiên, đao ra bến nước. Đến nơi các chàng trai cùng nhau múa khiên, múa đao xung quanh bến nước để đuổi ma tà quỷ dữ. Sau đó thầy cúng đặt các lễ vật trên một tảng đá gần máng nước để cúng giàng suối, giàng sông, cầu cho nguồn nước trong lành, dân càng mạnh khỏe, mùa rẫy mới có nhiều bắp, lúa, khấn xong, thầy cúng cầm bát rượu có pha tiết heo đến từng máng nước đổ vào dòng chảy của mỗi máng nước, với ý nghĩa cầu cho nguồn nước trong sạch và không bao giờ ngừng chảy. Sau đó họ kéo nhau về nhà chủ bến nước, cùng uống rượu cần, ăn thịt heo nướng, nhảy múa, ca hát theo nhịp cồng chiêng vô cùng vui nhộn, suốt cả ngày hội.

Qua việc tìm hiểu một số lễ hội của nhân dân các dân tộc ít người ở Đăk Lăk mà chủ yếu là dân tộc M'Nông và Êđê là hai dân tộc bản địa sinh sống từ lâu đời, chúng ta rút ra một số nhận xét:

- Lễ hội là một loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian mang tính truyền thống, nó phản ánh tâm tư nguyện vọng về cuộc sống ấm no hạnh phúc của người dân tộc ở Đăk Lăk.

- Lễ hội có yếu tố của đời sống tâm linh, khi con người tin vào thần và nhờ thần che chở, giúp đỡ, yếu tố này phản ánh nhận thức về thế giới quan còn hạn chế.

- Các lễ hội thể hiện tính cộng đồng giữa các buôn làng rất cao, đó là truyền thống tốt đẹp tạo nên sức mạnh tập thể và qua đó phản ánh vai trò của già làng, trưởng bản như là thủ lĩnh của một nhóm người, tập thể người có khả năng tập hợp sức mạnh của quần chúng.

Vì vậy, chúng ta cần phải quan tâm giúp đỡ và bồi dưỡng kiến thức pháp luật, giáo dục chính trị tư tưởng cho già làng, trưởng bản để phát huy vai trò của họ trong công tác tuyên truyền GDPL ở buôn làng.

Tâm lý của nhân dân các dân tộc ít người luôn tôn trọng những "thủ lĩnh" hay già làng, trưởng bản của mình, lời nói sự chỉ bảo của họ có uy quyền với dân làng, nhiều vụ việc tranh chấp, già làng đứng ra hòa giải, phân xử sẽ nhanh chóng đạt hiệu quả.

Thông qua sinh hoạt lễ hội văn hóa dân gian để tuyên truyền phổ biến GDPL là một hình thức độc đáo mà có thể tiến hành rất tốt vừa giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, vừa nâng cao dân trí pháp lý lại tiết kiệm được tiền của mà không mất nhiều thời gian của nhân dân.

+ Chúng tôi kiến nghị: Các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa như Sở Văn hóa, phòng văn hóa cần phải chủ động phối kết hợp với các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cùng với Sở Tư pháp quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền và GDPL cho nhân dân các dân tộc ít người thông qua các lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian. Tuyên truyền pháp luật thông qua lễ hội là một hình thức hết sức độc đáo mà tại Đăk Lăk chưa được khai thác tốt. Cần có sự phối hợp giữa Sở Tư pháp và Sở Văn hóa tổ chức thi tìm hiểu pháp luật trong nhân dân các dân tộc ít người, với vận dụng và hình thức phù hợp, hướng dẫn thu hút nhiều người tham gia.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Giáo dục pháp luật cho nhân dân các dân tộc ít người ở tỉnh Đăk Lăk - Thực trạng và giải pháp pptx (Trang 82 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)