- Thứ năm, “Có những thư từ mà người này viết xác nhận đứa con do người phụ nữ đó sinh ra là con của họ”.
2.3.3. Nội dung nguyên tắc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học
phương pháp khoa học
Việc sinh con theo phương pháp khoa học đã đặt ra một thực tế là có sự khác biệt giữa người cha, người mẹ về mặt pháp lý với người cha, người mẹ về mặt huyết thống. Tuy vậy, để bảo đảm quyền lợi cho cặp vợ chồng vô sinh và đứa trẻ thì căn cứ xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học theo Điều 21 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP cũng được xác định dựa trên nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con được quy định tại Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2000: “Con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kỳ đó là con chung của vợ chồng”. Còn đối với người phụ nữ độc thân mà sinh con thì ta có thể áp dụng nguyên tắc xác định quan hệ mẹ-con ngoài giá thú để áp dụng trong trường hợp này.
Theo bản chất sinh học thì sự thụ tinh là sự kết hợp giữa trứng của người phụ nữ và tinh trùng của người đàn ông khi họ có quan hệ sinh lý với nhau. Nhưng có thể một trong hai người hoặc cả hai người do bệnh tật, tai nạn,… nên không có khả năng thụ tinh, do đó, họ phải nhờ đến các phương pháp khoa học như thụ tinh nhân tạo hay thụ tinh trong ống nghiệm.
Trên thực tế có nhiều trường hợp xảy ra khi sinh con theo phương pháp khoa học, theo Nghị định số 12/2003/NĐ-CP thì có thể xác định cha, mẹ, con như sau:
- Trong trường hợp thụ tinh giữa trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng sau đó được cấy vào tử cung của người vợ và đứa trẻ sẽ được hình thành trong cơ thể người mẹ và được sinh ra bình thường như những đứa trẻ khác thì đương nhiên đôi vợ chồng đó sẽ được xác định là cha và mẹ đứa trẻ cả về mặt pháp lý lẫn về mặt huyết thống.
Tuy nhiên, có những trường hợp mà người cha, người mẹ về mặt pháp lý khác với người cha, người mẹ về mặt huyết thống khi cả hai hoặc một trong hai người không có khả năng thụ tinh:
- Trường hợp người vợ không có khả năng thụ thai như không có khả năng rụng trứng hay bị dị tật ở buồng trứng … thì sẽ tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, kết hợp tinh trùng của người chồng với trứng của người phụ nữ khác tạo thành phôi trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người vợ. Người vợ mang thai và sinh ra đứa trẻ nhưng chỉ là người mẹ về mặt pháp lý còn người mẹ về mặt huyết thống lại là người cho trứng, người chồng là người cha của đứa trẻ cả về mặt pháp lý và huyết thống.
- Trường hợp người chồng không có tinh trùng hoặc tinh trùng quá yếu không thể thụ tinh được thì sẽ tiến hành thụ tinh nhân tạo bơm tinh trùng của người đàn ông khác (người cho tinh trùng) vào tử cung của người vợ. Trong trường hợp này, người mẹ được xác định là người mẹ cả về mặt huyết thống và pháp lý nhưng người cha về mặt pháp lý (người chồng của mẹ đứa trẻ) lại khác so với người cha về mặt huyết thống (người cho tinh trùng).
- Trường hợp cả hai vợ chồng đều không có khả năng thụ tinh nên đã tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm, kết hợp giữa trứng và tinh trùng của người khác tạo thành phôi sau đó cấy vào tử cung của người vợ, người vợ mang thai và sinh ra đứa trẻ. Cặp vợ chồng được xác định là cha, mẹ về mặt pháp lý của đứa trẻ còn cha, mẹ của đứa trẻ về mặt huyết thống lại là người cho trứng và người cho tinh trùng.
Ngoài ra, còn có thể có trường hợp “mang thai hộ”, tức là tiến hành thụ tinh trong ống nghiệm giữa trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng,
do người vợ không có khả năng mang thai nên đã cấy phôi vào tử cung của người phụ nữ khác, người đó sẽ mang thai và sinh ra đứa trẻ. Tuy nhiên, trong trường hợp này sẽ nảy sinh nhiều vướng mắc về mặt pháp lý vì người phụ nữ mang thai hộ sau khi sinh đứa trẻ thì giấy chứng sinh của đứa trẻ đó sẽ ghi tên người đã trực tiếp sinh ra đứa trẻ là “người mang thai hộ” và sau đó, cán bộ hộ tịch khi làm giấy khai sinh sẽ dựa theo giấy chứng sinh để ghi họ tên người mẹ đứa trẻ, ở đây người mẹ đích thực của đứa trẻ lại không được xác nhận. Và để tránh những vướng mắc pháp lý về vấn đề này, Điều 6 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP đã nghiêm cấm hành vi “mang thai hộ”. Đồng thời theo quy định tại khoản 1 Điều 20 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP: “Trẻ ra đời do thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân.”, do đó đã loại bỏ được trường hợp “mang thai hộ” vì đứa trẻ ở đây phải được mang thai và sinh ra từ người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ sống độc thân.
Đối với người phụ nữ độc thân muốn có con bằng biện pháp hỗ trợ sinh sản thì chỉ được pháp luật cho phép nhận tinh trùng theo khoản 1 Điều 9 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP: “…Người nhận tinh trùng phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người chồng, phụ nữ sống độc thân có nhu cầu sinh con đã được cơ sở y tế xác định có noãn bảo đảm chất lượng để thụ thai.”, đồng thời, người phụ nữ độc thân còn phải được cơ sở y tế xác định là có noãn bảo đảm chất lượng để thụ thai. Người phụ nữ độc thân không được phép nhận noãn hay phôi theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều 9 Nghị định số 12/2003/NĐ-CP: “…Người nhận noãn phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do người vợ có nhu cầu sinh con nhưng không có noãn hoặc noãn không bảo đảm chất lượng để thụ thai.... Người nhận phôi phải là người vợ trong cặp vợ chồng đang điều trị vô sinh mà nguyên nhân vô sinh là do cả người vợ và người chồng….”. Sở dĩ có quy định như vậy là vì Nhà nước ta muốn ngăn chặn sự biến tướng của hành vi nhận phôi, noãn của người phụ nữ độc thân để “mang thai hộ”. Người phụ nữ độc
thân có nhu cầu sinh con theo phương pháp khoa học là vì họ muốn có một đứa con cùng huyết thống cho riêng mình, nên đương nhiên họ muốn tự mình mang thai và sinh ra đứa trẻ. Do đó, việc xác định cha, mẹ, con ở đây chỉ được đặt ra đối với quan hệ mẹ con mà thôi, tương tự như việc xác định quan hệ mẹ con ngoài giá thú.
Như vậy với việc quy định nguyên tắc xác định cha, mẹ cho con được sinh ra theo phương pháp khoa học tại Chương V của Nghị định số 12/2003/NĐ-CP , nhà nước ta đã tạo ra hành lang pháp lý nhằm giúp cho Tòa án có thể giải quyết tốt hơn các tranh chấp về loại án kiện này.