Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2000 đã quy định nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con. Theo tinh thần của Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2000 thì có thể xác định con trong giá thú theo những trường hợp sau:
*Thứ nhất, con do người vợ thụ thai và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân:
đứa con đó đương nhiên được thừa nhận là con chung (trong giá thú) của vợ chồng. Đây là trường hợp phổ biến nhất vì khi hai bên nam nữ yêu nhau, muốn chung sống với nhau rồi tiến đến hôn nhân, sinh con đẻ cái là lẽ thường, người vợ trong thời kỳ hôn nhân lại hiếm khi ngoại tình (vì đạo đức, thuần phong mỹ tục…), cho nên đứa con do người vợ thụ thai và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân mặc nhiên là con chung của vợ chồng.
* Thứ hai, con do người vợ thụ thai trước thời kỳ hôn nhân và sinh ra trong thời kỳ hôn nhân: đứa con đó cũng được coi là con chung của vợ chồng
(con trong giá thú). Luật HN&GĐ không quy định về thời gian mang thai tối thiểu sau khi kết hôn mà chỉ quy định đứa con sinh ra trong thời kỳ hôn nhân là
con chung của vợ chồng, vậy nên người mẹ sinh con ra ở bất cứ thời điểm nào sau khi kết hôn đều được thừa nhận là con chung của vợ chồng. Đây là quy định mới, phù hợp với tình hình xã hội hiện nay nhằm bảo vệ quyền lợi cho bà mẹ và trẻ em. Do thực trạng vấn đề hôn nhân và gia đình ngày nay, nam nữ được tự do yêu đương, tìm hiểu trước khi kết hôn, Có nhiều trường hợp hai bên nam nữ đã có quan hệ sinh lý với nhau, hoặc người phụ nữ đã thụ thai trước khi kết hôn; sau khi kết hôn với nhau được một thời gian ngắn, người vợ đã sinh con. Khi đó, hầu hết người chồng đều biết rằng đứa con đó chắc chắn là con mình nên sẽ đương nhiên thừa nhận quan hệ cha - con.
* Thứ ba, con do người vợ thụ thai và sinh ra trước thời kỳ hôn nhân nhưng được cha mẹ thừa nhận: cũng được coi là con chung của vợ chồng. Khi
con được sinh ra, cha mẹ của đứa con đó chưa chính thức trở thành vợ chồng trước pháp luật nên đứa trẻ không thể được coi là con trong giá thú được, sau khi cha mẹ kết hôn và thừa nhận con thì đứa con sẽ trở thành con trong giá thú. Đây là một quy định “mở” theo hướng công nhận người con sinh ra trong trường hợp này cũng là con chung với điều kiện là cha mẹ kết hôn và tự nguyện thừa nhận đứa con là con chung. Cũng gần tương tự như trường hợp trên, sở dĩ Luật HN&GĐ quy định như vậy cũng là do thực trạng xã hội hiện nay, nhiều đôi nam nữ đã chung sống với nhau như vợ chồng, hoặc có quan hệ sinh lý rồi sinh con, sau đó mới kết hôn, vì thế Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2000 đã dự liệu thêm trường hợp này để phù hợp với tình hình thực tế. Trường hợp này giống với trường hợp “chính thức hóa” con trong giá thú đã được quy định trong pháp luật dưới chế độ cũ ở nước ta.
* Thứ tư, con do người vợ thụ thai trong thời kỳ hôn nhân và sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt trong một thời gian Luật định tối đa là 300 ngày: được
coi là con của người chồng trong quan hệ hôn nhân trước khi đứa trẻ được sinh ra. Theo nghiên cứu khoa học và cả theo kinh nghiệm dân gian, thời gian
mang thai tối đa của người phụ nữ khoảng 300 ngày, điều này là phù hợp với thời gian mang thai tối đa được quy định tại Điều 21 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật HN&GĐ năm 2000: “Con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Toà án xử cho vợ chồng ly hôn có hiệu lực pháp luật, thì được xác định là con chung của hai người”. Trên cơ sở thời gian mang thai tối đa này, Luật HN&GĐ đã dự liệu trường hợp đứa trẻ được sinh ra trong thời hạn 300 ngày kể từ ngày hôn nhân chấm dứt vẫn được coi là con chung của vợ chồng, nghĩa là không loại trừ trường hợp đứa trẻ được thụ thai vào đúng ngày hôn nhân chấm dứt.
* Thứ năm, con do người vợ thụ thai trước thời kỳ hôn nhân và sinh ra sau khi hôn nhân chấm dứt trong một khoảng thời gian luật định: cũng được
coi là con chung của vợ chồng. Đây là một trường hợp đặc biệt của nguyên tắc suy đoán pháp lý xác định cha, mẹ, con. Điều 63 Luật HN&GĐ năm 2000 quy định “con do người vợ có thai trong thời kỳ hôn nhân là con chung của vợ chồng” nên có thể hiểu là người vợ chỉ cần có thai trong thời kỳ hôn nhân (thời điểm thụ thai có thể trước và trong thời kỳ hôn nhân) và sau đó sinh con sau khi hôn nhân chấm dứt cũng có thể xác định đây là con chung của vợ chồng, không loại trừ trường hợp người vợ thụ thai vào ngày cuối cùng của cuộc hôn nhân nên thời gian tối đa là 300 ngày sau khi hôn nhân chấm dứt, nếu người vợ sinh con trong khoảng thời gian này thì đứa con vẫn được xác định là con của người chồng trong quan hệ hôn nhân đó.
Nguyên tắc suy đoán pháp lý đã được Luật HN&GĐ quy định nhằm xác định cha, mẹ cho con trong giá thú một cách chính xác và rõ ràng nhất. Điều đó đã góp phần vào việc ổn định các mối quan hệ gia đình, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người phụ nữ và trẻ em.