Khi áp dụng TTRG, pháp luật tố tụng hình sự không những có quy định rút ngắn về thời gian tố tụng để giải quyết vụ án hình sự mà còn có quy định giản lược các thủ tục tố tụng cho phù hợp với thời hạn tiến hành tố tụng đã quy định. Vụ án áp dụng TTRG là vụ án ít nghiêm trọng, người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang, hành vi phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng nên pháp luật cho phép các cơ quan tiến hành tố tụng không phải thực hiện một số thủ tục tố tụng không cần thiết trong quá trình giải quyết vụ án.
* Thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra
Theo Điều 321 BLTTHS năm 2003 thì: Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn là mười hai ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án; Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định đề nghị truy tố và gửi hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.
Để xử lý vụ án theo TTRG các hoạt động điều tra do CQĐT tiến hành chủ yếu là: xác minh căn cước, lý lịch của bị can, lấy lời khai người làm chứng, lời khai của người bị hại…; các hoạt động điều tra phức tạp như: trưng cầu giám định, thực nghiệm điều tra, đối chất … hầu như không phải tiến hành.
Khi kết thúc điều tra, CQĐT ra quyết định đề nghị truy tố bị can với nội dung: tóm tắt sự việc, đề nghị truy tố theo điều khoản nào của BLHS, đề nghị mức bồi thường thiệt hại về dân sự (nếu có) và gửi hồ sơ cho VKS. Việc không phải làm bản kết luận điều tra để mô tả lại toàn bộ nội dung vụ án là hoàn toàn hợp lý vì vụ án phạm tội quả tang, tính chất vụ án không phức tạp, chứng cứ rõ ràng, nội dung sự việc đã được phản ánh đầy đủ trong biên bản bắt người phạm tội quả tang, hồ sơ tài liệu không nhiều, việc tổng hợp, đánh giá chứng cứ không phức tạp. Vì vậy, không cần thiết phải làm bản kết luận điều tra.
Sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ mà CQĐT tra gửi sang VKS gồm: Biên bản bắt người phạm tội quả tang, biên bản giao nhận người bị bắt (nếu có), biên bản hỏi cung bị can, biên bản lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng (nếu có), bản lý lịch của bị can, trích lục tiền án, tiền sự của bị can (nếu có), yêu cầu bồi thường thiệt hại (nếu có) và quyết định đề nghị truy tố.
Như vậy, ở giai đoạn điều tra, chỉ có khi kết thúc điều tra, CQĐT không phải làm bản kết luận điều tra mà ra quyết định truy tố, các thủ tục tố tụng và các hành vi tố tụng khác được thực hiện như một vụ án thông thường, theo đó CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giữ, tạm giam hoặc thay đổi biện pháp ngăn chặn và phải có công văn đề nghị VKS phê chuẩn. Điều tra viên phải xây dựng lý lịch bị can, xác minh lý lịch, trích lục tiền án, tiền sự, lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng trước và sau khi khởi tố, định giá tài sản…Thậm chí, còn phải bổ sung thêm một số thủ tục như: công văn đề nghị áp dụng TTRG, biên bản giao quyết định áp dụng TTRG cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ. Thủ tục trong giai đoạn điều tra giản lược rất ít, thời hạn điều tra lại rút ngắn rất nhiều so với thủ tục thông thường, điều này đã gây áp lực đối với ĐTV, gây tâm lý ngại áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết án hình sự.
* Thủ tục tố tụng trong giai đoạn truy tố
Trong thời hạn bốn ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án VKS phải ra một trong những quyết định sau đây:
Quyết định truy tố bị can ra trước Toà án
Trên cơ sở xem xét đầy đủ hồ sơ vụ án cùng quyết định đề nghị truy tố của CQĐT, xét thấy có đủ căn cứ để xác định bị can đã thực hiện hành vi phạm tội, các
vấn đề cần chứng minh của vụ án đã được làm rõ như: Có hành vi phạm tội xảy ra, thời gian, địa điểm phạm tội đã được xác định, người thực hiện hành vi phạm tội có năng lực trách nhiệm hình sự, xác định rõ lỗi, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, nhân thân của bị can đã được làm rõ, mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra đã được xác định; các chứng cứ của vụ án đã được thu thập đầy đủ; các thủ tục khởi tố vụ án, điều tra vụ án đều hợp pháp; không có căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung, tạm đình chỉ hay đình chỉ vụ án thì VKS quyết định truy tố bị can trước Toà án bằng quyết định truy tố.
Quyết định truy tố ngắn gọn hơn bản cáo trạng trong đó chỉ cần xác định rõ: ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm xảy ra tội phạm; người thực hiện hành vi phạm tội; tội danh bị truy tố; theo điều khoản nào của BLHS và trách nhiệm dân sự (nếu có).
Viện kiểm sát phải thông báo cho bị can hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người bào chữa biết về việc ra quyết định này để thực hiện quyền bào chữa.
Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung
Viện kiểm sát ra quyết định trả hồ sơ cho CQĐT để điều tra bổ sung khi nghiên cứu vụ án phát hiện thấy: còn thiếu những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà VKS không tự mình bổ sung được; có căn cứ để khởi tố bị can về một tội phạm khác hoặc có người đồng phạm khác; có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Để đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án thật sự khách quan, toàn diện, đầy đủ, trong quá trình nghiên cứu hồ sơ vụ án, KSV phải kiểm tra tính hợp pháp và tính có căn cứ của quá trình điều tra được thể hiện trong hồ sơ vụ án.
Nếu thấy hồ sơ chưa đầy đủ, còn lọt người, lọt tội hoặc có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, KSV phải làm quyết định để trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung nhằm kịp thời khắc phục những thiếu sót và vi phạm của CQĐT, đảm bảo cho việc giải quyết vụ án một cách kịp thời và đúng đắn.
Quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung của VKS phải nêu rõ lý do (căn cứ) và những vấn đề cần được CQĐT bổ sung. Cùng với việc ra quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung thì VKS cũng phải ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng TTRG và vụ án được giải quyết theo thủ tục thông thường (khoản 2 Điều 323 BLTTHS). Quy định này là hợp lý bởi lẽ khi có một trong những căn cứ nêu trên thì
bản chất của vụ án không còn đơn giản nữa, việc điều tra bổ sung sẽ làm cho thời hạn tố tụng theo TTRG không còn được đảm bảo.
Quyết định tạm đình chỉ vụ án
Theo quy định tại khoản 2 Điều 169 BLTTHS, VKS ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi: bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo khác mà có chứng nhận của Hội đồng giám định pháp y; khi bị can bỏ trốn mà không biết rõ bị can đang ở đâu; trong trường hợp này phải yêu cầu CQĐT truy nã bị can.
Pháp luật tố tụng hình sự cũng quy định, khi có căn cứ tạm đình chỉ vụ án VKS ra quyết định tạm đình chỉ vụ án, đồng thời ra quyết định huỷ bỏ quyết định áp dụng TTRG, chuyển vụ án về thủ tục chung vì trường hợp này vụ án sẽ không thể tiến hành đúng thời hạn theo TTRG.
Quyết định đình chỉ vụ án
Khoản 1 Điều 169 BLTTHS quy định VKS ra quyết định đình chỉ vụ án khi có các căn cứ sau đây: khi vụ án khởi tố theo yêu cầu của người bị hại mà người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu trước ngày mở phiên toà sơ thẩm; không có sự việc phạm tội; khi có căn cứ cho rằng bị can đã tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội; khi có căn cứ miễn trách nhiệm hình sự đối với bị can; người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do diễn biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm nữa; khi người phạm tội đã tự thú, khai rõ sự việc góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhát hậu quả của tội phạm; khi có quyết định đại xá; khi có căn cứ cho thấy người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang là người chưa thành niên thuộc trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự vì người đó phạm tội ít nghiêm trọng, hoặc tội nghiêm trọng, gây hại không lớn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ và được gia đình hoặc cơ quan tổ chức nhận giám sát, giáo dục.
Tóm lại, các căn cứ để VKS ra một trong những quyết định trên vẫn phải tuân thủ theo các quy định chung của BLTTHS, thủ tục ra các quyết định này chỉ khác thủ tục chung ở quyết định truy tố thay cho bản cáo trạng trong trường hợp VKS quyết định truy tố bị can ra trước Toà án, còn hình thức của các quyết định khác không thay đổi, và khi ra các quyết định không phải là quyết định truy tố bị can ra trước Toà án, VKS còn phải ra quyết định huỷ bỏ áp dụng TTRG.
Thủ tục tố tụng trong giai đoạn xét xử sơ thẩm
Khoản 1 Điều 324 BLTTHS quy định: Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà phải ra một trong các quyết định sau đây: đưa vụ án ra xét xử theo TTRG; trả hồ sơ để điều tra bổ sung; tạm đình chỉ vụ án; đình chỉ vụ án.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án, xét thấy có đầy đủ chứng cứ xác định tội phạm, người phạm tội hoặc khi không có các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 107 BLTTHS thì Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo TTRG. Nội dung quyết định đưa vụ án ra xét xử theo TTRG cũng giống như quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục thông thường quy định tại Điều 178 BLTTHS. Và trong trường hợp ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo TTRG thì trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án. Việc xét xử sơ thẩm vụ án tiến hành theo thủ tục chung.
Trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung theo những căn cứ quy định tại Điều 179 BLTTHS, quyết định nêu rõ những vấn đề cần phải điều tra bổ sung. Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ vụ án khi có căn cứ quy định tại Điều 160 BLTTHS. Sau khi ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, hoặc quyết định tạm đình chỉ vụ án Toà án chuyển hồ sơ cho VKS và vụ án được giải quyết theo thủ tục chung (khoản 3 Điều 324 BLTTHS).
Trường hợp ra quyết định đình chỉ vụ án phải căn cứ vào Điều 180 BLTTHS, nội dung của quyết định đình chỉ vụ án phải tuân theo quy định tại khoản 3 Điều 164 BLTTHS.
Như vậy các thủ tục tố tụng trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm theo TTRG về cơ bản giống như thủ tục tố tụng chung.
Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, một vướng mắc được thực tiễn nêu ra là Tòa án giao quyết định đưa vụ án ra xét xử lúc nào? Điều 324 BLTTHS không quy định Tòa án phải giao quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo trước khi mở phiên tòa bao lâu mà chỉ yêu cầu phải mở phiên tòa trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử. Như vậy, có thể hiểu: Tòa án giao quyết định đưa vụ án ra xét xử bất cứ lúc nào, thậm chí chỉ một ngày trước phiên xét xử mà vẫn không bị xem
là vi phạm. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc bị cáo không có thời gian nhờ luật sư, sắp xếp công việc để ra Tòa (nếu bị cáo tại ngoại), không kịp xin thay đổi người tiến hành tố tụng…làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của họ [51].
Phiên toà xét xử sơ thẩm vụ án hình sự áp dụng TTRG vẫn phải tuân thủ mọi quy định chung như đối với các vụ án khác: xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục, thành phần Hội đồng xét xử gồm có một Thẩm phán và hai Hội thẩm, sự có mặt của bị cáo, Kiểm sát viên, người bào chữa (nếu có), người làm chứng, và một số vấn đề khác. Phiên toà vẫn phải tiến hành theo trình tự: thủ tục bắt đầu phiên toà, thủ tục xét hỏi tại phiên toà, tranh luận tại toà, nghị án và tuyên án. Vì không có bản cáo trạng để truy tố bị can nên tại phiên toà thay vì đọc bản cáo trạng đại diện VKS sẽ đọc quyết định truy tố bị can trước Toà khi bắt đầu phần xét hỏi.
Việc xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm đối với vụ án đã xét xử sơ thẩm theo TTRG được tiến hành theo thủ tục chung.
Nếu như ở giai đoạn điều tra và truy tố theo TTRG, thủ tục tố tụng có sự giản lược, thì ở giai đoạn xét xử sơ thẩm pháp luật chỉ quy định rút ngắn về thời hạn tố tụng mà không có sự giản lược về thủ tục tố tụng. Quy định của pháp luật tố tụng hiện hành là không hợp lý. Bởi lẽ, vụ án áp dụng TTRG để giải quyết là vụ án quả tang, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng nhưng việc xét xử vẫn tiến hành theo thủ tục chung, có nghĩa là phiên tòa vẫn phải được tiến hành với đầy đủ các thủ tục từ phần khai mạc phiên tòa, giải thích quyền, nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, xét hỏi, tranh luận mặc dù vụ án không có nhiều vướng mắc để giải quyết. Các phiên tòa xét xử án rút gọn trên thực tế thường diễn ra như sau: Thẩm phán phiên tòa hỏi đến đâu bị cáo nhận đến đó, đầy đủ, không chối tội, Hội thẩm nhân dân, KSV không có gì phải hỏi, nếu có hỏi thì dễ lặp lại nội dung mà Thẩm phán đã thẩm vấn, lời luận tội của KSV được bị cáo chấp nhận nên không có gì phải tranh luận, thủ tục nghị án cũng chỉ là hình thức, chỉ kéo dài thời gian xét xử mà thôi, gây lãng phí về thời gian cho các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo bài báo viết về một phiên tòa xét xử vụ án hình sự theo TTRG ở thành phố Hồ Chí Minh thì phiên tòa này diễn ra chưa đầy 20 phút [51]. Thực tiễn trên cho thấy việc xét xử sơ thẩm đối với vụ án áp dụng TTRG để giải quyết theo BLTTHS năm 2003 là chưa hợp lý.