Thời hạn trong tố tụng hình sự được hiểu là khoảng thời gian tối đa mà BLTTHS cho phép tiến hành tố tụng đối với vụ án. Một đặc điểm cơ bản của TTRG trong tố tụng hình sự là sự rút ngắn về thời hạn tố tụng một cách đáng kể so với thủ tục thông thường. BLTTHS năm 2003 quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm theo TTRG như sau:
Thời hạn điều tra: Do tính chất đơn giản của vụ án, hoạt động điều tra theo TTRG không quá phức tạp, tốn kém thời gian và công sức của CQĐT. Cho nên thời hạn điều tra theo thủ tục này được rút ngắn rất nhiều so với thủ tục thông thường. Thời hạn điều tra theo TTRG là mười hai ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án. Thời hạn điều tra được tính dựa theo quy định chung tại khoản 1 Điều 119 BLTTHS năm 2003 là “kể từ khi khởi tố vụ án cho đến khi kết thúc điều tra”. Việc quy định thời hạn điều tra rút ngắn như vậy là để cho việc điều tra được tiến hành khẩn trương, nhanh chóng đồng thời đảm bảo lợi ích hợp pháp của bị can và những người tham gia tố tụng khác.
Thời hạn truy tố: Theo quy định của BLTTHS hiện hành thì trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án, VKS phải ra một trong những quyết định sau đây…”. Sau khi nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án của CQĐT, VKS tiến hành xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ án và trong thời hạn không quá bốn ngày
kể từ khi nhận được hồ sơ, VKS phải ra một trong các quyết định sau: truy tố bị can trước Toà án bằng quyết định truy tố, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, tạm đình chỉ vụ án, quyết định đình chỉ vụ án. Thời hạn truy tố được quy định rất ngắn nhằm đề cao tinh thần trách nhiệm của VKS cũng như đảm bảo sớm đưa vụ án ra xét xử đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm là phải kịp thời, nhanh chóng, kiên quyết, chính xác.
Thời hạn xét xử sơ thẩm là mười bốn ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án. Trong thời hạn này, Thẩm phán được phân công chủ toạ phiên toà có nhiệm vụ nghiên cứu hồ sơ; giải quyết các khiếu nại và yêu cầu của những người tham gia tố tụng, tiến hành những việc khác cần thiết cho việc mở phiên toà. “Trong thời hạn bảy ngày, kể từ ngày ra quyết định, Toà án phải mở phiên toà xét xử vụ án…”. Như vậy, thời hạn xét xử theo TTRG là mười bốn ngày.
Theo những quy định trên thời hạn tiến hành tố tụng theo TTRG là ba mươi ngày trong đó: Thời hạn điều tra là mười hai ngày, thời hạn truy tố là bốn ngày, thời hạn xét xử sơ thẩm là mười bốn ngày. Tất cả những thời hạn này đều không được gia hạn.
Việc quy định thời hạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm rút ngắn rất nhiều so với thủ tục thông thường một mặt nhằm đảm bảo cho việc giải quyết vụ án được nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, mặt khác nhằm nêu cao tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng. Tuy nhiên, thời hạn điều tra, truy tố theo TTRG như hiện nay là quá ngắn, tạo ra áp lực lớn về thời hạn tố tụng đối với ĐTV, KSV trong khi đó thủ tục tố tụng trong giai đoạn điều tra, truy tố thì giản lược rất ít. Với thời hạn điều tra là mười hai ngày, ĐTV phải làm việc hết sức khẩn trương mới có thể kết thúc điều tra theo đúng thời hạn. Trên thực tế, với 3 ngày tạm giữ ĐTV chủ yếu chỉ kịp củng cố về hành vi phạm tội thực tế của bị can và xác định cơ bản các điều kiện áp dụng TTRG. Tuy nhiên, nhiều vụ án với thời hạn này không đủ thời gian để điều tra xem xét các điều kiện áp dụng TTRG, ví dụ: xác minh trường hợp bị can có tiền án, tiền án đó đã được xóa hay chưa, trường hợp định giá tài sản… để xác định bị can phạm tội ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng, nhất là đối với những vụ án mà bị can bị tạm giữ vào ngày thứ 6, thứ 7 trong tuần. Vì vậy, một số vụ án sau khi gia hạn tạm giữ mới xác định được đủ điều kiện áp dụng TTRG nhưng lại không thể áp dụng được vì nếu áp dụng sẽ vi phạm tố tụng. Với 9 ngày còn
lại họ phải hoàn tất các thủ tục và điều tra xác minh tiếp, nhiều thủ tục cần phải có thời gian bởi phải phụ thuộc vào các cơ quan khác như cơ quan cấp trích báo tái phạm, xác minh bản án, xác minh việc thi hành án dân sự….Với thời hạn truy tố là 4 ngày chỉ đủ để Viện kiểm sát xem xét quyết định đường lối xử lý vụ án. Do đó, trong thực tế giải quyết án rút gọn KSV phải theo sát quá trình điều tra ngay từ khi ban hành quyết định áp dụng TTRG giải quyết vụ án, đề ra yêu cầu điều tra và phối hợp với ĐTV trong quá trình thu thập tài liệu chứng cứ, KSV phải nghiên cứu hồ sơ ngay trước khi kết thúc điều tra. Khi hồ sơ được chuyển đến VKS đề nghị ra quyết định truy tố thì KSV về cơ bản đã nắm bắt được nội dung vụ án và quan điểm của CQĐT nên việc ra quyết định truy tố không có vướng mắc nhiều. Tuy nhiên, với thời hạn nêu trên, việc giao hồ sơ vụ án và quyết định truy tố lại có những vướng mắc: pháp luật không có quy định rõ khi nào thì VKS phải giao hồ sơ vụ án cho Tòa án, khi nào thì phải giao quyết định truy tố cho bị can, nếu áp dùng thời hạn giao hồ sơ vụ án cho Tòa án, giao quyết định truy tố cho bị can theo quy định chung thì lại không hợp lý.