pháp luật về phản biện xã hội ở Việt Nam hiện nay
Từ những phân tích ở trên, cho thấy, việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PBXH ở Việt Nam hiện nay là một yêu cầu tất yếu và bức thiết. Tuy nhiên, việc thực hiện hai bước cơ bản là xây dựng và hoàn thiện pháp luật để điều chỉnh hoạt động PBXH không phải là một việc dễ dàng. Hoạt động này cần thiết phải được đảm bảo bởi những điều kiện nhất định về các mặt thể chế, chính trị, nhận thức…để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.
- Sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam .
Trong điều kiện một đảng cầm quyền, đây là yếu tố mang tính quyết định và là điều kiện đảm bảo hàng đầu cho việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PBXH ở Việt Nam. Hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay ghi nhận vai trò lãnh đạo tiên phong và toàn diện của Đảng cộng sản Việt Nam. Vai trò này được thực hiện bằng nhiều hình thức khác nhau, trong đó hình thức cơ bản là định hướng sự phát triển đi lên của đất nước trên tất cả các lĩnh vực, thông qua việc đề ra nhiệm vụ, chủ trương, đường lối, chính sách trong từng giai đoạn, thời kì. Những đường lối, chủ trương, chính sách này sẽ từng bước được thể chế hóa thông qua các hoạt động của Nhà nước để đến được với thực tế khách quan. Một trong những công cụ được Nhà nước sử dụng thường xuyên và chủ yếu để đưa sự chỉ đạo của Đảng vào cuộc sống chính là pháp luật.
PBXH là một hiện tượng xã hội có vai trò quan trọng và được thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trước khi được coi là một đối tượng điều chỉnh của pháp luật, phương hướng đối với hoạt động này cần thiết phải có sự chỉ đạo của Đảng từ trong các chủ trương chính sách. Thực tế đã chứng minh rằng, trước đây, PBXH là một khái niệm chưa được đề cập đến nhiều và hoạt động của nó diễn ra một cách hết sức mờ nhạt. Điều này một phần là do trước đây chúng ta chưa có chủ trương đẩy mạnh và coi đó là một hiện tượng xã hội, có vai trò và tầm ảnh hưởng quan trọng. Chính vì vậy, để đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PBXH, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là hết sức cần thiết. Điều đáng mừng là tại Đại hội lần thứ X của Đảng, Đảng ta đã đưa ra quan điểm xây dựng quy chế, cơ chế phản biện xã hội là “ Mọi đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước đều vì lợi ích của nhân dân, có sự tham gia ý kiến của nhân dân”2, “ Phát huy vai trò và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng đường lối chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội”3 và “ Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội”4. Chủ trương này đã tạo cơ sở về mặt đường lối, tạo điều kiện cho các chủ thể có thẩm quyền tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng thành những quy định cụ thể điều chỉnh trực tiếp PBXH, đáp ứng nhu cầu bức thiết của thực tiễn hiện nay. Không chỉ thể hiện vai trò lãnh đạo qua việc đề ra đường lối, chính sách, Đảng còn trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PBXH qua công tác tổ chức, hoạt động giám sát… Điều này, một lần nữa để khẳng định rằng, vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản là điều kiện đảm bảo hàng đầu để hoạt động xây dựng và hoàn thiện pháp luật về PBXH ở Việt Nam được diễn ra một cách có hiệu quả.