Chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng

Một phần của tài liệu Luận văn: CHÍNH SÁCH CỦA CÁC NHÀ NƯỚC QUÂN CHỦ VIỆT NAM ĐỐI VỚI TỈNH THÁI NGUYÊN (Từ thế kỉ XI đến nửa đầu thế kỉ XIX) doc (Trang 108 - 111)

6. Bố cục của luận văn

3.2.2. Chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng

Trong khoảng thời gian từ thế kỷ XI – XIX, các tôn giáo lớn lần lượt được du nhập vào nước ta và phát huy ảnh hưởng sâu rộng. Tuy nhiên, văn hoá truyền thống dân tộc vẫn giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của cư dân Thái Nguyên. Những thuần phong mỹ tục, tập quán cổ truyền và tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và làm rẫy vẫn in đậm nét trong lối sống của người dân. Đó là tục thờ cúng tổ tiên, thờ phụng những anh hùng dân tộc có công với nước, các vị tổ tiên có công khai hoang lập làng, lập ấp, các vị tổ sư ngành nghề, các vị thần tự nhiên có liên quan đến sản xuất nông nghiệp. Hầu như làng, xã nào cũng có đền miếu, có làng có đến ba, bốn miếu thờ, vừa thờ nhân thần vừa thờ phụng những lực lượng siêu nhiên. Tín ngưỡng dân gian hoà quyện với các phương thuật Đạo giáo.

Nhân vật lịch sử được thờ phụng nhiều nhất ở Thái Nguyên là Phò mã Dương Tự Minh. Tương truyền đền Đuổm, nơi thờ chính Dương Tự Minh được dựng từ năm 1180, tức là chỉ sau khi ông qua đời ít lâu. Đền Đuổm nằm dưới chân núi Đuổm - xưa được gọi là Điểm Sơn hay núi Thạch Long, thuộc xã Động Đạt, huyện Phú Lương, cách trung tâm Thành phố Thái Nguyên 24 km về phía Tây Bắc, sát với Quốc lộ 3 Thái Nguyên đi Bắc Cạn: “Điểm Sơn ở cách huyện Phú Lương 30 dặm về phía Tây Bắc, phía trước núi có phiến đá chỗ lên chỗ xuống như con rồng ngóc đầu, phía dưới có hai phiến đá lớn, như hình hai con voi chầu vào. Đỉnh núi và sườn núi đều có đền” [69;168]. Đuổm có tiếng là địa linh. Đất ấy, gắn liền với tên tuổi của vị thủ lĩnh phủ Phú Lương Dương Tự Minh, người đã có công lao lớn đánh dẹp giặc Tống, giữ yên một vùng biên ải phía Bắc quốc gia Đại Việt, được vua Lý hai lần gả công chúa, được phong Phò mã lang. Người cùng một số vương tôn, tướng

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 108

lĩnh chống lại bọn quyền thần trong triều đình không thành công. Ông bị đày đi nơi xa độc và chết ở đó. Sau khi chết, Dương Tự Minh được triều đình phong “Uy viễn Đôn tĩnh Cao Sơn quảng độ chi thần”, các triều đại sau đó đều có sắc phong cho ông là “Cao Sơn Quý Minh”. Nhân dân một dải rộng lớn từ Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh đã lập đền thờ Dương Tự Minh, trong đó đền Đuổm là ngôi đền chính. Đền Đuổm ẩn mình dưới vách núi Đuổm, bên những tảng đá lớn hình đầu rồng, voi phục, gồm có đền Hạ, đền Trung và đền Thượng. Đền Hạ ở dưới cùng, thờ hai phu nhân của Dương Tự Minh. Đền Trung thờ Dương Tự Minh. Phía trên cùng, sát vách núi là đền Thượng, thờ Mẫu - mẹ của Dương Tự Minh. Từ xa xưa, cứ vào ngày mùng 6 tháng Giêng Âm lịch, nhân dân trong vùng lại mở lễ hội đền Đuổm để tưởng nhớ công ơn người anh hùng thời Lý, cầu mong cho mùa màng tươi tốt. Hội Đuổm và những truyền thuyết dân gian như: Chiếc áo tàng hình, Sự tích Giếng Dội, Sự tích ao Chuông Lăn, Thánh Đuổm trị tà thần do nhân dân sáng tạo ra nhằm ca ngợi Dương Tự Minh vẫn còn được lưu truyền đến ngày nay.

Phật giáo ở Thái Nguyên thời Lý - Trần cũng có những bước phát triển nhất định. Trong xu thế chung của sự phát triển Phật giáo trong cả nước, lúc bấy giờ các triều đại phong kiến cũng cho xây dựng nhiều chùa ở vùng này. Những ngôi chùa mang ảnh hưởng của đạo Phật ở Thái Nguyên nằm rải rác ở nhiều địa phương trong tỉnh. Núi Chùa Hang gọi là núi đá Hoá Trung hay núi Long Tuyền được sách Đại Nam nhất thống chí miêu tả: “Núi đá Hoá Trung ở cách huyện Động Hỷ 20 dặm về phía Tây, trên núi có động, trong động có cột đá, phía trước và phía sau đều có cửa, người ta nhân động làm chùa; về phía Nam núi có sông Đồng Mỗ vòng quanh, cũng là nơi thắng cảnh” và “Núi Long Tuyền ở huyện Động Hỷ, rộng rãi, có thể chứa được 300 người, trong núi có đền thờ Phật Thích Ca và các vị Phật Tổ; phía Đông có một cái lỗ,

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 109

nước suối trong chảy ra thành ao, có rất nhiều cá, người ta đốt đuốc du ngoạn, nếu trong lòng thành kính thì được tuỳ ý ngao du, nếu trái lại thì gió thổi lửa tắt, không biết lối về. Nước suối này chảy theo nước ao chừng hai dặm rồi thông với sông Lệ Thuỷ” [69;158].

Đến thế kỉ XVII, Phật giáo ở Thái Nguyên phát triển rất mạnh. Nhà Mạc khi lên Cao Bằng xây dựng trung tâm cát cứ chống lại chính quyền Lê - Trịnh, Thái Nguyên cũng trở thành một trong những địa bàn dư đảng nhà Mạc hoạt động mạnh mẽ nhất, như “Uy vương Mạc Kính Dụng chiếm giữ Thái Nguyên,… Trung quốc công chiếm giữ Phổ Yên” [50;198] đã mang theo những tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo và truyền bá vào vùng đất này. Nhiều nhà nghiên cứu nhận định rằng dưới triều Mạc, ngoài Nho giáo là tư tưởng chính thống thì các tôn giáo khác cũng có phần được phát triển cởi mở hơn so với triều Lê Sơ.

Việc thờ Phật ở Thái Nguyên cũng có nhiều điểm khác biệt chẳng hạn như người Sán Dìu ở Thái Nguyên cũng lập bàn thờ Phật Bà Quan Âm, họ là những người làm nghề thầy cúng lập bàn thờ Phật nhưng không tụng kinh, mà chỉ cúng như các loại ma khác. “Bàn thờ Phật để một chỗ riêng, cao hơn bàn thờ tổ tiên. Nếu thờ Phật phải kiêng ăn thịt trâu, thịt chó và không được mang những thứ đó vào nhà” [23;608]. Hay người Ngái ở Thái Nguyên hầu hết các gia đình đều có bát nhang thờ Quan Thế Âm Bồ Tát trên bàn thờ, bên cạnh bát nhang thờ tổ tiên. Đồng thời họ cũng thờ cả thần tài, thần thổ địa, nhiều gia đình còn thờ cả Thái Thượng Lão Quân. Một số người vừa đi chùa, vừa đi lễ thường xuyên ở các đền miếu. Điều đó chứng tỏ Phật giáo được bắt rễ từ rất lâu và hoà đồng cùng các tín ngưỡng dân gian ở Thái Nguyên.

Ngoài Phật giáo, các nhà nước quân chủ phong kiến cũng tích cực truyền bá những tư tưởng, học thuyết Nho giáo. Nho học là một học thuyết chính trị, một học thuyết đạo đức xuất xứ từ Trung Quốc và có ảnh hưởng sâu

Số hóa bởi Trung tâm Học liệu - Đại học Thái Nguyên http://www.lrc-tnu.edu.vn 110

đậm đến người Việt Nam. Thực tế cho thấy là, người Việt vẫn có một đạo lý cổ truyền bản địa để tu thân xử thế, hướng con người làm được những điều tốt đẹp cho bản thân, cho gia đình và cho xã hội. Những lý thuyết Nho giáo du nhập vào đây, hoà hợp với đạo đức cổ truyền và nhờ có trình độ khái quát cao nên được nhân dân ta chấp nhận, lấy Nho học làm học thuyết chỉ đạo các mối quan hệ xã hội, hành vi ứng xử trong cuộc sống. Từ thời Lê, Nho giáo trở thành quốc giáo.

Cho đến thời Nguyễn và nhất là ở thời Minh Mạng, chính sách phát triển Nho giáo đối với Thái Nguyên cũng như các tỉnh miền núi khác được thực hiện thông qua việc giáo dục, khoa cử. Để đẩy mạnh việc dạy và học theo tinh thần Nho giáo, hàng năm vua Minh Mạng cho in các bộ sách kinh điển của Nho gia phát cho các địa phương miền núi. Những sách này được biên soạn sơ lược, đủ để cho học trò thấm dần chữ nghĩa thánh hiền ở trình độ thấp.

Có thể nói, ở Thái Nguyên việc học chữ Nho đối với con em dân tộc ít người không đậm đà sâu sắc như ở miền xuôi, song đạo đức Nho giáo vẫn luôn được coi trọng. Ngay trong kho tàng văn học dân gian, nhất là ở các truyện cổ thì những tư tưởng Nho giáo như trọng lễ nghĩa, vấn đề trung hiếu... vẫn được học tập và ảnh hưởng sâu đậm trong tâm thức người dân. Việc dạy và học theo tư tưởng Nho giáo vẫn được duy trì ở vùng đất này cho đến hết thế kỉ XIX.

Một phần của tài liệu Luận văn: CHÍNH SÁCH CỦA CÁC NHÀ NƯỚC QUÂN CHỦ VIỆT NAM ĐỐI VỚI TỈNH THÁI NGUYÊN (Từ thế kỉ XI đến nửa đầu thế kỉ XIX) doc (Trang 108 - 111)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)