Để tạo hành lang pháp lý cho các DN chủ động trong việc vay vốn nước ngoài, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/NĐ-CP vào năm 1993, trong đó cho phép các DN được kí kết vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả. Tuy nhiên, các DN trước khi vay vốn nước ngoài phải xin phép NHNN. Văn bản chấp thuận khoản vay này là cơ sở pháp lý để các NHTM thực hiện việc rút vốn trả nợ nước ngoài cho các DN. Các DN có nguồn thu ngoại tệ từ nguồn vay vốn phải chuyển về nước vào TK ngoại tệ mở tại ngân hàng được phép và không phải kết hối. Sau khi có chấp thuận vay vốn nước ngoài, DN mới được kí hợp đồng và thực hiện rút vốn khoản vay và trả nợ khoản vay khi đến hạn.
Trước năm 1999, các DN khi vay vốn nước ngoài phải đáp ứng điều kiện lãi suất khoản vay ngắn hạn nhỏ hơn 7.5% và lãi suất của khoản vay trung dài hạn không lớn hơn lãi suất LIBOR+2.5% và các DN chỉ được mở một TK ngoại tệ trong nước tại ngân hàng được phép để tiếp nhận vốn vay và trả nợ nước ngoài. Các trường hợp mở TK ở nước ngoài để tiếp nhận và chi trả vốn vay phải được NHNN cho phép trong trường hợp đặc biệt.
Về các khoản vay vốn nước ngoài ngắn hạn, trước năm 1997 chưa được NHNN chú trọng. Do vậy, các DN nhập hàng trả chậm vào giai đoạn 1995-1996 với số lượng rất lớn khi lãi suất vay vốn trong nước cao hơn lãi suất vay vốn nước ngoài dưới hình thức mở L/C trả chậm. Số dư mở L/C tăng vọt, ở mức báo động (trên 1 tỷ USD). Với sự biến động tỷ giá và nhu cầu tiêu dùng trong nước giảm, nhiều DN lâm vào phá sản không có khả năng trả nợ. Do vậy, năm 1997 Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 207/QĐ-NH7 kèm theo Quy chế mở L/C trả chậm, trong đó đưa ra các quy định chặt chẽ về trách nhiệm của ngân hàng mở L/C và các DN khi thực hiện nghiệp vụ này.