Nhà lãnh đạo cần đối xử với từng nhân viên “khác biệt nhưng công bằng”. Điều quan trọng nhất là nhà lãnh đạo thừa nhận sự khác biệt của từng nhân viên để không chỉ chấp nhận mà phải tôn vinh nó. Chính sự khác biệt làm nên sự phát triển. Điều này không chỉ đúng trong quá trình tiến hoá tự nhiên mà còn đúng trong khoa học xã hội và tư duy.
Quan tâm đến nhân viên như một cá nhân
Trước hết, nhà lãnh đạo cần xây dựng mối quan hệ cá nhân với từng cá nhân. Mối quan hệ này không nhất thiết phải đạt đến mức thân thiết bạn bè giữa lãnh đạo và nhân viên, nhưng ít nhất, nhà lãnh đạo phải nhận biết và quan tâm đến sức khỏe và tinh thần cũng như những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của nhân viên.
Giúp nhân viên phát triển nghề nghiệp
Nhà lãnh đạo cần phải giúp đỡ nhân viên xây dựng kế hoạch làm việc và phát triển cá nhân, kiểm tra, hỗ trợ nhân viên thực hiện kế hoạch này. Nhà lãnh đạo cũng nên cổ vũ nhân viên cho từng bước tiến trong phát triển nghể nghiệp.
Trước hết, nhà lãnh đạo cần tìm hiểu nhu cầu phát triển và khả năng của từng cá nhân, sau đó chỉ dẫn và cố vấn cho họ và giao phó cho họ những nhiệm vụ phù hợp. Với vai trò của một huấn luyện viên hay nhà cố vấn, nhà lãnh đạo tạo điều kiện cho nhân viên phát triển hết tiềm năng của họ.
Cũng cần lưu ý rằng không phải mọi nhân viên đều có nhu cầu phát triển như nhau, không phải mọi nhân viên đều mong muốn thăng chức, được đảm nhận những vị trí quan trọng; có những nhân viên có ưu tiên khác trong cuộc sống (gia đình, thú vui
riêng), những nhân viên này cũng là những người có năng lực nên họ thực hiện công việc hiện tại rất tốt với tinh thần làm việc tích cực. Nhưng đều đó không luôn luôn có nghĩa là họ mong muốn được thăng chức, được đảm nhiệm những vị trí quan trọng hơn. Việc đặt lên vai họ những nhiệm vụ quá nặng nề, vai trò quá quan trọng cũng sẽ làm giảm sự thỏa mãn và lòng trung thành của họ. Trong khi đó, một số nhân viên khát có tham vọng và khát khao thành đạt, nếu không tạo cho họ những cơ hội để thể hiện khả năng, họ cũng sẽ mất đi tinh thần, nhiệt huyết, sự hài lòng cũng như giảm đi lòng trung thành đối với tổ chức. Vấn đề là những nhân viên, theo tính cách của người châu Á, ít khi chủ động thể hiện mong muốn và nhu cầu phát triển nghề nghiệp của mình. Nhà lãnh đạo phải tìm hiểu, tạo điều kiện để nhân viên thể hiện nhu cầu đó.
Luôn luôn lắng nghe
Để xây dựng mối quan hệ cởi mở, thẳng thắn với nhân viên, nhà lãnh đạo cần làm cho nhân viên cảm thấy họ luôn sẵn sàng lắng nghe nhân viên. Đều này có thể được thực hiện thông qua các cuộc họp thường xuyên của phòng, ban hay nhóm dự án. Điềy này cũng có thể được thực hiện rất hiệu quả thông qua việc duy trì lịch họp trực tiếp giữa 2 người – lãnh đạo và nhân viên – với những mục thảo luận cụ thể; trong đó nhân viên có thể cập nhật những việc đang làm, chia sẻ những khó khăn, thành công cũng như kinh nghiệm trong quá trình làm việc và nhà lãnh đạo phải đảm bảo họ thật sự tập trung và lắng nghe. Sự sẵn sàng lắng nghe của nhà lãnh đạo dành cho nhân viên cũng có thể “nhìn thấy” được qua việc một số nhà quản trị đã dỡ bỏ 4 bức tường của căn phòng làm việc riêng biệt, ngồi làm việc cùng nhân viên trong một văn phòng mở.