3.1 ĐÁNH GIÁ CHUNG
3.1.1 Thực tiễn thực hành phong cách lãnh đạo tại các doanh nghiệp
Theo nghiên cứu, thực tiễn thực hành phong cách lãnh đạo mới về chất tại các doanh nghiệp từ 4 thành phần chính là:
(1)Uy tín lãnh đạo hay tầm ảnh hưởng lý tưởng
(2)Động viên tinh thần
(3)Quan tâm đến cá nhân
(4)Khuyến khích vận dụng năng lực trí tuệ của nhân viên được gộp lại thành 2 nhóm yếu tố:
(1)Uy tín lãnh đạo và khả năng sử dụng năng lực của nhân viên
(2)Động viên tinh thần và quan tâm đến cá nhân.
Điều này chứng tỏ việc thực hành phong cách lãnh đạo tại các doanh nghiệp chưa được thể hiện một cách đầy đủ và rõ nét.
Kết quả so sánh ANOVA và T-Test cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về Phong cách lãnh đạo giữa các loại hình sở hữu doanh nghiệp, độ tuổi, trình độ học vấn và thâm niên công tác của nhân viên.
3.1.2 Ảnh hưởng của phong cách lãnh đạo đến sự thỏa mãn và lòng trung thành của nhân viên của nhân viên
Kết quả nghiên cứu cho thấy cả 2 nhóm thành phần của Phong cách lãnh đạo mới về chất đều có tác động đến sự thỏa mãn và lòng trung thành của nhân viên, với mức độ tác động khác nhau. Trong đó, nhóm yếu tố “Uy tín lãnh đạo và khả năng sử
dụng năng lực của nhân viên” có ảnh hưởng mạnh hơn đến cả Sự thỏa mãn và lòng trung thành của nhân viên.
Như vậy, khi nhà lãnh đạo thể hiện uy tín hay tầm ảnh hưởng và khả năng sử dụng năng lực trí tuệ của nhân viên, thực hành việc động viên tinh thần và thể hiện sự quan tâm đến từng cá nhân nhân viên, họ sẽ nhận được phản ứng tích cực từ phía nhân viên. Những phẩm chất này của nhà lãnh đạo mới về chất thật sự thúc đẩy mức độ nhu cầu của nhân viên lên một nấc thang cao hơn (nhu cầu tự khẳng định) và từ đó đem lại cảm giác hài lòng và sự trung thành của nhân viên. Sự chú ý của nhà lãnh đạo dành cho nhân viên sẽ được đáp lại bằng những thái độ tích cực của nhân viên đối với công việc và tổ chức, và dần dần, sẽ tăng cường hiệu quả công việc, mức độ thỏa mãn và lòng trung thành của nhân viên.
Kết quả này phù hợp với kết quả của những nghiên cứu khác về phong cách lãnh đạo. (Bass & Avolio, 1990; Jung & Berson, 2003; Pillai & William, 2004); Fernades & Awamleh, 2004).
Kết quả so sánh ANOVA và T-Test cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa về tác động của Phong cách lãnh đạo mới về chất đến sự thoả và lòng trung thành của nhân viên giữa các loại hình sở hữu doanh nghiệp, độ tuổi, trình độ học vấn và thâm niên công tác của nhân viên.