Sử dụng nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu 420 Phát triển nhân lực vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đến năm 2010 (Trang 63 - 67)

Cùng với sự tăng trưởng về kinh tế, cơ cấu kinh tế của ĐBSCL đã có bước chuyển dịch theo hướng CNH, HĐH. Nhờ đó, một phần lực lượng lao động dôi dư được giải quyết việc làm, hệ số sử dụng thời gian làm việc trong năm tăng lên, dẫn đến thu nhập của người lao động được cải thiện đáng kể. Nếu như thu nhập bình quân của một lao động trong khu vực kinh tế nhà nước ở ĐBSCL năm 1995 chỉ có 332,8 ngàn đồng/tháng, thì năm 2001 đã tăng lên 772,5 ngàn đồng/tháng và năm 2003 là 987,3 ngàn đồng/tháng, so với bình quân cả nước lần lượt là 359,1 ngàn đồng/tháng; 738,3 ngàn đồng/tháng và 972,3 ngàn đồng/tháng [32].

Tuy nhiên, do tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng nguồn nhân lực của vùng, tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm, cơ cấu ngành nghề đào tạo mất cân đối, chính sách thu hút, sử dụng và đãi ngộ chưa hợp lý, nên lực lượng lao động của vùng chưa được toàn dụng hết cả về số lượng lao động, thời gian sử dụng và chuyên môn đào tạo.

Về số lượng lao động và thời gian sử dụng, theo số liệu thống kê, tỉ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm của những người tham gia hoạt động kinh tế ở ĐBSCL năm 2003 còn cao hơn vùng Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Hồng (2 vùng kinh tế đứng đầu cả nước) và mức bình quân cả nước (bảng 2.20). Trong đó, số người thất nghiệp tập trung nhiều hơn ở khu vực thành thị (5,49%), còn thiếu việc làm tập trung nhiều hơn ở khu vực nông thôn (10,80%).

Qua kết quả điều tra, lực lượng lao động còn nhàn rỗi tại ĐBSCL là 1,91 triệu người chiếm 18,62% lực lượng lao động trong độ tuổi. Nhưng đáng nói hơn là số người thất nghiệp có độ tuổi trẻ chiếm tỷ lệ cao (62,63% so với cả nước là 56,53% năm 2003), trong đó có nhiều sinh viên đã tốt nghiệp các trường đại học và cao đẳng. Đây là hiện tượng không bình thường và chính là hệ quả của chính sách đào tạo, sử dụng lao động chưa hợp lý.

Bảng 2.20 Tình trạng việc làm của dân số từ 15 tuổi trở lên hoạt động kinh tế ở ĐBSCL

ĐBSCL Đông Nam Bộ ĐB S.Hồng Cả nước

Thành thị (%) - Đủ việc làm - Thiếu việc làm - Thất nghiệp 100,00 90,50 4,01 5,49 100,00 91,84 3,01 5,15 100,00 90,25 4,33 5,42 100,00 89,69 4,46 5,85 Nông thôn (%) - Đủ việc làm - Thiếu việc làm - Thất nghiệp 100,00 86,54 10,80 2,66 100,00 85,93 11,29 2,78 100,00 91,35 7,26 1,39 100,00 89,08 8,98 1,94 Tổng chung (%) - Đủ việc làm - Thiếu việc làm - Thất nghiệp 100,00 86,79 9,86 3,35 100,00 90,00 6,48 3,52 100,00 91,95 6,50 1,55 100,00 88,99 7,90 3,11 Nguồn: Lao động - Việc làm 2003, (2004), Nxb Lao động - Xã hội, Hà Nội, [82].

Ở thành thị, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở ĐBSCL có chiều hướng giảm (từ 6,42% năm 2000 xuống 5,52% năm 2003, bảng 2.21), nhưng vẫn còn cao đối với một vùng kinh tế thuần nông và sẽ khó được cải thiện trong những năm tiếp theo vì dòng người di chuyển từ nông thôn ra thành thị tăng nhanh cùng với quá trình đô thị hóa.

Bảng 2.21 Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị ĐBSCL

Vùng ĐVT 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003 ĐBSCL % 4,73 4,72 6,35 6,42 6,15 6,08 5,52

Cả nước % 5,88 6,01 6,85 6,70 6,44 6,28 6,01

Nguồn: Lao động - Việc làm 2003 (2004), Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội, [82]. Ở nông thôn, tỉ lệ thời gian lao động được sử dụng đã tăng từ 68,16% năm 1997 lên 74,62% năm 2003 (bảng 2.22), nhưng với tốc độ này thì khó đạt được mục tiêu 85% - 90% vào năm 2010. Qua phỏng vấn người lao động, thì 60% số người trả lời họ chỉ sử dụng hết 2/3 thời gian làm việc của mình, 1/3 số thời gian còn lại không có việc làm. Đây chính là tình trạng thất nghiệp trá hình trong nông nghiệp ở ĐBSCL, là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho năng suất lao động ở khu vực nông nghiệp và nông thôn chưa cao.

Bảng 2.22 Tỷ lệ thời gian được sử dụng của lao động trong độ tuổi ở khu vực nông thôn ĐBSCL

Vùng ĐVT 1997 1998 1999 2000 2001 2002 2003

ĐBSCL % 68,16 71,56 71,40 73,16 73,20 73,39 74,62

Cả nước % 72,11 73,14 71,13 73,58 74,18 74,34 75,34 Nguồn: Niên giám Thống kê 1999 - 2003, (2004), Nxb Thống kê, Hà Nội, [70 - 74].

Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là trong số những người không có việc làm và thiếu việc làm ở nông thôn, thì đại bộ phận không có nghề, không có vốn, chưa qua đào tạo, một số không có việc làm do không có ruộng đất. Kết quả khảo sát ghi nhận được, có 70% - 80% hộ nông dân thiếu vốn, 50% - 60% thiếu đất canh tác và phương tiện sản xuất, 25% - 30% thiếu kiến thức, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, kinh doanh.

Theo chúng tôi, trong vòng 5 - 10 năm nữa, lao động nông thôn vẫn chiếm phần lớn lực lượng lao động của vùng. Trong điều kiện lực lượng lao động bổ sung hàng năm tương đối cao (khoảng 250 - 300 nghìn người), nhưng tốc độ giải quyết việc làm lại

chậm như hiện nay (cả năm 2002 và 6 tháng đầu năm 2003 chỉ giải quyết được 150.738 việc làm [17]), thì nguy cơ thiếu việc làm sẽ ngày càng gia tăng. Giải quyết bài toán này, theo kinh nghiệm của các quốc gia đã thành công (Đài Loan, Hàn Quốc và Trung Quốc), ĐBSCL nhất thiết phải thực hiện công nghiệp hương trấn tại các làng, xã, đó là phát triển nhanh công nghiệp và các loại hình dịch vụ ngay tại nông thôn.

Về sử dụng lao động được đào tạo, hiện tại ĐBSCL cũng đang nằm trong tình trạng chung của cả nước. Đó là lực lượng lao động đã qua đào tạo không tìm được việc làm, không được bố trí đúng chuyên ngành đào tạo hoặc trình độ đào tạo vẫn chiếm một tỷ lệ khá cao, chế độ sử dụng lao động chưa gắn liền với việc nâng cao trình độ của người lao động đang là hiện tượng khá phổ biến. Theo tài liệu của Tổng Cục dạy nghề (tháng 8/2003), tỷ lệ lao động ở ĐBSCL được bố trí việc làm đúng chuyên môn đối với các ngành, nghề: tin học là 89,8%; kỹ thuật điện tử 87%; kỹ thuật xây dựng 45,5%; dệt may 33,9%; sửa chữa ô tô, xe máy 31%. Điều này không những đã làm hạn chế khả năng phát huy sáng tạo, kỹ năng nghề nghiệp và sự đóng góp của họ cho xã hội, mà còn gây lãng phí trong đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực của vùng.

Sự bất cập trong chế độ đãi ngộ của khu vực kinh tế nhà nước cũng đã dẫn đến hệ quả là không những không thu hút, khai thác và phát huy được tiềm năng trí tuệ của người lao động, mà còn xảy ra hiện tượng “chảy máu chất xám” dưới nhiều hình thức: - Không ít con em xuất thân từ các tỉnh ĐBSCL đang học tập, hoặc đã tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, hoặc được các cơ quan, doanh nghiệp gửi đi đào tạo, đã không có nguyện vọng trở về địa phương làm việc.

- Một lực lượng đáng kể công nhân kỹ thuật, công nhân lành nghề hoặc bỏ nghề làm công việc dịch vụ, thương mại để cải thiện cuộc sống, hoặc chuyển sang làm việc ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài hay tư nhân. Qua khảo sát, có trên 50% lao động từ khu vực nhà nước chuyển sang làm việc cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và tư nhân, trong đó phần lớn họ đều có tay nghề và trình độ cao.

- Một số cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý hoặc chuyển công tác khác, hoặc chưa đến tuổi xin thôi việc, nghỉ hưu sớm.

Tất cả những phân tích trên cho thấy, mức độ toàn dụng nguồn nhân lực ở ĐBSCL còn hạn chế. Điều đó cũng có nghĩa, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn nhân lực là yêu cầu bức thiết trong phát triển nguồn nhân lực của vùng.

Một phần của tài liệu 420 Phát triển nhân lực vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đến năm 2010 (Trang 63 - 67)