Điều kiện tự nhiên thuận lợi và đặc thù là thế mạnh nổi bật cho sự phát triển kinh tế của vùng:
• Về nông nghiệp, ĐBSCL là vùng đất thích hợp cho trồng các loại cây
lương thực (lúa, ngô), cây công nghiệp (mía, đậu nành, lạc), cây ăn trái (bưởi, cam, xoài, măng cụt, chôm chôm…) và chăn nuôi gia súc (trâu, bò, heo, gia cầm).
• Về lâm nghiệp, ĐBSCL hiện có 349.800 ha rừng (bao phủ vùng đất ngập
mặn phòng hộ ven biển, vùng đất ngập nước phèn và các vành đai bảo vệ biên giới), với các loại cây tràm, đước, mắm, bạch đàn, phi lao, sao, dầu… là chủ yếu.
• Về nuôi trồng thủy sản, ĐBSCL có diện tích nuôi trồng đa dạng (cả nước
mặn, nước lợ và nước ngọt), thuận lợi cho nuôi trồng các loại thủy sản và là cơ sở để phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thủy sản.
• Về du lịch, giải trí, với những cảnh quan sông nước, biển đảo, miệt vườn
trái cây, di tích lịch sử, chùa chiền, vườn động vật tự nhiên… đã giúp cho ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển ngành công nghiệp du lịch.
Với những lợi thế về tài nguyên, môi trường tự nhiên đa dạng và con người năng động, ĐBSCL đã nhanh chóng hòa cùng với sự nghiệp đổi mới và phát triển của đất nước. Đó là chuyển sang kinh tế thị trường và hướng mạnh về xuất khẩu. Nhờ vậy, kinh tế ĐBSCL đã có bước tăng trưởng khá, trong đó những thành tích đáng nghi nhận là:
• Trong giai đoạn 1998 - 2003, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của toàn vùng ĐBSCL đạt 8,5%/năm (cả nước là 7,2%/năm), trong đó nông nghiệp tăng 5,30%; công nghiệp và xây dựng tăng 16,48%; dịch vụ tăng 11,46%; năm 2003, GDP của vùng đạt gần 7 tỷ USD (bằng 20% của cả nước); GDP bình quân đầu người đạt 412 USD (trung bình cả nước là 431 USD). Nổi bật là sản xuất nông nghiệp liên tục tăng, sản lượng lúa năm 1995 là 12,8 triệu tấn, năm 2000 đạt 16,7 triệu tấn và năm 2003 là 17,5 triệu tấn (bằng 50,70% sản lượng cả nước); Giá trị sản lượng thủy sản năm 1995 là 819,2 ngàn tấn, năm 2000 là 1.169 ngàn tấn và năm 2003 là 1.435 ngàn tấn (bằng 51,36% sản lượng cả nước - bảng 2.1). Kim ngạch xuất khẩu của ĐBSCL từ 727 triệu USD năm 1995 đã tăng lên 1.670 triệu USD năm 2000 và 2.2691,5 triệu USD năm 2003, trong đó các mặt hàng chiếm tỷ trọng cao đồng thời cũng là chủ lực của cả nước là gạo, thủy sản và trái cây (3/15 mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của cả nước) [74].
• Toàn vùng hình thành 6 khu công nghiệp tập trung, với diện tích cho thuê chiếm trên 15% diện tích toàn vùng và tính đến cuối năm 2003 đã thu hút được 242 dự án đầu tư nước ngoài.
• Cơ cấu kinh tế vùng đã có bước chuyển dịch, tỷ trọng GDP theo các ngành nông - lâm - ngư nghiệp : công nghiệp : dịch vụ tương ứng là 49,7% : 20,5% : 29,8% năm 2003 [66].
• Viện lúa ĐBSCL và Viện cây ăn quả miền Nam đã có những đóng góp rất lớn về khoa học và công nghệ sinh học, giúp nông dân trong vùng tiếp thu nhanh các tiến bộ về giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến…
Vì những thế mạnh nêu trên, ĐBSCL được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những vùng kinh tế lớn hàng đầu của cả nước. Đó là vùng kinh tế không chỉ có nông nghiệp và thủy sản xuất khẩu lớn nhất của cả nước, mà còn là vùng có lợi thế để phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ; phát triển các tuyến hàng hải quốc tế quan trọng và giao lưu kinh tế với các quốc gia trên lưu vực sông Mêkông nói riêng, với ASEAN và thế giới nói chung.