Công tác xây dựng hệ thống dịch vụ khu công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH ĐỒNG NAI (1986 – 2005) (Trang 62 - 66)

3.2.2.1 Công tác xây dựng hệ thống dịch vụ khu công nghiệp

Trong quá trình xây dựng các khu công nghiệp, Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các Sở, ban, ngành chú ý phát triển mạng lưới dịch vụ toàn diện, rộng khắp. Các khu công nghiệp phát triển đã thu hút một lực lượng lớn lao động vào làm việc, đặc biệt là lao động đến từ các địa phương khác trong cả nước. Đáp ứng nhu cầu nhà ở cho đội ngũ này, Tỉnh ủy chỉ đạo phát triển hệ thống dịch vụ nhà trọ, chủ yếu phục vụ lao động có thu nhập thấp.

Ngày 3-9-2002, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai ra quyết định 3196/QĐ.CT.UB và quyết định về quản lý kinh doanh nhà trọ. Theo quyết định này, các cơ quan chức năng khi xây dựng quy hoạch khu công nghiệp phải quy hoạch quỹđất xây dựng nhà ở cho người lao động. Quy hoạch khu công nghiệp phải kết hợp với quy hoạch của một số nghành có liên quan như các dịch vụ: khu vui chơi giải trí, chợ, trường học, các cơ sở dạy nghề, phát triển các tuyến, điểm du lịch. Đối với các khu công nghiệp đã được

quy hoạch hoặc được phê duyệt, các sở, ngành xem xét xin chủ trương điều chỉnh bổ sung quy hoạch cho phù hợp.

Cung cấp dịch vụ nhà trọ là các công ty kinh doanh nhà và các hộ gia đình sử dụng diện tích đất nhàn rỗi, xây phòng cho thuê nhằm tăng thêm thu nhập. Công ty kinh doanh nhà Đồng Nai (thuộc sở Xây dựng) đầu tư xây dựng khu nhà ở cho công nhân thuê tại phường Long Bình với 162 phòng, diện tích xây dựng 9.536 m2, kinh phí xây dựng 3,2 tỷđồng, có thể bố trí cho 648 người trọ. Công ty kinh doanh nhà và phát triển đô thị các khu công nghiệp 1 đã đầu tư xây dựng nhà cho thuê tại huyện Nhơn Trạch với 170 phòng. Năm 2002, một số doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tổ chức xây dựng phòng trọ cho người lao động, chủ yếu dành cho lao động gián tiếp, công ty Vedan 292 người, công ty Hualon Việt Nam 200 người. Tổng diện tích nhà ở cho người lao động do các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tự xây dựng khoảng 20.000 m2. Tính đến hết năm 2005, toàn tỉnh có trên 400.000 phòng trọ, tập trung chủ yếu ở thành phố Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom mỗi huyện có khoảng 2000 đến 2500 phòng trọ. Trong đó, nhà do các doanh nghiệp xây dựng khoảng 20.000m2; nhà do tư nhân xây dựng cho công nhân thuê: 300.000m2; nhà do Công ty kinh doanh Nhà quản lí trên 10.000m2; các dạng khác khoảng 50.000m2.[46, tr.41]

Cùng với dịch vụ nhà trọ, dịch vụ cung cấp suất ăn công nghiệp cũng được quan tâm chỉ đạo. Các nhà đầu tư thường lựa chọn đối tác cung ứng phù hợp với nhu cầu của mình về giá cả, chất lượng dịch vụ cần cung ứng. Hầu hết các công ty đang hoạt động trong khu công nghiệp đều tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động. Các doanh nghiệp này hầu nhưđã có nguồn cung cấp ổn định là các doanh nghiệp đến từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và một số tỉnh tại Đông Nai. Phần lớn là các nhà cung cấp quy mô lớn, chuyên nghiệp và một số cơ sở kinh doanh cá thể khác. Một số doanh nghiệp của tỉnh như Công ty Chăn nuôi, Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm Rạng Đông, Hợp tác xã Long Biên cũng tham gia dịch vụ này. Doanh thu của dịch vụ ăn uống cho công nhân khoảng 2 tỷ đồng/tháng.

Tỉnh ủy, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo hệ thống xây dựng hệ thống siêu thị gần khu công nghiệp phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí của người lao động các khu công nghiệp. Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ quốc tế Bourbon Đồng Nai đảm nhiệm chức năng kinh doanh siêu thị, khách sạn, khu vui chơi giải trí nhằm phục vụ nhiều đối tượng lao động trong các khu công nghiệp, chuyên gia nước ngoài. Tại phường Long Bình, công ty đã xây dựng khu siêu thị Big C với diện tích khoảng 4ha, tại khu vực này cũng đang triển khai một dự án dịch vụ giải trí Bowling của công ty trách nhiệm hữu hạn SuperBowl. Trên địa bàn huyện Trảng Bom (có khu công nghiệp Sông Mây, khu công nghiệp Hố Nai), ngoài hệ thống chợ, có siêu thị Vmart tham gia dịch vụ cung ứng hàng hóa. Công ty trách

nhiệm hữu hạn Bochang Donatour đã đầu tư xây dựng dự án Golf và sân Golf Long Thành. Đây là những điểm giải trí cao cấp phục vụ cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về dịch vụ du lịch có khu du lịch Bò Cạp Vàng, thác Giang Điền, khu du lịch Bửu Long. Bên cạnh các khu công nghiệp còn hình thành các chợ tạm để phục vụ nhu cầu mua sắm của người lao động: chợ Chiều (khu công nghiệp Hố Nai), chợ Hóa An (Công ty Pouchen) cùng hệ thống buôn bán lẻ ngay tại các hộ dân xung quanh các khu công nghiệp, các xe bán hàng lưu động tổng hợp vào các giờ cao điểm đã đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người lao động.

Tỉnh Đồng Nai quan tâm chỉ đạo phát triển hệ thống dịch vụ tài chính, ngân hàng phục vụ và phát triển các khu công nghiệp. Đến năm 2005, tỉnh đã xây dựng hệ thống ngân hàng bao gồm: 6 chi nhánh ngân hàng nhà nước cấp 1, ngân hàng thương mại nhà nước, ngân hàng chính sách, ngân hàng cổ phần nông thôn, 2 chi nhánh ngân hàng liên doanh, một quĩ tín dụng Trung ương và 19 quỹ cơ sở, có trên 70 chi nhánh ngân hàng cấp 2 và có các phòng giao dịch phân bố trên toàn tỉnh và khu công nghiệp [46, tr.442]. Hệ thống ngân hàng đóng vai trò to lớn trong việc huy động, cung ứng vốn đầu tư và làm dịch vụ trọn gói cho các doanh nghiệp khu công nghiệp, qua đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo thế cạnh tranh trên địa bàn.

Sự phát triển các khu công nghiệp đòi hỏi hình thành một số loại hình dịch vụ mới như: giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, khai thuế hải quan (dịch vụ xuất nhập khẩu); dịch vụ tư vấn, dịch vụ xử lý chất thải công nghiệp; dịch vụ chăm sóc cây xanh thảm cỏ, vệ sinh môi trường trong khu công nghiệp; dịch vụ cung ứng lao động; tham quan du lịch, vận tải hàng hóa. Đáp ứng nhu cầu đó, hàng loạt các doanh nghiệp đã ra đời trên địa bàn tỉnh như: công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại dịch vụ Minh Nhã, Công ty trách nhiệm hữu hạn tư vấn Đông Á, Công ty trách nhiệm hữu hạn Trường Thịnh, Công ty trách nhiệm hữu hạn Phước Thịnh, Công ty bảo trì hạ tầng Khu công nghiệp, Công ty trách nhiệm hữu hạn Thiên Hà, doanh nghiệp tư nhân Tân Phát Tài và các doanh nghiệp đến từ thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương. Doanh thu hàng năm từ các dịch vụ này khoảng 35 - 38 tỷđồng và có hướng ngày càng tăng. Hoạt động dịch vụ tư vấn, dịch vụ xuất nhập khẩu tạo nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai dự án, tổ chức sản xuất kinh doanh tại các khu công nghiệp.

3.2.2.2 Công tác đào tạo nguồn nhân lực cho khu công nghiệp

Đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao là nhân tố có tính chất quyết định chất lượng các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và cũng là một yếu tố quan trọng để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào khu vực này. Tỉnh Đồng Nai quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác kinh tếđối ngoại, ngoại vụ, hợp tác đầu tư, quản lý các khu công nghiệp, cán bộ làm công tác đối ngoại trong từng cơ sở quản lý chuyên ngành, cán bộ chủ chốt các doanh nghiệp. Đội ngũ này được bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, ngoại ngữ; về hội nhập kinh tế quốc tế; về Hiệp định thương mại Việt Mỹ; về sở hữu công nghiệp, sở hữu trí

tuệ; quản lý chất lượng; kinh nghiệm đàm phán, thẩm định dự án và ký hợp đồng thương mại với các nước…

Bên cạnh đội ngũ cán bộ, tỉnh Đồng Nai cũng xây dựng đội ngũ công nhân có tay nghề đáp ứng nhu cầu lao động của các khu công nghiệp. Mỗi năm tỉnh Đồng Nai có khoảng 20.000 học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học hệ chính quy và bổ túc. Đây là nguồn cơ bản để đào tạo nhân lực kỹ thuật hàng năm của tỉnh. Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng hệ thống trường đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật ở địa phương. Đến năm 2003, toàn tỉnh có 1 trường đại học dân lập đào tạo cử nhân và kỹ sư các ngành quản trị doanh nghiệp, kinh tế, xây dựng, điện tử, Đông phương học, tin học, ngoại ngữ…(Trường đại học Lạc Hồng); 3 trường cao đẳng; 8 trường trung học chuyên nghiệp đào tạo cán bộ kỹ thuật các ngành: kỹ thuật công nghiệp, bưu chính viễn thông., kinh tế, y tế, địa chính; 10 trường dạy nghề đào tạo công nhân kỹ thuật các nghề: cơđiện, giao thông vận tải, cơ giới, lắp ráp máy, điện tử, đúc, hàn, may mặc; 47 trung tâm và cơ sở dạy nghề. Hàng năm, tỉnh có khoảng 8000 sinh viên đại học và 1000- 1200 sinh viên tốt nghiệp đại học. Hệ đào tạo cao đẳng có khoảng 7000 sinh viên, hàng năm tốt nghiệp 1200 sinh viên. Hệ đào tạo trung học chuyên nghiệp có 15000 học sinh, hàng năm tốt nghiệp 6000- 8000 học sinh. Các trường đào tạo nghề của tỉnh đã dào tạo trên 40 nghề khác nhau. Hầu hết số tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, dạy nghề ra trường hàng năm đều có việc làm ở các khu công nghiệp và các doanh nghiệp trong tỉnh. [46, tr.306]

Để thực hiện việc tuyển dụng công nhân vào các doanh nghiệp khu công nghiệp, tỉnh đã thành lập hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm với 7 trung tâm của Nhà nước và các đoàn thể. Trong đó, Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai là đơn vị chủ lực đảm nhiệm cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2001 – 2002, thực hiện Luật Doanh nghiệp, Sở Kế hoạch - đầu tư đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 44 doanh nghiệp dịch vụ việc làm tư nhân. Các trung tâm dịch vụ việc làm đã đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp thông qua các hoạt động: tổ chức cho người thất nghiệp đăng ký tìm việc làm; cung cấp các dịch vụ tư vấn việc làm miễn phí đối với người thất nghiệp đã đăng ký tìm việc; tư vấn học nghề, tư vấn pháp luật lao động; tổ chức cung ứng lao động cho người sử dụng lao động, trao đổi thông tin về thị trường lao động… Ngoài ra, tỉnh còn tổ chức các hội chợ việc làm để hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động và định hướng nghề nghiệp cho người lao động. Sở Lao động thương binh xã hội phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Quản lý khu công nghiệp tổ chức hội nghị hướng dẫn triển khai thực hiện Luật lao động, giải quyết các vụ tranh chấp lao động, đình công; tổ chức cho người lao động học luật lao động trước khi giới thiệu đến các doanh nghiệp. Trong quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh đã gắn tổ chức dạy nghề với nhu cầu việc làm của xã hội, phát triển đào tạo nghề ngắn hạn theo yêu cầu của doanh nghiệp. Các trung tâm dạy nghề, trường dạy nghề được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề , xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ khả năng đào tạo công

nhân lành nghề; mở rộng hình thức dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp; mở rộng việc tự do đào tạo ở cơ sở, ở doanh nghiệp bằng hình thức vừa học, vừa làm. Tỉnh cũng khuyến khích các doanh nghiệp đưa lao động đi học nghề và thực tập nghềở nước ngoài.

Ở thành phố Biên Hòa và các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom lực lượng lao động tại chỗ không đáp ứng đủ cho các khu công nghiệp. Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai cho phép các doanh nghiệp tuyển dụng lao động ngoài tỉnh có chuyên môn kỹ thuật mà địa phương thiếu, đặc biệt ở một số ngành nghề như: may mặc, điện tử,cơ khí... Từ năm 1991 đến năm 2004, đã có trên 81.000 lao động ngoài tỉnh đến các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai làm việc, trên 50.000 lao động đã nhập hộ khẩu tại tỉnh Đồng Nai. Lao động ngoài tỉnh đã góp phần rất lớn trong việc hình thành lực lượng lao động tại các khu công nghiệp Đồng Nai. Đến hết năm 2005, số lao động làm việc việc tại các khu công nghiệp Đồng Nai là 221.998 người. Trong đó lao động nữ là 139.158 người, lao động nước ngoài là 2.655 người. Lao động có trình độ đại học trên 8.000 người, lao động có trình độ cao đẳng, trung cấp khoảng 10.000 người, công nhân kỹ thuật khoảng 75.000 người, còn lại là lao động phổ thông.[10],[11]

Tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực giải quyết các mối quan hệ lao động giữa người lao động và sử dụng lao động để giảm bớt các vụ tranh chấp lao động, đình công làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.

Một phần của tài liệu QUÁ TRÌNH THU HÚT VỐN ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TẠI TỈNH ĐỒNG NAI (1986 – 2005) (Trang 62 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)