II CÁC GIẢI PHÁP
5. Qui định chức năng nhiệm vụ đối với các bộ phận có liên quan
đến việc thực tập của SV:
5.1 Đối với Trưởng ngành:
- Xác định yêu cầu, mục đích của thực tập ngay buổi sinh hoạt hướng nghiệp đầu năm học cho SV. Sau đó, có thể lồng ghép nội dung này vào các môn học mà trưởng ngành phụ trách nhằm giúp SV có ý thức đúng đắn hơn, đầy đủ hơn về tác dụng của thực tập.
- Tổ chức giao lưu giữa SV cũ và SV mới để trao đổi những kinh nghiệm thực tập.
- Xây dựng đề cương thực tập với những yêu cầu cụ thể như sau: ghi rõ những kỹ năng mà SV đã được học để DN căn cứ vào đó mà phân công cho SV, không nên chỉ kiệt kê các môn học một cách chung chung. Ngoài ra, trong đề cương cũng nêu yêu cầu cụ thể của ngành đối với DN, với người hướng dẫn.
- Phối hợp với các trưởng bộ môn bàn bạc để nâng cao khả năng thực hành cho SV đối với những môn học còn nặng lý thuyết nhằm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu của DN.
- Xác định và thực hiện một cách nghiêm túc vai trò tham mưu, tư vấn của trưởng ngành trong việc chọn địa điểm thực tập của SV vì đây là một hoạt động mới mẻ đối với SV.
- Trong thời gian SV đi thực tập , có quan tâm theo dõi việc thực tập của các em bằng cách đến DN kiểm tra, gọi điện thoại để kiểm tra hoặc xem xét các phiếu kiểm tra của quản sinh hoặc các GV khác.
- Sau mỗi đợt thực tập, tổ chức họp các GV có tham gia chấm báo cáo, dự
hội đồng để kịp thời rút kinh nghiệm mà không cần chờ đến đợt thực tập lần sau.
Giải pháp này cũng nhằm rút ngắn sự chênh lệch trong cách chấm điểm hiện đang có giữa các ngành trong Khoa.
5.2 Đối với sinh viên:
- Lập kế hoạch thực tập của cá nhân (xem phần Phụ lục). Từ trước đến nay, SV chỉ thực tập theo đề cương mà trường đã gửi cho DN. Một số ít có đề ra thêm những mục tiêu của bản thân nhưng chưa được nêu một cách cụ thể. Chúng tôi cho rằng đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thụ động của SV, làm mất đi ý nghĩa của việc thực tập. Vì thế, chúng tôi đề nghị chậm nhất là 4 tuần sau khi đến DN, SV phải tùy theo thực tế của DN mà đề ra những công việc cụ thể, thời gian có thể thực hiện những công việc ấy. Kế hoạch thực tập cá nhân này sẽ được DN ký xác nhận và cuối đợt thực tập, DN sẽ căn cứ vào kế hoạch này để nhận xét, đánh giá và cho điểm thực tập cho SV. Việc đánh gia như vậy sẽ chính xác hơn.
- Học hỏi, tham khảo thêm các tài liệu để nâng cao kỹ năng viết và trình bày báo cáo thực tập.
5.3 Đối với doanh nghiệp:
5.3.1 Gửi yêu cầu cho trường
(Dành cho những DN không tiếp nhận SV thường xuyên hoặc chỉ nhận SV của một số ngành nhất định)
- Địa chỉ, số điện thoại, số fax, tên giám đốc (hoặc trưởng phòng Nhân sự), người trực tiếp hướng dẫn.
- Tiếp nhận SV thuộc ngành nào, số lượng bao nhiêu, có yêu cầu đặc biệt gì không, có cần phỏng vấn SV không?
- Thời gian thuận tiện để tiếp nhận SV và những yêu cầu khác.
Phiếu đăng ký này sẽ được gửi cho phòng Quan hệ công ty trước khi SV đến thực tập khoảng 3 tuần, tránh tình trạng trao đổi với DN trước quá lâu, dẫn đến việc có những thông tin về DN thiếu chính xác (như đã phân tích ở chương 4). Sau khi nhận được phiếu yêu cầu này, phòng quan hệ công ty sẽ xác nhận khả năng của trường, của SV.
5.3.2 Ký hợp đồng với trường:
(Dành cho những DN tiếp nhận SV của nhiều Khoa-Ngành)
Trong hợp đồng sẽ ghi rõ những điều khoản về trách nhiệm và quyền lợi của hai bên. DN sẽ đưa ra những yêu cầu cụ thể (tương tự những yêu cầu đã nêu ở phần 5.1). về phía trường, khi gửi SV đến thực tập cũng có quyền yêu cầu DN phải tạo
điều kiện cho SV hoàn thành tốt việc thực tập, đồng thời DN cũng phải tuân thủ
những yêu cầu của trường về cách kiểm tra, đánh giá kết quả thực tập cho SV.
Khi hợp đồng đã được ký kết thì mỗi bên đều phải thực hiện và mọi vi phạm đều không cho phép. Chúng tôi nghĩ, từ sự ràng buộc này, việc tổ chức cũng như quản lý thực tập sẽ chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm được thời gian cho cả trường lẫn DN.
5.3.3 Thù lao cho SV thực tập:
Như chúng tôi đã trình bày, việc trả thù lao cho SV thực tập hiện chưa được áp dụng rộng rãi và thống nhất ở các DN. Vì thế, chúng tôi muốn đề nghị DN quan tâm đến vấn đề này. Nếu về nghĩa vụ, SV phải làm việc như một nhân viên thực thụ thì các em cũng phải được hưởng một thù lao tương xứng. Ngoài ra, để có thù lao thì SV cũng phải đáp ứng được yêu cầu của DN, nghĩa là phải không ngừng cố gắng
học hỏi, rèn luyện. Thù lao có thể có một định mức tối đa và tối thiểu tùy tình hình thực tế của DN. Theo chúng tôi, việc trả thù lao sẽ có ý nghĩa động viên, khuyến khích SV, đồng thời cũng nâng cao được ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp cho SV.