III. CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY XUẤT KHẨU CỦA HÀNG DỆT MAY CỦA VIỆT NAM SANG THỊ TRƯỜNG MỸ
2. Nhóm biện pháp đối với các doanh nghiệp
2.1. Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm
2.1.1. Cải thiện chất lượng sản phẩm
Trong điều kiện cạnh tranh ngày càng gay gắt, nhất là sau năm 2005, khi hạn ngạch và các hàng rào phi thuế quan khác được bãi bỏ thì thị phần của mỗi nước xuất khẩu phụ thuộc phần lớn vào khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Đối với hàng dệt may, các biện pháp cạnh tranh “phi giá cả” trước hết là cạnh tranh về chất lượng hàng hoá, trong rất nhiều trường hợp đã trở thành yếu tố quyết định trong cạnh tranh.
Mỹ là thị trường rất “khó tính “, đòi hỏi cao về chất lượng. Người tiêu dùng ở thị trường này có khả năng thanh toán cao, nên yếu tố chất lượng và nhãn mác sản phẩm được chú ý hơn cả.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, chúng tôi xin đề xuất một số biện pháp sau:
-Kiểm tra chặt chẽ chất lượng nguyên phụ liệu, tạo bạn hàng cung cấp nguyên phụ liệu ổn định, đúng thời hạn, bảo quản tốt nguyên phụ liệu, tránh xuống phẩm cấp. Cần lưu ý rằng nguyên liệu sợi vải là những hàng hoá hút ẩm mạnh, dễ hư hỏng.
-Tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của bên đặt hàng về nguyên phụ liệu, công nghệ, quy trình sản xuất theo đúng mẫu hàng và tài liệu kỹ thuật bên đặt hàng cung cấp về mã hàng, quy cách kỹ thuật, nhãn mác, đóng gói bao bì...
-Đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu và luôn giữ uy tín trên thị trường thế giới.
Muốn vậy mọi sản phẩm may mặc xuất khẩu của các doanh nghiệp bắt buộc phải được kiểm tra qua một hệ thống quản lý chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ví dụ hệ thống quản lý chất lượng hàng xuất khẩu của Đài Loan kiểm tra bằng cách phân các doanh nghiệp theo các nhóm:
-Nhóm phải kiểm tra đột xuất ( nhóm A) -Nhóm kiểm tra định kỳ ( nhóm B) -Nhóm kiểm tra bắt buộc ( nhóm C)
Việc phân loại trên có sự điều chỉnh giữa các nhóm theo kết quả điều tra thực tế từng giai đoạn. Đây có thể là một kinh nghiệm tốt mà các doanh nghiệp may cũng như các cơ quan kiểm định chất lượng hàng hoá của Việt Nam nên tham khảo, áp dụng trong công tác kiểm tra chất lượng hàng may mặc xuất khẩu.
Trong tương lai các doanh nghiệp cần phấn đấu xuất khẩu theo điều kiện CIF, chủ động trong thuê tàu vận chuyển và bảo hiểm, tránh rủi ro tổn thất và suy giảm chất lượng thành phẩm. Đây cũng là biện pháp để đảm bảo yêu cầu về thời hạn giao hàng.
2.1.2.Đảm bảo yêu cầu về giao hàng
Giao hàng đúng thời hạn là yêu cầu rất quan trọng với sản phẩm dệt may do yếu tố thời vụ và phù hợp thời trang là một trong những yếu tố quan trọng quyết định về tính cạnh tranh của mặt hàng này. Vì vậy cần :
-Chủ động trong khâu vận chuyển, bốc dỡ hàng hoá.
-Phân bổ các doanh nghiệp may xuất khẩu ở các khu vực thuận tiện cho giao hàng xuất khẩu.
Một trong những yếu tố cơ bản về hàng dệt may Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường Mỹ là uy tín về giao hàng đúng hạn, thị trường Mỹ có đòi hỏi rất khắt khe về điều khoản này. Hàng dệt may xuất khẩu sang Mỹ phải cạnh tranh với các nước NAFTA, những nước có ưu thế về địa lý, điều kiện chuyển tải, giao hàng cũng như các ưu đãi về thủ tục nhập cảnh, giữ được ưu thế về giao hàng là nhiệm vụ khó khăn nhưng rất cần thiết.
Trong điều kiện hàng dệt may Việt Nam đang giảm ưu thế về giá nhân công, các doanh nghiệp cần có các biện pháp để tăng sức cạnh tranh về giá sản phẩm của
mình. Ví dụ như kéo dài thời gian hoàn vốn đầu tư, khấu hao thiết bị lên 5-7 năm nhằm giảm giá thành sản phẩm. Hơn nữa, cần nhanh chóng nghiên cứu, thiết lập hoặc thuê các kho ngoại quan tại Mỹ để luôn đảm bảo thời hạn giao hàng với khách hàng nước ngoài, từng bước tiến tới việc nghiên cứu, dự báo nhu cầu tiềm năng của khách hàng, đủ năng lực sản xuất những sản phẩm mới hợp thời trang tại thời điểm thích hợp nhất nhằm đạt được lợi nhuận cao và mở rộng thị trường tiêu thụ.
2.1.3.Tìm kiếm thị trường, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức xúc tiến xuất khẩu.
Vận dụng các nguyên lý của marketing quốc tế trong công tác nghiên cứu, tìm kiếm thị trường xuất khẩu có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sản phẩm dệt may do đặc điểm của nhóm hàng này là yêu cầu cao về sự phù hợp với các tiêu chuẩn xã hội, truyền thống văn hoá, xu hướng thời trang... Do vậy khi các doanh nghiệp đưa sản phẩm của mình giới thiệu tại các hội chợ triển lãm quốc tế thì sản phẩm đó phải phù hợp với các yếu tố môi trường của thị trường và phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khách hàng, đây chính là yếu tố quyết định để sản phẩm có thể tồn tại và đủ sức cạnh tranh tại thị trường đó. Hơn nữa, các doanh nghiệp cần có sẵn danh mục các đối tác đã được nghiên cứu, chọn lọc từ trước để giới thiệu sản phẩm, ký kết hợp đồng.
Một kinh nghiệm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Trung Quốc và Thái Lan là cử nhân viên tiếp thị mang sản phẩm mẫu đi chào hàng trực tiếp với các công ty nhập khẩu hàng dệt may. Để làm được điều này, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu kỹ về hệ thống phân phối ở Mỹ thông qua các phòng thương mại, các đại diện thương mại... và có một đội ngũ nhân viên tiếp thị giàu kinh nghiệm. Một phương pháp tiếp thị nữa cũng được nhiều doanh nghiệp sử dụng là thuê nhân viên tiếp thị của Mỹ dưới hình thức trả hoa hồng theo hợp đồng mà họ ký được.
Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Dệt May Việt Nam nên thông qua Hiệp hội để thành lập trung tâm thông tin với các chức năng: thu thập, phân tích và thông tin
cho các doanh nghiệp thành viên về các xu thế mới, kiểu dáng, chất liệu vải, thời trang, tư liệu kỹ thuật mới và dự báo tình hình thị trường Mỹ, tổ chức hội thảo định kỳ, xuất bản các ấn phẩm chuyên môn và các dịch vụ tư vấn khác.
2.1.4.Giảm dần tỷ trọng gia công, tăng dần tỷ trọng xuất khẩu trực tiếp
Xuất khẩu trực tiếp là biện pháp rất quan trọng để nâng cao hiệu quả xuất khẩu. Để nâng cao hiệu quả xuất khẩu trực tiếp cần :
*Đảm bảo cung cấp nguyên phụ liệu:
Sản phẩm ngành dệt phải đáp ứng được yêu cầu của ngành may và tạo lập mối quan hệ qua lại mật thiết giữa dệt và may. Ngành dệt nên thành lập bộ phận chuyên trách thường xuyên nắm vững nhu cầu của ngành may để từ đó có hướng đầu tư và tổ chức sản xuất hợp lý.
Phát triển hệ thống các doanh nghiệp sản xuất phụ liệu may trong nước. Ngay từ đầu phải đầu tư cho công nghệ hiện đại, sản xuất ra các sản phẩm phù hợp với yêu cầu may xuất khẩu.
Có các chính sách khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước. Quỹ thưởng xuất khẩu có 5% dành cho các doanh nghiệp sử dụng nguyên phụ liệu sản xuất trong nước là một biện pháp tốt cho vấn đề này.
*Tạo lập tên tuổi và khẳng định uy tín trên thị trường quốc tế:
Để xuất khẩu trực tiếp, sản phẩm Việt Nam phải được kinh doanh bằng nhãn mác của mình trên thị trường quốc tế. Muốn vậy :
- Cần tập trung cho công nghệ tiên tiến trong khâu thiết kế mẫu vải cũng như sản phẩm may.
- Tổ chức tốt công tác tiếp thị và đăng ký nhãn hiệu hàng hoá.
-Trước mắt có kế hoạch hợp tác với các viện mốt, hoặc thuê chuyên gia thiết kế mốt của nước ngoài để đẩy nhanh quá trình hoà nhập vào thị trường Mỹ.
-Khắc phục khó khăn về thiếu nguồn tài chính và nhân lực trong khâu thiết kế mẫu mã, phát triển sản phẩm mới thông qua việc trao đổi bản quyền giữa các
doanh nghiệp và tranh thủ sự hỗ trợ của các nhà nhập khẩu cũng như đại diện của các mạng lưới phân phối tại Mỹ.
- Khi chưa có tên tuổi trên thị trường thế giới thì cách tốt nhất để thâm nhập thị trường trong giai đoạn đầu là mua bằng sáng chế, nhãn hiệu của các công ty nước ngoài để làm ra sản phẩm của họ với giá rẻ hơn, qua đó thâm nhập vào thị trường thế giới bằng sản phẩm “ sản xuất tại Việt Nam”, đồng thời học tập kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ để tiến tới sự thiết kế mẫu mã.
- Khai thác lợi thế của việc tham gia Chương trình hợp tác công nghiệp ASEAN (AICO) nhằm thu hút công nghệ cao của các nước ASEAN, hợp tác trong phát triển sản phẩm mới, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá và khai thác lợi thế về thuế suất ưu đãi bằng mức thuế suất CEPT của sản phẩm tại thời điểm 2006 theo quy định của AICO cũng như các ưu đãi phi thuế quan khác.
*Tăng cường công tác đăng ký nhãn hiệu hàng hoá:
Ở nhiều nước, đăng ký nhãn hiệu hàng hoá của các doanh nghiệp là điều kiện bắt buộc. Hiện nay, Việt Nam chủ yếu xuất khẩu qua các nước trung gian hoặc gia công cho các nước khác. Để xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ, sản phẩm dệt may Việt Nam cần khẳng định vị trí trên thị trường Mỹ bằng nhãn hiệu của mình. Tuy nhiên, đăng ký một nhãn hiệu hàng hoá phải chịu chi phí cao, các doanh nghiệp có thể kết hợp với nhau để đăng ký một nhãn hiệu xuất khẩu chung cho từng loại sản phẩm.
*Nâng cao hiệu quả gia công xuất khẩu, từng bước tạo tiền đề để chuyển sang xuất khẩu trực tiếp:
Cần khẳng định rằng trong vài năm tới, Việt Nam vẫn gia công hàng dệt may là chủ yếu, một mặt xuất phát từ xu hướng chuyển dịch sản xuất tất yếu của ngành dệt may thế giới, mặt khác do ngành dệt may Việt Nam chưa đủ “ nội lực” để xuất khẩu trực tiếp.
Trong điều kiện hiện nay, khi khâu tiếp thị, cung cấp nguyên liệu, thiết kế... và đặc biệt là phối hợp các “công đoạn” này để cho ra đời một sản phẩm mới có
sức cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam còn yếu kém thì gia công vẫn là hình thức cần thiết và hiệu quả.
Gia công là bước đi quan trọng để tạo lập uy tín của sản phẩm Việt Nam trên thị trường Mỹ bằng những ưu thế riêng biệt như : giá rẻ, chất lượng tốt, giao hàng đúng hạn... Đồng thời thông qua gia công xuất khẩu để học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu công nghệ của các nước khác và tích luỹ đổi mới trang thiết bị, tạo cơ sở vật chất để chuyển dần sang xuất khẩu trực tiếp.
2.1.5.Thực hiện các giải pháp xúc tiến và hỗ trợ kinh doanh
Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ thì quảng cáo là một giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc tung sản phẩm vào thị trường, nó tạo ra sự thu hút, chú ý của các đối tượng tiêu dùng tại thị trường đó đối với sản phẩm, kích thích người mua sử dụng sản phẩm. Do vậy, trước khi đưa hàng hoá vào thị trường Mỹ, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may cần có những chính sách đúng đắn phù hợp với tập quán văn hoá và thị hiếu của người tiêu dùng tại Mỹ. Muốn vậy cần phải nghiên cứu xem phương thức quảng cáo và phương tiện quảng cáo như thế nào là phù hợp nhất, gây được sự chú ý nhất và kích thích được tới mức cao nhất người tiêu dùng để họ quyết định mua sản phẩm. Những phương thức quảng cáo trên vừa phải mang tính độc đáo vừa phải mang tính chân thực, phù hợp với đặc điểm tâm lý cá biệt của người mua, đúng đối tượng và đúng thời điểm.