III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP NHẰM HOÀN THIỆN CÔNG TÁC QLNN ĐỐI VỚI TTCK VIỆT NAM:
1. Các giải pháp chung:
1.3. Một số giải pháp chung khác:
- Nhà nước cần ban hành các và hướng dẫn việc thực hiện quy chế quản trị công ty đối với các TCPH, TCNY, tổ chức ĐKGD, tổ chức kinh doanh chứng khoán. Sự yếu kém về quản trị công ty hiện nay đang là một trong những nguyên nhân làm hạn chế tính công khai, công bằng và minh bạch của TTCK. Các quy chế về quản trị công ty cần được xây dựng trên những thông lệ tốt nhất về về tình hình quản trị công ty ở Việt Nam và đáp ứng các yêu cầu cơ bản bảo vệ quyền lợi của cổ đông, đối xử công bằng với các cổ đông, bảo vệ quyền lợi của những người hưởng lợi liên quan đến công ty; thực hiện nguyên tắc CBTT và đảm bảo minh bạch công khai, yêu cầu cao hơn với trách nhiệm của HĐQT.
- Tăng cường sự phối hợp giữa UBCKNN và hiệp hội ngành nghề liên quan như Hiệp hội kinh doanh chứng khoán Việt Nam (VASB), Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI). Mặc dù các tổ chức này không phải là các cơ quan QLNN, song họ sẽ hỗ trợ đắc lực cho UBCKNN trong việc quản lý và phát triển TTCK. Ngoài việc quản lý và bảo vệ quyền lợi của các hội viên, các tổ chức này còn có nhiệm vụ góp ý xâydựng và hoàn thiện khung pháp lý về CK&TTCK, tổ chức đào tạo nghề nghiệp, xây dựng các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp và đề xuất giải pháp phát triển TTCK. Trong thời gian qua, việc phối hợp giữa UBCKNN và các hiệp hội này còn chưa chặt chẽ, chưa phát huy được trách nhiệm và vai trò của các hiệp hội. Trong thời gian tới, UBCKNN cần phải đẩy mạnh hơn nữa sự phối hợp với các hiệp hội này trong các hoạt động xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, tổ chứcđào tạo nghề và tìm ra các giải pháp phát triển TTCK Việt Nam.
- Các cơ quan Nhà nước, mà trực tiếp là UBCKNN và NHNN cần phải phối hợp với nhau trong hoạt động quản lý và giám sát các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán. Thị trường tiền tệ , thị trường bảo hiểm và TTCK là những bộ phận cấu thành nên thị trường tài chính. Do đó, những biến động trên mỗi bộ phận thị trường thì lại có tác đông nhất định tới các bộ phận thị trường còn lại. Ví dụ như, sự điều chỉnh lãi suất ngân hàng lại có tác động tới giá chứng khoán; ngược lại, sự biến động của TTCK cũng có thể tác động đến các hành vi trên thị
trường tiền tệ, bảo hiểm. Nhiều NHTMCP hiện nay tham gia niêm yết cổ phiếu, trái phiếu trên TTCK, hoạt động kinh doanh dưới hình thức là các thành viên lưu ký, thành lập các CtyCK để đầu tư chứng khoán, cho vay… Bởi vậy, sự đan xen và phụ thuộc lẫn nhau giữa các lĩnh vực này là rất lớn. Một số biện pháp để triển khai quản lý và giám sát các hoạt động này như cấm các NHTM chuyển tín dụng cho các CtyCK trực thuộc để ĐTCK, hạn chế cho vay cầm cố chứng khoán, thắt chặt ngoại hối nhằm ngăn chặn rủi ro và đổ vỡ của thị trường…
- Tăng cường đào tạo, thông tin tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về CK&TTCK. Trong thời gian qua, hoạt động đào tạo, thông tin tuyên truyền về CK&TTCK đã được UBCKNN chú trọng thực hiện và đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, so với yêu cầu của nền kinh tế nói chung và của TTCK trong những năm tới thì số lượng người được đào tạo hoặc tiếp cận các kiến thức về CK&TTCK cho đến nay chỉ là một con số rất nhỏ. Như vậy việc mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, phổ biến, tuyên truyền về CK&TTCK là một nhiệm vụ quan trọng đặt ra với UBCKNN nhằm mục tiêu xã hội hoá chứng khoán. Một số giải pháp cụ thể như: tiếp tục thực hiện công tác nghiên cứu khoa học để hỗ trợ cho hoạt động quản lý và phát triển TTCK. Song song với việc đổi mới cần cập nhật chương trình, giáo trình mới nhất, quy định về tiêu chuẩn của người dạy chứng khoán, tránh tình trạng dạy chay. Tiếp tục mở rộng hoạt động đào tạo, cấp phép hành nghề đồng thời đổi mới các hình thức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức theo yêu cầu của công chúng. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, UBCKNN cần phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh, truyền hình để xây dựng các chương trình phổ cập các kiến thức chứng khoán một cách thường xuyên, chuyên nghiệp, tăng tần suất, chủng loại, và chất lượng thông tin được đưa ra. Tổ chức thường xuyên các cuộc họp báo để định hướng thông tin dư luận và trả lời thắc mắc của báo giới; tổ chức các diễn đàn để thu thập ý kiến phản ánh những bất cập trong chính sách và tiếp thu các góp ý của công chúng. - UBCKNN cần tiếp tục phát triển các hoạt động hợp tác quốc tế cả về chất lượng và chiều sâu, đưa TTCK Việt Nam hội nhập với TTCK thế giới. Có thể thấy,các hoạt động hợp tác quốc tế ban đầu đã góp phần giúp Việt Nam có được
bước đi ban đầu thuận lợi và tương đối vững chắc trong quá trình phát triển TTCK. Chúng ta đã học hỏi được kinh nghiệm quản lý, tận dụng được sự trợ giúp về vốn, kĩ thuật, rút ngắn được khoảng cách về trình độ phát triển trong lĩnh vực chứng khoán so với các khu vực khác trên thế giới. Bởi vậy, cần tiếp tục duy trì các mối quan hệ hợp tác sẵn có, không ngừng mở rộng các mối quan hệ mới dưới các hình thức như trao đổi thông tin, tổ chức các cuộc hội thảo quốc tế về TTCK, trao đổi chuyên gia…và tiếp tục tìm kiếm sự trợ giúp về tài chính, kĩ thuật…để hỗ trợ, phát triển TTCK. Với tư cách là thành viên của IOSCO, Việt Nam phải chủ động tham gia và tổ chức hoạt động của các tổ chức này; xem xét và có kế hoạch thực hiện các đề xuất về các quy tắc quản lý mà tổ chức này khuyến nghị đối với các thành viên trên cơ sở phù hợp với thực tiễn hoàn cảnh đất nước.
- UBCKNN cần triển khai việc đầu tư, áp dụng công nghệ thông tin trong ngành chứng khoán. Công việc trước mắt là triển khai việc thực hiện Dự án hiện đại hoá công nghệ thông tin ngành chứng khoán đến năm 2010, tiến tới tự động hoá toàn bộ các giao dịch, thanh toán, CBTT, giám sát thị trường theo chuẩn quốc tế. UBCKNN cần mỏ rộng tin học hoá để hoàn chỉnh hệ thống thống kê ngành chứng khoán, xây dựng đơn vị tin học độc lập, chịu trách nhiệm triển khai và vận hành các hệ thống và chương trình ứng dụng cho toàn ngành.