Thị trường Việt Nam

Một phần của tài liệu Hoạt động nhập khẩu phôi thép tại Văn phòng Tổng công ty Thép Việt Nam trong điều kiện hội nhập (Trang 73 - 75)

Vẫn theo đà tăng năm 2007, sang năm 2008 giá các sản phẩm thép bao gồm cả giá phôi thép vẫn tiếp tục tăng.

Theo các doanh nghiệp thép, giá quặng nhập về Việt Nam vào tháng 4/2008 là 210 USD/tấn, tăng gần 100 USD/tấn so với cách đây 2 tháng. Bên cạnh đó giá thép phế cũng tăng mạnh. Hiện giá thép phế chào bán ở mức 670 USD/tấn, giá các doanh nghiệp đã mua khoảng 630 USD/tấn.

Từ 1/4/2008 giá quặng sắt tăng thêm 65%. Giá quặng sắt tăng đã tác động làm cho thị trường thép "nóng" từng ngày.

Tác động từ việc giá quặng sắt, thép phế và giá than cốc tăng (gần 50%) trong thời gian qua đã làm cho giá phôi thép và thép liên tục biến động. Mới tuần trước, giá chào bán phôi thép từ Trung Quốc chỉ ở mức 905 USD/tấn thì nay đã lên tới 970 USD/tấn. Các nguồn khác như Nga, Ucraina, giá có thấp hơn, nhưng không có hàng hoặc do đường xa nên chi phí vận tải cao và thời gian kéo dài.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, Công ty Thép Việt - Nhật (Vinakyoei) cho biết họ đã ký hợp đồng mua phôi thép với giá 930 USD/tấn. Nhưng theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép thì các doanh nghiệp khác chưa doanh nghiệp nào mua phôi thép quá 900 USD/tấn.

Mới đây, một số doanh nghiệp đã có thông báo đến các đại lý và khách hàng bắt đầu từ 1/4 sẽ tăng giá thép thêm 500.000 đồng/tấn. Nhưng Hiệp hội Thép cho biết đã làm việc với các doanh nghiệp này và thông báo tăng giá đã được rút lại. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp cho biết sẽ giữ nguyên giá bán thép đến hết tháng 4/2008.

Hiện nay giá thép bán ra đang ở mức 14,8 triệu đồng đến 15,2 triệu đồng/tấn chưa có VAT. Giá thép hiện nay chỉ tương đương với giá phôi nhập khẩu 860 USD/tấn.

Có nhiều lo ngại cho rằng giá thép cao sẽ làm giảm nhu cầu, tiêu thụ chậm, nhưng theo Hiệp hội Thép, tiêu thụ thép không hề giảm. Cụ thể trong tháng 2/2008 là tháng trùng với Tết Nguyên đán, có nhiều ngày nghỉ thì tiêu thụ thép vẫn đạt 296.000 tấn, cao hơn so với mức trung bình cả năm 2007 là 270.00 tấn. Còn trong tháng 3/2008 dự kiến tiêu thụ đạt 350.000 tấn. Một số doanh nghiệp thép như Hoà Phát, Pomina... hiện vẫn sản xuất vượt công suất thiết kế do tiêu thụ tăng mạnh.

Theo dự tính năm 2008 nhu cầu về thép của Việt Nam tăng khoảng 20% so với 2007 do đầu tư nước ngoài tăng mạnh và nhiều công trình trọng điểm của Nhà nước như Thuỷ điện Sơn La, Nhà máy lọc dầu Dung Quất, các công trình giao thông, hạ tầng sử dụng vốn ODA tăng cao, cần khối lượng thép lớn.

Năm 2008, ước tính tổng nhu cầu phôi cho sản xuất thép vào khoảng 4,6 triệu tấn. Tuy nhiên, nguồn phôi trong nước mới chỉ đáp ứng được 2 triệu tấn, còn lại hơn 2 triệu tấn vẫn phải nhập khẩu. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, giá thành phôi sản xuất trong nước thấp hơn nhập khẩu tới 200 USD/tấn. Nhưng để sản xuất được trên 4 triệu tấn phôi thì vẫn vượt quá khả năng của doanh nghiệp Việt Nam. Phải đến 2010 thì Việt Nam mới đạt sản lượng trên 4 triệu tấn phôi thép.

Vì vậy trong thời gian tới sản xuất thép Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nguồn phôi nhập khẩu.

Như vậy năm 2008 giá thép sẽ tăng theo đà tăng 2007, có thể là không nhiều nhưng cũng chưa thể xác định được điểm dừng và sức nóng, nguội của giá thép vẫn là điều khó nói. Hiện nay, giá phôi thép đầu năm 2008 đã tăng 45,1% so với cuối năm 2007, hiện giá chào đã lên đến 900USD/tấn.

Một phần của tài liệu Hoạt động nhập khẩu phôi thép tại Văn phòng Tổng công ty Thép Việt Nam trong điều kiện hội nhập (Trang 73 - 75)