Thu thập thông tin về đơn vị được kiểm toán

Một phần của tài liệu 346 Hoàn thiện kiểm toán khoản mục doanh thu trong kiểm toán báo cáo tài chính do Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam thực hiện (Trang 34 - 36)

Sau khi kí kết hợp đồng kiểm toán, kiểm toán viên bắt đầu lập kế hoạch kiểm toán tổng quát. Theo VSA số 300 về “Lập kế hoạch kiểm toán” thì: “Khi lập kế hoạch kiểm toán, kiểm toán viên phải hiểu biết về hoạt động của đơn vị được kiểm toán để nhận biết được các sự kiện, nghiệp vụ có thể ảnh hưởng trọng yếu đến báo cáo tài chính”. Còn theo VSA số 310 về “Hiểu biết về tình hình kinh doanh” thì: “Để thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính, kiểm toán viên phải có hiểu biết cần thiết, đầy đủ về tình hình kinh doanh nhằm đánh giá và phân tích được các sự kiện, nghiệp vụ và thực tiễn hoạt động của đơn vị được kiểm toán mà theo kiểm toán viên thì có ảnh hưởng trọng yếu đến Báo cáo tài chính, đến việc kiểm tra của kiểm toán viên hoặc đến báo cáo kiểm toán”.

Theo đó, để đảm bảo chất lượng cuộc kiểm toán và đạt được các mục tiêu đề ra cho cuộc kiểm toán thì kiểm toán viên phải có sự hiểu biết đầy đủ về khách hàng, trên một phạm vi rất rộng, bao gồm nhiều phương diện như sau:

- Hiểu biết chung về nền kinh tế như thực trạng nền kinh tế, các chính sách của Chính phủ, mức độ lạm phát,….

- Hiểu biết về môi trường và lĩnh vực hoạt động của đơn vị được kiểm toán như tình hình thị trường và cạnh tranh, các đặc điểm của ngành nghề kinh doanh, các chuẩn mực, chế độ kế toán cũng như các quy định khác của luật pháp có liên quan đến ngành nghề,…

- Nhận diện các bên hữu quan với khách hàng, đó là các bộ phận trực thuộc, các chủ sở hữu chính thức của công ty khách hàng hay bất kỳ công ty chi nhánh, một cá nhân hay tổ chức nào mà công ty khách hàng có quan hệ và các cá nhân tổ chức đó có khả năng điều hành, kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể tới các chính sách kinh doanh hoặc chính sách quản trị của công ty khách hàng.

- Hiểu biết về những yếu tố nội tại của đơn vị được kiểm toán, bao gồm những đặc điểm về sở hữu và quản lý, tình hình kinh doanh của đơn vị, khả năng tài chính của đơn vị,…

Đối với khoản mục doanh thu, kiểm toán viên cần tìm hiểu về các mặt hàng và dịch vụ mà đơn vị cung cấp, thị trường tiêu thụ và cạnh tranh của các mặt hàng và dịch vụ đó, tình hình tiêu thụ của từng loại mặt hàng, dịch vụ, các chuẩn mực, chế độ kế toán về doanh thu, các quy định khác của pháp luật có liên quan,… Đồng thời nhận diện được các bên hữu quan như các khách hàng lớn có liên quan đến đầu ra, các tổ chức, cá nhân trong nội bộ công ty mà đơn vị có cung cấp hàng hoá và dịch vụ (ghi nhận doanh thu nội bộ),…

Để đạt được những hiểu biết như trên, kiểm toán viên thường thực hiện các phương pháp sau:

- Thu thập và nghiên cứu tài liệu về tình hình kinh doanh của khách hàng: Điều lệ công ty, giấy phép thành lập, các biên bản, hợp đồng hoặc cam kết quan trọng, các nội quy, chính sách của khách hàng, các văn bản luật, chế độ,…

- Tham quan nhà xưởng, kho tàng, cửa hàng, văn phòng làm việc,… của đơn vị.

- Phỏng vấn cán bộ quản lý, công nhân viên trong đơn vị.

Sau khi tìm hiểu về hoạt động kinh doanh của khách hàng, nếu công ty kiểm toán cho rằng không ai trong nhóm kiểm toán có chuyên môn hoặc khả năng về lĩnh vực đặc thù nào đó để thực hiện các thủ tục kiểm toán cần thiết nhất định, ví dụ như khi đánh giá về nghệ thuật, vàng bạc, đá quý, hoặc khi cần tư vấn pháp lý về các hợp đồng,… khi đó công ty kiểm toán có thể quyết định sử dụng chuyên gia bên ngoài.

Một phần của tài liệu 346 Hoàn thiện kiểm toán khoản mục doanh thu trong kiểm toán báo cáo tài chính do Công ty Hợp danh Kiểm toán Việt Nam thực hiện (Trang 34 - 36)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(138 trang)
w