- Khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn do ngân hàng yêu cầu
2.1.2 Thực trạng các DNV&N trên địa bàn Hà Nộ
Hòa mình trong dòng chảy phát triển chung của loại hình DNV&N trong cả nước, các DNV&N tại địa bàn Hà Nội cũng có những bước “chuyển mình” mạnh mẽ. Hà Nội hiện có gần 25.000 doanh nghiệp được thành lập theo Luật doanh nghiệp mà chiếm số lượng chủ yếu là các DNV&N. Cùng với sự tăng mạnh về số lượng, hằng năm các DNV&N đóng góp khoảng trên 40% trong tổng GDP của thành phố. Điều đáng lưu ý là dù không được đầu tư lớn nhưng tốc độ tăng trưởng của các DNV&N gần bằng mức tăng chung của toàn thành phố, thu ngân sách năm sau cao hơn năm trước. Mặc dù chịu sự tác động mạnh của cơ chế thị trường, nhưng nhìn chung các doanh nghiệp đều có sự tìm tòi để xác định cho mình một hướng đi đúng, phù hợp và khai thác tốt hơn tiềm năng, vị thế của Thủ đô. Các doanh nghiệp như Thế Trung, Sơn KOVA, Nguyễn Hoàng, DIANA, Sơn Hà, LADODA... đã không ngừng đầu tư, đổi mới thiết bị, đa dạng hóa sản phẩm và tạo được thương hiệu riêng trên thị trường. Nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn chọn những lĩnh vực sản xuất đòi hỏi có sự đầu tư lớn, có hàm
lượng chất xám cao (công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, lắp ráp máy tính...) để đầu tư, điển hình là các doanh nghiệp như Ngọc Khánh, Alphanam…
Mặc dù bước đầu đã đạt được những kết quả khả quan nhưng các DNV&N ở Hà Nội mới đang trong giai đoạn phát triển. Thực tế tiềm năng phát triển kinh tế của Hà Nội nói chung và của các DNV&N nói riêng rất lớn và còn chưa được khai thác hết. Thật vậy, với vị trí là trung tâm văn hóa, chính trị, xã hội…và là thành phố có dân số lớn thứ hai cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, cùng với thành phố Hồ Chí Minh là hai trung tâm kinh tế quan trọng nhất của cả nước. Với vị trí của Thủ đô, Hà Nội là nơi tập trung các cơ quan Bộ ngành, các tổng công ty lớn, văn phòng đại diện của các hãng lớn của nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam đồng thời cũng là nơi thu hút một số lượng lớn đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, công nhân lành nghề… Hơn nữa, nếu so với mặt bằng chung của cả nước thì Hà Nội có hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư tốt, lại có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường không thuận lợi. Đặc biệt Hà Nội cũng là trung tâm quan hệ đối ngoại về nhiều mặt kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học kỹ thuật với bạn bè quốc tế. Với những ưu thế trên, có thể khẳng định rằng tiềm năng kinh tế của Hà Nội là rất lớn và lẽ tất nhiên những DNV&N ở Hà Nội với lợi thế của mình sẽ có tiềm năng phát triển lớn.