Tích lũy ruộng đất đi đôi với chuyển đổi tư liệu sản xuất

Một phần của tài liệu Sản xuất vụ ba với sự phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang (Trang 114 - 118)

Chương 3: Định hướng và các giải pháp cho sản xuất vụ ba để phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang

3.3.4Tích lũy ruộng đất đi đôi với chuyển đổi tư liệu sản xuất

Nhằm đẩy nhanh quá trình Công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và đạt được những mục tiêu phát triển kinh tế của tỉnh, cần phải xây dựng cơ cấu kinh tế “dịch vụ - thương mại, công nghiệp - xây dựng, nông nghiệp” cho hợp lý, theo hướng chuyển dịch tăng nhanh tỷ trọng khu vực II và khu vực III; từng bước chuyển dịch dần lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, theo hướng giảm lao động khu vực nông nghiệp từ 66,75% (2008) còn 59% (2010) đến năm 2020 là 50%, tăng lao động các ngành công nghiệp - xây dựng tương ứng là 11,5% - 14% - 20%, tăng lao động các ngành dịch vụ tương ứng là 21,75% - 25% - 30% để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động đang dôi dư trong nông nghiệp, nông thôn hiện nay. Để thực hiện được mục tiêu trên đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ như: đạo tạo, dạy nghề nâng cao trình độ, năng lực cho dân cư nông thôn, đưa lao động nông thôn đi làm việc ngoài huyện, ngoài tỉnh ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài,...mà trong đó xây dựng các dự án và kêu gọi các tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư cơ sở sản xuất, công nghiệp chế biến, kinh doanh trên địa bàn huyện liên quan đến các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh, đặc biệt là thủy sản, rau màu để thu hút lao động giải quyết việc làm tại chổ được coi là tối ưu nhất.

Một khi có được cơ cấu lao động hợp lý, tỉ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng giảm là điều kiện quan trọng để thực hiện việc tích tụ ruộng đất. Đây là mục tiêu cao nhất để tiến đến một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Bởi vì, để thực hiện Công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, chính sách tích tụ ruộng đất sẽ tạo ra các trang trại sản xuất nông sản hàng hóa qui mô lớn, hợp thành vùng sản xuất tập trung chuyên môn hơn, gắn kết với công nghiệp chế biến và mạng lưới phân phối tiêu thụ, thông qua hình thức “sản xuất theo hợp đồng” và chính sách giáo dục - đào tạo, khuyến nông để hình thành một đội ngũ nông dân trẻ có học thức. Khi đó, một số doanh nghiệp chế biến nông sản, để có nguồn nguyên liệu ổn định, có chất lượng, cũng đã áp dụng hình thức tổ chức trang trại dự phần. Doanh nghiệp thuê đất của các hộ nông dân, đầu tư giống, phân bón, khuyến nông và khoán lại cho các hộ nông dân thực hiện quá trình sản xuất, tạo ra nông phẩm cung cấp cho nhà máy. Đó cũng là một hình thức thuê đất để tích tụ ruộng đất tới qui mô đủ lớn và sản xuất theo hợp đồng. Hoặc ruộng đất sẽ không còn xé nhỏ, manh mún nữa nếu những nông hộ sở hữu ruộng đất nhiều có điều kiện sản xuất tốt hơn sẽ mua hoặc thuê đất từ những hộ có diện tích sản xuất ít, kém hiệu quả để lập ra các trang trại sản xuất với quy mô lớn và tất nhiên là hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn. Còn những nông hộ đã nhường đất thì cũng không phải sợ thất nghiệp vì họ có thể làm “công nhân nông nghiệp” ngay trên mãnh ruộng trước kia của mình hay trở thành công nhân làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy. Kết quả là thu nhập của cư dân nông thôn sẽ tăng cao, đời sống người dân được cải thiện nhanh chóng, tốc độ của quá trình đô thị hóa nông thôn sẽ nhanh và hợp lý. Điều này hoàn

toàn phù hợp với “chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam” về Phát triển nông nghiệp và nông thôn theo hướng bền vững. [8], [17], [23], [24]

KẾT LUẬN

Tóm lại, với diện tích đất canh tác gần phân nửa quỹ đất nông nghiệp gieo trồng cây hàng năm toàn tỉnh, chiếm khoảng 20% sản lượng lương thực cả năm, trong đó sản lượng hoa màu thực phẩm chiếm khoảng 40% sản lượng hoa màu thực phẩm cả năm của tỉnh cộng với những lợi thế so sánh vô cùng thuận lợi. Vụ ba đã trở thành một trong ba vụ sản xuất chính trong năm. Và trong chủ trương, đường lối phát triển nông nghiệp của tỉnh cũng đã xác định, vụ ba là vụ đóng vai trò tiên phong, có vị trí và ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Đang mở ra bước ngoặt, hướng đi mới cho nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển ngày càng bền vững hơn. Từ thực tế sản xuất vụ ba trong những năm qua cũng đã chứng minh được rằng:

- Sản xuất vụ ba đã phát huy được lợi thế tiềm năng đất đai, sản xuất theo hướng thâm canh tăng vụ, nâng hệ số sử dụng đất nông nghiệp của tỉnh lên gần 2,5 lần trong năm.

- Quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, quy mô lớn kết hợp với việc phát triển ngành công nghiệp chế biến đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn ngày càng hợp lý hơn, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa nông thôn.

- Ảnh hưởng mạnh mẽ đến chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp của tỉnh. Và những thành công bước đầu trong quá trình chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng kết hợp đầu tư theo chiều sâu các nông sản hàng hóa có lợi thế cao với đa dạng hóa các nông sản hàng hóa có giá trị kinh tế, phục vụ cho xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất nông nghiệp trên cùng một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho nông dân đã khẳng định là hướng đi đúng, cần được tiếp tục phát huy và đẩy nhanh hơn nữa trong những năm tới.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp phải gắn liền với việc đưa nhanh các tiến bộ khoa học - công nghệ mới vào sản xuất, đặc biệt là công nghệ sinh học, công nghệ sau thu hoạch để nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành nông sản hàng hóa; tăng cường khả năng liên kết “4 nhà” ngày càng chặt chẽ hơn cũng như phát triển mạnh công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn, mở rộng ổn định thị trường tiêu thụ, tăng cường kết cấu hạ tầng và xây dựng nông thôn mới. Đó là những giải pháp quan trọng để góp phần đưa nông nghiệp – nông dân – nông thôn An Giang chuyển sang giai đoạn mới.

Một phần của tài liệu Sản xuất vụ ba với sự phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang (Trang 114 - 118)