Giải pháp về thị trường và hợp tác hóa trong sản xuất

Một phần của tài liệu Sản xuất vụ ba với sự phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang (Trang 110 - 114)

Chương 3: Định hướng và các giải pháp cho sản xuất vụ ba để phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang

3.3.3Giải pháp về thị trường và hợp tác hóa trong sản xuất

Trong những năm gần đây, hàng nông sản của tỉnh nói chung ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại và chất lượng cũng được nâng lên đáng kể so với những năm trước đây. Mặc dù vậy, xung quanh việc tiêu thu nông sản hàng hóa vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra từ việc quy hoạch sản xuất, chế biến và bảo quản sau thu hoạch cho đến vấn đề chất lượng hàng hóa. Các hoạt động liên kết ngành hàng giữa các tổ chức doanh nghiệp với nông dân, vấn đề thông tin thị trường, vấn đề hỗ trợ thu mua tạm trữ,… Những vấn đề này vẫn chưa được giải quyết căn bản nên giá trị hàng nông sản vẫn còn thấp và sức cạnh tranh yếu vẫn sẽ tồn tại là điều tất yếu.

Cho nên để khắc phục được chuỗi những khó khăn, bất cập trên, nhằm đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, năng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nông dân, tiến đến phát triển một nền nông nghiệp bền vững tạo tiền đề, cơ sở cho quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh thì vấn đề liên kết hóa trong sản xuất để tìm thị trường đầu ra cho sản phẩm được coi là có vai trò quan trọng và then chốt nhất. Trong đó, sẽ tập trung giải quyết một số vấn đề căn cơ sau:

- Liên kết giữa nông dân với nông dân: Trong thực tế nông dân có khối lượng sản xuất rất lớn nhưng quy mô sản xuất còn quá nhỏ lẻ và manh mún. Bản thân nông dân thì lại phi bảo hộ, vốn sản xuất rất ít. Vì vậy, khi có sản phẩm thì họ cứ bán tháo đi để chi trả cho các khoảng chi phí vật tư mà họ đã mua thiếu hoặc vay mượn trước đó nên giá cả thường thấp. Mặt khác, đa phần nông dân không có định hướng quy hoạch hoặc chạy theo phong trào mà thiếu thông tin thị trường nên thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro khi cung vượt quá cầu. Cho nên cần phải triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, đề án phát triển kinh tế trang trại đến năm 2020, được UBND tỉnh phê duyệt nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế trang trại phát triển rộng khắp, hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa có quy mô vừa và lớn cùng các tổ chức kinh tế hợp tác khác chuyển dịch mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục củng cố, nâng chất những tổ hợp tác, hợp tác xã, câu lạc bộ nông dân, hiệp hội ngành nghề hiện có để đi vào hoạt động thiết thực phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp và lợi ích của nông dân; đồng thời vận động nông dân tham gia vào các loại hình kinh tế hợp tác phù hợp. Trong đó phát triển mạnh mô hình tổ hợp tác theo ngành nghề, lĩnh vực sản xuất và hiệp hội ngành nghề trên tinh thần tự nguyện, tự giác, đảm bảo trên vùng nguyên liệu có hầu hết nông dân tham gia; mỗi xã có từ 2 - 3 câu lạc bộ nông dân giỏi đã thông qua đào tạo là lực lượng nồng cốt ở nông thôn. Hoạt động của hợp tác xã trong thời gian tới phải được đổi mới toàn diện; ngoài việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, cần chú trọng mở mang ngành nghề, dịch vụ phù hợp khả năng quản lý và nhu cầu của thị trường (tiểu thủ công nghiệp, cơ khí, cung ứng điện, nước sạch, vệ sinh môi trường, vận chuyển,….) và không chỉ làm dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp mà còn tổ chức

hoạt động thương mại khác nhằm tăng thu nhập cho nông dân, tăng tích lũy cho đơn vị, thực sự là chỗ dựa vững chắc cho nông dân.

- Liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân: Bên cạnh hình thức liên kết ngang trong nông dân thì liên kết dọc giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến thông qua các hợp đồng để chủ động nguồn hàng, ổn định chất lượng sản phẩm và bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, làm gia tăng phần lợi ích của nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu là sự sống còn cho cả doanh nghiệp và nông dân trong bối cảnh kinh tế thị trường hiện nay. Tuy nhiên, trong thực tế vấn đề liên kết giữa các doanh nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu với nông dân còn quá lỏng lẻo. Phần lớn các hợp đồng hiện nay đều chưa có tính chất pháp lý và các chế tài để xử lý dẫn đến tình trạng nông dân cứ sản xuất theo phong trào còn doanh nghiệp thì không xây dựng được vùng nguyên liệu để có nguồn lực nhất định cho mình. Và kết quả là giá trị hàng nông sản của ta thường xuyên bị ép cấp, ép giá dẫn đến nhiều bất lợi và thua thiệt mà người thua thiệt chủ yếu là nông dân. Mới đây nhất câu chuyện về dưa hấu ở cửa khẩu Lạng Sơn là một ví dụ. Năm 2009, khi nghe nói dưa hấu tươi xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch có giá cao, nông dân nhiều địa phương trong cả nước không cần điều tra thiệt hư về nhu cầu thị trường, không có điều kiện hợp đồng giữa người bán và người mua. Kết quả là lượng dưa hấu dư thừa quá nhiều dẫn đến bị ép cấp ép giá, người kinh doanh dưa hấu bị lỗ vốn nặng còn nông dân cũng không tiêu thụ được sản phẩm. Đối với mặt hàng lúa gạo, theo số liệu của viện chính sách và chiến lược phát triển nông thôn. Năm 2008, nước ta đã xuất khẩu được 4,7 triệu tấn gạo đạt giá trị hơn 2,8 triệu USD, đến năm 2009 xuất khẩu gần 6 triệu tấn gạo nhưng giá trị chỉ đạt hơn 2,6 triệu USD. Ngoài yếu tố giá cả thị trường thì nguyên nhân chủ yếu là do sức cạnh tranh yếu. Và với cây màu An Giang như cây hành, cây ớt,…cũng không thoát khỏi số phận trên.

Cho nên cần phải tăng cường hơn nữa vai trò của các doanh nghiệp, các tổ chức hội ngành nghề, nhất là các doanh nghiệp nhà nước trong việc thu mua và chế biến nông sản, kinh doanh vật tư nông nghiệp, cung cấp tín dụng,… thông qua các hình thức hợp đồng với nông dân để chủ động cung ứng đầu vào cho sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhất là ở khu vực sản xuất tập trung, các chợ đầu mối và các cụm dân cư theo tinh thần QĐ 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khuyến khích và ưu đãi các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản hàng hóa theo QĐ số 522/2002/QĐ-UB ngày 07/03/2002 của UBND tỉnh An Giang. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế trong tỉnh hợp tác liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong khu vực ĐBSCL, ở thành phố Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ. Khai thác tối đa kinh tế biên giới và mở rộng hợp tác thương mại với Campuchia, đặc biệt là các sản phẩm từ cây màu. Có được như thế thì nông dân mới an tâm chuyển đổi sản xuất.

- Liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp: Thực tế hiện nay cho thấy, vai trò của các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề chưa thật sự phát huy được tính chuyên nghiệp trong chuỗi sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Điều này được thể hiện:

Các doanh nghiệp chưa chủ động tìm kiếm thị trường, còn ỷ lại quá nhiều vào các gối hợp đồng xuất khẩu lớn từ Nhà nước: Nếu như trước kia ngoài hai quốc gia có sản lượng gạo xuất khẩu lớn là Thái Lan và Hoa Kỳ, trong những năm gần đây lại xuất hiện nhiều quốc gia xuất khẩu gạo mới nổi như: Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Myanma,… đã làm cho thị trường lúa gạo thế giới ngày càng cạnh tranh gây gắt, giá cả thiếu ổn định, rủi ro cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đầu tư sản xuất cũng như thu nhập của nông dân. Và với An Giang là tỉnh có hơn 92,6% diện tích đất nông nghiệp được gieo trồng là cây lúa và gần 80% dân số toàn tỉnh là nông dân thì mối lo ngại trên càng nhân lên gấp bội. Tuy nhiên, nếu so sánh các quốc gia nhập khẩu gạo lớn như: Philippin, Indonesia, Negieria, Iran,…thì thị phần gạo nhập khẩu từ nước ta tại các quốc gia này luôn cao hơn Thái Lan, nhưng trong khi đó Thái Lan lại là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới với số lượng hơn ta rất nhiều. Và điều này cho thấy việc xuất khẩu gạo nước ta còn lệ thuộc quá nhiều vào các thị trường lớn hiện nay.

Các doanh nghiệp thường xuyên cạnh tranh không lành mạnh trong việc thu mua nông sản trong nước cũng như việc vượt rào phá giá trong xuất khẩu. Và điều này đã làm cho nông sản trong nước bị khủng hoảng thiếu giả tạo và giá trị nông sản xuất khẩu của ta thường bị ép giá hơn so với các mặt hàng nông sản của các nước trong khu vực. Trong thời gian qua số phận của hạt gạo, cây mía,…là ví dụ điển hình.

Vì vậy, vấn đề đặt ra ở đây là cần phải nêu cao vai trò và trách nhiệm trong việc liên kết ngang giữa các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành nghề với nhau, cũng như liên kết dọc với nông dân. Để mặt hàng nông sản Việt Nam nói chung và tỉnh nhà nói riêng ngày càng nâng cao sức cạnh tranh, chủ động hơn trong tiêu thụ và điều tiết giá cả thị trường.

- Liên kết giữa Nhà nước với nhà doanh nghiệp và nhà nông:

Trong việc hỗ trợ của chính phủ đối với nông nghiệp và nông dân hiện nay còn quá chung chung, cào bằng trong nông dân. Cần phải xem xét đánh giá lại là nông dân đã được hưởng lợi ở mức nào từ nguồn hỗ trợ của chính phủ. Cho nên chính phủ và Nhà nước cần phải hỗ trợ mang tính định hướng, trọng tâm, đúng đối tượng hơn mới đem lại lợi ích từ chính sách hỗ trợ. Ví dụ: cần phải đẩy mạnh hỗ trợ cho nông dân trong vùng đã được quy hoạch chuyển đổi cụ thể, những đối tượng tổ chức, hộ nông dân nào làm tốt mới có thể tiếp cận được với gối hỗ trợ để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm.

Chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp có quá nhiều bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn. Nhà nước cần phải tạo ra một luật chơi bình đẳng để các doanh nghiệp tham

gia thu mua xuất khẩu, tiêu thụ phải có trách nhiệm với nông dân. Vì thực tế là nhiều doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính, không đủ năng lực thu mua, xuất khẩu nông sản vẫn cứ lao vào tham gia tranh thủ lợi dụng hỗ trợ từ Nhà nước gây rối loạn giá cả và thị trường. Mặt khác, những sản phẩm tốt do nông dân thực hiện theo các quy trình an toàn chất lượng và những sản phẩm kém chất lượng do những người lạc hậu lâu nay vẫn được đánh đồng lẫn lộn, khó lòng giữ vững để giúp nông dân sản xuất hàng hóa một cách bài bản.

Nhà nước cần phải nâng cao vai trò chủ đạo hơn nữa trong việc quản lý, xử lý các hợp đồng kí kết giữa doanh nghiệp với nông dân.

Tóm lại, từ trước đến nay trong sản xuất nông nghiệp ta vẫn áp dụng theo phương thức cũ, làm ra sản phẩm rồi sau đó mới loay hoay tìm thị trường hoặc chạy theo lợi nhuận phong trào mà ít chú ý đến đầu ra cho nông sản. Chính vì thế mà cái vòng luẩn quẩn, điệp khúc “được mùa lại mất giá” cứ lặp đi lặp lại, nông dân lên líp trồng màu khi cây màu được giá, rồi nông dân lại sang líp trồng lúa lại khi lúa có giá cao mà nguyên nhân mấu chốt là do quá trình liên kết giữa “4 nhà” còn quá nhiều lỏng lẻo và bất cập. Vì vậy, để đưa nền nông nghiệp tỉnh nhà phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, ổn định và bền vững mà trước mắt là trong sản xuất vụ ba đòi hỏi ta cần phải khắc phục những tồn tại hạn chế từ phương thức sản xuất cũ, nhanh chóng chuyển sang phương thức sản xuất mới. Khi đó, thị trường đầu ra được đặt lên hàng đầu, vai trò của Nhà nước là tiên phong và quan trọng nhất trong chuỗi liên kết “4 nhà”. Làm cho mối liên kết này ngày càng chặt chẽ hơn, dung hòa lợi ích hơn. Trong đó:

- Dự báo thị trường: là nhiệm vụ chung của Nhà nước, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Trong đó Nhà nước và nhà doanh nghiệp sẽ giữ vai trò chủ đạo.

- Chọn đối tượng chuyển đổi sản xuất: Một khi đã dự báo được thị trường và đã có được thị trường rồi thì dựa vào đặc điểm của từng tiểu vùng đã được quy hoạch mà chọn đối tượng sản xuất cho phù hợp. Lúc này, nhà khoa học (khuyến nông), Nhà nước sẽ hướng dẫn, cung cấp giống, các tiến bộ khoa học kĩ thuật và công nghệ trong canh tác để nông dân áp dụng sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp và nông dân, giám sát quá trình sản xuất,….

- Đầu ra cho sản phẩm: đây là khâu cuối cùng của chuỗi sản xuất. Thông qua các hợp đồng kí kết giữa nông dân với các doanh nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu, khi đó các nông sản của nông dân sẽ được bao tiêu đầu ra và nông dân sẽ hưởng lợi nhuận từ bằng đến cao hơn mức lợi nhuận đã thỏa thuận trong hợp đồng và các nhà doanh nghiệp chế biến khi đó sẽ có đủ nguồn lực nhất định để giao hàng cho đối tác thông qua các hợp đồng đã được kí kết.

Một phần của tài liệu Sản xuất vụ ba với sự phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh An Giang (Trang 110 - 114)