Các nhà khoa học ở Trung tâm Tế bào và Phân tử (ICMIC) thuộc trường Đại Học Johns Hopkins đang báo cáo một phương cách để cải tiến việc chữa bệnh ung thư bằng hóa trị - một trong những chiến lược triển vọng nhất nhằm giảm các tác dụng phụ của thuốc điều trị ung thư.
Đây là phương pháp hóa trị bao gồm 2 giai đoạn là cho bệnh nhân dùng thuốc chữa bệnh ung thư loại mới và một loại enzyme để hoạt hóa thuốc này. Trước tiên bệnh nhân được tiêm một lượng enzyme, enzyme này dần dần biến mất ở tế bào khỏe mạnh nhưng lại tích lũy và hiện diện nhiều ở tế bào ung thư. Sau đó bệnh nhân được tiêm thêm thuốc điều trị ung thư loại mới, thuốc này sẽ chuyển sang dạng hoạt hóa và tiêu hủy các tế bào ung thư chỉ khi gặp enzyme trong khối u ung thư đó. Zaver M. Bhujwalla cùng tác giả dẫn đầu là Cong Li và các cộng sự giải thích trong một bài báo số ra ngày 29 tháng 11 của Tạp chí Hóa học Mỹ phát hành hàng tuần như sau:”Lựa chọn thời điểm tiêm thuốc thích hợp sẽ giúp thành công mỹ mãn cho 2 giai đoạn chữa bệnh ung thư bằng phương pháp hóa trị”. Nếu tiêm thuốc loại mới này trước khi enzyme biến mất hoàn toàn khỏi các tế bào khỏe mạnh, thì thuốc sẽ tiêu diệt luôn các tế bào khoẻ mạnh và do đó gây ra phản ứng phụ cho cơ thể.
Bài báo mô tả cách tổng hợp và cách kiểm nghiệm ban đầu ở quy mô phòng thí nghiệm của enzyme hoạt hóa thuốc tiêm vào cơ thể ở thời điểm thích hợp. Enzyme này sẽ hoạt hóa thuốc chữa ung thư thông thường là 5-fluorouracil. Theo các nhà nghiên cứu có thể quan sát enzyme đang tiêu hủy dần ở các tế bào khỏe mạnh bằng phương pháp cộng hưởng từ (MRI) hoặc bằng phương pháp quang học.
Phương Nhung (theo American Chemical Society)