Hai cực thông tin phản chiếu bức tranh hiện thực của sự phát triển kinh tế xã hội toàn cầu

Một phần của tài liệu Sự mất cân đối và bất bình đẳng trong việc hưởng thụ thông tin giữa các khu vực trên thế giới (Trang 26 - 33)

Cực thứ nhất: Những cường quốc thông tin phát triển.

Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu là 3 trung tâm kinh tế lớn nhất và cũng được đánh giá là những trung tâm truyền thông – thông tin phát triển nhất thế giới.

Không kể số lượng hùng hậu về báo, tạp chí, điện ảnh, quảng cáo, internet, các phương tiện nghe nhìn khác thì chỉ riêng vị trí đầu bảng thế giới của những tập đoàn truyền thông khổng lồ với tầm hạn quy mô phạm vi hoạt động không giới hạn cũng đủ thấy vị trí quan trọng của truyền thông Mỹ. Tập đoàn AOL - Time Warner là một ví dụ với hơn 26 triệu người thuê bao Internet, nắm trong tay số lượng lớn nhất các đài truyền hình cáp ở Mỹ từ HBO đến CNN, kể cả Cartoon Network, là chủ nhân của 36 tạp chí lớn và hãng phim nổi tiếng ở Holywood là Warner Bros và đứng hàng đầu hệ thống truyền cáp của Mỹ đứng sau ATT.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhờ có hạ tầng cơ sở thông tin quốc gia phát triển, tiềm lực kinh tế mạnh, việc số hóa sâu rộng, Mỹ đã thực hiện chính sách mở rộng, chiếm lĩnh thị trường rất quyết liệt. Bám sát thị trường và người tiêu dùng, văn hóa đại chúng Mỹ đang lan rộng khiến cho nhiều nước phải e ngại. Sự bành trướng của văn hóa Mỹ, mô hình lối sống Mỹ sẽ thâm nhập cùng với sự phát triển của xã hội tiêu dùng. Báo chí, quảng cáo, phim ảnh, âm nhạc, lối sống, phương thức kinh doanh, tất cả đều chịu ảnh hưởng ít nhiều của văn hóa Mỹ. Cơ quan theo dõi nghe nhìn châu Âu đã ước tính: thâm hụt mậu dịch của châu Âu so với Mỹ trong lĩnh vực nghe nhìn lên tới 6 tỷ USD vào năm 1997, tức là gấp đôi so với năm 1990. Trong 7 năm đó, số lượng phim Mỹ chiếu ở các rạp châu Âu tăng vọt từ 56% lên 76%.

Các tạp chí, với hơn 11.000 loại, cũng phát hành với số lượng nhiều hơn cả số người Mỹ đọc chúng. Mỗi hộ gia đình có ít nhất là ba chiếc đài thu thanh và hơn 95% số hộ có tivi.

Một số nghiên cứu gần đây cho rằng, 65% người Mỹ phụ thuộc vào truyền hình để thoả mãn nhu cầu tin tức hàng ngày của họ. Tuy vậy, số liệu này có thể gây hiểu lầm bởi vì như thế có nghĩa là truyền hình hoàn toàn làm thoả mãn nhu cầu tin tức của công chúng. Trong 65% số người đó, có nhiều người

đọc báo và tạp chí, nghe đài, nhận được rất nhiều thư từ và sách quảng cáo (phần lớn trong số đó là những quảng cáo không theo yêu cầu được gửi vào hộp thư của họ).

Hầu như tất cả các thị trấn của nước Mỹ với mọi quy mô dân số (10.000 người hay nhiều hơn) đều có tờ báo riêng của mình, cũng như được tiếp cận với một tờ nhật báo lớn.

Do đặc thù của báo chí Mỹ là ngành kinh doanh nhiều hơn tin tức, nên các ông chủ luôn đổi mới để bắt nhịp với nhu cầu công chúng và tăng doanh thu. Giống như cách trình bày của tờ USA Today thuộc sở hữu của Gannette khởi xướng, báo chí sử dụng nhiều màu sắc hơn, nhiều hình hoạ hấp dẫn hơn, những câu chuyện ngắn hơn và nhiều tin tức giải trí hơn nhằm thu hút thế hệ xem truyền hình.

Đặc trưng của báo chí Mỹ là không bị quản lý. Một ấn bản nghiêm túc như tờ New York Times hay một tờ báo lá cải được bày bán ở siêu thị đều tự coi là những tờ báo. Không có đạo luật hay cơ quan chính phủ hoặc cá nhân nào phản đối chuyện đó, bởi vì không có yêu cầu nào về xin phép hoạt động đối với các tờ báo và cũng không có một định nghĩa hay quy định nào về một ấn bản cung cấp tin tức chính thống. Báo chí không đòi hỏi một chuẩn mực tối thiểu nào về tư cách thành viên, không cấp hay huỷ bỏ giấy phép hoạt động và cũng không quy định các tiêu chuẩn nghề nghiệp. Mỗi hãng tin hay hiệp hội nhà báo tự đề ra cho mình bộ quy tắc ứng xử và chuẩn mực riêng. Việc này khiến cho thông tin tự do, nhưng song hành với nó, việc quản lý tin tức là vấn đề thực sự khó khăn. Công chúng phải tạo cho mình một bộ lọc thông tin giữa vô vàn những luồng thông tin hàng ngày đến với họ.

Mặc dù công nghệ mới đã mở rộng giới hạn này một cách đáng kể, song các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ vẫn tập trung với một mức độ lớn vào nhu cầu và sự quan tâm của người xem, người nghe và người đọc ở ngay tại địa phương mình. Có những lý do kinh tế quan trọng giải thích điều này song nó cũng phản ánh chủ nghĩa địa phương ở Hoa Kỳ.

Chẳng hạn như tại Chicago, nơi có đông người Mỹ gốc Ba Lan thì báo chí ở đó dành ưu tiên cho việc đưa tin về Đông Âu. Hay ở New York nơi có đông người Do Thái nên tin tức ở đây chủ yếu là về Trung Đông. Tương tự như vậy, các tin tức quốc tế đến Mỹ bằng những cách khác nhau được đưa vào các ấn phẩm chuyên môn với số lượng phát hành hạn chế.

Các tờ nhật báo, trong khi cố gắng bắt kịp các phương tiện điện tử và các phương tiện mới khác, có vẻ như phải chịu đựng nhiều nhất do sự biến đổi gần đây. Song chừng nào mà báo chí Hoa Kỳ về cơ bản vẫn không chịu sự can thiệp của chính phủ thì vẫn luôn luôn có những cơ hội mới cho các hãng này cũng như những lựa chọn mới cho công chúng.

Cho dù có điều gì xảy ra thì người quyết định tương lai của ngành công nghiệp tin tức Hoa Kỳ vẫn sẽ là công chúng. Điều đó, theo những người chủ trương báo chí tự do, là vẻ đẹp của hệ thống này.

Là một cường quốc về thông tin đại chúng, Nhật đã đầu tư nhiều lĩnh vực cho Multi Media, thành lập các đài truyền hình cáp (CATV), phát triển truyền hình vệ tinh bằng tín hiệu số, phổ cập internet, mở rộng các dịch vụ thông tin. Về báo chí, số lượng in bằng tiếng Anh còn ít nên ảnh hưởng đối với nước ngoài chưa nhiều, nhưng truyền hình đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các chương trình ca nhạc độc đáo giới thiệu các ca sỹ trẻ của châu Á, tạo được một số chương trình khá hấp dẫn, phục vụ cho cả công chúng Nhật và nước ngoài. Nhật là quốc gia dẫn đầu thế giới về lượng nhật báo có số phát hành lớn nhất.

Thể chế nhất thể hóa châu Âu đã tạo điều kiện cho nền kinh tế chung của châu lục đạt bước phát triển cao, biến EU thành một trong 3 trung tâm kinh tế hàng đầu của thế giới (gồm Mỹ - EU - Nhật Bản).

Xét trên nhiều tiêu chí, công chúng châu Âu được tiếp cận với một nền báo chí phát triển vào bậc nhất thế giới, với nguồn thông tin đa dạng, phong phú, với đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp. Công chúng được thụ hưởng những giá trị phong phú của thông tin do báo giới đem lại.

Trong thống kê về độc giả quốc tế năm 1998, 4 nước dẫn đầu thì có 3 nước châu Âu, ngoại trừ Nhật Bản của Châu Á. 4 nước đó lần lượt từ vị trí cao

nhất tới vị trí thứ 4 là Phần Lan, Nauy, Nhật Bản, Thuỵ Điển với khoảng gần 500 nhật báo trên 1000 dân (theo Hans – Ingvar Johnsson).

Nếu xét về chỉ số phát triển phát triển báo chí, Châu Âu cũng là châu lục của những tên tuổi nổi bật. 93% dân số Thuỵ Điển từ 15 tuổi trở lên đọc báo (đứng thứ nhất). Nauy dẫn đầu thế giới về chỉ số báo trên 1000 dân với 619 tờ báo, tạp chí; nước đứng thứ 2 là Thuỵ Điển với 522 tờ báo, tạp chí. Về chỉ số báo hàng ngày, Đức dẫn đầu thế giới với 411 tờ, Tây Ban Nha đứng thứ 2 với 125 tờ, thứ 3 là Thụy Điển với 102 tờ, Anh 101 tờ, Pháp 88 tờ...

Số lượng nhật báo của Đức nhiều nhất ở châu Âu với hơn 410 tờ, mỗi ngày phát hành khoảng 25,5 triệu bản, trung bình khoảng 331 bản/ 1000 dân. Nổi tiếng nhất là tờ báo ảnh BILD phát hành hơn 4 triệu bản một ngày. Presse, Sachsische zaitung, Rheinische Pót, Volksszeitung, các tạp chí Der Spiegel, Stein, Neue Revue, Neue Post, geo, Kapital… Hệ thống phát thanh truyền hình với 3 kênh truyền hình thuê bao chia thành 12 khu vực phát sóng. Có 24 hãng thông tấn hoạt động trên nước Đức và hơn 100 chương trình phát thanh, 25 chương trình truyền hình bằng tiếng Đức và bằng 25 ngôn ngữ khác nhau trên khắp đất nước Đức. Đáng chú ý là hãng thông tấn DDP và DPA

Truyền hình vẫn tiếp tục là phương tiện truyền thông được ưa chuộng nhất ở “cựu lục địa”, bởi người dân châu Âu dành tới 12 tiếng mỗi tuần để xem TV.

Người dân châu Âu đang chứng kiến sức công phá mạnh mẽ của nhật báo miễn phí, kèm theo quảng cáo, thông báo... Thậm chí nhiều báo còn lôi kéo độc giả vào cuộc cạnh tranh bằng nhiều hình thức hấp dẫn, chẳng hạn như ở Italia, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi ngày chỉ cần trả thêm một chút là độc giả có thể nhận thêm đĩa CD, DVD, băng hoạt hình, sách, bản đồ, từ điển bách khoa, thậm chí cả bộ sưu tập tem hay tiền cổ, hoặc các bộ cốc chén, bộ cờ... Xu hướng báo miễn phí ngày càng phát triển ở Châu Âu. Báo được phát không trên các chuyến tàu điện ngầm. Và công chúng có đủ thời gian để đọc hết tờ báo ấy cùng với thời gian đi trên chuyến tàu điện ngầm tới nơi làm việc. Công chúng không phải trả tiền trực tiếp cho việc mua báo, nhưng thông tin họ nhận được vẫn hết sức phong phú.

Metro, tờ báo miễn phí đầu tiên, xuất hiện ở Stockholm và sau đó lần lượt chinh phục độc giả nhiều nước châu Âu như Pháp rồi Canada, Chilê, Hàn Quốc, Hồng Kông… và cả Mỹ. Chưa đầy một tháng sau khi tờ Metro ra mắt độc giả Pháp, tờ báo phát không 20 Minutes của tập đoàn Nauy Schibsted cũng ra đời tại Paris.

Hiện nay, 20 Minutes phát hành mỗi ngày được 750.000 bản, và Metro 555.000 bản, vượt xa các nhật báo phát hành cả nước như Le Monde (337.000 bản), Le Figaro (334.000 bản) và Libération (149.000 bản).

Theo nghiên cứu của Viện Bipe, trong số 4 giờ 13 phút thời gian rảnh mỗi ngày, bình quân người Pháp chỉ sử dụng 25 phút để đọc sách báo, so với hai giờ bảy phút để xem truyền hình. Nghiên cứu này được thực hiện vào cuối những năm 1990.

Internet ngày càng phát triển và trở thành kênh thông tin quan trọng tại châu Âu. Nhật báo The Financial Times của Anh cho biết trung bình, người dân châu Âu dành bốn giờ/tuần để đọc tin tức trên mạng.

Bên cạnh sự đầu tư cho báo in, phát thanh truyền hình, các tập đoàn truyền thông các nước EU tích cực khai thác các loại hình báo chí internet, multi media, viễn thông để bán tin tức, sản phẩm truyền thông và các dịch vụ thông tin khác cho nước ngoài, chủ yếu là thị trường Đông Âu.

Đơn cử như trường hợp Đức, chính phủ chủ động thông qua cơ quan chức năng hàng năm mời khoảng hơn 2000 nhà báo nước ngoài và các nhân sĩ có vai trò quan trọng đối với dư luận xã hội đến Đức để họ tự tìm hiểu, khảo sát nghiên cứu đời sống chính trị kinh tế văn hóa xã hội của nước Đức. Đức và EU đã đề ra một loạt các chính sách để truyền thông đại chúng Đức cũng như EU có thể tham gia tích cực vào toàn cầu hóa :

- Quan tâm nguồn lực con người: cụ thể trong lĩnh vực truyền thông sẽ cải tiến, tăng tính hấp dẫn, chất lượng các chương trình khoa học giáo dục.

- Tiếp tục phổ cập internet, gắn kết thông tin với hình ảnh, âm thanh chữ, số liệu… để tăng tính cạnh tranh của sản phẩm thông tin với các nước và phát

triển cả dịch vụ mới mẻ tiện lợi, nhanh chóng cho nhiều loại đối tượng khách hàng.

- Khuyến khích mọi ngành, trong đó có chính lĩnh vực truyền thông đại chúng đầu tư nghiều nguồn lực cho sản xuất tri thức (giáo dục đào tạo nghề nghiệp chuyên môn chất lượng cao, đáp ứng toàn cầu hóa, ứng dụng tri thức để phát triển sản xuất dịch vụ có hiệu quả kinh tế và xã hội, ứng dụng tin học nhiều hơn…

Cực thứ hai: Những “ vùng trũng” về truyền thông.

Bên cạnh các cường quốc về truyền thông, một thái cực khác là các quốc gia mà truyền thông kém phát triển. Do hạn chế về điều kiện kinh tế, cơ sở hạ tầng khoa học kỹ thuật... công chúng chưa được tiếp cận, thụ hưởng đầy đủ các giá trị của tin tức truyền thông như một lẽ tất yếu được thụ hưởng. Hầu hết các quốc gia này đều thuộc nhóm kém phát triển về kinh tế.

Hiện nay, truyền thông Châu Phi chưa phát triển. Nguyên nhân thì có nhiều, song căn nguyên chủ yếu vẫn xuất phát từ khả năng kinh tế thấp kém của châu lục này. Sự yếu kém về kinh tế kéo theo hàng loạt những bất cập khác. Tỷ lệ người chết đói, tỷ lệ người mù chữ cao.... Những nhân tố bất lợi kéo theo việc họ không có khả năng tiếp cận với các phương tiện truyền thông. Do những hạn chế từ bản thân người tiếp nhận cộng với cơ sở hạ tầng truyền thông thấp kém đã làm trì trệ nền truyền thông nơi đây. Công chúng ở những địa bàn nghèo khó, không có khả năng tiếp cận với các phương tiện truyền thông văn tự, các phương tiện truyền thông hiện đại như TV, internet... Phương tiện truyền thông phổ biến nhất ở châu Phi là radio.

Nhìn chung số lượng báo chí ở châu Phi rất ít, bình quân 20 tờ/ 1000 dân. Hơn 20 nước châu Phi có 70% số dân mù chữ. Các đài báo châu Phi lại sử dụng chủ yếu tin bài của các hãng thông tấn quốc tế. Các hãng thông tấn lớn của phương tây đều có trụ sở và phóng viên thường trú hoạt động khắp châu Phi và các nước sở tại lấy tin của họ là chủ yếu. Ví dụ truyền thông Cameroon dùng tới hớn 85% tin tức của hãng AFP Pháp, Gambia, Nigieria khai thác tin của UPI, Reuter tới hơn 80% số lượng tin tức của mình.

Tại Châu Mỹ la tinh mỗi ngày có khoảng 1280 tờ báo được lưu hành với tổng số phát hành hơn 28 triệu bản (bình quân 80 tờ/1000 dân). Số tạp chí chuyên ngành, chuyên san, tiểu thuyết bằng ảnh, truyện hài hước… góp mặt rất nhiều vào hệ thống truyền thông đại chúng. Riêng số phát hành của 80 tờ tạp chí quan trọng tại 4 nước Braxin, Mexico, Argentina, Chile đã lên tới 11 triệu bản. Quảng cáo trên báo chí khu vực này chiếm hơn 60% diện tích in và báo chí chủ yếu phát hành ở thành phố thủ đô đô thị lớn, còn nhiều vùng nông thôn không đủ khả năng mua báo lại còn cả lý do dân mù chữ cũng rất đông. Hầu hết các báo chí có số lượng phát hành lớn đều của những tập đoàn gia đình có máu mặt liên hệ chặt chẽ với các thế lực chính trị kinh tế trong nước và nước ngoài chủ yếu là Mỹ.

Nhìn chung thông tin quốc tế được cung cấp kiểm soát chi phối bởi các hãng thông tấn phương Tây như AP, UPI, AFP, EFE, Reuters, DPA… Nhiều khi người đọc có cảm tưởng báo chí châu Mỹ la tinh như một thứ hàng hóa kiểu phương tây, thông tin không phản ánh hiện thực của châu lục này nữa. Đó là chưa kể sự can thiệp của một số quan chức nhà nước nhất là những nước có nền độc tài quân sự… Ngày nay hoạt động của các nhà báo luôn gây nguy hiểm do còn có biểu hiện của cường quyền, độc tài quân sự, Mafia…

Một phần của tài liệu Sự mất cân đối và bất bình đẳng trong việc hưởng thụ thông tin giữa các khu vực trên thế giới (Trang 26 - 33)