5.1.3.1. Keo đất có tỷ diện lớn: Tỷ diện là tổng diện tích tiếp xúc của một đơn vị
thể tích. Cùng một đơn vị thể tích nếu hạt càng nhỏ thì tổng diện tích tiếp xúc càng lớn.
5.1.3.2. Keo đât có năng lượng bề mặt lớn: Trên bề mặt keo đất các phân tử và ion luôn luôn ở trạng thái tiếp xúc với thể lỏng và thể khí bao quanh, nên chúng chịu lực tác động trong và ngoài khác nhau, sinh ra một năng lượng tự do gọi là
năng lượng bề mặt. Do keo đất có tỷ diện lớn nên tạo ra năng lượng bề mặt rất lớn.
5.1.3.3. Keo đất có mang điện: Có 3 loại keo đất: Keo âm, keo dương và keo lưỡng tính. Phần lớn keo đất mang điện âm, chỉ có một ít mang điện dương hoặc lưỡng tính.
5.1.3.4. Tính ưa nước và ghét nước của keo đất: Nước là phân tử lưỡng cực, hạt keo đất luôn mang điện, nên thường tạo được một màng nước bao quanh, gọi là
màng nước thủy hóa (hay hydrat hóa). Nếu hạt keo chỉ tạo quanh nó được một màng nước mỏng thì gọi là keo ghét nước và nếu màng nước dày thì gọi là keo ưa nước.
5.1.3.5. Keo đất có tính ngưng tụ và phân tán: Keo đất có thể tồn tại ở 2 trạng
thái:
- Nếu các hạt keo đứng riêng rẽ không liên kết với nhau thì gọi là sự phân tán
keo (trạng thái sol hay hydrosol). Quá trình keo đất từ trạng thái liên kết thành trạng thái đứng riêng rẽ thì gọi là quá trình tán keo. Quá trình này do 2 nguyên nhân chính
đó là: các hạt keo mang điện trái dấu đẩy nhau hoặc do màng nước thủy hóa bao
quanh các hạt keo dày lên (ví dụ: đất khô bị ngập nước).
- Nếu các hạt keo riêng rẽ liên kết với nhau để tạo thành hạt có kích thước lớn hơn thì gọi là sự ngưng tụ keo (trạng thái gel) và quá trình này gọi là quá trình tụ
keo. Hiện tượng này do 3 nguyên nhân chính sau đây:
+ Do các hạt keo mang điện trái dấu hút nhau:
+ Do bị mất màng nước thủy hóa bao quanh các hạt keo, nên các hạt keo tiến lại
gần nhau để liên kết với nhau (ví dụ : đất ngập nước bị khô nước).
+ Do tác dụng của các ion chất điện giải trong môi trường. Đây là nguyên nhân chủ yếu của sự ngưng tụ keo. Vì đa số keo đất mang điện âm, nên nói chung chúng bị ngưng tụ chủ yếu do các cation trong dung dịch đất. Tác dụng ngưng tụ của chất điện giải phụ thuộc vào hóa trị của cation trong chất điện giải: cation hóa trị 1 <
cation 2 < cation 3. Sức ngưng tụ của cation hóa trị 2 lớn gấp 25 lần cation hóa trị 1,
cation hóa trị 3 lớn gấp 10 lần cation hóa trị 2. Nếu cùng hóa trị thì khả năng gây tụ
keo của các cation phụ thuộc vào bán kính ion và độ dày của màng thủy hóa. Nếu
bán kính ion bé thì độ dày màng thủy hóa lớn, khả năng gây tụ keo giảm đi và
ngược lại.
Khi các chất điện giải trong dung dịch đất bị rửa trôi hoặc bị thiếu hụt thì keo đất
khó ở trạng thái ngưng tụ mà dễ bị phân tán.
Sự ngưng tụ keo là có lợi vì sẽ tạo cho đất có kết cấu tốt hơn.