d) Kết cấu đỡ mặt nằm.
5.1.3. Cơ sở tạo dáng
Từ những hình thức đặc trưng tạo dáng như trên, khi tạo dáng ta cần xây dựng phương án trên cơ sở hình thành các điểm, đường, mặt, khối trên sản phẩm theo ý đồ thiết kế.
Khi thiết kế tạo dáng cần dựa trên một số cơ sở tạo dáng như sau:
- Chức năng chủ yếu và thứ yếu của sản phẩm.
Mọi kiểu dáng được xây dựng phải dựa trên chức năng của sản phẩm. Ví dụ: giường nằm, rõ ràng chúng ta phải có một mặt phẳng đủ rộng để đáp ứng chức năng nằm của sản phẩm. Cho dù chiếc giường có được tạo dáng thành hình tròn, vuông, ô van hay trái tim đi nữa thì nó vẫn phải đảm bảo một mặt nằm thuận lợi cho việc nghỉ ngơi.
Ngoài ra các chức năng phụ của sản phẩm sẽ đóng vai trò tô điểm làm phong phú dáng điệu của sản phẩm.
- Tạo dáng cần dựa trên các nguyên tắc thẩm mỹ để sản phẩm có chất lượng thẩm mỹ tốt, giá trị cao.
- Tâm lý người sử dụng.
Cần có những điều tra về tâm lý, phong tục, tập quán của người sử dụng trước khi tạo dáng.
- Nguyên vật liệu sử dụng.
Chúng ta cần phải biết nguyên vật liệu chủ yếu được sử dụng trong thiết kế là gì để có các tạo dáng phù hợp. ở đây không những là để phù hợp công nghệ sản xuất mà còn phù hợp với các ý niệm thẩm mỹ. Ví dụ, sản phẩm được sản xuất bằng kim loại, kích thước của nó không nên quá lớn, gây cảm giác nặng nề mà nên làm mảnh nhỏ, nhẹ
nhàng, vừa tiết kiệm nguyên vật liệu, vừa tạo dáng thanh thoát, song vẫn không yếu ớt.