III) THỰC TRẠNG XÂY DỰNG VÀ QUẢN LÝ THƯƠNG HIỆU Ở CÔNG TY SƠN TỔNG HỢP HÀ NỘ
1) Chiến lược sản phẩm
Sản phẩm là trái tim của thương hiệu bởi vì nó là cái đầu tiên khách hàng được nghe, nghĩ hoặc hình dung về một thương hiệu. Do đó, bằng mọi cách Công ty phải thỏa mãn được tối đa mong muốn và nhu cầu của khách hàng.
Trước sự xuất hiện của hàng loạt các thương hiệu sơn công nghiệp nổi tiếng nước ngoài như sơn TOA, Nippon, Ductch Boy, Akzo Nobel C, Joton Paint... hay như một số thương hiệu mạnh ở trong nước như Sơn Hà Nội, Sơn Hải Phòng, Bạch Tuyết, Á Đông, Đồng Nai, Hải Âu, Likso, Kova, Kim Liên, Liên Hưng, Trường Hưng... thì Công ty Sơn Tổng Hợp Hà Nội cần phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với các thị trường hiện tại, Công ty Sơn Tổng Hợp Hà Nội có thể áp dụng chiến lược này để mở rộng thị trường. Đó là việc đưa các sản phẩm mới vào tiêu thụ trên thị trường hiện tại. Công ty có thể cải tiến sản phẩm riêng biệt hoặc bổ xung thêm vào cơ cấu mặt hàng hoặc phát triển một sản phẩm mới hoàn toàn. Hơn nữa trên thị trường có nhiều sản phẩm sơn với đủ kiểu dáng tính năng kỹ thuật do đó nhu cầu về sơn cũng thay đổi bởi vậy, nếu Công ty chỉ sản xuất những sản phẩm sơn hiện tại sẽ không kịp nhu cầu thị trường. Từ đó dẫn đến Công ty cần thiết phải đẩy mạnh đầu tư phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đa dạng hoá sản phẩm, đưa ra thị trường những sản phẩm mới đón đầu nhu cầu thị trường và làm cho khách hàng thoả mãn hơn nữa.
Với cải tiến một sản phẩm riêng biệt thì cần phải thực hiện: nghiên cứu thị trường nhằm tìm ra sự thay đổi về nhu cầu về sản phẩm hiện tại hoặc tìm ra tính năng kỹ thuật của sản phẩm sơn là quan trọng nhất với khách hàng. Từ đó áp dụng các giải pháp cho phù hợp để cải tiến sản phẩm như nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng độ bền sản phẩm, bổ sung các tính năng kỹ thuật như mau khô, chịu điều kiện thời tiết đặc biệt, chịu nhiệt độ cao.. cho phù hợp với nhu cầu thị trường; Cải tiến mẫu mã vỏ hộp, vỏ thùng sơn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vận chuyển, dự trữ và sử dụng; Nghiên cứu phát triển tạo ra những công dụng mới của sản phẩm.
Với phát triển chủng loại sản phẩm: phân tích cơ cấu chủng loại sản phẩm, bổ sung mặt hàng mới vào chủng loại sản phẩm hay phát triển một sản phẩm nằm trong chủng loại sản phẩm của công ty.
Với việc phát triển một sản phẩm mới hoàn toàn: Để giới thiệu ra thị trường một sản phẩm mới hoàn toàn thì trước tiên cần phải chú trọng tới các giai đoạn từ hình thành ý tưởng đến việc thử nghiệm trên thị trường và sau đó tiến hành hoạt động thương mại hoá sản phẩm.
Các giải pháp Marketing phục vụ cho chiến lược phát triển sản phẩm của Công ty:
- Định giá phù hợp trong từng giai đoạn của chu kỳ sống của sản phẩm. - Với các sản phẩm mới nếu cần thiết có thể mở rộng tìm kiếm nhà phân phối mới phù hợp với yêu cầu của công việc tiêu thụ sản phẩm.
- Tiến hành các hoạt động xúc tiến hỗn hợp như quảng cáo, bán hàng cá nhân, tuyên truyền, tham gia các hội chợ triển lãm, tổ chức các buổi hội thảo giới thiệu các sản phẩm mới để giới thiệu về sản phẩm của công ty, các tiêu chuẩn kỹ thuật, tính năng sử dụng... cho khách hàng.
Chiến lược này đem lại nhiều hiệu quả cao cho Công ty, nâng cao uy tín Công ty trên thị trường. Tuy nhiên, chiến lược này chứa đựng nhiều mạo hiểm vì Công ty cần phải có được thông tin chính xác về thị trường, đặc biệt là trong trường hợp phát triển sản phẩm mới hoàn toàn.