I. Phương hướng truyền thống trong dạy học Tấm Cám
I.2.2. Hướng phân tích theo nhân vật
Nhiều năm trước đây đã tồn tại cách dạy Tấm Cám (Có sự hướng dẫn cụ thể của sách giáo viên văn 7- Vũ Ngọc Khánh chủ biên- NXB Giáo dục-1987) theo hướng phân tích nhân vật: Giáo viên “kẻ đôi bảng, một bên ghi các chi tiết về mẹ con Cám, phần đối diện ghi các chi tiết về Tấm”[16.36]. Những câu hỏi hướng dẫn sử dụng trong giờ giảng là những câu hỏi hết sức đơn giản, vụn vặt: “Tấm nói nhiều hay nói ít? Tấm chịu đựng hoàn cảnh như thế nào?” [16.37], hay “ở đoạn cuối này, những nhân vật nào trong câu chuyện xuất hiện nhiều hơn” [16.39]... Trong quá trình giảng dạy, giáo viên phân tích kết hợp đọc và kể.
Từ việc phân tích hai nhân vật đó qua các hành động, bài giảng đi đến kết luận: Tấm là một cô gái hiền lành, nết na, chăm chỉ, tượng trưng cho chính nghĩa; mụ dì ghẻ là người tham lam, gian ác, tiêu biểu cho gian tà; người chính nghĩa dù có gặp nhiều tại hoạ nhưng được Bụt giúp nên cuối cùng đã thắng lợi và được hưởng hạnh phúc, còn kẻ gian tà thì bị trừng trị thích đáng.
Trong quá trình phân tích trên, bài giảng nhiều lúc rơi vào tình trạng suy diễn nội dung, chẳng hạn: Khi đề ra câu hỏi hướng dẫn. “Cái chết của mẹ con Cám chỉ do sự trả thù của Tấm thôi hay còn có lý do nào khác nữa?”. Soạn giả sách đã đưa ra gợi ý là: Do sự độc ác, ngu dốt, tham lam của chúng nữa: Do ham đẹp, Cám chết vì nước sôi, do ham ăn, mẹ Cám lăn đùng vì thấy đầu con. Đây chính là một biểu hiện của bệnh “xã hội học dung tục” trong giảng văn mà hiện nay chúng ta đang kịch liệt phê phán và đang loại bỏ dần.
Như vậy cách giảng dạy trên đây chẳng những hạn chế về nội dung mà còn hạn chế về phương pháp. Theo Nguyễn Xuân Lạc thì cách phân tích này “không hề có bóng dáng phôncơlo, mầu sắc phôncơlo và vẻ đẹp riêng của tác phẩm phôncơlo và phân tích như thế thì có khác gì cách phân tích một truyện hiện đại hiện nay” [18.76].
Cách phân tích này không cho học sinh thấy được đặc trưng của truyện cổ tích thần kì. Các yếu tố thần kì không hề được làm rõ về biểu hiện cũng như vai trò, tác dụng.Có đề cập đến yếu tố thần kì (bụt, con vật thần kì), song cách dạy lại nhấn mạnh, chú ý đến giọng điệu của các nhân vật ấy (thân thương, trìu mến, thông cảm) và vì sao lực lượng này lại giúp Tấm. Có đề cập đến chi tiết hoá thân của Tấm song chỉ đề cập ở mặt “ các vật ấy sống và sống rất hồn nhiên, đường hoàng, phơi phới để vạch mặt bọn gian ác” chứ không hề để ý đến ý nghĩa của các chi tiết ấy.
Dường như trong giờ dạy, giáo viên chỉ chú ý đến nội dung tác phẩm mà coi nhẹ phần nghệ thuật.Phương pháp giảng dạy chủ yếu là giáo viên truyền thụ, học sinh máy móc ghi nhớ, không được rung động bằng chính trái tim mình. Kết quả của giờ học, học sinh nắm tác phẩm một cách hời hợt, thụ động và chưa được phát huy vai trò chủ thể.
Ngoài hướng giảng dạy phân tích theo nhân vật còn có hướng giảng dạy phân tích theo chủ đề, theo mô típ.