Đây là nội dung quan trọng với dự án FDI, là căn cứ để nhà đầu tư, các bên tham gia góp vốn cũng như các tổ chức tín dụng xem xét quyết định bỏ vốn đầu tư. Cũng như với các dự án thông thường khác, nghiên cứu tài chính của dự án FDI gồm một số nội dung chính như:
- Tổng vốn đầu tư, cơ cấu vốn của dự án
- Phương thức huy động vốn (xác định các nguồn tài trợ cho dự án)
- Tính toán các khoản thu, chi, lợi nhuận và lập ra báo cáo tài chính cho từng năm hay cho một giai đoạn của dự án
- Tính toán các chỉ tiêu phản ánh hiệu quả tài chính của dự án
Ngoài các nội dung trên, với các dự án FDI, trong nghiên cứu tài chính cần đề cập tới tỉ lệ phân chia chi phí, lợi nhuận giữa các bên trong trường hợp đầu tư theo hình thức liên doanh hay hợp đồng hợp tác kinh doanh thông qua các dự báo tài chính của dự án và kế hoạch chuyển lợi nhuận ra nước ngoài
2.2.1.6. Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án:
Đối với nhà đầu tư nước ngoài, mục tiêu quan trọng nhất để đi tới quyết định bỏ vốn đầu tư là lợi nhuận với mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận. Khi đó các hiệu quả đối với kinh tế - xã hội của nước nhận đầu tư ít được nhà đầu tư chú ý xem xét tới,
đặc biệt là các tác động môi trường mà dự án đưa tới với cộng đồng dân cư nơi đặt dự án do sẽ làm tăng thêm chi phí của dự án. Do đó, để được chấp thuận cấp giấy chứng nhận đầu tư cũng như hỗ trợ triển khai dự án của chính quyền địa phương, của cộng đồng dân cư nơi đặt dự án, nhà đầu tư phải nghiên cứu kĩ những tác động của dự án tới các điều kiện kinh tế - xã hội như môi trường, tạo việc làm cho lao động địa phương, tác động tới cân đối ngoại tệ, cán cân xuất nhập khẩu, đóng góp cho ngân sách cũng như có tác động tích cực trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, phát triển các ngành nghề.
Trên đây là những nội dung cơ bản mà các dự án FDI cần phân tích đầy đủ. Tùy theo quy mô của dự án mà từng nội dung sẽ được nghiên cứu ở các mức độ khác nhau. Với dự án FDI, những yếu tố về sự khác biệt trong môi trường đầu tư cũng như nghiên cứu thị trường tại nước tiếp nhận đầu tư được nhà đầu tư nước ngoài chú trọng khi soạn thảo dự án đầu tư. Trên cơ sở dự án đầu tư này, nhà đầu tư nước ngoài có thể ra quyết định đầu tư đồng thời tiến hành các thủ tục chuẩn bị hồ sơ dự án để đăng kí hay thẩm tra cấp giấy chứng nhận đầu tư với cơ quan quản lý đầu tư của nước tiếp nhận đầu tư.
2.2.2. Nhà đầu tư nước ngoài tiến hành đàm phán, kí kết hợp đồng, chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho hồ sơ dự án:
Nếu như trong thời gian đầu thu hút đầu tư nước ngoài, Việt nam chỉ cho phép nhà đầu tư nước ngoài tiến hành liên doanh với các doanh nghiệp quốc doanh nên vẫn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư thì sau đó, hình thức liên doanh với các doanh nghiệp tư nhân trong nước được chấp nhận trong liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài. Các bên sẽ tiến hành đàm phán để thống nhất với nhau về hình thức hợp tác, phân chia lợi nhuận, trách nhiệm giữa các bên…và kí điều lệ hay hợp đồng, đây là tài liệu nhà đầu tư nước ngoài cần chuẩn bị trong hồ sơ dự án.
Bên cạnh đó, để chuẩn bị các tài liệu cần thiết cho dự án, tùy theo từng trường hợp nhà đầu tư nước ngoài cần phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường từ phía Sở chuyên ngành hay Bộ Khoa học tài nguyên và môi trường, thỏa thuận với địa phương nơi tiến hành dự án( trên nguyên tắc) về địa điểm, mức tiền thuê đất, phương
án đền bù giải phóng mặt bằng cũng như các giấy tờ chứng minh tư cách pháp lý và năng lực tài chính thực hiện dự án của nhà đầu tư.
2.2.3. Các hoạt động hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư:
Trong giai đoạn này, các cơ quan quản lý Nhà nước bên phía Việt nam sẽ cung cấp các thông tin về các quy định của Việt nam đối với dự án FDI cũng như giải đáp các vướng mắc, khó khăn của nhà đầu tư trong quá trình lập dự án như quy định về cách thức trình bày cũng như nội dung của một dự án FDI, các yêu cầu về nội dung của thỏa thuận, điều lệ liên doanh, hợp tác kinh doanh… Bên cạnh đó, các cơ quan xúc tiến đầu tư cũng có thể cung cấp một số dịch vụ liên quan tới lập dự án FDI đối với nhà đầu tư nước ngoài khi họ có nhu cầu với một mức phí nhất định.
Bên cạnh đó, trong quá trình đàm phán với phía nước ngoài, nếu gặp vướng mắc, bên Việt nam có thể tham khảo ý kiến Bộ kế hoạch và đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các bộ, ngành có liên quan. Đối với các dự án quy mô lớn hoặc dự án quan trọng do Chính phủ quyết định, để đảm bảo yêu cầu phối hợp liên ngành, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc bên Việt nam được Thủ tướng Chính phủ giao trách nhiệm đàm phán sẽ tổ chức lấy ý kiến hoặc mời đại diện các cơ quan có liên quan cùng tham gia đàm phán với bên nước ngoài.