3.1. Các phương pháp lãnh đạo
3.1.1. Phương pháp hành chính
Các phương pháp hành chính là các phương pháp tác động dựa vào mối quan hệ tổ chức, kỷ luật của hệ thống quản lý.
Bất kỳ hệ thống quản lý nào cũng hình thành mối quan hệ tổ chức trong hệ thống. Về phương diện quản lý, nó biểu hiện thành mối quan hệ giữa quyền uy và phục tùng.
Các phương pháp hành chính trong quản lý chính là cách tác động trực tiếp của nhà quản trị lên tập thể những con người dưới quyền bằng các quyết định dứt khoát, mang tính bắt buộc, đòi hỏi mọi người phải chấp hành nghiêm ngặt, nếu vi phạm sẽ bị xử lý kịp thời, thích đáng.
Vai trò của phương pháp hành chính trong quản trị rất to lớn. Nó xác lập trật tự kỷ cương làm việc trong hệ thống, khâu nối các phương pháp quản lý khác lại và giải quyết các vấn đề đặt ra trong hệ thống nhanh chóng.
Sử dụng phương pháp hành chính đòi hỏi các cấp quản trị phải nắm vững những yêu cầu sau:
(1) Quyết định hành chính chỉ có hiệu quả cao khi quyết định có căn cứ khoa học, được luận chứng đầy đủ về mọi mặt. Khi đưa ra một quyết định hành chính phải cân nhắc, tính toán đến mọi lợi ích. Ngoài ra, khi quyết định phải hiểu rõ tình hình thực tế, nắm vững tình huống cụ thể. Nhà quản trị chỉ ra quyết định trên cơ sở có các đảm bảo về thông tin. Tập hợp đủ thông tin, tính toán đầy đủ các lợi ích và các khía cạnh tiêu cực có thể diễn ra khi quyết định được thi hành. Từ đó sẵn sàng bổ sung các biện pháp phát huy mặt tích cực và hạn chế mặt tiêu cực.
(2) Khi sử dụng phương pháp hành chính phải gắn chặt quyền hạn và trách nhiệm của người ra quyết định. Mỗi cán bộ, mỗi bộ phận khi sử dụng quyền hạn của mình phải có trách nhiệm về việc sử dụng các quyền hạn đó. Ở cấp càng cao, phạm vi tác động của quyết định càng rộng, nếu sai thì tổn thất càng lớn.
* Tóm lại, các phương pháp hành chính là hoàn toàn cần thiết, không có phương pháp hành chình thì không thể quản lý hệ thống có hiệu quả. Điều đó cũng tương tự như việc quản lý một đất nước mà không có luật pháp thì không sao quản lý nổi.
3.1.2. Phương pháp kinh tế
Phương pháp kinh tế là phương pháp tác động gián tiếp vào đối tượng quản lý thông qua các lợi ích kinh tế, để cho đối tượng bị quản lý tự lựa chọn phương án hoạt động hiệu quả nhất trong phạm vi hoạt động của họ.
Tác động thông qua lợi ích kinh tế chính là tạo động lực thúc đẩy con người tích cực hoạt động. Động lực đó càng lớn nếu nhận thức đầy đủ và kết hợp đúng đắn các lợi ích tồn tai khách quan trong hệ thống.
82
Đặc điểm của các phương pháp kinh tế là tác động lên đối tượng quản lý không phải bằng cưỡng bức hành chính mà bằng lợi ích, tức là nêu mục tiêu nhiệm vụ phải đạt được, đưa ra những điều kiện khuyến khích về kinh tế, những phương tiện vật chất có thể huy động để thực hiện nhiệm vụ.
Các phương pháp kinh tế mở rộng quyền hành động cho cá nhân và cấp dưới, đồng thời cũng tăng trách nhiệm kinh tế của họ. Điều đó giúp người lãnh đạo giảm được nhiều việc điều hành, kiểm tra, đôn đốc chi ly, vụn vặt mang tính chất sự vụ hành chính, nâng cao ý thức kỷ luật tự giác của con người.
Để sử dụng có hiệu quả phương pháp kinh tế, cần chú ý một số vấn đề như sau:
(1) Phải hoàn thiện hệ thống các đòn bẩy kinh tế, nâng cao năng lực vận dụng các quan hệ hàng hoá - tiền tệ, quan hệ thị trường.
(2) Thực hiện sự phân cấp đúng đắn giữa các cấp quản lý. (3) Cán bộ quản lý phải có đủ trình độ và năng lực về nhiều mặt.
3.1.3. Phương pháp giáo dục, vận động, tuyên truyền
Phương pháp giáo dục là cách thức tác động vào nhận thức và tình cảm của con người trong hệ thống, nhằm nâng cao tính tự giác và nhiệt tình lao động của họ trong việc thực hiện nhiệm vụ.
Các phương pháp giáo dục có ý nghĩa lớn trong quản lý vì đối tượng của quản lý là con người - một thực thể năng động, là tổng hoà của nhiều mối quan hệ.
Các phương pháp giáo dục dựa trên cơ sở vận dụng các quy luật tâm lý. Đặc trưng của phương pháp này là tính thuyết phục, tức là làm cho con người phân biệt được phải - trái, đúng - sai, lợi hại, đẹp - xấu, thiện - ác, từ đó nâng cao tính tự giác làm việc và sự gắn bó với hệ thống.
Các phương pháp giáo dục thường xuyên sử dụng kết hợp với các phương pháp khác một cách uyển chuyển, linh hoạt, vừa nhẹ nhàng, vừa sâu sát đến từng người lao động, đây là một trong những bí quyết thành công của nhiều nhà quản trị.
* Nội dung giáo dục:
+ Giáo dục, vận động, tuyên truyền giải thích cho mọi người trong hệ thống hiểu rõ mục tiêu, ý đồ, chủ trương, chiến lược phát triển của hệ thống, có ý nghĩa cao đẹp mà hệ thống thực hiện, để từ đó giúp cho con người quyết tâm phấn đấu thực hiện các mục tiêu, ý đồ, chủ trương, chiến lược của hệ thống.
+ Vạch rõ các khó khăn trở ngại mà hệ thống phải chấp nhận để mọi người trong hệ thống không dao động trước mọi biến động của thời cuộc, không bi quan chán nãn lúc khó khăn.
+ Giáo dục tổ chức kỷ luật, sự hoà đồng hỗ trợ và bảo về lẫn nhau giữa các con người trong hệ thống.
+ Xoá bỏ các luồng tư tưởng và các thói quen tâm lý xấu gây hại cho sự hoạt động và phát triển của hệ thống (lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, lòng ghen ghét đố kỵ, tư tưởng phục ngoại sai trái, thói quen làm việc tuỳ tiện vô tổ chức...).
* Hình thức giáo dục:
+ Các hình thức truyền thông, bao gồm các tài liệu, chương trình huấn luyện, tuyên truyền...
+ Các sinh hoạt, các hoạt động cộng đồng trong hệ thống. + Các hình thức vận động, giáo dục cá biệt trong hệ thống.
83
Đó là các phương pháp lãnh đạo dựa vào việc sử dụng phổ biến và có hiệu quả các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại trong quản lý, mà hiện nay đó là xu hướng đưa tin học và toán kinh tế vào công tác quản lý, thay thế lao động quản lý thủ công bằng các trang thiết bị tính toán điện tử tự động.
3.2. Các phong cách lãnh đạo
- Phong cách lãnh đạo của nhà quản trị là đặc điểm cá nhân nhà quản trị thể hiện trong việc áp dụng các phương pháp lãnh đạo vào con người.
- Có tác giả cho rằng phong cách lãnh đạo còn phụ thuộc vào 3 yếu tố theo công thức sau:
LĐ = f (CN, CV, MT)
CN: đặc điểm của con người bị lãnh đạo. CV: đặc điểm của công việc. MT: hoàn cảnh môi trường của tổ chức.
Về đại thể có thể phân biệt 3 phong cách sau đây:
3.2.1. Phong cách lãnh đạo chuyên quyền
- Là phong cách lãnh đạo mà trong đó nhà quản trị chỉ dựa vào kiến thức, kinh nghiệm, quyền hạn của mình để tự đề ra các quyết định rồi bắt buộc cấp dưới phải thực hiện nghiêm chỉnh, không được thảo luận hay bàn bạc gì thêm.
- Phong cách lãnh đạo chuyên quyền có ưu điểm là giải quyết mọi vấn đề một cách nhanh chóng và giữ được bí mật ý đồ. Tuy nhiên với phong cách này nhà quản trị sẽ triệt tiêu tính sáng tạo của mọi người trong tổ chức.
- Phong cách lãnh đạo chuyên quyền cần thiết khi tổ chức hay bộ phận mới thành lập; khi có nhiều mâu thuẫn và xung đột phát sinh trong hệ thống; khi cần phải giải quyết những vấn đề khẩn cấp và cần giữ bí mật.
3.2.2. Phong cách lãnh đạo dân chủ
- Nhà quản trị có phong cách làm việc dân chủ rất quan tâm thu hút tập thể tham gia thảo luận để quyết định các vấn đề của đơn vị, thực hiện rộng rãi chế độ uỷ quyền.
- Phong cách lãnh đạo dân chủ phát huy được tính sáng tạo của đội ngũ nhân lực và tạo được bầu không khí phấn khởi, nhất trí trong tập thể.
- Nhược điểm: phong cách này có thể làm chậm quá trình ra quyết định dẫn đến mất thời cơ.
- Với khả năng và trình độ ngày càng cao của đội ngũ nhân lực, phong cách dân chủ ngày càng được sử dụng rộng rãi và trở thành phong cách làm việc có hiệu quả nhất đối với nhà quản trị ở hết các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp.
3.2.3. Phong cách lãnh đạo tự do
- Nhà quản trị có phong cách này tham gia rất ít vào công việc tập thể, thường chỉ xác định các mục tiêu cho đơn vị mà mình phụ trách rồi để cho các cấp dưới tự do hành động để đi đến mục tiêu.
- Phong cách lãnh đạo tự do có ưu điểm là tạo ra khả năng chủ động sáng tạo tối đa cho con người. Tuy nhiên nó dễ đưa tập thể tới tình trạng vô chính phủ và đổ vỡ.
- Phong cách này chỉ có thể áp dụng có hiệu quả đối với những đơn vị có các mục tiêu độc lập, rõ ràng và có đội ngũ nhân lực có kỹ năng và ý thức kỷ luật cao. Trong các tổ chức khác, chỉ nên sử dụng phong cách tự do khi thảo luận những vấn đề nhất định mà thôi.
84
CÂU HỎI THẢO LUẬN
1.Trình bày khái niệm lãnh đạo, phân biệt lãnh đạo và quản trị? 2.Trình bày vai trò của công tác lãnh đạo, điều hành?
3.Phân tích các đặc điểm của công tác lãnh đạo, điều hành?
4. Lãnh đạo bao gồm các nội dung nào? Nội dung nào là quan trọng nhất? Vì sao?
5. Có những phương pháp nào để lãnh đạo con người trong tổ chức ? Phương pháp nào là quan trọng nhất ? Vì sao?
6. Trình bày và nhận xét về động cơ thúc đẩy của thuyết phân cấp 5 nhu cầu của Maslow? 7. Theo kinh nghiệm của bạn, lý thuyết về hai loại yếu tố của Herzberg có đúng lắm không? 8. Bạn có đồng ý rằng không thể có một lãnh đạo nào tốt nhất cho mọi tình huống không? Theo bạn, để chọn cách thức lãnh đạo thích hợp, nhà quản trị nên căn cứ vào những yếu tố nào?
9. “Tất cả những nhà quản trị đều có khả năng lãnh đạo, nhưng không phải mọi nhà lãnh đạo đều có khả năng quản trị”. Bạn có đồng ý với điều này không? Hãy giải thích lý do.
85
NGHIÊN CỨU TÌNH HUỐNG Tình huống 1:
Bạn muốn nhân viên của mình chủ động và sáng tạo trong công việc nhưng họ cứ “ỳ” ra. Làm thế nào để họ quan tâm đến sự thành công chung của công ty?
Tình huống 2:
Bạn mới thành lập công ty và tuyển nhân viên. Làm thế nào để tạo ra uy tín trong tập thể công ty và hiểu rõ mọi người hơn?
Tình huống 3:
Trọng làm việc ở phòng kỹ thuật đă 5 năm. Anh luôn làm việc tích cực và là người rất nhạy bén. Vì những thành tích xuất sắc, Trọng được đề bạt lên làm trưởng phòng kỹ thuật. Trong cương vị mới, anh ta cảm thấy mình có nhiều quyền lực, anh quát nạt, ra lệnh và đòi hỏi mọi người phải tuân phục. Mặc dù các nhân viên trong phòng đều là những người thông minh và có kinh nghiệm, Trọng ít khi quan tâm đến ý kiến của họ. Trọng luôn tự tin vào năng lực của mình và anh thực sự khó chịu khi ai đó góp ý cho mình. Trọng muốn nhân viên thực hiện mọi yêu cầu của anh, không bàn cãi gì hết.
Bình là tổ trưởng tổ bảo vệ của một khách sạn. Với anh, được mọi người yêu mến là điều quan trọng hơn cả. Anh không bao giờ tỏ ra mình là sếp mà luôn hòa nhập với mọi người, sẵn lòng giúp đỡ những người gặp khó khăn. Anh luôn để nhân viên cùng tham gia ra quyết định. Để tạo không khí làm việc vui vẻ, thoải mái trong tổ, anh buông lỏng kỷ luật và cho phép nhân viên làm việc theo ý thích của mình. Khi cấp dưới hỏi ý kiến, anh thường trả lời :"cứ làm theo cách của cậu".
Câu hỏi thảo luận:
1. Anh (chị) có đánh giá, nhận xét thế nào về hai phong cách quản trị trên (đặc điểm, ưu nhược điểm của mỗi phong cách)?
86
Chương 5. CHỨC NĂNG KIỂM TRA
Mục tiêu: Sau khi nghiên cứu và học tập chương này, sinh viên có thể:
- Giải thích được quan điểm và ý nghĩa của công tác kiểm tra trong doanh nghiệp. - Trình bày được nội dung cần kiểm tra và các phương pháp thích hợp để kiểm tra. - Hiểu và biết cách vận dụng công tác kiểm tra trong thực tế để các hoạt động theo kế hoạch được thực hiện một cách có hiệu quả.
- Trên cơ sở những nhận thức trên, Sinh viên có thể phấn đấu rèn luyện để trở thành những nhà quản trị giỏi trong tương lai.