II. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH
2.8. Hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn
2.8.1. Những kết quả nổi bật
1/ Hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn là một chủ trương lớn của Việt Nam do khu vực này đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với phát triển kinh tế mà còn đối với sự ổn định về mặt xã hội của đất nước. Trong những năm gần đây, khi quá trình hội nhập của Việt Nam với nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn nói chung càng được quan tâm nhiều hơn trong việc đầu tư phát triển khu vực này một cách bền vững. Đã có nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng đã được Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tập trung cụ thể
• Sản xuất nông nghiệp liên tục có bước tăng trưởng với tốc độ cao, ổn định và phát triển toàn diện trên các lĩnh vực mặc dù nhiều thiên tai, dịch bệnh…bình quân giá trị sản xuất toàn ngành nông lâm nghiệp và thủy sản là trên 5.5%, trong đó nông nghiệp tăng trên 4.1%, lâm nghiệp tăng trên 1.5%, thủy sản tăng trên 12.1%.
• Cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông nghiệp có sự chuyển dịch tích cực, tỷ trọng ngành trồng trọt giảm, chăn nuôi tăng, nhiều làng nghề khôi phục và phát triển, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp, nông thôn được thành lập tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông dân. Khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất, nhất là trong tuyển chọn, lai tạo giống mới, nhân nhanh giống bằng công nghệ cao…
• Kết cầu hạ tầng kinh tế xã hội phát triển khá, đặc biệt, hệ thống thủy lợi, đê điều đã được quan tâm đầu tư, tạo điều kiện cho trồng trọt, chăn nuôi phát triển, góp phần hạn chế có hiệu quả thiệt hại do thiên tai gây ra. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, nghèo đói giảm, bộ mặt nông thôn thay đổi nhanh theo hướng công nghiệp hóa, đô thị hóa.
• Quan hệ sản xuất có bước chuyển biểm tích cực, đang xuất hiện nhiều hộ nông dân trang trại, hợp tác xã, nông lâm trường quốc doanh là mô hình sản xuất kinh doanh giỏi.
2.8.2. Những chính sách ban hành
Để đạt được những kết quả trên, Chính phủ, các Bộ, các ngành của Việt Nam đã tiến hành xây dựng và ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tạo điều kiện cho lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn phát triển, điển hình như: Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020; Chỉ thị 28/2007/CT-BNN của Bộ NN&PTNT về việc đẩy mạnh thực hiện quy hoạch phát triển làng nghề nông thôn và phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề; Quyết định 832/QĐ-BNN-KHCN ngày
17 tháng 3 năm 2008 của Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án phát triển khuyến lâm giai đoạn 2008-2010 và định hướng đến 2020…
2.8.3. Những hạn chế
Bên cạnh những kết quả đạt được như trên, công tác phát triển nông nghiệp và nông thôn nhìn chung vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém. Nhiều nguồn tiềm năng to lớn trong nông nghiệp, nông thôn nhất là đất đai, lao động chưa được khai thác hợp lý và có hiệu quả. Nhiều cơ chế chính sách được đưa ra chưa phát huy được hiệu quả cần thiết. Sự quan tâm cho phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn ở một số địa bàn chưa đúng mức. Nền nông nghiệp Việt Nam cơ bản vẫn là nền nông nghiệp năng suất chất lượng thấp, sức cạnh tranh trên thị trường kém.