III. Một số kiến nghị
3. Phát triển các làng nghề truyền thống
*Về sản phẩm:
- Lựa chọn một số mặt hàng thủ công truyền thống, có thế mạnh, nhất là xuất khẩu và phục vụ du lịch của làng nghề đưa vào danh mục hàng thủ công chủ lực để có chính sách hỗ trợ thích đáng cho phát triển sản xuất, từ đó tác động tích cực tới hoạt động nghề thủ công, truyền thống.
- Địa phương có chính sách ưu đãi, thu hút và bồi dưỡng thợ giỏi, liên kết với các chuyên gia về lĩnh vực phát triển nghề thủ công trong vùng và Trung ương để phát triển sản phẩm ở các làng nghề truyền thống và có cơ chế hỗ trợ kinh phí, để các nghệ nhân sáng tạo sản phẩm mang giá trị truyền thống của làng nghề, tạo mẫu mã mới...
* Về vốn:
Thời gian qua, vấn đề hỗ trợ vốn cho các làng nghề, ngành nghề thủ công chưa đáp ứng được nhu cầu vốn của người sản xuất. Do thiếu tài sản thế chấp, nên chỉ giải quyết cho vay đối với loại hình tổ sản xuất, hợp tác xã hoặc cơ sở sản xuất mang tính đặc thù với mức cho vay thấp. Mặt khác, đặc điểm của làng nghề, nghề thủ công do trình độ lao động, năng suất thấp nên tỷ suất lợi nhuận thấp so với lãi suất vay ngân hàng, phần nào hạn chế việc vay vốn ở
các ngân hàng thương mại. Do vậy, Nhà nước cần hỗ trợ các dự án phát triển làng nghề, giúp cho các làng nghề, nghề thủ công đủ lực trong việc đầu tư phát triển sản xuất; với các hình thức như: đề nghị các ngân hàng thương mại cho vay theo phương thức thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba; nghiên cứu áp dụng hình thức tín chấp đối với các làng nghề truyền thống, nghề thủ công có thu hút nhiều lao động; hoặc áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất, thuế đối với các cơ sở, doanh nghiệp, hoạt động sản xuất kinh doanh ở nông thôn và giải quyết nhiều lao động; hoặc khuyến khích, huy động vốn trong dân, các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn.
* Về đào tạo nguồn nhân lực:
- Các trường đại học nghiên cứu xây dựng chương trình đào tạo nâng cao kiến thức về quản lý, quản trị kinh doanh đối với công nghiệp nông thôn, nhất là các làng nghề, nghề thủ công đáp ứng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Ngành Công nghiệp phải phối hợp với ngành Lao động xây dựng các chương trình truyền nghề, ban hành tiêu chuẩn nghệ nhân, thợ giỏi, để tiêu chuẩn hoá công tác đào tạo nghề và cấp giấy phép đào tạo cho các cơ sở nghề cũng như làng nghề.
- Các trung tâm, cơ sở dạy nghề hợp tác với các nghệ nhân trong và ngoài tỉnh trong đào tạo nghề truyền thống, thủ công nhằm tạo nguồn nhân lực cho các làng nghề và giải quyết việc làm ở nông thôn, từng bước nâng lên độ tinh xảo, tay nghề có trình độ cao, mang tính chuyên nghiệp.
* Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ mới:
- Đề nghị hàng năm, tỉnh có các làng nghề truyền thống bố trí kinh phí từ ngân sách phục vụ nghiên cứu, thử nghiệm, ứng dụng tiến bộ khoa học và chuyển giao công nghệ tạo điều kiện giúp các làng nghề, nghề thủ công tăng năng suất lao động, nghiên cứu sản phẩm mới, tăng cường và cải tiến bao bì, mẫu mã; chú ý việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu. Đồng thời, hỗ trợ một
phần kinh phí để đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến phục vụ sản xuất tại các làng nghề.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề, trưng bày giới thiệu thiết bị máy móc, kinh nghiệm quản lý... để các cơ sở sản xuất, làng nghề trao đổi kinh nghiệm, giao lưu, hợp tác hoạt động. Khuyến khích, lựa chọn đề tài mới để tổ chức nghiên cứu mẫu mã, kiểu dáng hình thức sản phẩm phải đa dạng, phong phú. Đặc biệt là nâng cao năng suất mà vẫn đảm bảo độ tinh xảo và đặc thù của sản phẩm làng nghề
* Về thị trường
- Khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các điểm trưng bày và giới thiệu các sản phẩm làng nghề, nghề thủ công tại các trung tâm thương mại, các điểm du lịch, các nhà hàng, khách sạn trong và ngoài tỉnh; thông qua việc đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, các chợ nông thôn, các chợ đầu mối tạo điều kiện cho các sản phẩm làng nghề, nghề thủ công trong tỉnh thâm nhập thị trường.
- Khai thác tốt lợi thế kinh tế biên giới của tỉnh có các làng nghề truyền thống và gắn kết với Chương trình du lịch của tỉnh, hình thành các tour du lịch lữ hành gắn với tham quan mua sắm tại làng nghề truyền thống để tạo điều kiện cho các sản phẩm tại các làng nghề được tiếp cận với khách hàng;
* Về hạ tầng kỹ thuật
- Nghiên cứu kiến nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh có làng nghề truyền thống đề xuất Chính phủ hình thành Chương trình mỗi xã (phường, thị trấn) một làng nghề truyền thống, trong đó bao gồm nguồn quỹ hỗ trợ khôi phục làng nghề, đào tạo thợ, trang bị thiết bị, công cụ sản xuất ban đầu, hỗ trợ xây dựng thương hiệu… cũng như gắn liền với các chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển giáo dục - đào tạo, đề án phát triển kinh tế - xã hội của vùng. Chương trình được chia thành các giai đoạn; giai đoạn đầu chọn lọc những làng nghề có khả năng phát triển và nhất là sản phẩm đặc hữu có thể xuất khẩu để đầu tư thích đáng làm đòn bẩy cho các giai đoạn sau.
- Trong phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật nhằm thực hiện chương trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn của tỉnh, cần chú trọng tới việc phục vụ cho làng nghề truyền thống, địa bàn có nghề thủ công; lấy phát triển làng nghề truyền thống làm một trong các định hướng phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật cho những làng nghề truyền thống tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp nói chung và các làng nghề thủ công truyền thống nói riêng.
* Chính sách hỗ trợ, tuyên truyền tiếp thị
- Tuyên truyền và thực hiện đầy đủ các chính sách khuyến khích ưu đãi, hỗ trợ phát triển sản xuất; pháp luật liên quan đến hoạt động làng nghề, nghề thủ công đến hộ sản xuất; giới thiệu các mô hình hợp tác hoạt động có hiệu quả, các công nghệ phù hợp, thông tin kinh tế, thông tin thị trường phục vụ phát triển ngành nghề truyền thống;
- Tăng cường thông tin về hoạt động làng nghề truyền thống, địa bàn có nghề thủ công ở địa phương thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo, Đài phát thanh truyền hình; các trạm truyền thanh phường, xã, thị trấn.