Vĩnh Phúc trước kia là hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên. Tỉnh Vĩnh Yên thành lập năm 1890; tỉnh Phúc Yên thành lập 1901. Tháng 2/1950 hai tỉnh Vĩnh Yên và Phúc Yên hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 2/1968 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú. Tháng 11/1996, Quốc hội khoá IX kỳ họp thứ X đã thông qua Nghị quyết về việc chia tách một số
tỉnh, trong đó tỉnh Vĩnh Phú được chia tách thành 2 tỉnh là Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Như vậy là sau gần 29 năm, ngày 01/01/1997 tỉnh Vĩnh Phúc đã được tái lập.
Vĩnh Phúc là một tỉnh đồng bằng, là miền chuyển tiếp, cầu nối giữa các tỉnh miền núi Việt Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Phía Đông giáp tỉnh Bắc Ninh; Tây giáp Phú Thọ; Nam giáp Hà Nội, Hà Tây; Bắc giáp Thái Nguyên và Tuyên Quang. ở vị trí cửa ngõ thủ đô Hà Nội - một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, nên người dân Vĩnh Phúc có điều kiện để tiếp thu, nắm bắt những xu thế mới, đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội.
Địa hình của tỉnh có 3 vùng: rừng núi, đồi gò và đồng bằng. Vùng rừng núi nằm ở phía Bắc của tỉnh, tiếp giáp với núi rừng của 2 tỉnh Tuyên Quang và Thái Nguyên. Vùng đồng bằng nằm ở phía Nam tỉnh. Giữa vùng núi và đồng bằng là vùng đồi gò xen kẽ từ Đông sang Tây, từ lưu vực sông Cầu đến sông Cà Lồ.
Phía Đông, Tây, Nam của tỉnh đều có sông lớn bao bọc. Sông Cầu ở phía Đông chảy dọc qua tỉnh dài 24 km. Sông Lô ở phía Tây dài 37km. Sông Hồng chảy từ phía Tây xuống phía Nam địa phận tỉnh dài 40 km. Ngoài ra trên địa phận tỉnh còn có nhiều sông ngòi nhỏ chảy từ chân núi Tam Đảo xuống đồng bằng, trong đó có hai con sông chảy dọc giữa tỉnh là sông Phó Đáy và Cà Lồ. Phía Nam tỉnh có nhiều đầm hồ lớn như: hồ Đại Lải, đầm Vạc, đầm Rượu, đầm Đông Mật, đầm Rưng...
Vĩnh Phúc có hệ thống giao thông tương đối thuận lợi. Đường quốc lộ số 2 Hà Nội - Lào Cai chạy qua Vĩnh Phúc dài hơn 50 km. Đường quốc lộ số 3 Hà Nội - Cao Bằng, qua Vĩnh Phúc dài 16 km. Đường sắt Hà Nội - Lào Cai chạy qua Vĩnh Phúc dài hơn 40 km. Đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên qua Vĩnh Phúc dài 16 km. Các đường nội tỉnh từ vùng đồng bằng lên vùng rừng
sớm, nhiều đoạn đã rải nhựa, đoạn từ thị xã Vĩnh Yên lên Tam Đảo rải nhựa, dài 24 km…
Diện tích tỉnh Vĩnh Phúc là 1370,73 km2, đất nông nghiệp 64.387 ha chiếm 48,5% diện tích tự nhiên (Xem biểu đồ trang 25). Bình quân đất canh tác 0,04 ha/người, đất chuyên dùng 14.091 ha, đất chưa sử dụng 26.765 ha. Dân số tỉnh hơn 1,1 triệu người, trong đó dân số nông nghiệp là 91,35%. Dân tộc ít người chỉ có 2,7%.
Trước năm 1997, tỉnh Vĩnh Phúc nằm trong tỉnh Vĩnh Phú, một tỉnh được đánh giá là kinh tế phát triển tương đối toàn diện, với tốc độ tăng trưởng khá cao ; tổng sản phẩm trong tỉnh GDP tăng bình quân hàng năm (1991 - 1995) đạt 7,35%. Năm 1996 tăng 8,3% so với năm 1995. Giá trị sản lượng công nghiệp, xây dựng tăng bình quân 16,25%. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng công nghiệp xây dựng và dịch vụ tăng, tỷ trọng nông - lâm nghiệp giảm. Tỷ trọng GDP nông - lâm nghiệp từ 59,2% năm 1990, giảm xuống còn 51% năm 1995; 48,27% năm 1996; Công nghiệp - xây dựng từ 8,4% năm 1990 tăng lên 13% năm 1995 và 13,98% năm 1996. Dịch vụ tăng từ 32,4% năm 1990 lên 36% năm 1995 và 37,75% năm 1996. Cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Phú như sau :
Bảng 1: Cơ cấu kinh tế ngành qua các năm
Đơn vị tính: %
Năm Nông - lâm nghiệp Công nghiệp Dịch vụ Tổng GDP 1990 1995 1996 59,2 51 48,27 8,4 13 13,98 32,4 36 37,75 100 100 100
Nguồn : Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XII, xuất bản tháng 12-1997, tr.13
Về thành phần kinh tế, kinh tế Nhà nước trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng đạt tốc độ phát triển khá cao. Một số doanh nghiệp Nhà nước đã
được sắp xếp lại, đổi mới thiết bị, đổi mới dây chuyền sản xuất, sản xuất đạt hiệu quả cao hơn. Các mặt hàng có sự chuyển đổi dần theo nhu cầu tiêu dùng. Doanh nghiệp Nhà nước tuy quy mô nhỏ bé, hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao, nhưng đã góp phần đáng kể giải quyết việc làm, cung cấp một số sản phẩm quan trọng cho sản xuất đời sống, có phần đóng góp cho ngân sách. Công nghiệp ngoài quốc doanh phát triển năng động trong sản xuất kinh doanh. Công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã có xu hướng phát triển khá, tạo tiền đề đẩy nhanh tốc độ phát triển công nghiệp tỉnh trong những năm tiếp theo.
Giá trị sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tăng bình quân hàng năm đạt 4,2%. Riêng sản xuất nông nghiệp 5 năm (1991-1995) tăng bình quân 4,38%/năm. Sản lượng lương thực quy thóc đạt 33 vạn tấn. Lương thực bình quân đầu người đạt 310 kg. Kết quả nổi bật nhất của nông nghiệp những năm 1991 - 1996 là cơ bản giải quyết được vấn đề lương thực đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong tỉnh, bắt đầu có sản phẩm hàng hoá; khắc phục tình trạng đói lúc giáp hạt của nhiều năm về trước. Do áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật và thâm canh nên năng suất cây trồng không ngừng tăng. Năng suất lúa từ 26,13 tạ/ha/năm (năm 1990) tăng lên 35,07 tạ/ha (năm 1995). Sản xuất vụ Đông ở đồng bằng trở thành vụ chính và đã phát triển vụ Đông tới vùng trung du. Ngành chăn nuôi tiếp tục được phát triển. Đàn bò, lợn, gia cầm và nuôi thả cá đều tăng nhanh. Do vậy đến đầu 1997 đàn trâu có 36.000 con, đàn bò 93.000 con, đàn lợn 327.000 con. Chương trình sind hoá đàn bò, nạc hoá đàn lợn được triển khai và có kết quả bước đầu tương đối tốt.
Những năm trước 1997, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có sự chuyển dịch đúng hướng. Trong nông nghiệp tỷ trọng trồng trọt giảm, tỷ trọng chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ tăng dần. Cơ cấu cây trồng đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng cây lương thực, tăng tỷ trọng cây công nghiệp, cây ăn quả và các loại cây có giá trị kinh tế cao. Vùng đồng
bằng của tỉnh nhiều nơi đã đạt trên 20 triệu đồng/ha canh tác/năm. Tuy nhiên tốc độ chuyển dịch còn chưa cao.
Trồng rừng được coi trọng, cả rừng tập trung và rừng phân tán. Tỉnh đã tiến hành giao đất giao rừng đến hộ, việc bảo vệ khoanh nuôi, chăm sóc rừng ở các vùng được triển khai mạnh, đã góp phần phủ xanh đất trống đồi trọc, từng bước cải tạo môi trường sinh thái.
Do thực hiện chính sách kinh tế nhiều thành phần, ở nông thôn Vĩnh Phúc đã xuất hiện các hình thức kinh tế hợp tác mới, kinh tế hộ gia đình phát triển, có nhiều điển hình thâm canh tăng vụ. Một số nơi đã thực hiện việc dồn ghép, chuyển đổi ruộng đất tạo điều kiện mở đường cho CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn.
Ngành kinh tế thương mại du lịch phát triển. Tổng mức bán lẻ hàng hoá xã hội năm 1996 là 1.225 tỷ đồng tăng 23% so với năm 1995.
Hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh đã có bước phát triển. Tất cả các huyện đều đã có mạng lưới điện 35 - 10 KV. Số xã có điện đạt 97,3%, tỷ lệ hộ dùng điện đạt 77,8%. Bình quân điện sử dụng tính theo đầu người ở đô thị là 360 KWh; ở nông thôn là 108 KWh/năm. Dịch vụ vận tải, bưu chính viễn thông và các dịch vụ khác cũng ngày càng phát triển. Mạng lưới thông tin liên lạc đã phủ sóng được 128/150 xã trong toàn tỉnh. Đến cuối 1996, toàn tỉnh đã có hơn 5.000 máy điện thoại. Hệ thống giao thông thuận lợi, đặc biệt giao thông nông thôn phát triển mạnh, đã có đường ô tô đến 100% các xã.
Kinh tế phát triển, chuyển dịch CCKT đẩy mạnh đã góp phần thúc đẩy sự chuyển biến trong xã hội. Đời sống các tầng lớp dân cư được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người 1991 - 1995 tăng bình quân 5,35%/năm. Năm 1996 tăng 6,33% so với 1995. Toàn tỉnh có 70,6% nhà xây, lợp ngói khang trang, 5,4% là nhà tầng, 48% hộ có máy thu thanh và 25% có máy thu hình; nhu cầu ăn ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, hưởng thụ văn hoá được đáp ứng tốt hơn. Sự nghiệp giáo dục, đào tạo về cơ bản giữ được thế ổn định, có mặt tiến bộ và phát triển. Toàn tỉnh đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học. Năm 1996 đã
có 25% số xã, phường đạt tiêu chuẩn phổ cập trung học cơ sở. Số học sinh các cấp đều tăng, cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường tăng khá. Năm học 1996 - 1997, số học sinh trung học cơ sở tăng 2, 3 lần; trung học phổ thông tăng 2,5 lần so với năm học 1991 - 1992 [32].
Khoa học công nghệ hướng vào phục vụ việc thực hiện chương trình kinh tế - xã hội. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao có bước phát triển mới, ngày càng đáp ứng nhu cầu thông tin và hưởng thụ văn hoá của các tầng lớp nhân dân. Các giá trị văn hoá truyền thống được khơi dậy và khuyến khích phát triển. Nhiều di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở nhiều nơi được bảo tồn, trùng tu, tôn tạo... Các tác phẩm văn hoá, nghệ thuật, chương trình phát thanh, truyền hình ngày càng được cải tiến về nội dung, hình thức, góp phần tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, biểu dương người tốt việc tốt, các mô hình, điển hình làm kinh tế giỏi.
Có được thành tựu nổi bật đó trước hết là do Tỉnh uỷ Vĩnh Phú vận dụng đúng đắn, sáng tạo các nghị quyết của Trung ương, lãnh đạo chỉ đạo thực hiện các chủ trương sắp xếp và đổi mới quản lý kinh tế quốc doanh thích ứng dần với cơ chế thị trường; chỉ đạo đổi mới quản lý HTX mà chủ yếu là HTX nông nghiệp; lãnh đạo chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi, dồn ghép ruộng theo Nghị định 64 của Chính phủ; chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Kết quả lớn nhất về kinh tế trên địa bàn Vĩnh Phúc trước khi tái lập tỉnh là kinh tế đã có bước phát triển với nhịp độ tương đối đều, nhất là về sản xuất nông nghiệp đảm bảo được nhu cầu về lương thực, bắt đầu có sản phẩm nông nghiệp hàng hoá. Cơ cấu kinh tế bước đầu có sự chuyển đổi. Đời sống nhân dân được cải thiện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển mới. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ, công tác quốc phòng, an ninh chính trị được củng cố và ổn định. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể nhân dân có bước đổi mới.
Đó là những thuận lợi căn bản cho bước chuyển dịch CCKT ở Vĩnh Phúc khi tỉnh được tái lập. Tuy nhiên, về cơ bản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn là nền kinh tế thuần nông nghiệp, thu nhập thấp, đời sống nhân dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn còn nghèo. Công nghiệp và dịch vụ đã phát triển, nhưng còn chậm, nhỏ bé, vốn ít, kỹ thuật công nghệ lạc hậu. Nông nghiệp tuy có trình độ thâm canh khá nhưng chưa tạo được vùng có khối lượng nông sản hàng hoá lớn, chất lượng cao. Chuyển dịch CCKT nông nghiệp, nông thôn chưa mạnh. Trong hoạt động xuất nhập khẩu chưa có đơn vị đầu mối đủ mạnh để kinh doanh và nguồn hàng hoá chưa có chất lượng cao, khối lượng lớn. Thu không đủ chi. Số xã tự cân đối ngân sách chỉ chiếm khoảng gần 20%. Kinh tế quốc doanh quy mô nhỏ, thiết bị lạc hậu, hoạt động kinh doanh kém hiệu quả. Đánh giá tổng quát tình hình kinh tế, xã hội trước khi tái lập tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XII (tháng 11/1997) nhận định: "Vĩnh Phúc vẫn là một tỉnh nghèo, xuất phát điểm của nền kinh tế đang còn ở mức thấp, kinh tế hàng hoá chậm phát triển, công nghiệp nhỏ bé... thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng dưới 50% thu nhập bình quân cả nước"[32, tr.27-28]. Tổng thu ngân sách tỉnh hàng năm chỉ bằng hơn 40% tổng chi.
Vấn đề nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập và yếu kém. Sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành của chính quyền ở một số nơi còn hạn chế. Trong lãnh đạo một số mặt về kinh tế - xã hội, Tỉnh uỷ chưa có chủ trương giải pháp đột phá nên chưa phát huy hết tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Công tác điều hành của các cơ quan chính quyền còn thiếu kinh nghiệm. Cải cách hành chính hiệu quả thấp. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong các cơ quan kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước chưa thể hiện rõ. Nhiều nơi, vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng còn yếu và thiếu.
Những hạn chế đó do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan: tỉnh bị chia tách, thay đổi địa giới hành chính nhiều lần; ruộng đất canh tác ít, manh mún; thường xuyên bị thiên tai đe doạ; ngành công nghiệp chưa có bề dày phát triển, quy mô nhỏ, tài nguyên khoáng sản nghèo nàn...; đội ngũ cán bộ còn
thiếu và yếu so với yêu cầu. Số lao động qua đào tạo thấp, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia đầu ngành, công nhân kỹ thuật rất thiếu so với yêu cầu. Một trong những nguyên nhân căn bản là do thiếu chủ trương, giải pháp đồng bộ, đúng đắn nhằm phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH; đặc biệt Tỉnh chưa xây dựng được CCKT phù hợp với tiềm năng địa phương.
Trên cơ sở đường lối của Trung ương, tình hình địa phương, Đảng bộ Vĩnh Phúc sẽ đề ra những chủ trương cụ thể, phù hợp, những giải pháp hữu hiệu để phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh. Một trong những chủ trương, giải pháp quan trọng là chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH.
Chương 2
Chủ trương và chỉ đạo của đảng bộ tỉnh vĩnh phúc thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế (1997 - 2003)