Các khu công nghiệp và các công trình công cộng khác tăng nhanh, đất nông nghiệp bị thu hẹp ngày càng nhiều
Việc mở rộng các khu công nghiệp sẽ thúc đẩy nhanh chuyển dịch CCKT theo hướng CNH, HĐH, tạo nhiều việc làm cho lao động ở địa phương, tăng nhanh nguồn thu ngân sách cho tỉnh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên việc quy hoạch các khu công nghiệp và các dự án đầu tư trong và ngoài nước không thể tránh khỏi việc giảm diện tích đất nông nghiệp. Đến cuối năm 2003, Vĩnh Phúc có gần 2.000 ha đất canh tác chuyển thành khu, cụm công nghiệp và đô thị mới. Việc chuyển đất trồng trọt sang phát triển công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sản lượng lương thực hàng năm của tỉnh.
Một vấn đề nổi cộm là việc phát triển khu công nghiệp, theo lẽ thường sẽ dẫn tới giải quyết được nhiều lao động tại chỗ ở địa phương. Tuy nhiên do lao động ở những nơi nông thôn này không được chuẩn bị đào tạo trước, không có trình độ tay nghề kỹ thuật để đủ tiêu chuẩn làm việc được trong các khu công nghiệp, nếu có được việc làm thì cũng chỉ làm các công việc tạp vụ, thủ công… Một loạt vấn đề đặt ra gây tâm lý không tốt đối với nông dân địa phương, vấn đề nổi cộm, bức xúc nhất là việc làm của người nông dân khi không còn đất canh tác. Thực tế ở Vĩnh Phúc và một số tỉnh ở phía Bắc trong quá trình đô thị hóa người nông dân trở thành người đô thị, nhưng không ít người bị đứng ngoài quá trình đô thị hóa ngay trên mảnh đất của chính gia đình mình. Đời sống và việc làm, tư tưởng của người nông dân dao động khi không còn đất sản xuất là vấn đề đòi hỏi các cấp ủy Đảng ở Vĩnh Phúc cần quan tâm, giải quyết; cần sớm có những biện pháp để tháo gỡ. Biện pháp quan trọng nhất là phải đào tạo nghề, tạo việc làm cho một bộ phận nông dân ở địa phương khi họ góp đất làm khu công nghiệp.
Chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ sản phẩm
Trong chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, mục tiêu đặt ra là tăng tỷ trọng rau quả, cây công nghiệp và chăn nuôi, phát triển tiểu thủ công nghiệp làng nghề, tăng sản lượng nông sản hàng hoá. Vấn đề hàng đầu là chế biến nông sản thật tốt và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là vấn đề gay cấn nhất mà Tỉnh uỷ, chính quyền, các cấp các ngành và toàn thể nhân dân trong tỉnh đều nhận thức rõ. Không giải quyết vấn đề này nhiều vấn đề quan trọng khác sẽ đặt ra. Đó là giá trị nông sản thấp, giá trị ngày công lao động thấp, chưa thu hút được lao động nông nhàn, chưa kích thích được nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất.
Vấn đề môi trường nông nghiệp, nông thôn
Theo điều tra khảo sát của chúng tôi, tháng 6/2003, mức độ ô nhiễm môi trường nông thôn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đang có xu thế gia tăng do các loại chất thải, đặc biệt là chất thải rắn, nguồn nước và không khí ô nhiễm tăng nhanh. Tình trạng suy thoái về môi trường ở hầu hết các huyện đang là sự cảnh báo không chỉ với cấp chính quyền mà ngay cả đối với mỗi người dân.
Huyện Bình Xuyên, hiện nay CCKT của huyện đã có bước chuyển biến tích cực. Nhiều xã từ sản xuất thuần nông, độc canh cây lúa, nay đã chuyển đổi, mạnh dạn đưa các cây, con giống mới vào sản xuất và từng bước mở rộng. Ngay cả những xã nghèo như Sơn Lôi, Trung Mỹ, Minh Quang, những năm gần đây, nhiều dự án mới ứng dụng công nghệ vào sản xuất hàng hóa theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch gắn với bảo vệ môi trường đã được áp dụng khá thành công, như dự án "ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình phục vụ phát triển nông thôn miền núi" tại xã Sơn Lôi, Minh Quang. Quá trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề truyền thống... đã góp phần nâng cao đời sống nhân dân và đẩy nhanh quá trình đô
CCKT kéo theo sự gia tăng về ô nhiễm môi trường do nhiều nguyên nhân khác nhau đưa lại.
Vấn đề nổi lên khá bức xúc ở nông thôn Bình Xuyên hiện nay là sự phát triển mạnh mẽ về công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tập trung vào lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện chủ yếu là sản xuất gạch, ngói thủ công. Nếu như năm 1999-2000, toàn huyện chỉ có 70 lò gạch, 400 lò ngói với công suất hàng năm đạt 25 triệu viên gạch và 32 triệu viên ngói tập trung ở các xã Quất Lưu, Tam Hợp, Tân Phong, Sơn Lôi và thị trấn Hương Canh, thì đến 2003 đã tăng lên 159 lò gạch và 241 lò ngói. Sản lượng gạch tăng gần gấp 3 lần, đạt 61 triệu viên/năm; sản lượng ngói tăng gần gấp đôi, đạt 39 triệu viên/năm. Cùng với 5 đơn vị sản xuất công nghiệp nhà nước (3 đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng, 1 đơn vị chế biến thực phẩm, 1 xí nghiệp cơ khí); 2 cụm công nghiệp Hương Canh và Bình Xuyên có 4 doanh nghiệp tư nhân và 4 doanh nghiệp liên doanh với nước ngoài; 25 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ khác đều có liên quan trực tiếp đến môi trường.
Rác thải sinh hoạt các loại ở huyện Mê Linh hiện nay là khá lớn mà chưa có biện pháp gì để xử lý. Cả huyện đều không có khu đổ rác tập trung trong khi đời sống nhân dân cao hơn, rác thải sinh hoạt nhiều hơn so với trước đây. Thực trạng ở nông thôn Mê Linh hiện nay do tình trạng nước chảy ứ đọng nên hầu hết các ao, hồ, nhất là các ao tù ở nông thôn bị ô nhiễm nặng. Ô nhiễm ở các vùng nông thôn trở nên bức xúc, trong đó phải kể đến ô nhiễm hóa học do chất thải các bể mạ của Công ty Xuân Hòa, mùi sơn của Công ty HONDA, chất thải của Nhà máy Giày Phúc Yên, Công ty Rượu Đồng Xuân, Nhà máy Sữa Hà Nội. Môi trường dân cư, do tình trạng ao, hồ bị san lấp, nước thải sinh hoạt đổ thẳng ra cống, rãnh hai bên đường không có độ thấm, cửa thoát và nắp đậy nên ngày càng ô nhiễm nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra do việc đầu tư thâm canh tăng vụ, sử dụng nhiều hoá chất, phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên môi trường sinh thái, nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Rác thải, nước thải và khí thải ở các khu công nghiệp, các làng nghề nhất là làng nghề tái chế và làng nghề chế biến nông sản thực phẩm gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường…
Giải pháp hàng đầu cần quan tâm là tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường: tuyên truyền nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc bảo vệ môi trường; đầu tư nhân lực, trang thiết bị cho việc kiểm tra, kiểm soát, phòng ngừa và xây dựng kế hoạch giảm thiểu ô nhiễm, đồng thời xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường.
Những vấn đề xã hội bức xúc
Khi chuyển dịch CCKT với sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong cơ chế thị trường dẫn đến nhiều vấn đề xã hội cấp bách, Sự chênh lệch về thu nhập dẫn đến sự phân hoá giàu nghèo trong tỉnh tăng nhanh, Vấn đề nhà ở cho công nhân trong các khu công nghiệp chưa được nhà nước và tỉnh có chính sách giải quyết thoả đáng. Đời sống của công nhân gặp nhiều khó khăn, các khó khăn về xã hội đi kèm cũng phát sinh theo...
Những vấn đề nảy sinh đó đã được Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc và từng bước có những giải pháp cụ thể để khắc phục.