Tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam

Một phần của tài liệu Đánh giá nhận thức của người dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những giải pháp thích ứng trong sản xuất nông nghiệp tại xã xuân hải, huyện nghi xuân, tỉnh hà tĩnh (Trang 33 - 34)

Trong những năm qua, dưới tác động của biến đổi khí hậu, tần suất và cường độ thiên tai ngày càng gia tăng ở Việt Nam, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, và tác động xấu đến môi trường. Trong giai đoạn 2001-2010, các loại thiên tai như bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn và các thiên tai khác đã làm thiệt hại về tài sản ước tính chiếm 1,5% GDP/năm (Chiến lược Quốc gia

về Biến đổi khí hậu, 2011).

Tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam là rất nghiêm trọng. Những ngành/lĩnh vực được đánh giá là dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu bao gồm: nông nghiệp và an ninh lương thực, tài nguyên nước, sức khỏe và nơi cư trú. Các khu vực dễ bị tổn thương bao gồm: dải ven biển (bao gồm cả vùng đồng bằng ven biển), vùng núi. Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng duyên hải Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ là những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu. Các cộng đồng dễ bị tổn thương bao gồm nông dân, ngư dân, các dân tộc thiểu số ở miền núi, người già, phụ nữ, trẻ em và nhóm người nghèo ở các khu đô thị (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2008).

Các nghiên cứu quốc tế cũng chỉ ra rằng Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Báo cáo phát triển con người 2007 đưa ra một số dự đoán về thiệt hại mà Việt Nam phải chịu trước tác động của biến đổi khí hậu. Nếu nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 20C và mực nước biển tăng thêm 1m vào cuối thế kỷ 21 thì khoảng 22 triệu người Việt Nam sẽ bị mất nhà, 12,3% diện tích đất trồng trọt sẽ bị mất, 40.000km2 diện tích đất đồng bằng và 17km2 bờ biển ở khu vực các tỉnh lưu vực sông Mêkông sẽ chịu tác động của lũ ở mức độ không thể dự đoán và Việt Nam sẽ phải đối mặt với mức thiệt hại khoảng 17 tỷ USD/năm .

Bằng việc sử dụng công nghệ GIS để xác định các khu vực sẽ bị ngập ở Việt Nam, Carew-Reid (2008) dự đoán rằng nếu mực nước biển dâng 1m vào cuối thế kỷ 21 thì sẽ có 39/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam, khoảng 4,4% diện tích đất, 7,3% dân số (khoảng 6 triệu người), 4,3% diện tích đường, 36 khu bảo tồn thiên nhiên sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, 12 tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất: 85% diện tích bị ngập lụt, 90% người nghèo bị ảnh hưởng và 90% diện tích đường bị ảnh hưởng đều thuộc khu vực này.

Có thể thấy rằng, biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nặng nề đến đại bộ phận dân nghèo ở Việt Nam, đặc biệt là những người phải sống trong những môi trường khắc nghiệt và mạng lưới an sinh xã hội không hiệu quả khiến họ rất dễ bị tổn thương trước những rủi ro của khí hậu và thiên tai thường xuyên xảy ra. Trong khi biến đổi khí hậu có những rủi ro tiềm ẩn đối với người nghèo và những người dễ bị tổn thương trên cả nước thì những người nghèo ở khu vực ven biển là một trong những nhóm đối tượng nhạy cảm nhất với sự biến đổi bất thường của khí hậu vì sản xuất nông nghiệp và thủy sản là những nghành đặc biệt dễ bị tổn thương trước những tác động của biến đổi khí hậu.

Một phần của tài liệu Đánh giá nhận thức của người dân về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những giải pháp thích ứng trong sản xuất nông nghiệp tại xã xuân hải, huyện nghi xuân, tỉnh hà tĩnh (Trang 33 - 34)