Sau Chiến tranh lạnh, đặc biệt là bước vào những năm đầu của thế kỷ XXI, các nước trên thế giới dù lớn hay nhỏ đều mong muốn duy trì một môi trường quốc tế hòa bình, hợp tác để phát triển kinh tế. Tuy nhiên, ở nhiều khu vực trên thế giới, xung đột cục bộ về sắc tộc, tôn giáo, tình trạng bất ổn định tiếp tục xảy ra…Sự kiện nổi bật nhất, khiến cả thế giới phải bàng hoàng vào những năm đầu thế kỷ XXI là cuộc tấn công của lực lượng khủng bố vào nước Mỹ ngày 11-9-2001. Tuy vậy, việc tranh chấp lãnh thổ, xung đột hay khủng bố khó có khả năng lan rộng và bùng nổ thành một cuộc chiến tranh thế giới mới - Chiến tranh thế giới thứ ba. Khả năng chiến tranh thế giới bị đẩy lùi vì các nước lớn hiện nay đều có lợi ích lâu dài và cơ bản trong việc duy trì hòa bình để phát triển kinh tế và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia ngày càng tăng. Như vậy, cục diện thế giới vào những năm đầu thế kỷ XXI so với giai đoạn cuối thập niên 90 của thế kỷ XX không có gì thay đổi, xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn của thời đại hiện nay.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ phát triển với trình độ cao đã thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình toàn cầu hóa và khu vực hóa. Một mạng lưới toàn cầu về mậu dịch, sản xuất, thông tin, tiền tệ và kỹ thuật dần dần được hình thành. Xu thế toàn cầu hóa là một xu thế tất yếu, khách quan, xu thế này mang đến nhiều cơ hội cũng không ít những khó khăn, thách thức to lớn đối với các quốc gia, đặc biệt là những nước đang phát triển.
Bước sang những năm đầu thế kỷ XXI, nhiều cường quốc vươn lên mạnh mẽ, đe dọa chủ trương “thế giới đơn cực” của Mỹ. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành siêu cường duy nhất với ưu thế vượt trội cả về kinh tế, chính trị, quân sự. Nền kinh tế Mỹ vẫn là nền kinh tế có sức cạnh tranh mạnh nhất thế giới, sức sáng tạo khoa học công nghệ của Mỹ vẫn giữ vị trí hàng đầu. Về quân sự, Mỹ là nước duy nhất có khả năng triển khai lực lượng ra toàn cầu. Mỹ giữ vai trò chủ đạo trong các
thiết chế tài chính, thương mại thế giới như IMF, WTO, WB…Tuy nhiên, dù là siêu cường duy nhất với sức mạnh tổng hợp vượt trội, Mỹ không thể chi phối toàn bộ công việc của thế giới và áp đặt ý chí của riêng mình.
Quyền lực trong xu thế toàn cầu bị phân tán bởi sự trỗi dậy một cách ngoạn mục của Trung Quốc và nước này trở thành vật cản lớn đối với giấc mộng bá chủ toàn cầu của Mỹ. Khả năng phục hồi của Nga, nước này vẫn là cường quốc quân sự ngang hàng với Mỹ và là một trong 10 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới[16,77]. Tính độc lập ngày càng cao của Nhật Bản, EU cũng như sự nổi dậy và lớn mạnh của Ấn Độ…đặc biệt là sự hình thành những tập hợp lực lượng, tổ chức chống lại xu thế đơn cực của Mỹ, làm cho Mỹ khó có thể thực hiện được tham vọng của mình. Điều này càng rõ hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi mà theo nhiều học giả, một trật tự đa cực đang hình thành rõ nét. Tuy nhiên, trật tự thế giới đang hình thành là một trật tự đa cực không đồng đều, trong đó cực Mỹ là áp đảo.
Bước vào những năm đầu thế kỷ XXI, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nổi lên là một khu vực năng động nhất với tốc độ phát triển cao. Hầu hết các nước ở khu vực này đều thực hiện cải cách kinh tế theo hướng mở cửa nhằm tận dụng những cơ hội to lớn do toàn cầu hóa và quá trình hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế mang lại. Trong xu thế toàn cầu hóa, các nước trong khu vực này đặc biệt là các nước lớn như Nga, Nhật, Trung Quốc, Ấn Độ…vừa tăng cường hợp tác vừa cạnh tranh và kiềm chế lẫn nhau. Sự đấu tranh giữa chủ trương xây dựng một thế giới đơn cực của Mỹ và sự phấn đấu cho một thế giới đa cực trong đó Trung Quốc, Nhật, Nga, Ấn Độ đều giành được chổ đứng cho mình, là một cuộc ganh đua lâu dài, khó khăn. Vì vậy, hai mặt hợp tác và đấu tranh sẽ tiếp tục đan xen nhau và sẽ thể hiện trên những thăng trầm trong quan hệ giữa các nước lớn ở khu vực trong thời gian tới.
Dưới tác động của tình hình thế giới và khu vực, các nước đều tiến hành điều chỉnh chính sách một cách linh hoạt theo hướng ngày càng thực dụng hơn nhằm đảm bảo tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc mình. Hai nước Ấn Độ và Mỹ cũng không nằm ngoại lệ đó.
Trong những năm đầu thế kỷ XXI, cả Ấn Độ và Mỹ đều đạt được nhiều thành tựu to lớn. Sự nổi lên của Ấn Độ đã tác động đến cơ cấu địa chính trị trên phạm vi thế giới. Điều này trước hết thể hiện ở lĩnh vực kinh tế. Tổng thu nhập quốc dân của nước này năm 2000 là 454,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng đạt 6%[32, 29]. Về điều kiện tự nhiên, Ấn Độ là một nước lớn ở Nam Á cả về diện tích lẫn dân số. Trong những năm gần đây, Ấn Độ đang có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối ngoại, quốc phòng và trong chiến lược phát triển quốc gia. Thách thức lớn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là làm thế nào để duy trì quan hệ tốt với Mỹ, không thể để Mỹ tiếp tục xa Ấn Độ vì quan hệ của Mỹ với Pakistan. Ngoài ra, Ấn Độ còn đang nổ lực mở rộng quan hệ với nhiều nước trên thế giới đặc biệt là Nga và Trung Quốc… bất chấp nhiều vấn đề đang tồn tại trong quan hệ hai nước. Trên cơ sở thực hiện chính sách hướng Đông mà cựu Thủ tướng Narashimha Rao đã điều chỉnh, Ấn Độ đang tìm cách đi vào và tăng cường quan hệ với Đông Nam Á và thực sự đã có mối quan hệ tốt đẹp với các nước ở khu vực này. Về quân sự, Ấn Độ đang triển khai “chiến lược đại dương” mà mục tiêu trước tiên là “khống chế Ấn Độ Dương”. Ấn Độ đã thực hiện nhất thể hóa ba cơ cấu vũ khí hạt nhân chiến lược gồm tàu ngần hạt nhân, tên lửa hạt nhân và đầu đạn hạt nhân. Đặt ra kế hoạch trang bị cho Hải quân những tàu ngầm hạt nhân và các tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân có tầm bắn tới biển Arap và biển Nam Trung Hoa.
Nhìn chung, Ấn Độ đang nổ lực phấn đấu không chỉ để thực hiện mục tiêu trở thành siêu cường về kỹ thuật tin học trong những năm tới mà còn muốn trở thành nước đứng thứ tư thế giới về kinh tế trong khoảng sau 20 năm nữa. Chính vì vậy, những hoạt động của Ấn Độ trên trường quốc tế ngày càng gia tăng.
Bước sang đầu thế kỷ XXI, Mỹ vẫn là siêu cường mà cho đến nay vẫn chưa có một quốc gia nào có thể địch nổi. Sức mạnh của Mỹ được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau:
Về kinh tế, Mỹ là nước giàu có nhất thế giới. Tổng thu nhập quốc dân năm 2000 là 9601,5 tỷ USD, thu nhập đầu người cùng năm đạt 34100 USD[32,21].
Về quân sự, Mỹ đứng đầu về quân bị hạt nhân. Chưa một nước nào kể cả Nga có thể sánh ngang được với Mỹ. Chi tiêu quốc phòng của Mỹ năm 2000 lên đến hơn 294 tỷ USD, xuất khẩu vũ khí hạt nhân đạt gần 45 tỷ USD. Mỹ đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia NMD và hệ thống phòng thủ tên lửa chiến trường TMD. Về khoa học công nghệ, xét về tổng thể Mỹ cũng đứng đầu thế giới. Mỹ chiếm vị trí số 1 về trình độ khoa học công nghệ, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ thông tin.
Về chính trị, sau khi Liên Xô sụp đổ, Mỹ trở thành quốc gia chi phối trong các tổ chức toàn cầu, trong việc xử lý và giải quyết các công việc quốc tế. Mỹ vừa có kinh nghiệm vừa có kỹ năng thành thạo…
Như vậy, với sức mạnh và quyền lực độc nhất vô nhị của mình, Mỹ đã, đang và sẽ tiếp tục cố gắng cao độ để bảo vệ nó. Từ sau Chiến tranh lạnh đến nay, bất luận là đảng Cộng hòa hay đảng Bảo thủ cầm quyền thì mục tiêu cơ bản, bất biến của Mỹ là giữ vững duy trì vị trí bá chủ thế giới, ngăn chặn không để xuất hiện một cường quốc khác đối lập với Mỹ trong thế kỷ XXI. Mỹ sẽ làm tất cả để phục vụ cho mục tiêu đó.
Những thành tựu Ấn Độ và Mỹ đạt được trong thời gian qua đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển. Quan hệ Ấn Độ - Mỹ là nhu cầu chung của hai nước. Cả hai nước đều nhận thức sâu sắc rằng, hoặc cùng nhau xây dựng, hợp tác để cùng nhau phồn vinh hoặc cùng nhau chịu tổn thất.
Cũng sang đầu thế kỷ XXI, thách thức, khó khăn ảnh hưởng đến mối quan hệ hai nước là không nhỏ. Hai nước vẫn còn nhiều khác biệt, bất đồng trên nhiều quan điểm mang tính nguyên tắc. Các nước lớn trên thế giới đang vươn lên mạnh mẽ, đều có tham vọng trở thành một cực của thế giới. Điều đó đang và sẽ đe dọa đến lợi ích của Ấn Độ, đặc biệt là của Mỹ. Hơn thế nữa, thế giới ngày nay đang đối mặt với những vấn đề mang tính toàn cầu như toàn cầu hóa, thông tin hóa, chủ nghĩa khủng bố, dịch bệnh, thiên tai, tội phạm quốc tế…Cả hai nước đều có sự chia sẻ trước những khó khăn đó. Đây là lý do quan trọng giúp quan hệ Ấn Độ - Mỹ ngày càng khởi sắc hơn.