Mối quan hệ đối tác chiến lược đem lại lợi ích cho cả Ấn Độ và Mỹ. Mỹ có công nghệ và vũ khí, còn Ấn Độ là nước có nền kinh tế đang phát triển với tiềm năng to lớn về sức mạnh mềm và Ấn Độ cũng hiểu rằng Mỹ là nước duy nhất có tiềm lực về mọi mặt để có thế góp phần giúp Ấn Độ hiện đại hóa đất nước. Mỹ công nhận Ấn Độ có tiềm năng trở thành một cường quốc đang nổi lên ở châu Á và ủng hộ sự hợp tác trong đối thoại về những vấn đề an ninh giữa hai nước. Chính vì thế, hai nước quyết định nâng quan hệ song phương lên tầm đối tác cùng có lợi.
Mỹ ngày càng quan tâm vào các mối quan hệ kinh tế và chính trị ở châu Á, đồng thời sự nổi lên của Trung Quốc và Ấn Độ càng làm gia tăng tầm quan trọng chiến lược của Ấn Độ. Di sản dân chủ, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Ấn Độ được xem là những nhân tố hấp dẫn để Mỹ thúc đẩy quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn nữa giữa Ấn Độ và Mỹ. Các quan chức Mỹ dự đoán rằng Ấn Độ sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc hình thành môi trường chiến lược tại châu Á.
Mỹ muốn Ấn Độ cùng tham gia vào cuộc chiến chống khủng bố quốc tế, ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt và đảm bảo an ninh năng lượng ở Ấn Độ Dương. Ấn Độ Dương là con đường huyết mạch vận chuyển năng lượng của Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và các nước Đông Á, đồng thời lại là đại dương thuộc phạm vi thế lực của Ấn Độ. Các sĩ quan chỉ huy hải quân cao cấp của Mỹ đã nói về một “đối tác hàng hải toàn cầu”, đây là một khuôn khổ bao gồm cả hải quân và hàng hải dân sự của các nước châu Á và Ấn Độ Dương. Họ coi Ấn Độ như một thành phần tham gia quan trọng nhất trong cơ cấu hợp tác linh hoạt này.
Một lý do quan trọng khác khiến Mỹ cần tới Ấn Độ là để thực thi chính sách đối ngoại tại Nam Á. Thực tế cho thấy, Mỹ không thể một mình ổn định tình hình Nam Á mà không có sự hậu thuẫn của Ấn Độ.