“Trong thế kỷ mới, Ấn Độ và Hoa Kỳ sẽ là đối tác trong hòa bình, với lợi ích chung và trách nhiệm bổ sung để đảm bảo an ninh khu vực và quốc tế. Chúng tôi sẽ tham gia vào tham vấn thường xuyên, và làm việc cùng nhau. Chúng tôi sẽ tăng cường nỗ lực chung chống khủng bố và đáp ứng những thách thức khác đối với hòa bình khu vực. Chúng tôi sẽ tăng cường hệ thống an ninh quốc tế, bao gồm cả Liên hợp quốc và hỗ trợ Liên hợp quốc trong nỗ lực gìn giữ hòa bình. Chúng tôi xác nhận rằng những căng thẳng ở Nam Á chỉ có thể được giải quyết bằng các quốc gia Nam Á. Ấn Độ cam kết tăng cường hợp tác, hòa bình và ổn định trong khu vực”[117].
Đây là một phần nội dung chính trong “Tuyên bố tầm nhìn cho thế kỷ XXI” được ký kết giữa Ấn Độ và Mỹ nhân chuyến thăm Ấn Độ trong 5 ngày từ ngày 20/3 đến ngày 26/3/2000 của Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Đây là một sự kiện quan trọng diễn ra trong đời sống chính trị của hai nước.Tổng thống đầu tiên của Mỹ đến thăm Ấn Độ sau 22 năm kể từ sau chuyến thăm của Tổng thống Jimmy Carter năm 1978.
Trước khi Tổng thống Bill Clinton sang thăm Ấn Độ, hai nước đã thể hiện sự quyết tâm trong việc gác lại quá khứ và mở ra một trang mới đầy tươi sáng hơn trong quan hệ hai nước. Tuy nhiên, hai nước cũng nhận thức được những khó khăn, trở ngại trong việc xây dựng mối quan hệ mới. Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đã phát biểu: “Sự hiểu nhầm, tính toán sai lầm và những cơ hội bị mất” trong quan hệ hai nước. Ngoại trưởng Albright cũng đã chỉ ra “ sự nghi ngờ kéo dài của Ấn Độ đối với ý đồ của Mỹ trong các vấn đề thế giới” và sự thiếu khả năng của Mỹ trong việc “hiểu biết tình thế bắt buộc và khát vọng của Ấn Độ”[83,11].
Mục tiêu chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống là để tạo cơ sở cho một cam kết bền vững và hiệu quả giữa Ấn Độ và Mỹ trong tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Cuộc cải cách kinh tế của Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của Mỹ. Chính phủ Mỹ cho rằng Ấn Độ là một “thị trường đang nổi lên”. Quan hệ thương mại đang phát triển nhanh chóng tạo động lực cho sự phát triển quan hệ chính trị. Cộng đồng người Ấn Độ tại Mỹ cũng góp phần quan trọng trong việc định hình quan hệ
Ấn Độ - Mỹ. Thông qua các hoạt động chính trị và tập hợp sự ủng hộ trong hệ thống chính trị Mỹ, người Ấn kiều, đặc biệt là người Ấn Độ ở Silicon Valley đã trở thành chiếc cầu mới cho sự hợp tác giữa hai nước.
Tổng thống Bill Clinton cho biết : “đến nay đã có nhiều tiến triển tích cực nhờ hai bên đã tích cực thực hiện Tuyên bố tầm nhìn mà tôi và Thủ tướng Vajpayee ký và đã bắt đầu xây dựng những thể chế vĩnh viễn nhằm phản ánh chiều sâu của mối quan hệ hai nước. Mỹ và Ấn Độ đã có sự hợp tác chặt chẽ hơn trong các mặt trận chống khủng bố; Hai nước đã bắt đầu một loạt các cuộc tư vấn chính trị cấp cao thường kỳ; Hai bên đã cùng nhau tiến hành thành công hội nghị đầu tiên của Cộng đồng dân chủ; chúng ta đã đạt được một hiệp định cải thiện mối quan hệ thương mại, năng lượng và khoa học và đã xúc tiến diễn đàn công nghệ và khoa học kỹ thuật. Tôi đang chờ đợi Thủ tướng Vajpayee thăm Mỹ để thúc đẩy hơn nữa các mối quan hệ này” [84,4].
Nội dung chuyến thăm Ấn Độ trên của Tổng thống Mỹ là hai bên đã thảo luận về phương hướng tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương và một số vấn đề của khu vực và quốc tế: an ninh, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, phổ biến dân chủ trên toàn cầu và hợp tác kinh tế.
Về quan hệ song phương, chính phủ Mỹ đã thừa nhận là coi nhẹ quan hệ với Ấn Độ trong hơn 20 năm qua, đánh giá cao các thành tựu cải cách và tiềm năng to lớn về kinh tế của Ấn Độ cũng vai trò ngày càng quan trọng của Ấn Độ ở khu vực và trên thế giới, mong muốn xây dựng mối quan hệ lâu dài, tiến hành thường xuyên các cuộc gặp gỡ cấp cao, thành lập nhóm phối hợp cấp cao về hợp tác kinh tế, thành lập các diễn đàn về tài chính, các nhóm công tác chung về khoa học công nghệ, thương mại, năng lượng sạch, môi trường…để thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương.
Trọng tâm của chuyến thăm là vấn đề Kashmir, hai bên cùng nhất trí là các vấn đề ở Nam Á phải do các nước trong khu vực tự giải quyết. Tổng thống Mỹ muốn Ấn Độ và Pakistan nối lại đối thoại để giảm căng thẳng trong mối quan hệ hai nước. Tổng thống Mỹ khẳng định: “ Để giải quyết vấn đề Kashmir cần phải có sự
kiềm chế, tôn trọng, từ bỏ bạo lực và nối lại đối thoại. Tôi tin rằng nếu không có các cuộc thương lượng trực tiếp giữa Ấn Độ và Pakistan sẽ không có giải pháp cho vấn đề Kashmir”[84,4]. Về phía Ấn Độ, muốn thiết lập mối quan hệ hữu nghị với Pakistan nhưng buộc nước này phải chấm dứt việc ủng hộ các lực lượng Hồi giáo khủng bố ở vùng Kashmir.
Về vấn đề hạt nhân, Mỹ mong muốn Ấn Độ ngưng chương trình hạt nhân và sớm ký hiệp ước cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện (CTBT). Phía Ấn Độ cam kết không tiến hành thêm các vụ thử hạt nhân, không sử dụng vũ khí hạt nhân và sẽ ký CTBT chừng nào đạt được sự nhất trí trong nhân dân.
Có thể nói, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ thật sự có ý nghĩa to lớn trong quan hệ hai nước. Nó đã góp phần tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy chiều hướng tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực. Đồng thời chuyến thăm đã tạo nên tiền đề tốt đẹp cho các chuyến thăm tiếp theo giữa hai nước.
Từ ngày 14/9/2000 Thủ tướng Ấn Độ Atal Behari Vajpayee đến thăm và làm việc tại Mỹ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Ấn Độ đến Mỹ trong sáu năm qua. Thủ tướng Vajpayee sẽ dự một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ và sẽ gặp gỡ với các quan chức, các học giả, và các thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Ấn Độ.
Trong khi phát biểu trước Hội nghị liên tịch của hai viện Quốc hội Mỹ, Thủ tướng khẳng định: Hai nước là “đồng minh tự nhiên trong thế kỷ XXI”. Trong các cuộc hội đàm, Tổng thống B. Clinton và Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee đã thảo luận nhiều vấn đề: bao gồm các vấn đề Kashmir, phổ biến vũ khí hạt nhân ,Hiệp ước cấm thử vũ khí toàn diện(CTBT), và các vấn đề an ninh Nam Á.Trong đó, Thủ tướngVajpayee nhấn mạnh rằng sự hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và Mỹ là trụ cột quan trọng của mối quan hệ song phương.
Ngoài ra, Tổng thống Bill Clinton và Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee đã tái khẳng định nội dung củaTuyên bố tầm nhìn mà họ đã ký vào tháng 3 tại Ấn Độ.
Sau chuyến thăm này, Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee đã phát biểu nói rõ quan điểm của Ấn Độ trong việc quan hệ với Mỹ trong thời kỳ mới: “Cả Ấn Độ và Mỹ đặt ưu tiên cao nhất cho các giá trị chung như tự do, dân chủ, phẩm giá và lòng khoan dung,…Phản đối chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Chúng tôi đồng ý sẽ lắng nghe ý kiến của nhau với sự tôn trọng và cố gắng dàn xếp những lo ngại qua lại. Với tư cách là đồng minh tự nhiên, điều quan trọng ở chổ Ấn Độ và Mỹ phải tiếp tục can dự với nhau, các cuộc tiếp xúc nên diễn ra thường xuyên. Chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton tháng 3/2000 diễn ra sau 22 năm gián đoạn. Trong thế giới đổi thay nhanh chóng này, thậm chí ngay chỉ 22 tháng là điều không thể chấp nhận”[85].
Tổng thống Bill Clinton đã hoan nghênh chuyến thăm này của Thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee. Chuyến đi không những nhấn mạnh sự ấm lên trong quan hệ hai nước mà còn góp phần củng cố quan hệ giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới.
Nhận lời mời của Tổng thống Mỹ George W.Bush, bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Jaswant Singh đã tới thăm Mỹ vào tháng 4 năm 2001. Khi đến thăm Mỹ, bộ trưởng đã được nhiều nhân vật quan trọng như ngoại trưởng Colin Powell, bộ trưởng quốc phòng Donald Rumfeld và cố vấn an ninh Quốc gia Condoleezza Rice, không thể ngờ, chính Tổng thống Mỹ George W.Bush đón tiếp. Bộ trưởng Jaswant Singh cho biết “Tổng thống rất coi trọng Ấn Độ chẳng phải chỉ đối với khu vực, mà như một nhân tố của ổn định và hòa bình” [37,38]. Như vậy, đây là lần đầu tiên trong nhiều năm, Mỹ coi Ấn Độ đủ quan trọng để xứng đáng với cách ứng xử lịch thiệp dành cho các đồng minh truyền thống lớn.
Bộ trưởng Jaswant Singh đến thăm Mỹ với hai mục tiêu cơ bản. Một là, tìm hiểu xem chính quyền Bush có tiếp tục duy trì mối quan hệ đang khởi sắc với Ấn Độ vốn được bắt đầu trong những năm cuối của nhiệm kỳ Tổng thống Bill Clinton hay không. Hai là, thăm dò những triển vọng của việc nâng mối quan hệ giữa hai nước lên một mức cao hơn.
Với mục tiêu thứ nhất, Tổng thống Mỹ George W.Bush cam kết rằng Mỹ muốn tiếp tục duy trì những gì đã đạt được gần đây trong mối quan hệ hai nước. Với mục tiêu thứ hai, tất cả những tín hiệu từ ban lãnh đạo mới của Mỹ đều là tích cực, trong đó, quan trọng nhất là Mỹ sẽ sẵn sàng thảo luận về một mắt xích lớn trong quan hệ hai nước - đó là sự hợp tác quân sự.
Kết quả này được khẳng định thêm như lời bà Condoleezza Rice nói với bộ trưởng Singh: Ấn Độ giờ đây đã giành được chổ ngồi cùng bàn với các cường quốc thế giới[86,5].
Thông qua chuyến đi, liên minh Ấn Độ - Mỹ dần dần trở thành hiện thực khi cả hai bên đều xát định được những lợi ích chung về chính trị. Đó là cùng duy trì hòa bình ở Ấn Độ Dương, bảo đảm cho tuyến vận chuyển dầu từ vùng Vịnh với giá hợp lý, bảo vệ các tuyến đường biển trong khu vực, ngăn chặn việc phổ biến vũ khí hàng loạt và duy trì một cán cân lực lượng ổn định ở châu Á.
Năm 2001, George W.Bush lên làm Tổng thống, quyết tâm củng cố thế vượt trội của Mỹ trước tình trạng không ổn định sắp tới, khi nhiều cường quốc mới đang vươn lên mạnh mẽ đặc biệt là Trung Quốc. Chính quyền mới của Tổng thống Mỹ George W.Bush thấy cần phải biến đổi quan hệ với Ấn Độ. Vì một nước Ấn Độ thân thiện chẳng những là đối tác cân bằng quan trọng với Trung Quốc mà còn giúp Mỹ tăng cường an ninh trong khu vực và mở rộng dân chủ ở các nước đang phát triển. Tổng thống Mỹ George W.Bush bày tỏ ý định phát triển mối quan hệ với Ấn Độ trong nhiều dịp, thậm chí cả trước khi bầu cử. Trong một diễn văn tranh cử ông nói “ Ấn Độ hiện giờ đang bàn luận về tương lai và về con đường chiến lược của mình, Hoa Kỳ phải chú ý tới nước đó nhiều hơn”[86,38]. Trong suốt thời gian tranh cử Tổng thống, ông Bush luôn nhắc tới Ấn Độ như một cường quốc đang lên, điều này được bà Condoleezza Rice nói rõ hơn “Hoa Kỳ nên chú ý nhiều hơn tới vai trò của Ấn Độ trong thế cân bằng khu vực”[86,38].
Quan hệ hai nước được thắt chặt thêm sau cuộc tấn công của các lực lượng khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001 ở Mỹ. Ngay sau vụ tấn công trên, Ấn Độ lập tức ủng hộ hoàn toàn đối với mọi biện pháp mà Mỹ tiến hành, cho phép Mỹ sử dụng
căn cứ quân sự để chống khủng bố. Ngày 22 tháng 11 năm 2001 Tổng thống Mỹ George W.Bush đáp lại thiện chí bằng việc bãi bỏ lệnh trừng phạt Ấn Độ theo quy định của hiệp ước không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (NPT) khi Ấn Độ thử vũ khí hạt nhân năm 1998. Trong cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên vào tháng 11 năm 2001, Tổng thống Mỹ George W.Bush và Thủ tướng Vajpayee đã ký tuyên bố nhanh chóng chuyển đổi mô hình quan hệ Ấn Độ - Mỹ. Từ đó, quan hệ an ninh hai nước có bước tiến rõ rệt, thí dụ như cuộc họp tháng 12 năm 2001 giữa quan chức Ấn Độ và Mỹ ở Ấn Độ đã vạch kế hoạch phòng thủ chung dựa trên đối thoại đều đặn ở cấp cao.
Báo cáo chiến lược an ninh quốc gia mà Mỹ công bố tháng 9 năm 2002 khẳng định “ Ấn Độ có tiềm năng trở thành một trong những nước dân chủ vĩ đại nhất thế giới” và Mỹ “sẽ xây dựng mối quan hệ song phương Mỹ - Ấn với mọi khả năng, cố gắng làm cho quan hệ Mỹ - Ấn có sự thay đổi xứng đáng”[17,11]. Chính trong thời gian này, năm 2002, 2003 hai nước đã triển khai một loạt các cuộc viếng thăm cấp cao và hợp tác mang tính thực chất, trong đó bao gồm tập trận hỗn hợp, thăm viếng cấp cao, giao lưu và hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, trao đổi giữa nhân dân hai nước. Theo như lời của giám đốc nghiên cứu châu Á- TBD của Mỹ, Satu P.Limaye nhận định : “ Hai năm qua là hai năm đặc biệt của nền ngoại giao Ấn Độ đối với Mỹ”[87,9].
Thực tế cho thấy, trong khi quan hệ hai nước đang có những bước phát triển về nhiều mặt, ngày càng đi vào thực chất thì không tránh khỏi những khó khăn, thử thách. Quan hệ hai nước lại gặp khó khăn sau khi xảy ra cuộc tấn công của Pakistan vào quân đội Ấn Độ ngày 15 tháng 9 năm 2002 giết hại hơn 40 người. Bốn ngày sau, bộ trưởng bộ nội vụ Ấn Độ L.K.Advani trong diễn văn đọc trước Quốc hội đã bày tỏ sự “thất vọng” trước việc Mỹ công nhận Pakistan là đồng minh quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Đứng trước tình trạng căng thẳng trên, tháng 6 năm 2002, phía Mỹ đã cử thứ trưởng ngoại giao Richard Armitage đến Ấn Độ và Pakistan để dàn xếp cuộc xung đột. Tuy nhiên, việc này vẫn không ngăn được sự chỉ trích của các quan chức Ấn Độ. Bộ trưởng ngoại giao Ấn Độ Kanwal Sibli lên
án Mỹ làm tăng thêm mối đe dọa của cuộc chiến tranh hạt nhân vì Mỹ đưa ra lời cảnh báo khách du lịch Mỹ không nên đến Ấn Độ và bênh vực Pakistan mặc dù Pakistan ủng hộ chủ nghĩa khủng bố.
Sự việc càng căng thẳng thêm khi trong chuyến thăm Ấn Độ vào cuối tháng 7 năm 2002, ngoại trưởng Mỹ Collin Powel đã nói trong cuộc bầu cử ở khu vực Giammu và Kashmir: “ Mỹ hy vọng Ấn Độ đưa ra những biện pháp cụ thể để thúc đẩy sự tin tưởng của người dân Kasmir trong tiến trình bầu cử, cho phép các quan sát viên giám sát bầu cử và phóng thích các tù nhân chính trị là những biệp pháp có lợi”. Phát biểu của ông Powell đã khiến cho các quan chức ở Ấn Độ hết sức tức giận. Họ tuyên bố Ấn Độ không cần chứng nhận các cuộc bầu cử tự do và công bằng của người nước ngoài.
Như vậy, trong hai năm “đặc biệt” 2002 và 2003, quan hệ Ấn Độ - Mỹ đã đạt được nhiều thành tựu trong việc hợp tác công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực vũ trụ và hạt nhân và hàng trăm lần trao đổi của các phái đoàn cấp cao và bắt đầu các cuộc đối thoại mới. Tuy nhiên, vấn đề Pakistan, Kashmir, khủng bố và quan điểm khác biệt về cuộc chiến tranh Irac vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến mối quan hệ song phương.
Cách tốt nhất và thực tế nhất để giải quyết những khó khăn, khác biệt là thông qua đối thoại thẳng thắn, bình đẳng, hiểu biết, tôn trọng lợi ích chính đáng