Xuất phát từ lợi ích hai bên, quan hệ kinh tế giữa Ấn Độ và Mỹ được thúc đẩy mạnh mẽ. Ấn Độ là một cường quốc đang phát triển ở khu vực châu Á với tốc độ phát triển kinh tế nhanh. Mỹ nhận thức được việc Ấn Độ phát triển mạnh về kinh tế sẽ rất cần đến thị trường rộng lớn, vốn đầu tư và kỹ thuật cao của Mỹ, nên cần phải hợp tác với Ấn Độ và việc làm này sẽ mang lại lợi ích cho Mỹ, nếu không Mỹ sẽ tự đánh mất đi một thị trường rộng lớn, hấp dẫn và có giá trị.
Bước vào thế kỷ XXI, tổng kim ngạch thương mại Ấn Độ - Mỹ hàng năm đều tăng. Từ 5,1 tỉ USD năm 1991 - năm Ấn Độ tiến hành cải cách- lên 14,4 tỉ USD năm 2000 (tăng 182%), đến năm 2010, tổng kim ngạch thương mại hai nước tiếp tục tăng mạnh lên 48,8 tỉ USD (tăng 238% so với năm 2000). Năm 2009, chịu ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nên tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của hai nước là 37,6 tỉ USD (giảm 13,4 % so với năm 2008). Với kim ngạch
thương mại hai chiều Ấn Độ - Mỹ đạt 48,8 tỷ USD vào năm 2010, Mỹ trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Ấn Độ. Còn Ấn Độ đã trở thành đối tác thương mại thứ 12 của Mỹ.
Trong đó, xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ tăng hơn 178% từ năm 2000 là 10,6 tỉ USD và đến năm 2010 là 29,5 tỉ USD. Hiện nay, Mỹ trở thành thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Ấn Độ. Còn Ấn Độ trở thành nhà cung cấp hàng hóa thứ 14 của Mỹ (29,5 tỷ USD năm 2010).
Chủng loại hàng xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ bao gồm chủ yếu công nghệ thông tin, dịch vụ, sản phẩm công nghiệp, kim cương, đồ trang sức, dệt may và quần áo, thảm, tôm và các sản phẩm biển khác. Các mặt hàng này chiếm trên 70% xuất khẩu của Ấn Độ sang Mỹ. Trong đó, Ấn Độ là nhà xuất khẩu phần mềm và dịch vụ hàng đầu sang Mỹ, phía Mỹ xuất khẩu sang Ấn Độ bao gồm máy móc, phân bón, máy bay và thiết bị hàng không, thiết bị y tế và hóa chất hữu cơ .
Cụ thể, Năm 2010, Ấn Độ xuất khẩu 5 hàng hóa chủ yếu sang Mỹ là: đá quý (kim cương) ( 6,9 tỷ USD), dược phẩm (2,4 tỷ USD), nhiên liệu (dầu) (2,3 tỷ USD), Dệt may (5,7 tỷ USD), và Hóa chất hữu cơ (1,7 tỷ USD)[112] .
Cũng trong năm 2010, Ấn Độ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang Mỹ đạt 1,6 tỷ USD, bao gồm: các loại hạt cây ( 191 triệu USD), các loại gia vị ( 162 triệu USD), các loại tinh dầu ( 122 triệu), gạo (110 triệu USD), và chế biến trái cây và rau quả (102 triệu USD). ..
Về phía Mỹ, từ năm 2000 đến năm 2010 hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 424 %, tăng từ 3,7 tỷ USD năm 2000 lên hơn 19,2 tỷ USD trong năm 2010, đặc biệt từ năm 2002 đến 2009, Mỹ xuất khẩu dịch vụ sang Ấn Độ tăng hơn ba lần, tăng từ 3,2 tỷ USD năm 2002 lên hơn 9,9 tỷ trong năm 2009. Với ước tính tăng trưởng kinh tế khoảng 9,7% trong năm 2010, Ấn Độ là nước nhập khẩu thứ 17 và là nước xuất khẩu thứ 21 của Mỹ [112].
Trong 10 năm qua, hơn 50 bang của Mỹ đã xuất khẩu sang Ấn Độ. Trong năm 2009, hơn một nửa nước Mỹ báo cáo các chuyến hàng xuất khẩu hàng hóa đạt trên 100 triệu USD.
Chủng loại hàng xuất khẩu của Mỹ sang Ấn Độ chủ yếu là máy bay, phân bón, máy móc, đá quý, kim loại, đồ trang sức, hóa chất, thiết bị y tế…
Cụ thể, hàng hóa của Mỹ xuất khẩu sang Ấn Độ trong năm 2010 là 19,2 tỷ USD, hàng hóa xuất khẩu chủ yếu trong năm 2010 là : đá quý kim cương và vàng (4,2 tỷ USD), Máy móc (2,7 tỷ USD), Máy móc thiết bị điện (1,4 tỷ USD), máy bay(1,3 tỷ USD), phân bón (1,1 tỷ USD)…
Cũng trong năm 2010, Mỹ xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp sang Ấn Độ đạt 755 triệu USD. Hàng hóa chủ yếu gồm: các loại hạt cây (244 triệu USD), dầu đậu tương (133Triệu USD), đậu (96 triệu USD) và bông (69 triệu USD), ngoài ra còn các loại hàng hóa khác như cá, các sản phẩm lâm nghiệp…. Ấn Độ là thị trường xuất khẩu lớn nhất thứ 35 cho hàng hóa nông nghiệp của Mỹ.
Ngoài ra, Ấn Độ còn là một trong những thị trường đầy tiềm năng đối với các tập đoàn quốc phòng của Mỹ. Nếu trước đây Ấn Độ chủ yếu mua các trang thiết bị, khí tài quân sự của Nga và các tập đoàn quân sự châu Âu, thì đến nay, nước này đã chuyển hướng sang Mỹ với tổng giá trị hợp đồng lên tới 3,5 tỷ USD cho năm 2008.
Bảng sau đây cho thấy phần nào bức tranh tổng thể về thương mại Ấn Độ - Mỹ từ năm 2000 đến năm 2010
Kim ngạch ngoại thương Ấn Độ - Mỹ từ 2000 đến năm 2010
Đơn vị: Triệu USD
Năm Tổng giá trị Ấn Độ xuất khẩu Ấn Độ nhập khẩu
2000 14354 10687 3667 2001 13494 9737 3757 2002 15919 11818 4101 2003 18035 13055 4980 2004 21681 15572 6109 2005 26723 18804 7919 2006 31505 21831 9674 2007 39042 24073 14969 2008 43386 25704 17682 2009 37607 21166 16441 2010 48782 29532 19250
Như đã thấy trong bảng, quan hệ thương mại Ấn Độ - Mỹ từ 2000 đến 2010 vẫn giữ vững chiều hướng ngày càng tăng, điều này chứng tỏ hàng hóa của Ấn Độ được thị trường Mỹ chấp nhận.
Trong sự tăng trưởng mạnh mẽ của quan hệ thương mại hai nước, theo chúng tôi, có sự đóng góp đáng kể của các hoạt động xúc tiến thương mại thông qua các chuyến viếng thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong thời gian qua.
Sau chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Clinton vào tháng 3 năm 2000, quan hệ kinh tế giữa hai nước được thúc đẩy thêm một bước thông qua quyết định thể chế hóa quan hệ hợp tác ở các cấp bậc khác nhau. Hai bên đã thành lập các nhóm làm việc để theo dõi đầu tư, buôn bán và trao đổi công nghệ cao. Từ năm 1998, Ấn Độ đã trở thành thành viên của tổ chức thương mại thế giới (WTO), điều này vừa làm tăng vai trò của Ấn Độ trong các mối quan hệ kinh tế quốc tế mà còn tạo điều kiện cho quan hệ kinh tế Ấn Độ - Mỹ ngày càng phát triển[15, 268].
Tháng 7 năm 2005, Ấn Độ và Mỹ công bố thành lập diễn đàn chính sách thương mại. Hai bên nhất trí thành lập 5 nhóm nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa hai nước: Nông nghiệp, thuế quan và hàng rào phi thuế quan, dịch vụ, đầu tư, đổi mới và sáng tạo (sở hữu trí tuệ). Mỗi nhóm làm việc dưới sự chủ trì của các quan chức cấp cao Ấn Độ và Mỹ. Cho đến nay, diễn đàn đã thành công trong việc giải quyết một số những vấn đề nổi bật và cải thiện quan hệ thương mại và đầu tư song phương.
Ngoài ra, trong bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Bush diễn ra tại thủ đô Wasington, một tuần trước khi tới thăm Ấn Độ, Tổng thống Mỹ Bush đã đề cập sự phát triển kinh tế của hai nước: “Mối quan hệ kinh tế của Mỹ và Ấn Độ rất vững mạnh và ngày càng trở nên tốt đẹp hơn. Năm 2005, khối lượng xuất khẩu của Mỹ sang Ấn Độ tăng hơn 30%. Hiện Ấn Độ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất thế giới. Quan hệ kinh tế ngày càng gia tăng giữa hai nước đã tạo điều kiện cho các công ty Mỹ trở nên cạnh tranh hơn trong thị trường toàn cầu và giúp cho các công ty này tạo ra nhiều công ăn việc làm cho nhân dân Mỹ”[ 90,2].
Trong Tuyên bố chung Ấn Độ - Mỹ nhân chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 3 năm 2006 của Tổng Thống Bush, hai bên đã nhất trí tăng cường nổ lực nhằm phát triển một môi trường kinh doanh song phương hậu thuẫn cho buôn bán và đầu tư.
Ngoài ra, hai bên còn tìm cách mở rộng sự hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp bằng cách phát động sáng kiến tri thức về nông nghiệp, thông qua các hiệp định để tìm hướng đi nhằm mở cửa thị trường Mỹ cho mặt hàng xoài của Ấn Độ, thừa nhận việc Ấn Độ có quyền chứng nhận khối lượng hàng hóa của Ấn Độ xuất sang Mỹ đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản của bộ nông nghiệp Mỹ, và chuẩn bị cho các cuộc thảo luận về các quy định hiện hành tác động tới hoạt động buôn bán rau quả tươi, gia cầm, bơ sữa và hạnh nhân[68].
Quan hệ kinh tế Ấn Độ - Mỹ ngày càng phát triển hơn khi hai nước ký hiệp định hạt nhân trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Bush. Đây là vấn đề chiến lược giữa hai nước, gồm cả an ninh năng lượng, tạo ra nhiều cơ hội kinh tế to lớn. Hiệp định này sẽ tạo ra khả năng đầu tư khoảng 40 tỷ USD trong vòng 15 năm tới, qua việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Đây là cơ hội lớn cho các công ty hàng đầu của Mỹ. Nếu hiệp định được thông qua, các dự án được thực hiện thì đến năm 2025, Ấn Độ sẽ sản xuất 40000MW điện hạt nhân, bằng 20% sản lượng điện của Ấn Độ (hiện nay là 3%). Do thiếu năng lượng nên nhiều nhà máy của Ấn Độ chỉ hoạt động được ½ công suất. Khi hiệp định được thực hiện, Ấn Độ sẽ có đủ năng lượng thì khả năng hoạt động sẽ tốt hơn.
Sang năm 2009, các hoạt động xúc tiến thương mại đã được hai nước tiến hành thường xuyên hơn. Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Shri Anand Sharma đã đến thăm Washington (16-18 tháng 6 năm 2009) và tham gia vào Hội nghị cấp cao kỷ niệm 34 Hội đồng Kinh doanh Mỹ-Ấn Độ (USIBC). Ông đã viếng thăm một lần nữa trong thời gian từ 13-15 tháng 10 năm 2009 để tham dự Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu. Bộ trưởng Bộ Dệt may Shri Dayanidhi Maran viếng thăm Las Vegas trong thời gian 29-31 tháng 8, năm 2009 khai trương gian hàng Ấn Độ tại Hội chợ trang phục MAGIC. Đại diện Thương mại Mỹ, Đại sứ Ron Kirk, đã đến thăm New Delhi trong tháng 9 năm 2009 và một lần nữa trong tháng 10 năm 2009
để tham gia hội nghị thương mại Ấn Độ-Mỹ. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải đường bộ và đường cao tốc Shri.Kamal Nath thăm Mỹ từ ngày 11-12 tháng 9 năm 2009. Bộ trưởng Bộ Môi trường và Lâm nghiệp Shri Jairam Ramesh đã đến thăm Washingtơn từ ngày 30 đến ngày 02 tháng mười 2009. Dr.Farooq Abdullah, Bộ trưởng Bộ Năng lượng mới tái tạo đã tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Năng lượng Ấn Độ-Mỹ tại Washingtơn trong tháng 9 năm 2009. Dr.Montek Singh Ahluwalia, Phó Chủ tịch, Ủy ban Quy hoạch, đến thăm Washington vào những dịp khác nhau trong năm để tham gia vào các cuộc họp của Ngân hàng Thế giới.
Tháng 3 năm 2010, hai nước đã ký một thỏa thuận khung về hợp tác thương mại và đầu tư tại Mỹ, một thỏa thuận mà đại diện Thương mại Mỹ Ron Kirk nói rằng sẽ mở ra “một tiềm năng gần như vô hạn cho sự phát triển thương mại giữa hai nước”.
Ngày 6/4/2010, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timonthy Geithner đã sang thăm Ấn Độ, hai bên đã tập trung thảo luận vào các vấn đề như quản lý kinh tế toàn cầu, đầu tư tài chính và xây dựng cơ sở hạ tầng. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timonthy Geithner phát biểu: “Ấn Độ là một cường quốc toàn cầu đang trỗi dậy và là nước đang tăng cường quan hệ tài chính và kinh tế với Mỹ”[94].
Nhờ những hoạt động này, các doanh nghiệp hai nước thường xuyên có được thông tin lẫn nhau, hiểu biết nhau hơn và đây là một trong những cơ sở để hoạt động trao đổi thương mại Ấn Độ - Mỹ có điều kiện mở rộng và phát triển.
Như vậy, mối quan hệ thương mại Ấn Độ - Mỹ từ năm 2000 đến năm 2010 nhìn chung phát triển theo hướng đi lên, tuy nhiên có lúc lên xuống thất thường do ảnh hưởng của tình thế thế giới và khu vực (năm 2009). Mỹ là đối tác trao đổi thương mại và là nguồn đầu tư lớn nhất của Ấn Độ. Số liệu thống kê của Chính phủ Mỹ cho thấy quan hệ thương mại Mỹ – Ấn chỉ đạt 5 tỉ USD vào năm 1990 nhưng đã tăng lên 14 tỉ USD vào năm 2000. Đến năm 2010, Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ với kim ngạch thương mại hai chiều lên tới gần 50 tỉ USD.
Tuy nhiên, những chỉ số trên cho thấy kim ngạch ngoại thương Ấn Độ - Mỹ không lớn so với tiềm năng phát triển của hai nước và so với quan hệ thương mại giữa các nước lớn khác. Mặc dù quy mô kinh tế của Ấn Độ là rất lớn song quốc gia này hiện chỉ là đối tác thương mại thứ 14 của Mỹ. Kim ngạch thương mại Ấn Độ - Mỹ chỉ bằng 1/10 kim ngạch thương mại Mỹ - Trung Quốc, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại thứ 2 của Mỹ sau Canađa.
Chẳng hạn cùng lấy mốc thời gian là năm 2008 với tổng kim ngạch ngoại thương hai nước đạt 43 tỷ USD. Trong khi đó thì tổng kim ngạch Trung quốc – Mỹ là 407 tỷ USD, Nhật Bản – Mỹ là 204 tỷ USD, Hàn Quốc – Mỹ là 83 tỷ USD…
Trong thập kỷ qua, nhờ kinh tế, hai bên đã tiến đến gần nhau hơn, kinh tế tiếp tục là động lực cho mối quan hệ Ấn Độ - Mỹ trong tương lai. Chính vì thế, bất chấp những khó khăn do bối cảnh quốc tế tác động hay do bất đồng trong quá trình giao thương giữa, cả hai nước từng bước khắc phục những rào cản thương mại tiến tới xây dựng mối quan hệ kinh tế mang tầm chiến lược trong thế kỷ XXI.