Kể từ vụ thử vũ khí hạt nhân năm 1974 và năm 1998, Mỹ đã tiến hành lệnh cấm vận hạt nhân với Ấn Độ. Nhưng sau hơn ba thập kỷ kéo dài cấm vận, giờ đây Mỹ đã đảo ngược nguyên tắc này.
Tháng 11/2001, Thủ tướng Ấn Độ Alal Bihari Vajpayee đến thăm Mỹ, hai bên đã đồng ý nối lại đối thoại và hợp tác về vấn đề an ninh hạt nhân. Trong chuyến thăm Mỹ vào tháng 7 năm 2005 của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh, hai bên
đồng ý tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, Tổng thống Bush cam kết giúp Ấn Độ phát triển kỹ thuật năng lượng hạt nhân. Hai bên đã ký thỏa thuận nguyên tắc của Hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự (ANC). Tuyên bố chung ngày 18/7/2005 nhấn mạnh Ấn Độ là một “quốc gia trách nhiệm có công nghệ hạt nhân tiên tiến”, “đáng được hưởng quyền lợi và lợi ích giống như các nước khác” và Mỹ sẽ “dỡ bỏ lệnh cấm buôn bán hạt nhân cho Ấn Độ, và Mỹ sẽ giúp đỡ chương trình năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình của Ấn Độ và mở rộng hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và kỹ nghệ vệ tinh” [93,31].
Tháng 3 năm 2006, trong chuyến công du sang Ấn Độ của Tổng thống Mỹ Bush, hai nước đã ký một thỏa thuận lịch sử về hợp tác hạt nhân dân sự, theo đó Ấn Độ sẽ được tiếp cận công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ, đổi lại Ấn Độ sẽ mở cửa 14 nhà máy dân sự cho các thanh sát viên Liên Hợp Quốc kiểm tra và giám sát.
Tháng 12 năm 2006, Tổng thống Mỹ George W.Bush ký một dự luật đã được Quốc hội Mỹ thông qua, cho phép thực hiện thỏa thuận trên. Theo đó, cho phép Mỹ xuất khẩu nhiên liệu và công nghệ hạt nhân dân sự cho Ấn Độ.
Tháng 7-2007, hai nước thông báo đã hoàn thành thỏa thuận sau nhiều tháng thương lượng căng thẳng về ANC. Tháng 8-2007, văn bản chính thức của ANC (gọi là thỏa thuận 123) được công bố đồng thời tại hai nước. Đây là bước ngoặt mở đường cho việc lần đầu tiên trong vòng 30 năm, Ấn Độ có thể mua các lò phản ứng cũng như nguyên liệu hạt nhân từ Mỹ.
Theo hiệp định này, Ấn Độ sẽ được phép tiếp cận với công nghệ hạt nhân dân sự của Mỹ, mua máy móc tiên tiến (như siêu máy tính) phục vụ cho nghiên cứu hạt nhân, được giao dịch hạt nhân với các nước. Ngoài ra, Mỹ sẵn sàng cho phép Ấn Độ tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng ngay khi Ấn Độ xây dựng một cơ sở tái chế mới. Mỹ cũng đồng ý tiếp tục cung cấp nhiên liệu hạt nhân cho Ấn Độ ngay cả khi Mỹ ngừng hợp tác nếu Ấn Độ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.
Cũng theo khuôn khổ của hiệp định này, Ấn Độ không phải từ bỏ quyền được thử hạt nhân và không phải ký Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT). Để đảm bảo, luật của Mỹ chỉ yêu cần ngưng hợp tác hạt nhân nếu Ấn Độ thử hạt
nhân. Tuy nhiên, hiệp định yêu cầu phải tiến hành ngay lập tức các cuộc tư vấn song phương nếu phía Ấn Độ thử hạt nhân và những cam kết theo đó hai bên sẽ xem xét bối cảnh có thể ảnh hưởng tới quyền lợi an ninh quốc gia. Nói cách khác là, theo khuôn khổ của hiệp định 123, Ấn Độ có quyền được thử hạt nhân nếu các nước khác làm như vậy.
Phía Ấn Độ phải chấp nhận thanh sát quốc tế của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA và tuân thủ các qui định chung tại 14 nhà máy hạt nhân dân sự của Ấn Độ, 8 nhà máy hạt nhân quân sự của Ấn Độ không nằm trong khuôn khổ điều chỉnh của hiệp định.
Hai nước Ấn Độ, Mỹ đều xem hợp tác trong lĩnh vực hợp tác hạt nhân là trụ cột trong mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
Đối với Ấn Độ, đây sẽ là động lực thúc đẩy và hoàn tất những mục tiêu trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội.
Ấn Độ là một quốc gia đông dân thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ năng lượng lớn thứ năm của thế giới. Vì vậy, phát triển năng lượng hạt nhân là một trong những giải pháp mà Ấn Độ lựa chọn trong chiến lược an ninh năng lượng, để thay thế một phần điện sản xuất từ than ở nước này.
Tuy nhiên trong khi được xem là có lợi ích trên khía cạnh năng lượng thì một số dư luận Ấn Độ cho rằng hiệp định này sẽ ảnh hưởng tới khả năng vũ khí hạt nhân của Ấn Độ và sẽ làm cho Ấn Độ ngày càng lệ thuộc vào Mỹ.
Về phía Mỹ, dư luận cũng có những phản ứng khác nhau về sự kiện này. Một số cho rằng hiệp định này sẽ tăng cường mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Mỹ. Một số khác lại cho rằng “đây là một thất bại hạt nhân lịch sử”
Edward J. Markey, Hạ nghị sỹ thuộc đảng dân chủ cho rằng: Tổng thống Mỹ đã giáng một đòn nặng vào các qui định hạt nhân, theo đó cả thế giới phải tuân theo. Hạ nghị sỹ gọi hiệp định này là một thất bại hạt nhân có tính lịch sử và khẳng định hiệp định này gây ra những mối nguy hiểm đối với an ninh quốc gia Mỹ. Ông còn tỏ ra e ngại rằng các nước khác có thể đòi ký một hiệp định tương tự. ông nói: “ Nét mực trên hiệp định này vừa khô, Pakistan đang đòi một hiệp định tương tự mà
Tổng thống Bush đã ký với Ấn Độ”.
Chính quyền Tổng thống Bush cũng đã phủ nhận việc dành cho Pakistan hay bất kỳ một nước nào khác. Ấn Độ là một trường hợp ngoại lệ duy nhất, và không thể xem đây như là một tiền lệ cho bất cứ nước nào khác trong tương lai.
Tuy nhiên, con số các nghị sỹ Mỹ phản đối hiệp định này không nhiều. Ngay cả các nhân vật chống đối Tổng thống Bush cũng đã ủng hộ hiệp định này. Gary Ackerman, đồng chủ tịch (đảng Dân chủ), thành viên cấp cao trong ủy ban quan hệ quốc tế của Hạ viện, tuyên bố rằng: “Mặc dù tôi rất bất đồng với Bush về một loạt vấn đề, cả trong nước và quốc tế, nhưng tôi tán thành với ông ta về chủ đề của hiệp định hạt nhân Mỹ - Ấn. Ấn Độ xứng đáng trong kỷ nguyên hợp tác mới với Mỹ về sử dụng điện hạt nhân vì mục đích dân sự và bản hiệp định này là một sự lựa chọn chiến lược đúng đắn”[65].
Cộng đồng quốc tế và IAEA lại hoan nghênh hiệp định này. Thủ tướng Anh Tony Blair cho rằng“ hiệp định đã mang lại lợi ích thật sự cho hệ thống không phổ biến hạt nhân và có những đóng góp đáng kể đối với mục tiêu kinh tế và môi trường của Ấn Độ và cộng đồng quốc tế”. Ông khẳng định: “ Tôi đang chờ việc hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Ấn Độ và các đối tác trong nhóm cung cấp hạt nhân về chi tiết của hiệp định quan trọng này”. Tổng thống Pháp Jacques Chirac cho rằng: Hiệp định đã đánh dấu những tiến bộ của cả những hoạt động kiểm soát không phổ biến hạt nhân và những nổ lực ngăn chặn trên toàn cầu. Giám đốc IAEA M. El Baradei khẳng định rằng: Hiệp định là một bước tiến toàn cầu hóa hệ thống bảo vệ quốc tế và biến Ấn Độ thành một “đối tác quan trọng trong hệ thống không phổ biến hạt nhân”[64].
Về phần mình, Trung Quốc - quốc gia láng giềng với Ấn Độ, phản ứng một cách thận trọng trước hiệp định này. Ông Lưu Kiến Siêu, người phát ngôn của bộ ngoại giao Trung Quốc tuyên bố : “ Chúng tôi tin rằng các nước khác nhau có thể hợp tác trong việc sử dụng năng lượng hạt nhân một cách hòa bình trên cơ sở tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế”. Tuy nhiên, bất cứ thỏa thuận nào, Ông Lưu Kiến Siêu nói thêm, “nên có lợi cho việc tăng cường các nổ lực không phổ biến hạt nhân quốc tế”[64].
Pakistan – một quốc gia láng giềng và cũng không tham gia NPT như Ấn Độ, đã lên tiếng khuyến cáo rằng: thỏa thuận hợp tác hạt nhân dân sự vừa được thông qua giữa Mỹ và Ấn Độ có nguy cơ gây nên một cuộc chạy đua vũ trang tại Nam Á. Chính vì thế, Pakistan cho rằng : “ Sự ổn định chiến lược ở Nam Á và chính sách không phổ biến vũ khí hạt nhân toàn cầu sẽ được đáp ứng tốt hơn nếu Mỹ xem xét cách tiếp cận cả gói đối với Pakistan và Ấn Độ…với quan điểm ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân trong khu vực này.”
Đối với Nga, nước duy nhất trong Nhóm các nhà cung cấp hạt nhân (NSG: Nuclear Suppliers Group) phát triển công cuộc hợp tác hạt nhân với Ấn Độ. Nếu hiệp định hợp tác hạt nhân Ấn – Mỹ được ký kết thì sự độc quyền về hạt nhân của Nga ở Ấn Độ sẽ bị phá vỡ. Do đó, ngành nguyên tử của Nga sẽ rất khó khăn giữ được vị thế trên thị trường Ấn Độ trước triển vọng bành trướng của Mỹ.
Trước nguồn dư luận trong nước và quốc tế về lập trường của Mỹ trong việc ký hiệp định hạt nhân dân sự với Ấn Độ. Chính quyền Mỹ đã giải thích như sau: Vì Ấn Độ là trường hợp ngoại lệ duy nhất (Ấn Độ chưa ký Hiệp ước NPT cũng như CTBT) do có thành tích đầy ấn tượng trong việc không phổ biến hạt nhân và Mỹ cũng khuyến khích các nước thành viên trong Nhóm các nước cung cấp nguyên liệu hạt nhân (NSG) ký các hiệp định tương tự; rằng Hiệp định có tác dụng tích cực cho việc chống lại hiện tượng trái đất nóng lên vì Ấn Độ có đến hơn 1 tỷ người và là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, Ấn Độ đang tiêu thụ một phần lớn lượng cung cấp nhiên liệu của thế giới và là một trong những nguyên nhân làm cho giá dầu thế giới tăng cao như vừa qua. Ấn Độ sẽ phải tách riêng các cơ sở hạt nhân dân sự và quân sự, những cơ sở dân sự phải để cho quốc tế giám sát chứ không thể chuyển hóa vào mục đích quân sự, và hiệp định này có lợi cho quan hệ hữu nghị với một nước dân chủ lớn nhất thế giới và nó mang lại công ăn việc làm cho nước Mỹ…Các quan chức Mỹ cố gắng giải thích rằng Hiệp định cũng cho phép Mỹ cung cấp cho Ấn Độ công nghệ hạt nhân dân dụng và thiết bị quân sự hiện đại nhưng không có ý phản bội các chính sách kiểm soát hạt nhân mà Mỹ theo đuổi trong hàng thập kỷ qua hay sẽ làm thay đổi so sánh lực lượng ở khu vực[94,31].
Trên thực tế, hiệp định hạt nhân Ấn – Mỹ là tâm điểm của mối quan hệ chiến lược đang gia tăng giữa hai nước, vốn cả hai bên đều có lợi từ mối quan hệ này. Đối với Mỹ, tăng cường mối quan hệ chặt chẻ với Ấn Độ là sự phát triển tự nhiên trong chính sách mở rộng dân chủ trên toàn thế giới và cũng là để thúc đẩy các mối quan hệ với các nước đồng lòng trong chiến dịch chống khủng bố của Mỹ. Châu Á là mặt trận chiến lược chủ chốt của Mỹ trong tương lai. Do đó, quan hệ chặt chẻ với Ấn Độ là hợp lý. Thậm chí một số người Mỹ còn xem Ấn Độ là thành trì trong tương lai chống lại ảnh hưởng đang lớn mạnh của Trung Quốc.
Đối với Ấn Độ, thỏa thuận hạt nhân với Mỹ rất quan trọng. Đó là, Ấn Độ cần phát triển lĩnh vực năng lượng, mà trong lĩnh vực này, Ấn Độ cần công nghệ của nước ngoài. Trong khi đó, Ấn Độ chưa ký hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) khiến nước này trở thành nước “ngoài lề” về hạt nhân. Do đó, thỏa thuận hạt nhân với Mỹ sẽ mở ra một hướng đi mới cho Ấn Độ trở thành thành viên được cộng đồng quốc tế chấp nhận. Như vậy, Ấn Độ thu về cả công nghệ lẫn vị thế, điều này có lợi cho Ấn Độ bước vào chính trường quốc tế.