- Riêng với quan niệm xem văn hoá như là một tiểu hệ thống đặc biệt của toàn bộ hệ thống xã hội thì nhóm này cho rằng văn hoá chỉ là mặt biểu hiện của đời sống tinh thần Cho nên tiểu hệ thống xã hội đặc biệt này cũng
2. Tiếp cận bản sắc văn hóa từ những biểu hiện cụ thể của sắc thái văn hóa
Thuật ngữ bản sắc là dùng để chỉ tính đồng nhất, cái căn cước riêng của mỗi cá nhân, nhóm, cộng đồng (tộc người hay quốc gia). Với quan niệm này, mỗi người có một căn cước riêng không giống với người khác. Trước năm 1975 ở miền Nam mỗi người có một thẻ căn cước mà nay gọi là chứng minh nhân dân. Qua thẻ căn cước chúng ta và cả nhân viên cảnh sát nhận ra ngay người này là anh A hay cô B qua nhân dạng, quê quán, ngày sinh, tháng đẻ, bố mẹ, anh em…
Trong nghiên cứu văn hóa các dân tộc có một thực tế bên cạnh những yếu tố văn hóa chung của các dân tộc do giao lưu tiếp xúc văn hóa hay do có mối quan hệ cội nguồn mỗi tộc người trong quá trình lịch sử đã sáng tạo ra những cái riêng khác với các dân tộc khác. Mỗi tộc người trong quá trình tồn tại và phát triển sống trong môi trường tự nhiên khác nhau, hoàn cảnh lịch sử, kinh tế, xã hội và văn hóa khác nhau, vì thế mỗi tộc người có các quan niệm, nhu cầu, sở thích, ứng xử và sự lựa chọn khác nhau và cả cách thức sáng tạo văn hóa cũng rất khác nhau mang tính tương đối của nó. Cũng là ăn, nhưng cách chế biến thức ăn, cách sử dụng dụng cụ trong ăn uống là khác nhau. Người Ấn Độ ăn bốc, người Việt dùng đũa, người phương Tây dùng dao, thìa, nĩa. Cũng là mặc, người Tây Nguyên chọn màu chàm đen
hoặc xanh, người Việt chọn màu nâu và đen, người Dao chọn màu đỏ sặc sỡ. Về cách mặc, người Tây Nguyên chọn cách quấn, khố là quấn, váy cũng quấn; trong khi đó các dân tộc khác cắt may quần áo có khuy cài theo các cách mặc khác. Người Việt có đàn bầu, đàn đáy; người Tây Nguyên có đàn tơ rưng, đàn đá là nhạc cụ gõ các dân tộc khác không có. Trong các trường hợp này, nếu theo quan điểm giá trị để nhận xét, đánh giá thì khó mà đưa ra các chuẩn mực, tiêu chí chung; cái nào tốt, cái nào xấu, cái nào hay, cái nào giở. Có thể hay với dân tộc này nhưng giở với dân tộc khác. Cũng vậy, dựa theo tiêu chí văn minh thì lại càng không so sánh đuợc. Vì văn minh thì có phát triển và chậm phát triển, lạc hậu và tiến bộ. Văn hóa có tính tương đối của nó không có thấp thua, hơn kém, tốt xấu. Vì vậy không thể lấy giá trị, chuẩn mực của dân tộc nay để đánh giá văn hoá của dân tộc khác. Tính tương đối của văn hóa tạo nên tính đa dạng của văn hóa. Cùng tạo nên một sản phẩm văn hóa nhưng cách lựa chọn, cách thức sáng tạo và sử dụng khác nhau. Nếu đánh giá theo quan điểm của giá trị thì sẽ dễ rơi vào tư tưởng dân tộc trung tâm, có thể đề cao văn hóa của mình, mạt sát văn hóa dân tộc khác hay tạo ra tâm lý tự ty mặc cảm đối với văn hóa của mình. Một ví dụ, trong thực tiễn xây dựng văn hóa các dân tộc bản địa Tây Nguyên sau giải phóng. Để phát triển văn hóa các dân tộc Tây Nguyên theo trào lưu chung, các cán bộ người Kinh phát động phong trào đốt khố thay bằng mặc quần; vì cho rằng đóng khố là lạc hậu, mặc quần mới văn minh. Đồng bào buộc phải đốt khố theo sự hướng dẫn của cán bộ, nhưng họ không có thói quen mặc quần theo kiểu người Kinh, một thời gian sau lại quay trở lại đóng khố. Một số người khác mặc cảm, tự ty nghĩ cán bộ coi thường đồng bào dân tộc, gây nên cú sốc về văn hóa và tâm lý.
Với cách nhìn nhận trên, một số người không đi tìm bản sắc văn hóa từ quan điểm giá trị mà từ quan điểm thực tiễn mang tính ứng dụng của nó.
Nhìn từ quan điểm này, Nguyễn Văn Huyên cho rằng: “Tòan bộ những đặc điểm địa lý, môi trường tự nhiên, nhân chủng, điều kiện kinh tế - xã hội của mỗi dân tộc quy định đặc trưng tâm lý, ý thức biến vào các biểu tượng, các mô thức ( vật chất, tinh thần), thành các phong tục, lối sống, phong cách tư duy, thị hiếu, sở thích, tiêu chí đánh giá, phương thức hoạt động độc đáo. Tất cả những cái đó tạo thành nét riêng của mỗi nền văn hóa mà người ta gọi là bản sắc văn hóa dân tộc” ( Nguyễn Văn Huyên, 2002. tr, 343). Ông cũng phân tích thêm: “ Bề ngoài bản sắc văn hóa dân tộc biểu hiện ở những tập quán, cách thức, phong thái, các hình thức mà người ta thường gọi là sắc thái dân tộc. Bên trong nó là cái ổn định thể hiện sức mạnh tiềm tàng, chi phối tư tưởng và hành động của dân tộc, tạo thành cái gọi là bản lĩnh dân tộc.
Như vậy bản sắc văn hóa dân tộc là nơi hội tụ các phẩm chất tinh túy đặc sắc nhất của dân tộc, là nhân lõi của bản chất văn hóa, là bộ gien lưu truyền sức sống dân tộc” ( Nguyễn văn Huyên, 2002, tr, 345).
Cũng với cách tiếp cận trên, khi nghiên cứu về văn hóa tộc người Ngô Đức Thịnh đã phân biệt hai khái niệm quan trọng trong nghiên cứu dân tộc học/nhân học: “ Văn hóa tộc người là tổng thể các yếu tố về tiếng nói, chữ viết, sinh hoạt văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần, các sắc thái tâm lý và tình cảm, phong tục và lễ nghi…khiến người ta phân biệt tộc người này và tộc người khác, văn hóa tộc người là nền tảng nẩy sinh và phát triển ý thức tộc người”; còn “ Văn hóa của tộc người là tổng thể những hiện tượng văn hóa trong diện mạo hiện tại của tộc người đó, không kể các yếu tố văn hóa đó có sắc thái tộc người hay trung tính về tộc thuộc” (Ngô Đức Thịnh, 1996).
Cũng như Nguyễn Văn Huyên, Ngô Đức Thịnh còn giả thích rõ hơn mối quan hệ giữa bản sắc và sắc thái tộc người: “ Bản sắc văn hóa là tổng thể những tính chất, tính cách, đường nét, màu sắc của văn hóa mỗi dân tộc, được hình thành và tồn tại bền vững trong tiến trình lịch sử, giúp cho văn hóa dân tộc giữ được tính duy nhất và thống nhất, phân biệt văn hóa của dân tộc này khác với các dân tộc khác.
Bản sắc văn hóa là cái trừu tượng, nhưng nó lại biểu hiện qua muôn vàn cái cụ thể của văn hóa, mà cái đó thường gọi là sắc thái văn hóa. Bởi vậy khi đề cập đến sắc thái tộc người cũng tức là chúng ta đụng chạm đến bản sắc văn hóa tộc người. Bản sắc văn hóa tộc người chính là cái hồn, cái sức sống của mỗi dân tộc, do vậy bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc tức cũng là bảo tồn , làm phong phú hơn và phát huy văn hóa của dân tộc ấy.
Nói tới bản sắc văn hóa dân tộc với tính chất là cái gì tinh túy, bản chất, là tâm hồn, sức sống của dân tộc, hay nói tới sắc thái văn hóa như là sự biểu hiện cụ thể của bản sắc (Ngô Đức Thịnh, tr, 109).
Cũng với cách nhìn nêu trên, Trần văn Khê diễn đạt một cáh cụ thể hơn: “ Bản là gốc, là cái lõi. Sắc là cái biểu hiện. Bản sắc là tính chất, màu sắc riêng tạo thành đặc điểm chung. Nói đến bản sắc dân tộc người ta nghĩ đến những “nét đặc thù” trong văn hóa của một dân tộc, văn hóa hiểu với nghĩa rộng của từ ấy bao gồm cách ăn, cách mặc, cách sống, cách thể hiện cái đẹp qua
mọi hình thức nghệ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, kiến trúc, hội họa” ( TrầnVăn Khê, 2002, tr, 379). Ông còn đưa ra dẫn chứng minh họa: chiếc áo dài tứ thân miền Bắc, giò lụa, chả quế, nem chua, đàn bầu, đàn đáy, phách tiền mang bản sắc Việt Nam vì: do dân Việt Nam chế tạo ra; chỉ thấy trên đất nước Việt Nam; được lưu truyền từ đời trước đến đời sau; đã chịu thử thách của thời gian và rất hợp với quan điểm thẩm mỹ của người Việt Nam.
Từ cách tiếp cận trên ông đưa ra các phương châm phát triển và trao đổi văn hóa rất đáng được trân trọng:
- Phương châm thứ nhất và cơ bản trong việc phát triển văn hóa là “ không làm mất bản sắc dân tộc”, là giữ trọn “tính dân tộc”;
- Phương châm thứ 2: Nên phát triển từ bên trong, trước khi vay mượn từ bên ngoài;
- Phương châm thứ ba: Khi vay mượn yếu tố bên ngoài để phát triển văn hóa của ta nên biết rất thấu đáo truyền thống của ta và người, để nhận rõ những yếu tố “phù hợp” hay “không phù hợp”, thậm chí “đại kỵ” với truyền thống của ta, để áp dụng hay gạt bỏ.
Ông còn nhắc nhở thêm: Cũng như việc ghép thảo mộc, hay ghép thận, ghép tim cho người, nếu hai yếu tố “phù hợp” gặp nhau sẽ nẩy sinh những cây cỏ lá thêm xanh, có hoa thêm tươi, có trái thêm ngọt, thì con người hết bệnh và khỏe mạnh. Nếu ngược lại sẽ có sự “đào thải” cây và người sẽ chết.
Như vậy, dù có diễn đạt khác nhau, nhưng giữa ba ông có sự thống nhất về những điểm sau: - Bản sắc văn hóa là cái tinh túy, bản chất, sức sống, tâm hồn của dân tộc;
- Bản sắc văn hóa là cái đặc sắc (cái riêng) để phân biệt văn hóa của dân tộc này khác với văn hóa của các dân tộc khác;
- Sắc thái văn hóa là cái biểu hiện cụ thể của bản sắc văn hóa vốn là cái trừu tượng qua các lĩnh vực khác nhau của sinh hoạt văn hóa dân tộc.
Vài nhận xét
Từ việc tìm hiểu hai cách tiếp cận nghiên cứu về bản sắc văn hóa nêu trên, cho phép chúng ta rút ra mấy nhận xét sau:
Cách tiếp cận nghiên cứu bản sắc văn hóa từ quan điểm giá trị là quan niệm khá phổ biến ở Việt Nam. Đây thường là quan điểm nghiên cứu của các nhà triết học văn hóa và văn hóa học, nghiên cứu văn hóa trong cấu trúc hệ thống và trong mối quan hệ tổng thể của các thành tố văn hóa dân tộc. Lợi thế của nó là tìm ra cái bản chất của văn hóa dân tộc, từ đó định hướng cho việc nhận thức, quan điểm bảo tồn và phát triển văn hóa về mặt lý luận. Mặt khác, vì cách tiếp cận này thiên về tính lý luận mang tính hàn lâm nên khó đề xuất các giải pháp cụ thể trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa từ những yếu tố văn hóa cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Cách tiếp cận bản sắc văn hóa từ những biểu hiện cụ thể của sắc thái văn hóa, không đồng nhất bản sắc văn hóa với giá trị truyền thống văn hóa, coi bản sắc khác với giá trị. Bản sắc là tinh túy bản chất, sức sống, là cái đặc sắc để phân biệt văn hóa của dân tộc này khác với dân tộc khác được biểu hiện qua các sắc thái văn hóa cụ thể khác nhau. Cách tiếp cận này thường là của các nhà dân tộc học/nhân học, xã hội học thiên về nghiên cứu thực chứng, nghĩa là nghiên cứu văn hóa trong bối cảnh cụ thể, trong sự quan hệ giữa các hệ thống văn hóa khác nhau và các hiện tượng văn hóa cụ thể. Cách tiếp cận này mang tính ứng dụng khi đề xuất những giải pháp cụ thể trong việc bảo tồn và phát triển văn hóa trong từng lĩnh vực văn hóa khác nhau của văn hóa dân tộc.
Do bản thân văn hóa là một thực thể phức tạp và đa dạng, việc tiếp cận nghiên cứu từ nhiều ngành khoa học khác nhau, trên các góc nhìn khác nhau. Vì vậy có những ý kiến, quan điểm khác nhau là điều dễ hiểu.
Chúng tôi chia sẻ với Phạm đức Dương khi chia văn hóa làm hai hệ thống khác nhau: hệ thống cấu trúc bề mặt (biểu tầng) gồm hệ thống ký hiệu biểu thị và hệ thống ký hiệu biểu tượng; hệ thống cấu trúc bề sâu (cơ tầng) gồm hệ giá trị và bản sắc. Chúng tôi quan niệm rằng, văn hóa chứa đựng hai thuộc tính: giá trị và bản sắc cũng giống như một thanh nam châm có hai đầu âm và dương. Không thể cắt thanh nam châm ra để chúng ta lấy ra cực dương hay âm. Cắt rời ra, thanh nam châm mới lại xuất hiện hai cực như cũ. Với quan niệm như thế, chúng tôi cho rằng cấu trúc cơ tầng của văn hóa có hệ giá trị và hệ bản sắc có mối quan hệ gắn bó với nhau không thể tách rời, nhưng lại không đồng nhất với nhau. Hệ giá trị dựa trên các chuẩn mực và tiêu chí đánh giá riêng nhằm đáp ứng những nhu cầu của cuộc sống con người, hướng tới cái chân, thiện, mỹ. Còn hệ bản sắc lại không có tiêu chuẩn đánh giá khi so sánh xuyên văn hóa giữa các dân tộc, nó phản ánh cái riêng, cái đặc thù của văn hóa mỗi dân tộc, thể hiện tính đa dạng trong cách thức sáng tạo, sử dụng và hưởng thụ văn hóa. Còn sắc thái văn hóa là những biểu hiện cụ thể của nó qua hệ thống biểu tầng gồm hệ thống ký hiệu biểu thị và hệ thống ký hiệu biểu tượng là những biến số của văn hóa qua các thành tố văn hóa khác nhau. Quy bản sắc văn hóa về giá trị văn hóa có thể làm cho chúng ta chưa thấy hết tính đa dạng của chúng.
Tài liệu trích dẫn