Cách tiếp cận bản sắc theo quan điểm giá trị

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học khái luận về văn hóa (Trang 62 - 65)

- Riêng với quan niệm xem văn hoá như là một tiểu hệ thống đặc biệt của toàn bộ hệ thống xã hội thì nhóm này cho rằng văn hoá chỉ là mặt biểu hiện của đời sống tinh thần Cho nên tiểu hệ thống xã hội đặc biệt này cũng

1. Cách tiếp cận bản sắc theo quan điểm giá trị

Trong Nghị quyết Hội nghị BCHTƯ lần thứ 5 ( khóa VIII), Đảng ta xác định bản sắc văn hóa dân tộc là những giá trị bền vững, đó là tinh hoa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, được vun đắp qua quá trình lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trong đó bao gồm:

- Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc;

- Tinh thần đòan kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân - gia đình – làng xã – Tổ quốc; - Lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghiã tình, đạo lý;

- Đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động;

Đối với chúng ta, những giá trị trên đây tạo sự đồng thuận về mặt xã hội và chính trị, do đó góp phần định hướng cho sự lựa chọn mô hình Việt Nam về các mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Quan niệm trên đây đã ảnh hưởng chi phối đến quan niệm của các nhà lãnh đạo và quản lý văn hóa và cả các nhà nghiên cứu. Và khá đông người theo quan điểm này mặc dù cách diễn đạt có khác nhau, nội dung có thêm bớt khác nhau. Việc nhìn nhận bản sắc theo quan điểm giá trị dẫn đến người ta thường đi tìm bảng giá trị các phẩm chất tinh thần của dân tộc để quy vào bản sắc văn hóa. Điều đó có thể nhận thấy trong một số bài báo và công trình nghiên cứu. Nguyễn Thế Nghĩa viết: “ Bản sắc văn hóa dân tộc ( nói một cách ngắn gọn) là kết tinh những giá trị tinh thần cốt lõi của dân tộcmang tính bền vững và trường tồn trong lịch sữ, mà trên đó các thế hệ nối tiếp nhau ra đời, kế thừa và phát triển. Trong lịch sử, “ giá trị tinh thần cốt lõi” này trở thành “ nền tảng tinh thần xã hội”, mà nhờ nó mỗi thế hệ mới ra đời ( không bị hụt hẫng) có thể thừa kế ngay được giá trị của quá khứ, hấp thụ được giá trị của hiện đại, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để tự phát triển mà không đánh mất mình” ( Nguyễn Thế Nghĩa, 1998). Cũng với cách tiếp cận đó có người còn liệt kê ra một bảng giá trị của văn hóa Việt Nam như: yêu nước, tinh thần bất khuất trong đấu tranh chống xâm lược, tính cộng đồng, cần cù, thông minh, sáng tạo, hiếu học, thương người… Bảng giá trị này nhìn qua thấy rất chính đáng, dễ dàng chấp nhận nhưng lại không chính đáng về mặt khoa học.

Khái niệm giá trị được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực khác nhau, được nhìn từ góc độ của nhu cầu xã hội, từ các quan niệm về nhân sinh. Trong đời sống xã hội, giá trị nằm trong tâm thức cá nhân, cộng đồng có tác động tới hành vi và ứng xử của con người. Với tư cách là sản phẩm của tập thể và là một bộ phận quan trọng hợp thành của nền văn hóa, các giá trị được hình thành và bảo lưu trong một qúa trình lịch sử lâu dài, ít biến đổi cái mà nhiều nhà khoa học gọi là hằng số, yếu tố tĩnh của văn hóa, nằm trong tâm thức của con người chính là các hệ thống giá trị. Cái gốc của văn hóa là giá trị. Nhưng hệ thống giá trị có các cấp độ (thang bậc) khác nhau cần được phân loại để tiến hành nghiên cứu. Có những giá trị phổ quát như CHÂN, THIỆN, MỸ. có hệ thống giá trị vật chất và tinh thần. Theo cấp độ của các đơn vị xã hội có giá trị cá nhân, nhóm, cộng đồng ( tộc người, quốc gia), khu vực và nhân loại.

Theo góc độ đáp ứng những nhu cầu xã hội, hệ thống phân loại này dựa vào các lĩnh vực khác nhau của đời sống con người:

- Giá trị thuộc về mặt sinh học ( sức khỏe, tuổi thọ, môi trường..) - Giá trị kinh tế ( giàu có, sang trọng, biết làm ăn…)

- Giá trị tri thức ( hiểu biết, học vấn, trọng trí thức ..) - Giá trị tâm linh (tôn giáo, tín ngưỡng…)

- Giá trị chính trị ( hệ tư tưởng, cách thức tổ chức và quản lý xã hội…) Theo quan niệm về nhân sinh, ý nghĩa của cuộc sống con người có các giá trị:

- Giá trị về lẽ sống ( quan niệm về thiện, ác, hạnh phúc và bất hạnh, ý nghĩa và mục đích của cuộc đời..)

- Giá trị hiện sinh ( sự sống, sức khỏe, an sinh xã hội…) - Giá trị về vị thế xã hội ( danh tiếng, địa vị, phẩm hàm..) - Giá trị trong giao tiếp cá nhân ( trung thực, vô tư, có thiện ý…) - Giá trị dân chủ ( các quyền tự do ngôn luận, đi lại, tín ngưỡng..) ( Mai văn Hai, 2005, tr, 116-117).

Giá trị có mối quan hệ với chuẩn mực nhưng không không hoàn toàn đồng nhất với nhau vì giá trị của những gì do con người sáng tạo nên đều được đánh giá bằng thước đo của chuản mực theo thang

bậc của chúng. Giá trị mang tính khái quát là những đối tượng lợi ích của con người và định hướng cho sự ứng xử cộng đồng hay cá nhân, là những biểu thị mối quan hệ thực tiễn của con người đối với các sự vật và hiện tượng xung quanh (Từ điển triết học (tiếng Việt). 1972). Còn chuẩn mực là cái được chọn làm căn cứ để đối chiếu. đánh giá, để hướng theo đó mà làm cho đúng và đồng thời là vật được chọn để đo lường.

Do giá trị có các hệ thống cấp bậc khác nhau nên khi nghiên cứu cần lưu ý là không được lẫn lộn giá trị của cấp độ này với các cấp độ khác. Vì mỗi cấp độ có các chuẩn mực và tiêu chí khác nhau. Ví dụ có người cho rằng lòng nhân ái (yêu người), cần cù, thông minh, sáng tạo là bản sắc của văn hóa Việt Nam. Thật là sai lầm, vì đó là những giá trị mang tính nhân loại chứ không phải giá trị mang tính dân tộc. Từ Phật Thích Ca, đến Chúa Giê su, Các Mác đã nói đến lòng nhân ái của loài người. Thông minh, sáng tạo, cần cù cũng vậy, nó là cái mang bản chất người là giá trị chung của nhân loại, vì con người khi hình thành đầy đủ về mặt sinh học, xã hội và văn hóa đã có những giá trị này. Cái khác là ở sự biểu hiện của nó ở các dân tộc là khác nhau. Vì người Việt Nam cũng nằm trong nhân loại nói chung, nên cũng có những giá trị này. Vì thế khi chúng ta có học sinh giỏi toán quốc tế hay tin học chúng ta nói rằng người Việt Nam thông minh, sáng tạo. Nói thế cũng đúng nhưng ca ngợi thái quá hóa ra bất cập, hóa ra các dân tộc khác không thông minh, sáng tạo hay sao? Không khéo chúng ta lại rơi vào tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan đề cao dân tộc mình vơi sự tư tôn và tự cao cổ xúy cho tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Thực ra, trên mặt bằng chung, vì nhiều lý do nhiều dân tộc toán học giỏi hơn ta, thi rôbốt ta được giải nhưng rôbốt thì người Nhật đứng hàng đầu. Như vậy, khi tìm giá trị dân tộc thì nên chỉ dừng lại những giá trị dân tộc mà thôi, theo các chuẩn mực và tiêu chí của nó. Gộp chung các giá trị của các thang bậc khác nhau sẽ làm rối lên và tính khoa học của nó bị mất đi.

Khi nghiên cứu về văn hóa, Phạm Đức Dương đã giới thiệu sơ đồ cấu trúc hai bậc của văn hóa. Theo sơ đồ này thì cấu trúc văn hóa có hai bậc: cấu trúc bề mặt gồm hệ thống ký hiệu biểu thị và hệ thống ký hiệu biểu tượng là biến số, yếu tố động của văn hóa; còn cấu trúc chiều sâu gồm hệ giá trị ( vật chất và tinh thần) và bản sắc văn hóa ( truyền thống, nếp sống). Nhưng sơ đồ này chưa giả thích mối quan hệ giữa hệ giá trị và bản sắc văn hóa. Theo ông, cấu trúc chiều sâu là bộ phận chìm khó nhìn thấy nằm dưới cơ tầng ( tức nằm trong tâm thức của con người), là yếu tố tĩnh của văn hóa. Đó chính là hệ giá trị của văn hóa. Giải thích về mối quan hệ giữa giá trị văn hóa với bản sắc văn hóa theo ông thì: “ Cấu trúc chiều sâu là cái kết tinh, lắng đọng nằm ẩn dưới cơ tầng đóng vai trò định hướng, điều chỉnh mọi sự biến đổi trên cấu trúc bề mặt, quy định bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng và nhân cách của mỗi cá nhân, định hình nền văn hóa của mỗi dân tộc trong không gian và thời gian ( Phạm Đức Dương, 2002. 221-236). Ở chỗ khác ông giải thích: các giá trị được chắt lọc và được kết tinh thành truyền thống của mỗi dân tộc, được cộng đồng lựa chọn tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc và được truyền từ đời này qua đời khác. Truyền thống như sợi chỉ đỏ xuyên suốt cộng đồng được gạn đục khơi trong để giữ lấy những gì tinh hoa, là vốn quý của dân tộc. Do đó, giá trị thực chất là phản ánh quan hệ cơ bản của con người…Các hệ giá trị là cái nhãn quan giúp con người lựa chọn những gì phù hợp với bản sắc văn hóa cộng đồng tạo nên những tập quán, thói quen, những nếp sống đẹp gắn chặt cố kết cộng đồng và khu biệt với các cộng đồng khác. Qua cách trình bày của ông thì ta hiểu, bản sắc văn hóa là các giá trị truyền thống được chắt lọc và kết tinh ( tinh hoa) được cộng đồng lựa chọn tạo nên bản sắc văn hóa của dân tộc. Cách giải thích này cho rằng giá trị quy định, định hướng bản sắc trong khi đó ở sơ đồ thì nó có quan hệ độc lập với nhau.

Đề cập nhiều đến giá trị và bản sắc văn hóa phải kể đến Trần Ngọc Thêm. Trong sách: Lý luận văn hóa (tập bài giảng) chưa công bố chính thức ông đã đưa ra một định nghĩa tổng quát: “ Văn hóa là một hệ thống giá trị mang tính biểu tượng do con người sáng tạo ra và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình” (Trần Ngọc Thêm, tr, 21). Như vậy, trong định nghĩa ông không nói đến bản sắc. Vì quan niệm văn hóa là một hệ thống giá trị, nên ông đã dành nhiều trang viết cho vấn đề này ( xem thêm tập bài giảng).

Khác với Phạm Đức Dương, coi giá trị là yếu tố tĩnh ( mặc dù có biến đổi nhưng chậm), Trần Ngọc Thêm cho rằng các giá trị văn hóa có thể mang tính tĩnh (ổn định) hoặc mang tính động (biến đổi). Con người và hoạt động của con người là những giá trị động, còn các sản phẩm do hoạt động của con người tạo ra là những giá trị tĩnh. Bàn về tính tĩnh và động ông đưa ra bảng : các loại giá trị văn hóa xét trong mối quan hệ giữa 3 cấu trúc “ văn hóa vật chất – văn hóa tinh thần”, Văn hóa hữu hình – văn hóa vô hình”, “ Văn hóa tĩnh – văn hóa động”. Ông rút ra nhận xét” vật chất thì tĩnh ngắn, động dài, còn tinh thần thì động ngắn, tĩnh dài”. Vì vật chất thì động dài, tĩnh ngắn nên bản sắc văn hóa không nằm ở các giá trị vật chất mà chỉ có thể là các giá trị tinh thần. Có thể định nghĩa bản sắc văn hóa của một dân tộc là các giá trị

tinh thần tồn tại tương đối lâu bền hơn cả trong truyền thống văn hóa của dân tộc ấy. “ Tương đối lâu bền” nghĩa là bản sắc văn hóa có thể được điều chỉnh, biến đổi nhưng rất chậm và khó khăn.

Việc nhận diện một giá trị là bản sắc có thể dựa vào 3 dấu hiệu: (a) Là giá trị tinh thần đã tồn tại tương đối lâu dài; (b) Có tác dụng chi phối các đặc điểm khác, các cách ứng xử và hoạt động, chi phối các hoạt động vật chất; (c) Cho phép phân biệt tộc người chủ thể với tộc người khác ( Trần Ngọc Thêm, tr, 47).

Nhìn lại các ý kiến của các nhà nghiên cứu nêu trên đều gặp nhau ở một điểm chung, mặc dù khi trình bày, diễn giải có sự khác nhau về tiểu tiết. Các ý kiến này tiếp cận nghiên cứu bản sắc văn hóa dân tộc từ theo quan điểm giá trị với tinh thần luận. Quan điểm này là cơ sở lý luận cho việc xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay và định hướng cho sự bảo tồn và phát triển văn hóa cho cả tương lai và vì thế nó dễ dàng được chấp nhận trên cả bình diện lý luận và thực tiễn.

Thế nhưng, trong nghiên cứu bản sắc văn hóa tiếp cận trên quan điểm giá trị thì chúng ta có thể đưa ra một bảng giá trị của văn hóa dân tộc cũng không mấy khó khăn. Nếu nhìn nhận bản sắc theo quan điểm giá trị thì đó chỉ là sự đánh giá của chúng ta hiện nay. Trên thực tế, giá trị thì có nhiều cái chung cho các dân tộc và có thể định tính, định lượng được qua các chuẩn mực, tiêu chí, có thể đánh giá được sự tốt, xấu, đẹp hay không đẹp. Thí dụ yêu nước là giá trị chung cho nhiều dân tộc. Dân nào cũng yêu nước của mình cả, chỉ khác là cách thể hiện qua suy nghĩ và hành vi là khác nhau, dựa trên chuẩn mực và tiêu chí khác nhau. Tính cộng đồng cũng vậy, nhiều dân tộc có tính cộng đồng chứ không riêng chúng ta. Thêm nữa, cũng là giá trị ấy nhưng cách thể hiện, chuẩn mực lại khác nhau trong từng thời kỳ, giai đoạn. Yêu nước trong kháng chiến chống Mỹ là hi sinh cho độc lập tự do của dân tộc ( thà hi sinh chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ). Còn bây giờ, thì yêu nước là làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh. Hơn nữa, giá trị có tính ổn định, nhất là giá trị truyền thống, nhưng hiện nay là thời kỳ mà đất nước có sự chuyển biến thay đổi to lớn từ kinh tế đến các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội, bên cạnh giá trị cũ, nhiều giá trị mới xuất hiện do nhu cầu của cuộc sống hôm nay, do tiếp nhận cả những giá trị mới của thời đại. Có những giá trị cũ phù hợp với xã hội truyền thống như tính cộng đồng, bây giờ vẫn còn giá trị, nhưng một mặt nào đó, khi chúng ta bước vào kinh tế thị trường, vai trò cá nhân nhất là những cá nhân nổi trội, thì tính cộng đồng theo kiểu truyền thống có lúc là rào cản cho sự phát triển. Nó kìm hãm sự phát triển cá nhân, cá tính không phát huy được nội năng của cá nhân, không sử dụng được nhân tài. Nhìn trên quan điểm phát triển, nếu quan niệm bản sắc là giá trị tồn tại tương đối lâu dài trong truyền thống văn hóa của dân tộc thì việc định hướng xây dựng giá trị mới đang đặt ra cấp thiết hiện nay phải làm như thế nào? Khó khăn hơn nữa là làm sao và bằng cách nào để để bảo tồn và phát triển văn hóa, cụ thể hơn là những giải pháp trên thực tế. Như vậy, tiếp cận bản sắc văn hóa dân tộc từ quan điểm giá trị mới chỉ đưa ra quan điểm, nhận thức về mặt lý thuyết cho việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc chứ chưa đưa ra được các giải pháp về mặt thực tiễn.

Một phần của tài liệu Báo cáo khoa học khái luận về văn hóa (Trang 62 - 65)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)