- Riêng với quan niệm xem văn hoá như là một tiểu hệ thống đặc biệt của toàn bộ hệ thống xã hội thì nhóm này cho rằng văn hoá chỉ là mặt biểu hiện của đời sống tinh thần Cho nên tiểu hệ thống xã hội đặc biệt này cũng
2. Giá trị văn hoá với bản sắc, di sản, biểu tượng vàchuẩn mực
Trong văn hoá học, giá trị cùng với các khái niệm bản sắc, bản lĩnh, biểu tượng, di sản, chuẩn mực...tạo nên một hệ thống các khái niệm, chúng khác nhau nhưng có mối liên hệ, giao thoa với nhau, do vậy, khi tìm hiểu giá trị văn hoá, chúng ta không thể không đề cập tới các khái niệm liên quan.
- Trước nhất, bản sắc văn hoá được hiểu như là một tổng thể các đặc trưng của văn hóa, được hình thành, tồn tại vá phát triển suốt quá trình lịch sử của dân tộc, các đặc trưng văn hóa ấy mang tính bền vững, trường tồn, trừu tượng và tiềm ẩn, do vậy muốn nhận biết nó phải thông qua vô vàn các sắc thái văn hóa, với tư cách là sự biểu hiện của bản sắc văn hóa ấy. Nếu bản sắc văn hóa là cái trừu tượng, tiềm ẩn, bền vững thì các sắc thái biểu hiện của nó tương đối cụ thể, bộc lộ và khả biến hơn[6].
Bản sắc văn hoá góp phần tạo nên bản lĩnh văn hoá, bản lĩnh dân tộc. Với ý nghĩa đó, bản lĩnh được coi là sức sống, sự từng trải, sự đáp trả một cách vững vàng trước những thách đố của xã hội và lịch sử của một cộng đồng, một nền văn hoá. Như vậy, trong bản sắc văn hoá, bản lĩnh dân tộc đều chứa đựng những giá trị.
Để mỗi đặc trưng văn hoá trở thành bản sắc, thì ngoài tính đặc thù của nó thì trong mỗi bản sắc như vậy nó đều chứa đựng các giá trị. Chính vì vậy mà nhiều khi bản sắc được coi là giá trị và ngược lại giá trị lại được coi là bản sắc. Thí dụ, GS. Trần Văn Giầu có đưa ra 7 giá trị phổ quát của dân tộc Việt nam [7] Còn trong nghị quyết TW. 5 của Đảng, khi bàn về bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam thì đã nêu hàng loạt những đặc trưng [8]. Như vậy ở đây, cùng một thực thể, nhưng lại được quan niệm như là giá trị hay bản sắc.
Có tình trạng như vậy chính là giữa bản sắc và giá trị tuy là các khái niệm riêng, nhưng chúng lại có cái chung. Hiểu là bản sắc khi chúng ta coi đó như là cái căn cước, cái đặc thù của mỗi cộng đồng, phân
biệt nó với cộng cộng đồng khác; còn coi đó là giá trị khi người ta muốn nhấn mạnh đến tính ích dụng, tính đáp ứng của bản sắc văn hoá trước nhu cầu của xã hội. Như vậy, trong bản sắc văn hoá đều chứa đựng những giá trị nhất định hay nói cách khác, giá trị làm nên cái cốt lõi của bản sắc.
- Chúng ta cũng có thể đề cập tới giá trị trong mối quan hệ với di sản văn hoá (Cultural Heritage). Trong “Luật di sản” của nước CHXHCN Việt Nam, “di sản văn hoá là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”,“di sản văn hoá tồn tại dưới dạng văn hoá vật thể và văn hoá phi vật thể”[9]. Cũng có cách quan niệm rộng hơn “Di sản văn hoá là tòan bộ sản phẩm do các thành viên trong cộng đồng dân tộc sáng tạo, thể hiện dưới dạng những đối tượng vật thể (hữu hình) và phi vật thể (vô hình) mang tính biểu tượng, được lan toả (vô thức) và trao truyền (hữu thức) từ cộng đồng này sang cộng đồng khác, từ thế hệ trước cho thế hệ sau”[10]
Trong “Luật di sản” của nước ta nhấn mạnh những cái được coi là di sản văn hoá phải có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học chứ không phải toàn bộ những cái được con người tạo ra. Như vậy, trong nội hàm khái niệm di sản thì giá trị giữ vai trò nòng cốt, nó phân biệt tất cả các hiện tượng văn hoá nói chung với các hiện tượng văn hoá được coi là di sản. Do vậy, nhận diện, nghiên cứu các giá trị văn hoá chúng ta không thể không đề cập tới khái niệm di sản văn hoá. Nói cách khác, thông qua di sản văn hoá chúng ta có thể nghiên cứu giá trị văn hoá.
- Biểu tượng vừa như là sự biểu hiện, vừa như là bộ phận cấu thành văn hoá. Theo quan niệm của UNESCO : Văn hoá là hệ thống các biểu tượng do cộng đồng sáng tạo ra trong quá trình lịch sử và đến lượt nó biểu tượng chi phối những suy nghĩ, hành vi của con người, khiến cho các biểu tượng của cộng đồng này phân biệt với cộng đồng khác. Như vậy, văn hoá không phải là toàn bộ những gì con người sáng tạo ra mà phải là những gì đã kết tinh thành các biểu tượng.
Cũng giống như bản sắc, di sản, mỗi biểu tượng đều chứa đựng các giá trị nhất định, nói cách khác, cái gì chứa đựng giá trị thì mới có thể trở thành một biểu tượng văn hoá. Người ta nói, biểu tượng vừa mang tính phô bày, vừa mang tính che giấu, tiềm ẩn [11], chính cái phần che dấu, tiềm ẩn ấy chứa đựng các giá trị. Thí dụ, Quốc Tổ Hùng Vương là một biểu tượng dân tộc, văn hoá dân tộc, cái phô bày ra ngoài của nó là hệ thống các huyền thoại, phong tục, di tích, nghi lễ thờ phụng Vua Hùng..., nhưng cái ẩn tàng bên trong, mà cái đó chính là giá trị, đó là tâm thức “hướng về cội nguồn”, “uống nước nhớ nguồn”, cố kết dân tộc, tạo nên sức mạnh đảm bảo sự tồn vong của cộng đồng quốc gia dân tộc Việt Nam trước các thách đố của lịch sử.
Cũng như vậy, chúng ta có thể nói về biểu tượng Thánh Gióng chứa đựng giá trị tinh thần chống giặc ngoại xâm, biểu tượng Sơn Tinh chứa đựng giá trị tinh thần khắc phục những bất lợi của sức mạnh tự nhiên để bảo vệ và mở mang bờ cõi, môi trượng sống của cộng đồng.
- Mỗi xã hội, mỗi cộng đồng đều định hình các chuẩn mực trong việc ứng xử với môi trường, ứng xử xã hội, một nhân tố quan trọng đảm bảo tính kỷ cương, nề nếp, sự ổn định của cộng đồng ấy. Giá trị, bảng giá trị văn hoá có tính chất hướng dẫn các hành vi của con người, tuy nhiên nó chưa mang tính bắt buộc, còn chuẩn mực ứng xử thì chính là giá trị nhưng đã nâng thành quy chuẩn mang tính bắt buộc, nếu ai suy nghĩ và hành động trái hay vượt ra ngoài các chuẩn mực đó thì bị dư luận xã hội lên án. Nhưng chuẩn mực ấy nếu được ghi trong luật tục, hương ước và cao hơn trong luật pháp thì ai làm trái sẽ bị xử phạt với những mức độ khác nhau. Như vậy, trong chuẩn mực, tục lệ, luật tục, luật pháp đều chứa đựng các giá trị văn hoá nhất định.
- Nhân vật văn hoá, danh nhân văn hoá cũng là một đối tượng trong tiếp cận nghiên cứu giá trị. Xét về bản chất, nhân vật văn hoá, danh nhân văn hoá chính là văn hoá cá nhân, một dạng thức tồn tại của văn hoá [12]. Hơn thế nữa, theo quan niệm truyền thống Phương đông, một nền văn hoá đạt được trình độ văn hiến“Nước Đại Việt ta có nền văn hiến đã lâu” (Bình Ngô đại cáo), thì một trong những tiêu chí quan trọng là nền văn hoá đó phải có những con người văn hoá, danh nhân văn hoá, là gương mặt đại diện cho nền văn hoá của dân tộc ở một thời kỳ nhất định. Thí dụ, Trần Hưng Đạo ở thế kỷ XIII, Nguyễn Trãi ở thế kỷ XV, Nguyễn Du ở thế kỷ XVIII, Hồ Chí Minh ở thế kỷ XX... Ở những con người như vậy, ngoài tầm cao trí tuệ thể hiện trong học vấn, trước tác để lại, thì đạo đức, hành vi ứng xử, hoạt động xã hội của họ mang lại những lợi ích thiết thực, là chuẩn mực làm gương cho mọi người noi theo. Đặc biệt là với xã hội Phương đông, tính gương mẫu đã trở thành chuẩn mực của danh nhân, điều này ít nhiều khác biệt với
các xã hội Phương tây. Nói cách khác, những con người văn hoá, danh nhân văn hoá chính là hiện thân của một bảng giá trị văn hoá dân tộc.
- Như đã nói ở trên giá trị và hệ giá trị văn hoá của mỗi cộng đồng (tộc người, quốc giá...) không phải là cái gì mang tính chuyên biệt, loại trừ và tách biệt hoàn toàn với nhau, mà phần nhiều mang tính đồng nhất. Ít nhất, người ta cũng có thể nêu ra các cấp độ của giá trị : giá trị văn hoá tộc người (như tộc Việt, Thái, tày...), cấp độ giá trị văn hoá quốc gia –dân tộc (như Việt Nam, Trung Quốc...), giá trị văn hoá khu vực (như giá trị Châu Á) và giá trị văn hoá nhân loại. Các cấp độ trên có nhiều nét đồng nhất, tương đồng, nhưng cũng có những khác biệt, đặc thù, thể hiện ở các giá trị văn hoá đơn lẻ và đặc biệt là sự xếp đặt thứ tự các giá trị trong tổng thể bảng giá trị.
Từ đây, điều quan trọng mang tính phương pháp luận là, chúng ta nghiên cứu giá trị và hệ giá trị văn hoá của một dân tộc nào, cộng đồng nào thì luôn luôn đặt nó trong sự đối sánh với cộng đồng khác, trong sự liên hệ với các cộng đồng khu vực và rộng hơn là nhân loại. Chỉ như vậy, chúng ta mới có thể tìm ra, nhận diện được những nét tương đồng, đặc biệt là tính đặc thù của hệ giá trị văn hoá của cộng đồng mà chúng ta đang nghiên cứu.